Tuesday, January 30, 2024

CHỢ GIÁO DỤC VIỆT NAM (VietTuSaiGon / Blog RFA)

 



Chợ giáo dục Việt Nam

VietTuSaiGon

Thứ Hai, 01/29/2024 - 11:29 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7922

 

Một dân tộc tốt đẹp sẽ có một thể chế chính trị tốt đẹp với một nền giáo dục tốt đẹp tỏa ra mùi thơm của lòng cao thượng, lòng nhân ái, tính trung thực và sự minh tuệ của tri thức. Ngược lại, một quốc gia tệ hại, hỏng hóc thì không những giáo dục mất đi mùi thơm mà còn có thể bốc ra mùi xú khí, xú uế bởi lòng tham, sự dốt nát, tính ích kỉ và nhỏ nhen. Vậy giáo dục Việt Nam đang tỏa ra mùi gì?

 

Trước nhất, sở dĩ nói đến mùi thơm của giáo dục bởi hai chữ Giáo Dục đã hàm chứa mùi thơm, mang hàm ý này. Giáo, gồm giáo hóa, giảng dạy, truyền đạt, truyền thụ... Dục gồm dưỡng dục, duy dưỡng, cưu mang... Ở đây, Giáo đã cho thấy rõ tính khai minh, cảm hóa, chuyển hóa con người từ chỗ u tối, mờ mịt, vô minh sang ánh sáng của tri thức và trí huệ, còn Dục, mang ý nghĩa của sự sinh trưởng, phát triển do được cưu mang, hun đúc và vun đắp bởi tri thức, nhân phẩm, trí tuệ, lòng yêu thương và tính trung thực.

 

Nói về giáo dục Việt Nam hiện nay, tình trạng mua bằng bán cấp xảy ra nhan nhản, thiết nghĩ không cần nhắc thêm, tình trạng tiêu cực, mang tình dục đổi điểm, xu phụ, bợ đỡ, đội trên đạp dưới diễn ra khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách... Như vậy, khái niệm Giáo Dục tại Việt Nam khó có thể nói rằng nó mang đúng ý nghĩa, nó tròn trịa, hay nó tỏa ra mùi thơm được.

 

Nhưng tình trạng này do đâu mà có? Có thể nói rằng, cho đến lúc này, tình trạng này là một dòng tâm lý đối lưu giữa nhân dân và đảng cầm quyền. Bởi giáo dục hoàn toàn nằm trong bàn tay của đảng Cộng sản, mọi hành vi ứng xử của giáo dục do sự nhào nặn của đảng Cộng sản. Và, sự lan tỏa, hiệu ứng của giáo dục lại thuộc về nhân dân. Vấn nạn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay nặng nề đến mức khó thở, thoi thóp.

 

Nhưng, thành tích giáo dục của Việt Nam lại rất kém mà bệnh thành tích lại rất cao. Thành tích, hiểu theo nghĩa tích cực, đó phải là thành tựu, thành quả thu được, hái được từ một quá trình dài học hỏi, tôi luyện và nỗ lực. Một người học giỏi, theo qui luật tự nhiên, thành tích của họ phải là tốt rồi, thành tích là minh chứng cho trình độ và năng lực học tập của mỗi cá nhân. Nhưng bệnh thành tích lại khác, đây là thứ bệnh ham muốn thành tích, bất chấp để có thành tích và sẵn sàng đánh đổi cả nhân phẩm, lòng trung thực để có được thành tích mặc dù nó không phải của mình.

 

Thành tích giáo dục ban đầu chỉ là bệnh thành tích của nhà trường trong cuộc chạy đua để đạt chỉ tiêu cấp trên đề ra, đạt mục tiêu có thưởng, được cấp trên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, có chút để lãnh đạo nhà trường chấm mút, dần dà, thành tích trở thành sản phẩm, vật trao đổi, mua bán giữa các trường với nhau và giữa trường với nhóm lãnh đạo ngành tương ứng. Càng về sau, thành tích càng trở thành thứ bệnh hoạn mang mặc cảm của một lớp người.

 

Lớp người này, họ là những ai? Tất nhiên họ phải là những kẻ có tiền, có quyền và có một nỗi mặc cảm sâu xa về học tập, tuổi thơ. Thành tích thường rơi vào đám con cán bộ. Bởi cha mẹ của chúng muốn thế, con có thành tích cao, vừa có cơ sở để nâng đỡ con sau này trên bước hoạn lộ, lại vừa có cớ để ngẩng mặt trước thiên hạ mà cũng là một thứ thuốc chữa đau cho vết thương danh dự do học dốt, xài bằng giả mà vẫn lội ào ào, chạy ào ào trong hệ thống, thăng tiến cứ như diều gặp gió của họ.

 

Vì có tiền, vì cần có nhưng thứ để xóa đi mặc cảm, kẻ giàu, mà phần đông là cán bộ luôn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua thành tích cho con. Thế nên mới có chuyện một bà mẹ ở Hà Nội bị lừa mất hơn một tỉ đồng vì muốn con mình là trạng nguyên tiếng Việt.

 

Cũng xin nói thêm, Trạng nguyên tiếng Việt là cuộc thi tổ chức nhằm hưởng ứng ngày "tôn vinh tiếng Việt" 8/9 theo Quyết định 930/QĐ-TTg năm 2022. Đây là cuộc thi online, các trường tham gia sẽ cho học sinh thi qua các bước sơ khảo bắt buộc, sau đó nếu đạt được số điểm từ 220/300 trở lên sẽ thi tiếp ở cuộc thi Hương do huyện, quận và thị xã tổ chức, thi Hương đạt điểm cao từ 220/300 trở lên sẽ tiếp tục thi Hội, tức cấp tỉnh và cuối cùng thi Đình, tức thi cấp trung ương và người đạt điểm cao nhất trong thi Đình sẽ được phong Trạng Nguyên.

 

Có thể nói đây là cuộc thi khá khôi hài và tốn thời gian của học sinh, thế nhưng các trường đều cố gắng gian lận trong cuộc thi để học sinh đi tiếp. Hầu hết các trường được phòng giáo dục giao tự tổ chức đều có giáo viên gà bài cho học sinh. Mà hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng muốn để trường tổ chức, vừa khỏe, lại vừa có thành tích cao (vì nó do giáo viện thi cũng có) cho địa phương.

 

Người phụ nữ bị lừa đảo hơn một tỉ đồng vì muốn con giật danh hiệu Trạng Nguyên chính là bị lừa qua cuộc thi này, người này bị lừa mua - bán thành tích cho con. Thử nghĩ, chỉ với một cuộc thi cỏn con, nhỏ nhoi như vậy, một cái danh hiệu hảo như vậy mà dám chi cả tỉ bạc để mua thì những danh hiệu khác, những cuộc thi khác người ta còn dám bỏ ra bao nhiêu tiền. Đương nhiên phải loại trừ các giải lớn cần nhân tài thực sự để đại diện cho quốc gia thì câu chuyện lại khác. Rất tiếc là trong nguồn cung ứng nhân tài đại diện cho quốc gia, cũng sẽ có rất nhiều gương mặt xuất chúng bị loại ngay từ đầu, nên cũng khó nói.

 

Và, khi bệnh thành tích phát tác, khi thành tích trở thành món hàng để mua bán, trao đổi trong cái chợ giáo dục Việt Nam như vậy, thì câu chuyện trở nên khác thường. Mùi thơm của giáo dục không những bị mất đi mà mùi xú uế của chợ giáo dục Việt Nam bốc ra ngày càng nhiều, càng nặng.

 

Tình trạng các quan chức cán bộ không còn lòng tự trọng, không trung thực ngày càng nhiều, nhiều vô số kể là do sự hỏng hóc của giáo dục, mọi bằng cấp họ có được do mua về từ chợ giáo dục và không những dừng ở đó, họ sẵn sàng chi hàng núi tiền để mua thêm một số món hàng trang trí cho con cái của họ từ chợ giáo dục mà ra.

 

Một khi cái chợ giáo dục trở nên nhọn nhịp, lộn xộn, thì các cô cậu sinh viên nghèo, học trò nghèo biết lấy gì để mua, họ chỉ còn biết lấy chính danh dự, tuổi trẻ, nhan sắc mà họ có được để mang ra đánh đổi một món hàng giáo dục, để thỏa chí gọi là đường học hành để rồi ngồi mơ mộng về công danh với món hàng vừa về tay, để rồi lại tiếp tục mang chút phẩm hạnh hay nhan sắc, chút tuổi trẻ hay ước mơ còn lại để ra chợ giáo dục mà đánh đổi, mua bán, trả chác nốt mà mang về một thứ gì đó mơ hồ tựa như niềm hi vọng.

 

Cuối cùng, cả một chợ giáo dục lộn xộn và nhặng xị, cái không khí ồn ào và mùi hôi thối từ chợ giáo dục chỉ tạm lắng xuống khi có cây gậy cũng như tiếng tuýt còi của người giữ trật tự nổi lên. Nhưng, tiếng tuýt còi hay cây gậy ba trắc đưa ra, vung tứ tung ấy cũng đã được báo trước thời gian, địa điểm, để rồi khi nó ngưng, mọi thứ đều trở lại như cũ, mùi thối càng thối hơn, chợ đông càng đông hơn và người mua kẻ bán lộn xộn càng lộn xộn hơn.

 

Cho đến lúc này, chợ giáo dục Việt Nam đang bước vào mùa Tết, hơn nữa kinh tế khó khăn, mọi thứ đều cần đến tiền, các cuộc thi mở ra liên tục, việc mua - bán thành tích diễn ra nhan nhản khắp mọi nơi. Và đương nhiên, người ta phải đeo khẩu trang để vừa giấu được mặt, vừa bớt phải ngửi cái mùi hôi thối của nhau.

 

Một nền giáo dục chợ, muôn đời cũng chỉ mua - bán và tạo ra không khí chợ búa, làm sao cứu sống được những giấc mơ cũng như mùi thơm của giáo dục được nữa. Thật đáng buồn!

 

VietTuSaiGon's blog






No comments: