Vatican
và Việt Nam đồng ý mở Văn Phòng Thường Trực Tòa Thánh ở Hà Nội
Người
Việt
July 27, 2023
VATICAN (NV) –
Vatican và Việt Nam vừa đồng ý mở Văn Phòng Thường
Trực Tòa Thánh ở Hà Nội, một bước quan trọng trong quan hệ song phương qua nhiều
năm mà có thể dẫn đến quan hệ ngoại giao chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo
hoàn vũ với một quốc gia Cộng Sản, theo Reuters hôm Thứ Năm, 27 Tháng Bảy.
Sự kiện này xảy ra nhân dịp ông Võ Văn Thưởng,
chủ tịch nước Việt Nam, thăm Vatican, gặp Đức Giáo Hoàng Francis và Hồng Y
Pietro Parolin, người được coi là thủ tướng của tòa thánh.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/VN-Thuong-Tham-Vatican-1536x1127.jpg
Đức Giáo Hoàng Francis (bìa phải) tiếp Chủ Tịch Nước
Võ Văn Thưởng và phu nhân tại Tòa Thánh Vatican hôm 27 Tháng Bảy. (Hình: Tuổi
Trẻ)
Đây là kết quả của nhiều lần làm việc giữa
Vatican và Hà Nội, bắt đầu từ năm 2009, vẫn theo Reuters.
Thông cáo chung của hai bên ao ước “tiếp tục
gia tăng quan hệ song phương.”
“Nhân dịp Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng của Việt
Nam thăm Tòa Thánh Vatican ngày 27 Tháng Bảy, dựa trên căn bản đợt làm việc thứ
10 của nhóm hỗn hợp giữa Việt Nam và tòa thánh hôm 31 Tháng Ba tại Vatican, và
với mong muốn gia tăng quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng
chính quyền Việt Nam và tòa thánh kết luận ‘Đồng ý quy chế của Văn Phòng Thường
Trực Tòa Thánh tại Việt Nam,’” theo thông cáo của Vatican.
Trong buổi nói chuyện giữa Chủ Tịch Thưởng, Đức
Giáo Hoàng Francis, và Hồng Y Parolin, hai bên bày tỏ vô cùng trân trọng tiến bộ
trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican và những đóng góp tích cực của cộng đồng
Công Giáo tại Việt Nam cho đến nay, vẫn theo thông cáo của tòa thánh.
“Cả hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Văn Phòng
Thường Trực Tòa Thánh sẽ làm tròn vai trò và thực hiện quy định trong thỏa thuận,
đồng thời hỗ trợ cộng đồng giáo dân Công Giáo tại Việt Nam trong công việc của
họ theo tinh thần của pháp luật và hướng dẫn của giáo hội để thực hiện thiên hướng
‘đồng hành cùng dân tộc’ và làm ‘người Công Giáo tốt, công dân tốt’ và góp phần
vào sự phát triển của đất nước trong khi văn phòng sẽ là một cầu nối làm thăng
tiến quan hệ giữa Việt Nam và Vatican,” thông báo cho biết thêm.
Chuyến thăm lần này của ông Thưởng là lần đầu
tiên một chủ tịch nước Việt Nam đến Vatican kể từ năm 2016 khi ông Trần Đại
Quang gặp Đức Giáo Hoàng Francis.
Đây cũng là lần thứ bảy một lãnh đạo thuộc “tứ
trụ” Việt Nam thăm Vatican.
Lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam đến thăm
Vatican là vào Tháng Mười Một, 2007, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Giáo
Hoàng Benedict 16.
Năm 2009, Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, và
năm 2013, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng thăm Vatican và gặp vị giáo hoàng
người Đức.
Trong năm 2014, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh
Hùng và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vatican gặp Đức Giáo Hoàng Francis.
Đại diện không thường trú của tòa thánh tại Việt
Nam hiện nay là Tổng Giám Mục Marek Zalewski, trú ngụ tại Singapore, nơi
Vatican có tòa khâm sứ.
Vị sứ thần này được phép đến Việt Nam làm việc
với sự chấp thuận của chính quyền.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 27 Tháng Bảy, lần gần nhất
Tổng Giám Mục Zalewski đến Việt Nam là vào trung tuần Tháng Bảy, thăm
Giáo Phận Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hiện chưa biết ai sẽ được bổ nhiệm làm đại diện
thường trú Vatican tại Hà Nội.
Vatican là một nhà nước tọa lạc trong thủ đô
Rome của Ý, có quan hệ ngoại giao với khoảng 180 quốc gia trên thế giới.
Vẫn theo Reuters, Việt Nam chấm dứt quan hệ với
Vatican sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam lúc cuộc chiến kết thúc năm 1975. Chính
quyền lúc đó coi Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam là, về mặt lịch sử, quá gần
gũi với thực dân Pháp.
Hiện có khoảng 7 triệu giáo dân Công Giáo
trong tổng số 100 triệu dân tại Việt Nam và là tôn giáo lớn thứ nhì sau Phật
Giáo.
Ngoài quan hệ giữa Việt Nam và Vatican,
Reuters trích lời một giới chức cao cấp tòa thánh cho biết Vatican chính thức
và trong chốn riêng tư cũng yêu cầu Trung Quốc cho mở văn phòng thường trực giống
Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh.
Các giới chức Vatican hy vọng sự chấp thuận của
Việt Nam có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh có hành động tương tự, các nhà ngoại
giao nói với Reuters.
Quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc căng thẳng
kể từ khi có thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục hồi năm 2018 mà tòa thánh nói
rằng Bắc Kinh vi phạm nhiều lần. Vatican cho rằng một văn phòng thường thực tại
Bắc Kinh có thể tránh được các vấn đề như vậy trong tương lai. (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment