Monday, January 29, 2024

NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ LÀ CỘNG ĐỒNG GỐC Á DUY NHẤT ỦNG HỘ ĐẢNG CỘNG HÒA (Harriet Nguyen / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Người Việt tại Mỹ là cộng đồng gốc Á duy nhất ủng hộ Đảng Cộng Hòa

Harriet Nguyen

Jan 25, 2024  4:36 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/01/nguoi-viet-tai-my-la-cong-dong-goc-a-duy-nhat-ung-ho-dang-cong-hoa/

 

                           Ảnh hưởng của chính trị quê nhà.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2024/01/247892374.jpeg

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

 

 Người Mỹ gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất có xu hướng bầu cho phe bảo thủ của Hoa Kỳ, theo khảo sát mới nhất của Pew Research thực hiện trong sáu tháng, từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023.

 

Trong năm nhóm gốc Á lớn nhất tại Mỹ, 68% người gốc Philippines, 68% người gốc Ấn và 67% người gốc Hàn nhận là người của Đảng Dân chủ hoặc thiên tả. Phần lớn người gốc Trung Quốc (56%) ủng hộ Đảng Dân chủ. Chỉ duy nhất cộng đồng người gốc Việt ngả về hướng ngược lại, với 51% nhận là người ủng hộ Đảng Cộng hòa.

 

Khảo sát này của Pew Research cũng tương đồng với một khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á vào năm 2018 của AAPI Data. Khảo sát này khi đó đã cho thấy cộng đồng gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất trong sáu nhóm (gồm năm nhóm trên và nhóm gốc Nhật) có xu hướng ủng hộ phe bảo thủ và Tổng thống Donald Trump. Xu hướng này có vẻ vẫn không thay đổi 5 năm sau đó.

 

 

Tại sao thông tin này quan trọng?

 

Cộng đồng người Mỹ gốc Á là nhóm cử tri có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ và cộng đồng gốc Việt là một trong số đó. Họ sẽ góp phần tác động vào tương lai chính trị của Hoa Kỳ cũng như các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

 

Đây không chỉ là cộng đồng hàng năm gửi về Việt Nam những nguồn kiều hối dồi dào mà còn gián tiếp tác động đến các hoạt động vận động cho các quyền tự do dân chủ cũng như yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị tại Việt Nam, thông qua việc lên tiếng với các nghị sĩ ở Quốc Hội.

 

 

Nguyên nhân do đâu?

 

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hiện tượng này. Một số cho rằng nó liên quan đến niềm tin văn hóa cố hữu (existing cultural belief). Nghiên cứu của Victor Satzewich từ Đại học McMaster cho rằng xu hướng bầu cử của cộng đồng người Việt ở Mỹ bị ảnh hưởng nhiều từ vấn đề chính trị quê nhà, như khía cạnh chống Trung Quốc.

 

Trong kỳ bầu cử 2020, Vũ Bảo Kỳ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quận hạt Dekalb cũng đưa ra một số phân tích cho CNN, rằng quan điểm chống Trung Quốc là lý do nhiều người có xu hướng ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump, người có nhiều tuyên bố chống Trung Quốc mạnh mẽ.

 

Ông Bảo Kỳ nhận định rằng nhiều cộng đồng người tị nạn chiến tranh Việt Nam sẽ không quên việc Quốc hội Hoa Kỳ vào thời điểm 1973-1975 (dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ) đã quyết định cắt giảm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Việt Nam Cộng hòa. Thời điểm đó, dưới áp lực của dư luận phản chiến tại Mỹ, đi cùng với cuộc khủng hoảng dầu và vụ bê bối Watergate của Tổng thống Richard Nixon, Quốc hội Hoa Kỳ đã đi đến quyết định trên, nhưng với nhiều người thì đó là một hành động “phản bội miền Nam Việt Nam”.  

 

Thêm vào đó, nhiều cộng đồng người Việt tỵ nạn chính trị sau cuộc chiến Việt Nam có cảm tình với Đảng Cộng hòa, đặc biệt dưới thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan từ 1981 đến 1989. Khi đó, Hoa Kỳ đã thực hiện các chương trình tiếp nhận thuyền nhân vượt biên, Chương trình Ra đi Có Trật tự (ODP), trong đó có Chương trình Nhân đạo (HO), tiếp nhận người tị nạn chiến tranh và gia đình từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.

 

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, dưới thời Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Richard Nixon, phía miền Nam Việt Nam buộc phải ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, còn các chương trình nhân đạo tiếp đón thuyền nhân Việt Nam đã được thực hiện dưới thời tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, Jimmy Carter từ những năm 1977-1981.

 

Linda Võ, một giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Irvine chia sẻ với Vox News rằng rào cản ngôn ngữ khiến nhiều người nhập cư dễ tiếp nhận thông tin giả hay tin tức lọt tai, tức hiện tượng thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

 

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt gặp nhiều rào cản ngôn ngữ hơn và có xu hướng sử dụng truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, một hình thức của truyền thông sắc dân (ethnic media).

 

Một nghiên cứu nhỏ của một học sinh người Mỹ gốc Việt, Judy Huỳnh, vào năm 2021 chỉ ra xa hơn, cho thấy ảnh hưởng của các kênh truyền thông hải ngoại. Nếu những kênh này cung cấp thông tin xác tín niềm tin của họ thì càng thúc đẩy niềm tin chính trị, dẫn đến việc những cử tri gốc Việt càng bỏ phiếu cho một xu hướng nhất định.

 

Điều này phù hợp với lý thuyết xã hội hóa chính trị (political socialization), một khái niệm về quá trình các cá nhân hình thành thái độ, giá trị, quan điểm và hành vi chính trị. Khái niệm này lần đầu được gọi tên bởi nhà xã hội học Herbert Hyman vào 1959 và dần được phát triển, khai thác sâu rộng hơn nhờ các nhà khoa học chính trị khác như Fred Greenstein, Richard Dawson và Kenneth Prewitt. Vào 1969, Dawson và Prewitt gọi tên các tác nhân tác động lên quá trình xã hội hóa chính trị  (agents of socialization) là gia đình, giáo dục, đồng nghiệp, bạn bè và cả truyền thông.

 

Điều đó cũng có thể lý giải vì sao có sự chia rẽ lớn giữa hai thế hệ cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Cũng theo khảo sát mới nhất của Pew Research, thì nhóm những người nhập cư đầu tiên, tức thế hệ cha mẹ đã sinh sống ở Mỹ hơn 20 năm sẽ có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Còn nhóm sinh ra ở Mỹ hoặc mới sang định cư thì có xu hướng bỏ phiếu theo Đảng Dân chủ. Hai nhóm này có hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn, khả năng ngôn ngữ, mức độ đa dạng trong tiếp cận truyền thông, cộng đồng bạn bè quá khác biệt.

 

Ngoài ra, có một giả thuyết khác của Bùi Anh Thư, thành viên của Tổ chức Người Mỹ gốc Việt Cấp tiến (Progressive Vietnamese American Organization, PIVOT) đề cập trong bài viết của Terry Nguyễn, rằng sự tương đồng về mặt ngôn ngữ giữa “Việt Nam Cộng hòa” và Đảng Cộng hòa có thể dẫn đến xu hướng ủng hộ đảng này. Tuy nhiên, lý thuyết trên chưa được nghiên cứu một cách kỹ càng.

 

Bên dưới xu hướng bầu cử “ngược chiều gió” này là những xung đột nội bộ, đa thế hệ của cộng đồng người Việt. Nhìn vào kết quả khảo sát của Pew, ta có thể thấy xu hướng này sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

 

Các giả thuyết ở trên chỉ phần nào giúp lý giải hiện tượng này và cũng cho thấy cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

-----------

 

Chú thích

 

  1. Asian voters in the U.S. tend to be Democratic, but Vietnamese American voters are an exception. (2023, May 25). Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/short-reads/2023/05/25/asian-voters-in-the-u-s-tend-to-be-democratic-but-vietnamese-american-voters-are-an-exception

 

  1. 2018 Asian American Voter Survey (AAVS) - AAPI Data. (2020, January 30). AAPI Data. https://aapidata.com/2018-survey

 

  1. Vu, B. (2020, August 6). The Asian American voters who could help Trump win a second term. CNN; CNN. https://edition.cnn.com/2020/08/05/opinions/asian-american-vietnamese-trump-election-vu/index.html

 

  1. CARTER PUSHING AID FOR “BOAT PEOPLE” (Published 1978). (2024). The New York Times. https://www.nytimes.com/1978/07/06/archives/carter-pushing-aid-for-boat-people-us-vessels-are-told-to-pick-up.html

 

  1. Nguyen, T. (2020, October 30). Many Vietnamese American voters prefer Trump over Biden. Here’s why. Vox; Vox. https://www.vox.com/first-person/2020/10/30/21540263/vietnamese-american-support-trump-2020

 

  1. Nguyen, J., & Solomon, R. (2021). The Influence of Ethnic Media Online on Vietnamese American Immigrant Voting Patterns. Journal of Student Research, 10(2). https://doi.org/10.47611/jsrhs.v10i2.1663

 

  1. Hyman, H. (1959). Political socialization. Free Press.

 

  1. Litt, E. (1969). Political Socialization. By Richard E. Dawson and Kenneth Prewitt. (Boston: Little, Brown & Co. 1969, Pp. 226. $1.95.). American Political Science Review, 63(4), 1293–1294. doi:10.2307/1955095 

 

 

 




No comments: