Bí
quyết sống còn của Đảng Cộng Sản Việt Nam
25/07/2023
https://thongluan-rdp.org/component/k2/item/29462-bi-quy-t-s-ng-con-c-a-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam
Không biết các đảng viên cộng sản Việt Nam, kể cả những
đảng viên cao cấp, có ý thức được không nhưng từ Đại hội VI năm 1986, nhất là từ
Hội nghị Thành Đô năm 1990, những người kế tiếp nhau lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt
Nam hình như nghĩ rằng họ đã tìm ra được một bí quyết để giữ vững quyền lực. Bí quyết đó là cứ rập khuôn theo Trung Quốc.
https://live.staticflickr.com/65535/53069439802_e878d1f1c9.jpg
Thư pháp chữ Quốc ngữ, báu vật của Việt Nam, một
phương cách thoát Trung hay chỉ là bản sao mờ nhạt của văn hóa Trung Hoa ?
Hai tiếng "thoát Trung" một thời đã
rộn lên và đạt cao điểm sau cuộc thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng năm 2015 rồi cuộc
thăm Việt Nam của Barack Obama năm 2016 từ vài năm nay ít còn được nhắc lại nữa,
gần như biến mất luôn từ cuối tháng 10 năm ngoái khi ông Nguyễn Phú Trọng hối hả
dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu của Đảng Cộng Sản Việt Nam sang chúc mừng Tập Cận
Bình ngay sau Đại Hội 20 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tại sao vậy ?
Theo gương Trung Quốc để được gì ?
Không phải là vì người Việt Nam, ngay cả Đảng
Cộng Sản Việt Nam, đã thân thiện hơn với Trung Quốc. Lý do chỉ là vì những người
cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, trước hết là ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
dù có thể không ưa gì Trung Quốc nhưng trong thâm tâm ngày càng tin rằng chế độ
cộng sản Việt Nam chỉ có thể là một bản sao của chế độ cộng sản Trung Quốc nếu
muốn tiếp tục tồn tại. Đảng Cộng Sản Việt Nam từ lâu vẫn coi Đảng Cộng Sản
Trung Quốc là ông thày, dù là một ông thày tham lam và đáng ghét. Những lãnh đạo
cộng sản Việt Nam gần đây chỉ làm đậm hơn một thói quen có sẵn.
Hãy thử nhìn lại quá khứ. Năm 1954, ngay khi vừa
làm chủ được miền Bắc, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lập tức thi hành chính sách Cải
Cách Ruộng Đất rập khuôn theo chính sách Thổ Địa Cải Cách mà Đảng Cộng Sản
Trung Quốc vừa thực hiện. Cuốn hồi ký Mặt Thật của Bùi Tín thuật
lại cảnh các cố vấn Trung Quốc ưỡn bụng ra vắt chân lên bàn vừa uống rượu Mao
Đài và khạc nhổ ồn ào vừa dạy các học trò Việt Nam ngoan ngoãn Trường Chinh (tổng
bí thư) và Hoàng Quốc Việt (ủy viên bộ chính trị) về cách làm cải cách ruộng đất.
Chính sách Cải Cách Ruộng Đất sau đó cũng được tiếp nối bởi giai đoạn tự phê
bình Trăm Hoa Đua Nở để phát hiện những phần tử cứng đầu cần phải trừng trị, rồi
vụ Nhân Văn Giai Phẩm, y kệt như những gì đã diễn ra tại Trung Quốc.
Quan hệ Việt Trung nguội lạnh dần từ thập niên
1960 vì xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc trong đó Đảng Cộng Sản Việt Nam chọn
phe Liên Xô ; căng thẳng Việt Trung lên cao dần và đạt tới cao điểm với cuộc
chiến tranh biên giới từ đầu năm 1979 đến cuối năm 1985. Tuy vậy, ngay trong
giai đoạn này Hà Nội vẫn âm thầm bắt chước Trung Quốc trong chính sách quốc nội,
đặc biệt là ưu tiên phát triển kỹ nghệ nặng, chủ yếu là than và gang thép. Từ
giữa thập niên 1980 trở đi, khi Liên Xô chao đảo rồi sụp đổ, Hà Nội lại tìm mọi
cách để quay về phục tùng Bắc Kinh, và lần này không điều kiện. Để được tha thứ,
chính quyền cộng sản Việt Nam đã chấp nhận mất hẳn hơn 700 km vuông mà Trung Quốc
đã lấn chiếm tại biên giới phía Bắc, nhượng hơn 10.000 km vuông hải phận, chấp
nhận mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Hội nghị Thành Đô năm 1990 đưa đến thỏa
hiệp hợp tác chiến lược toàn diện "4 tốt, 16 chữ vàng" mà
hoàn toàn không đặt lại các vấn đề hải phận, biên giới, Hoàng Sa và Trường Sa. Trên
thực tế Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận dâng đất, dâng biển, dâng đảo để được
làm chư hầu Trung Quốc.
Từ đó Trung Quốc lại lại trở thành người thầy
của của chế độ cộng sản Việt Nam.
https://live.staticflickr.com/65535/53069439807_267b476759.jpg
Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận
Bình tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng huân chương hữu nghị
Trung Quốc áp dụng chính sách kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa thì Việt Nam cũng kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Trung Quốc theo mô thức tăng trưởng bằng đầu
tư, lạm dụng xây dựng và xuất nhập khẩu thì Việt Nam cũng nhắm mắt làm theo.
Ngành xây dựng hiện chiếm khoảng 30% GDP tại Trung Quốc và khoảng 27% GDP tại
Việt Nam trong khi kinh nghiệm của mọi quốc gia đều cho thấy là khi trọng lượng
của xây dựng vượt quá 15% GDP thì khủng hoảng chắc chắn sẽ đến.
Việt Nam cũng đua đòi bắt chước Trung Quốc
phát triển công nghệ nặng và suýt nữa trở thành bãi rác công nghiệp của Trung
Quốc. Khi Trung Quốc nhận ra là không thể tiếp tục lập thêm các nhà máy nhiệt
điện than và các nhà máy gang thép nữa vì thị trường đã bão hòa và môi trường
đã quá ô nhiễm, họ bán rẻ các thiết bị của các công trình bỏ dở sang Việt Nam.
Các cấp lãnh đạo công nghiệp Việt Nam hăm hở đón nhận như một ơn huệ để rồi nhận
ra là vừa bị lỗ vốn vừa bị ô nhiễm. Formosa là thí dụ đau đớn nhất.
Trung Quốc áp dụng chính sách "một
con" thì Việt Nam cũng bắt chước ngay trong thập niên 1980. Sự bắt
chước này cực kỳ vô lý bởi vì lúc đó nước ta chỉ có khoảng 50 triệu dân, nghĩa
là hoàn toàn không có vấn đề nhân mãn, đói khổ là do quản lý kinh tế tồi dở chứ
không phải vì dân số.
Trung Quốc giới hạn thời gian cầm quyền của tổng
bí thư đảng trong hai nhiệm kỳ thì Việt Nam cũng giới hạn hai nhiệm kỳ, Trung
Quốc bỏ giới hạn này thì Việt Nam cũng bỏ, dù chưa chính thức.
Tập Cận Bình phát động chính sách chống tham
nhũng "đả hổ diệt ruồi" thì Nguyễn Phú Trọng
cũng "đốt lò" chống tham nhũng.
Khi dịch Covid-19 bùng nổ, chính quyền Trung
Quốc áp dụng chính sách Zero Covid thì Việt Nam cũng Zero Covid, dưới tên gọi "ba
tại chỗ", trước khi nhận ra là mình vừa không có nhu cầu vừa
không thể tiếp tục vì quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu.
Năm 2021 Trung Quốc bơm tiền đầu tư để có tỷ lệ
tăng trưởng GDP giả tạo 8% -một quyết định rất nhảm nhí vì người ta chỉ đầu tư
khi chắc chắn có lời chứ không đầu tư để thổi phồng GDP- thì Việt Nam cũng bắt
chước ngay để có mức tăng trưởng giả tạo 8% cho năm 2022. Rồi cũng choáng váng
như Trung Quốc.
Gần đây nhất, trong năm 2022, Trung Quốc tăng
lãi suất cơ bản vì sợ lạm phát thì ngay sau đó Việt Nam cũng tăng lãi suất cơ bản,
thêm 2% chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2023. Thế rồi khi Trung Quốc hoảng hốt
vì bị khiếm phát (deflation) khiến kinh tế khựng lại và vội vàng hạ lãi suất
thì Việt Nam cũng lập tức hạ lãi suất.
Thật khó thấy nước nào thán phục và noi gương
nước khác một cách triệt để và toàn diện như vậy. Để rồi đạt được kết quả nào ?
Chiến lược phát triển kinh tế 2011 – 2022 của Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam -được công bố rất huênh
hoang- dự trù "tới năm 2020 Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước
công nghiệp hiện đại với thu nhập trên mỗi đầu người ở mức trung bình".
Vào lúc này, tháng 7/2023, nghĩa là ba năm sau, công nghiệp chỉ mới đóng góp
khoảng 11% GDP và về cơ bản vẫn chỉ là gia công và lắp ráp ; GDP bình quân trên
đầu người, gần 3.000 USD/năm, chỉ bằng 1/4 mức trung bình thế giới. Nếu có chút
tự trọng, bất cứ một lãnh đạo quốc gia nào cũng phải rất xấu hổ. Tuy vậy ông tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khoe khoang : "Nước ta chưa bao giờ có được cơ
ngơi như bây giờ", và "mình phải như thế nào người ta mới nể phục chứ".
Cơ ngơi nào ? Ai nể phục Việt Nam ?
Cần nhìn rõ và nhấn mạnh
Nghiêm trọng hơn cả là sự rập khuôn theo Trung
Quốc trong chọn lựa định hướng tương lai cho đất nước và cho Đảng Cộng Sản Việt
Nam. Điều này cần được nhìn thật rõ và đặc biệt nhấn mạnh.
Từ giữa thập niên 1990, sau khi giai đoạn
"mèo trắng mèo đen" kết thúc với sự ra đi của Đặng Tiểu Bình, Đảng Cộng
Sản Trung Quốc đã tập trung học tập và nghiên cứu nguyên nhân sụp đổ của Liên
Xô, chủ đề chính của trường đảng Bắc Kinh. Kết luận của họ là Liên Xô đã sụp đổ
và tan vỡ vì muốn chuyển hóa về một "chế độ cộng sản có mặt người" với
các chính sách Glasnost (minh bạch) và Perestroika (cải tổ cơ cấu). Theo họ
không làm gì có thể có chế độ cộng sản nhân bản, giáo điều thì sống cải tiến là
chết, như chính Gorbachev và Yeltsin đã nhận định. Họ quả quyết phải "kiên
trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông" để duy trì
chế độ cộng sản và tránh sự tan rã của Trung Quốc. Một trong những nhận định
nòng cốt khác là muốn như vậy phải đặt vào địa vị cầm quyền cao nhất những người
thuộc ban tuyên giáo vì chỉ có những người này mới có thể thực sự kiên trì chủ
nghĩa Mác - Lênin, một chủ nghĩa đã mất hết sức thuyết phục sau khi bị cả thế
giới nhận định là vừa sai vừa độc hại. Họ đưa Hồ Cẩm Đào (năm 2002) rồi Tập Cận
Bình (năm 2012) lên chức tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước ; cả hai đều từng
là hiệu trưởng trường đảng Bắc Kinh. Việt Nam sau một thời gian lưỡng lự cũng
đã theo Trung Quốc trong chọn lựa này, cũng hô hào "kiên trì chủ
nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh" rồi đưa Nguyễn Phú Trọng
lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước từ năm 2011 và đang chuẩn bị cho Võ Văn
Thưởng ; cả hai đều là những cán bộ tuyên giáo trong suốt cuộc đời hoạt động.
Không biết các đảng viên cộng sản Việt Nam, kể cả những đảng viên cao cấp,
có ý thức được không nhưng từ Đại hội VI năm 1986, nhất là từ Hội nghị Thành Đô
năm 1990, những người kế tiếp nhau lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam hình như
nghĩ rằng họ đã tìm ra được một bí quyết để giữ vững quyền lực. Bí quyết đó là
cứ rập khuôn theo Trung Quốc, cứ làm theo Đảng Cộng Sản Trung Quốc là an toàn.
Niềm tin đó đã khiến họ yên tâm nghĩ rằng mình không cần giỏi và cũng không cần
những người có thực tài, chỉ cần những người ngoan ngoãn. Nó cũng khiến họ sẵn
sàng đàn áp thẳng tay những trí thức không phục tùng họ, như trong giai đoạn nội
chiến 1945 – 1975. Đảng cộng sản không cần người giỏi vì họ đã có ông thầy
Trung Quốc, người giỏi càng đáng ghét vì nhìn ra những thiếu kém của họ.
Dĩ nhiên chúng ta có nhiều điều để học hỏi ở
người Trung Quốc. Phải thành thực mà nhìn nhận họ hơn chúng ta khá nhiều. Họ có
một nền văn minh tương tự như chúng ta, nhưng lâu đời hơn và cao hơn chúng ta
nhiều. Những người Trung Quốc sang lập nghiệp tại Việt Nam cũng chứng tỏ có khả
năng tổ chức và kinh doanh hơn đa số người Việt Nam. Ngày nay, so với ta Trung
Quốc có dân số đông gấp 14 lần và một GDP cao gấp 40 lần. Chúng ta có mọi lý do
để nể trọng và sống chung hòa bình với Trung Quốc. Tuy vậy cũng cần tương đối
hóa. Trong hơn một thế kỷ chúng ta đã có dịp sống và làm việc sát với người
Phương Tây và đã tiến bộ rất nhiều ; nếu không có cuộc phiêu lưu cộng sản có lẽ
ngày nay chúng ta đã là một nước phát triển gần bằng Hàn Quốc và Đài Loan,
nghĩa là hơn hẳn Trung Quốc. Vả lại tất cả những gì chúng ta có thể học hỏi ở
Trung Quốc, chúng ta đều có thể học hỏi ở các nước dân chủ một cách nhanh hơn,
đầy đủ hơn và chính xác hơn. Chúng ta không cần phải rập khuôn theo Trung Quốc
một cách sùng bái như Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm, nhất là khi tôn sùng Trung
Quốc nhưng lại trịch thượng với người Việt Nam.
Chúng ta càng không có lý do nào để sao chép mô
hình chính trị của Trung Quốc, một mô hình mà chính họ cũng rất muốn bỏ
nhưng không thể bỏ. Trung Quốc trên thực tế không phải là một quốc gia mà là một
đế quốc, nghĩa là một tập thể nhiều nước phục tùng một trung ương. Đặc tính
chung của các đế quốc là luôn luôn phải đặt nền tảng trên một ý thức hệ ; khi ý
thức hệ đó phải thay đổi, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ đúng hơn và tốt
hơn, thì đế quốc không còn lý do tồn tại và phải tan vỡ. Đó đã là số phận của tất
cả các đế quốc đã có mặt trên thế giới. Đế quốc Trung Hoa đặt nền tảng trên Khổng
Giáo đã không tan vỡ khi chế độ cộng sản được thành lập bởi vì chủ nghĩa cộng sản
thực ra chỉ là một văn bản mới của Khổng Giáo, nhưng sẽ tan vỡ khi chuyển hóa về
dân chủ, bởi vì dân chủ là một ý thức hệ khác hẳn. Đó là lý do khiến Bắc Kinh
đang thiết lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Đó cũng là lý do khiến Đảng Cộng
Sản Trung Quốc từ chối dân chủ và chọn lựa kiên trì chủ nghĩa cộng sản, dù thừa
biết rằng dân chủ bắt buộc phải đến và chủ nghĩa cộng sản bắt buộc phải bị đào
thải. Không thể làm một chuyển hóa bắt buộc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ đang
cố trì hoãn sự tan vỡ của Trung Quốc. Đó là một chọn lựa tuyệt vọng.
https://live.staticflickr.com/65535/53070525408_f71594793d.jpg
Dân chủ vẫn đến và sẽ đến nhanh hơn họ tưởng. Ảnh
minh họa
Khác hẳn với Trung Quốc, Việt Nam là một quốc
gia chứ không phải là một đế quốc và hoàn toàn có thể dân chủ hóa với cùng một
lãnh thổ và cùng một dân số. Những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mù
quáng bắt chước Trung Quốc để không làm một cuộc chuyển hóa mà Trung Quốc cũng
rất muốn làm nhưng không thể làm trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể làm. Không
thể thiển cận hơn.
Tại
sao ? Đó là vì họ đặt Đảng lên trên Đất Nước, họ chỉ có một ưu tư là duy
trì quyền thống trị của họ trên dân tộc Việt Nam. Họ hành xử như một lực lượng
chiếm đóng chứ không phải một chính quyền Việt Nam. Nhưng họ sai hoàn toàn. Dân
chủ vẫn đến và sẽ đến nhanh hơn họ tưởng. Trung Quốc đã bắt đầu khủng hoảng về
mọi mặt chính trị, kinh tế, dân số, môi trường và hoàn toàn không còn là một chỗ
dựa hay một mẫu mực cho bất cứ ai. Muốn tiếp tục rập khuôn theo Trung Quốc cũng
không được nữa. Cuộc chiến Ukraine cũng đang thay đổi hẳn bối cảnh thế giới.
Làn sóng dân chủ thứ tư nhất định sắp tràn tới Việt Nam.
Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ được
nhớ tới sau này như những người đã cố tình ngăn chặn tương lai đất nước tới
cùng và giai đoạn cộng sản sẽ được nhìn như một trang sử buồn.
Nguyễn Gia Kiểng
(25/07/2023)
No comments:
Post a Comment