(Liên quan tới một phần vụ án “chuyến bay giải cứu”)
Những con số biết nói
21/54 bị cáo trong vụ án bị truy tố về tội Nhận
hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với số
tiền nhận hối lộ thấp nhất là 437 triệu đồng (bị cáo Lý Tiến Hùng), cao nhất là
42,6 tỷ đồng (bị cáo Phạm Trung Kiên). Căn cứ vào số tiền họ nhận hối lộ để áp
dụng vào Điều 354 Bộ luật Hình sự một cách cơ học, tôi tự liệt kê và nhận thấy:
– Có 0 bị cáo bị truy tố theo Khoản 1 (số tiền
nhận hối lộ từ 2 triệu tới dưới 100 triệu đồng; mức án từ 2-7 năm tù);
– Có 01 bị cáo bị truy tố theo Khoản 2 (số tiền
nhận hối lộ từ 100 triệu đồng tới dưới 500 triệu đồng; mức án từ 7-15 năm tù);
– Có 02 bị cáo bị truy tố theo Khoản 3 (số tiền
nhận hối lộ từ 500 triệu đồng tới dưới 1 tỷ đồng; mức án từ 15 -20 năm tù);
– Có 18 bị cáo bị truy tố theo Khoản 4 (số tiền
nhận hối lộ từ trên 1 tỷ đồng; mức án từ 20 năm tù tới chung thân, tử hình).
Thế nhưng, thật bất ngờ khi bản luận tội của đại
diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề xuất mức án gây bất ngờ cho
nhiều người, cụ thể:
– Có 01 bị cáo phải chịu TNHS ờ mức hình phạt
trong khung truy tố (Khoản 4);
– Có 02 bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 3;
– Có 07 bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 2;
– Có 11 bị cáo được đề nghị mức án ở Khoản 1.
Như vậy, chỉ duy nhất 01 người trong tổng số
21 bị cáo phải bị giữ nguyên khung hình phạt giống mức truy tố, còn 20/21 bị
cáo khác đều được giảm ít nhất là 1 khung hình phạt, cụ thể:
– Hạ 01 khung: 03 người (Khoản 4 xuống Khoản
3: 01 người; Khoản 2 xuống Khoản 1: 01 người);
– Hạ 02 khung: 09 người (Khoản 4 xuống Khoản
2: 07 người; Khoản 3 xuống Khoản 1: 02 người);
– Hạ 03 khung: 08 người (Tất cả đều từ Khoản 4
xuống Khoản 1).
Con số tính toán cho thấy rõ: hành vi phạm tội
bị truy tố là ở khung cao chót vót nhưng khi đề nghị mức hình phạt thì thấp lè
tè.
Tại sao lại thế?
Tại sao mức án của các bị cáo lại được đề nghị
giảm sâu tới vậy?
Căn cứ để đại diện VKSND đề nghị là Khoản 1,
Khoản 2, Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Quyết định
hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng) khi người phạm tội
có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Trong vụ án, các bị cáo có khá nhiều tình tiết giảm nhẹ nên nhiều người được giảm
tới 1-2 khung là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có tới 8/21 bị cáo được giảm tới 3
khung hình phạt thì quả là điều hiếm thấy.
Bên cạnh đó, điều tôi băn khoăn là ngoài các
tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 thì không biết phía các cơ quan điều tra, kiểm
sát đã xem xét kỹ các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều
52 đối với các bị cáo khi cá thể hoá hành vi của từng người một cách triệt để
hay chưa vì theo tôi, có vài tình tiết sau đây có thể áp dụng cho khá nhiều bị
cáo: Điểm g). Phạm tội 02 lần trở lên (nhận hối lộ nhiều lần); Điểm l) Lợi dụng
hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó
khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (lợi dụng tình hình dịch bệnh).
Nếu một khi đã xem xét kỹ các tình tiết tặng nặng
và “đối trừ” nó khi xem xét, đề xuất mức hình phạt thì hẳn rằng, mức hình phạt
của các bị cáo sẽ được neo ở mức cao vời vợi hoặc ở mức chơi vơi chứ không tà
tà dưới mặt đất.
Có một số người hay nhắc tới việc khắc phục
trên 3/4 hậu quả, tôi xin giải thích thêm nội dung này: Việc khắc phục hậu quả
chỉ là 01 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51, Bộ luật hình sự 2015, sửa
đổi, bổ sung năm 2017, chứ nó không phải là bảo bối cho họ trong mọi hoàn cảnh.
Việc khắc phục hậu quả này chỉ là “kim bài miễn tử” cho người phải chịu mức
hình phạt cao nhất (tử hình) mà không cần phải chờ đặc ân mang tính may rủi từ
Chủ tịch nước (Đọc Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có
quy định về hình phạt tử hình).
Như vậy, dù lý giải theo cách nào đi chăng nữa,
thì việc đề nghị các mức án nhẹ tênh như trên đều “có vấn đề” và cần xem xét lại
một cách cẩn trọng và khách quan hơn.
Mức hình phạt sẽ răn đe được ai?
Với một vụ án điểm, tập trung cao độ sự chú ý
của dư luận; cũng là vụ án thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền
trong công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước nhưng tôi thấy
rằng, dù bản án chính thức chưa được ban hành nhưng đa số đều thấy rõ, bản án
không đủ sức răn đe. Gần như chắc chắn 100% sẽ không có ai bị tử hình vì duy nhất
chỉ có 01 người bị đề nghị mức án đó và cũng đã khắc phục hậu quả (còn thêm một
điều kiện nữa là tích cực phối hợp với cơ quan thẩm quyền… thì chỉ mang tính chất
cảm tính và dễ xử lý, hợp thức); những người còn lại được đề xuất mức án tương
đối nhẹ.
Không biết vô tình hay hữu ý mà một bị cáo đã
phát biểu ngay tại toà là ông ấy bảo với vợ là chuẩn bị tiền và ông ấy đi nghỉ
dưỡng một thời gian; câu nói đó bổng dưng trở thành trend cho nhiều người nói
và nó phần nào thể hiện thái độ của không ít người trong vụ án này đối với việc
đi tù. Đôi khi những lời khóc lóc, van xin trước toà chỉ là phương tiện để người
ta đạt được mục đích của mình mà thôi!
Bản án cho các bị cáo trong vụ án này sẽ là
phép thử cho tính hiệu quả của “công cuộc đốt lò” mà những người cộng sản kiên
trung cuối cùng đang thực hiện.
Niềm tin có bị lung lay?
Phần này tôi để lại hoàn toàn cho bạn đọc.
Mong mọi người phát biểu cảm xúc thực, hợp tác, chân thành và không kích động,
khiến tác giả phải xoá comment.
P/s: Sẽ có không ít luật
sư, bị cáo và gia đình bị cáo không đồng tình với quan điểm của tôi, nhưng trên
tư cách là công dân có trách nhiệm với tính nghiêm minh của pháp luật, với tư
cách là một luật sư có hiểu biết ít nhiều về pháp lý và kinh nghiệm tố tụng,
tôi phải cất lên tiếng nói phản biện; việc xem xét cuối cùng thuộc về HĐXX. Tôi
không ác độc tới mức phải đẩy bằng được ai đó vào tù nhưng tôi cũng không nhân
văn, dễ dãi tới mức nhu nhược để ai đó có thể chà đạp lên những giá trị của luật
pháp, vì nếu như thế, tôi cũng là kẻ đáng khinh.
No comments:
Post a Comment