Lại
câu chuyện giáo dục: Sao cả trăm ngàn trẻ tiểu học lưu ban?
RFA
2023.07.27
Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam mới đây
cho biết, cả nước có 105.734 học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình lớp
học, trong đó khối lớp 1 nhiều nhất với 52.456 học sinh.
Theo Vụ Giáo dục tiểu học, sở dĩ con số cao như vậy là do việc thực hiện
đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng
cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vụ Giáo dục tiểu
học cũng cho rằng, điều này phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung
trên bình diện toàn quốc.
Với con số hơn một trăm ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ bị lưu ban, nhiều
người cho đây là tin vui bởi không còn bệnh thành tích, nhưng nhiều người khác
lại cho là tin không vui, bởi đó là bộ mặt thật của giáo dục Việt Nam với
chương trình giáo dục không phù hợp.
Học
sinh lớp Một trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội. (AFP)
Thầy giáo Ngọc Sơn nói với RFA:
“Thật ra là học sinh tiểu học ở lại lớp thì nó cũng
có từ nhiều năm trước rồi, nhưng có lẽ chưa có một cái thống kê chính thức thôi.
Cái quan trọng là nguyên nhân dẫn đến việc các cháu
cấp một phải ở lại. Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Ví dụ bây giờ là bệnh thành
tích, con nít phải biết chữ trước khi vào lớp một. Còn nếu mà chưa biết chữ thì
khi vào lớp một hầu như bị thầy cô bỏ bê luôn. Nếu cha mẹ mà không cho học
thêm, học kèm thì chắc chắn các cháu nó sẽ lưu ban. Cái thứ hai nữa là các trường
mầm non dạy vẹt cho trả. Nhiều đứa cầm sách đọc ro ro mà hỏi từng chữ thì cháu
không biết. Những trẻ này lên lớp một sẽ rất khó để dạy lại vì cô giáo nghĩ
cháu biết chữ. Mà phải nói thật là bây giờ rất hiếm giáo viên có tâm. Một khi học
sinh đóng tiền học thêm là sẽ được lên lớp dù thực chất thì không có.
Còn một yếu tố nữa khiến trẻ không theo kịp chương
trình học. Do những học sinh yếu kém sẽ được thầy cô kèm học vào mùa hè rồi cho
thi lại. Có đứa thi hai, ba lần. Không ai bỏ công mà dạy nhiều nên cứ dạy qua
loa rồi cho tụi nó thi, cho điểm rồi lùa lên lớp là xong việc.”
Bệnh thành tích trong giáo dục ở Việt Nam từ nhiều năm qua bị coi là ngày
càng tăng dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất. Tháng 4 năm 2021, báo
chí Nhà nước Việt Nam đăng tải thông tin về việc một số học sinh trường Trung học
cơ sở Tân Mỹ, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp đọc viết khó khăn, dù đã học lớp 6
nhưng có chữ đọc được, chữ không. Có học sinh đã phải bỏ học vì mặc cảm không
theo kịp bài. Ngay chính những em học sinh này cũng không biết vì sao bản thân
lại được lên lớp.
Lý giải hiện tượng này, một lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp cho
rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc
các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra. Tuy nhiên, vị
lãnh đạo này nhìn nhận việc gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua
không phù hợp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, đối với học sinh chưa được xác nhận
hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên phải lập kế hoạch giúp đỡ; đánh giá
bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Đối với học sinh đã được giúp đỡ
mà vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ, giáo viên lập
danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc
được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của
ông với RFA:
“Theo quan điểm của tôi thì học sinh tiểu mà có nguy
cơ bị lưu ban lên tới con số cả trăm ngàn như thế thì đúng là quá lớn. Bởi trẻ
lớp một thật sự chỉ cần đến trường vui chơi, biết đọc biết viết đơn giản là đủ,
nhưng chương trình lớp một của trẻ đã nhiều thứ lắm rồi, những bốn năm môn.
Chuyện đó gây nặng nề học cho trẻ.
Theo tôi, phải giảm chương trình học cho trẻ cấp 1
xuống còn một nửa thôi. Vừa rồi tôi mở thử cuốn sách toán lớp 4, tôi kinh hoàng
vì chương trình quá nặng. Không hiểu khi soạn sách giáo khoa, các vị có thử đặt
mình vào vị trí đứa trẻ lớp 4 xem có nuốt nổi không. Lớp 5 còn nặng nề hơn. Cải
cách đâu không biết, chỉ biết làm khổ trẻ.
Đặc biệt có một phong trào rất tệ hại, đó là trẻ vào
lớp một người ta đua nhau bắt trẻ phải biết đọc biết viết trước khi vào lớp một
trong khi bộ giáo dục cấm không cho dạy chữ trước khi cho trẻ vào lớp một. Điều
này dẫn đến việc nhiều trẻ vào lớp một đã biết đọc biết viết rồi, những trẻ
khác chưa biết có thể có sự phân biệt đối xử dẫn đến giáo viên thẳng tay không
cho cháu lên lớp.
Đấy là một hiện trạng xảy ra rất là nặng nề ở những
nơi có điều kiện kinh tế tương đối phát triển.”
Là một phụ huynh có hai con đang tuổi đến trường, ông
Liêu Thái nêu quan điểm của mình với RFA:
“Hiện tại theo chương trình mà con tôi học thì tôi
thấy không quá nặng nhưng cái cặp sách của nó thì quá nặng. Có rất nhiều môn
không cần thiết nhưng lại là môn chính ở trong trường. Cho nên cái nguy cơ học
sinh ở lại lớp rất là cao. Đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Nguyên nhân chính là bệnh
thành tích. Có nghĩa là giáo dục Việt Nam nó giống như con rắn nuốt con nhái vậy.
Chỗ nào có con nhái thì cho nó phình lên, phần còn lại thì teo tóp. Nghĩa là ở
đâu có thi đua, có thưởng thì sẽ có thành tích. Cái thành tích đó nó không thật
bởi mọi chỉ tiêu giáo dục tại Việt Nam đều mang hơi hướng chính trị với tính đảng
rất cao. Do đó nó bị chi phối và nó không thật ngay từ trong bản chất.
Với con số hơn 100 ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ
lưu ban thì sẽ có hơn 100 ngàn cái nhu cầu đến với giáo viên. Có thể là học
thêm, có thể học kèm, có thể bằng cách này hay cách khác để đưa cho con mình
lên lớp. Bởi vì một cái nền giáo dục nghe nó lớn lao lắm với tiêu chuẩn xóa mù
chữ tại Việt Nam là đến lớp 12. Có nghĩa rối tất cả lại lên lớp.
Do đó theo tôi, việc rất nhiều học sinh có nguy cơ ở
lại lớp không hẳn là một tín hiệu tích cực trong giáo dục đâu. Có thể chuẩn bị
sẽ có một cái gì đó phía sau mà mình chưa biết. Nói tới giáo dục Việt Nam cho đến
bây giờ thì chỉ gói gọn trong bốn chữ: Không hết bi quan!”
Việc có cả trăm ngàn học sinh tiểu học lưu ban dẫn đến chuyện thiếu trường
lớp trầm trọng hơn trong cả nước. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong giai đoạn
2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225
trường. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường.
Còn ở TP.HCM, tình trạng thiếu lớp, thiếu thầy đã được báo chí nhà nước đề
cập đến. Theo đó, số liệu báo cáo của UBND TPHCM về công tác chuẩn bị năm học mới
2023-2024 cho thấy, toàn thành phố dự kiến tăng hơn 35 ngàn học sinh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 13 tháng 7 năm 2023, ông Hồ Tấn
Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo TP. HCM cho biết, để giải quyết tình
trạng thiếu phòng học, Sở đã trình đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy
nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử
dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng
địa bàn quận, huyện.
No comments:
Post a Comment