Hiếu Chân/Người Việt
July 28, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cai-chet-cua-mot-hong-ve-binh/
Ông Hoàng
Phủ Ngọc Tường, một nhà văn, một cán bộ Cộng Sản có tiếng tăm ở Việt
Nam, vừa qua đời hôm 24 Tháng Bảy tại Sài Gòn, chỉ 18 ngày sau cái chết của vợ
là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Lẽ ra chúng tôi không cần quan tâm, nhưng suốt mấy
ngày qua người Việt ở cả trong nước và ngoài nước cãi nhau ầm ĩ về vai trò của
ông này trong vụ thảm sát
hàng ngàn dân Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, khơi lại những ký ức tưởng chừng
đã xa xăm, mở lại những tài liệu tưởng chừng đã quên lãng nên bứt rứt và có đôi
dòng hầu bạn đọc.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/BL-Hoang-Phu-Ngoc-Tuong-1536x1038.jpg
Người dân Huế trở về sau khi Việt Cộng bị đẩy lùi khỏi
thành phố sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. (Hình minh họa: Terry
Fincher/Express/Getty Images)
Tranh cãi xoay quanh chuyện ông Tường có mặt ở Huế trong Tết Mậu Thân hay
không, có chủ tọa những “tòa án nhân dân” và giết chết hàng trăm người như dư
luận cáo buộc hay không. Cuộc tranh cãi một phần vì những phát ngôn bất nhất của
chính ông Tường, lúc nói có lúc nói không, khó mà khẳng định được lúc nào ông
nói thật, lúc nào ông giả trá.
Những tài liệu ghi nhận ông Tường có vai trò quan trọng trong các vụ thảm
sát dân Huế được các nhân chứng công bố khá sớm và chi tiết. Chẳng hạn, “Dải
khăn sô cho Huế” của nữ văn sĩ Nhã Ca, “The Viet Cong Massacre At Hue” của Bác
Sĩ Alje Vennema người Hòa Lan, “Huế Thảm sát Mậu Thân 1968” của Thiếu Tá Liên
Thành, phó trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên tại thời điểm xảy ra biến cố… Những
tài liệu này hiện có khá đầy đủ trên Internet, bạn đọc có thể tìm thấy dễ dàng.
Đặc biệt, đích thân ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không giấu giếm mà có phần
huênh hoang khi kể về thành tích của ông trong việc lãnh đạo “cuộc nổi dậy” của
người dân Huế. Tháng Ba, 1981, trả lời đạo diễn bộ phim “Việt Nam Thiên Sử Truyền
Hình” – gồm 13 tập do đài WGBH-TV ở Boston hợp tác sản xuất với truyền hình
trung ương độc lập Anh và đài Antenne-2 của Pháp, được chiếu trên đài PBS từ
Tháng Mười đến Tháng Mười Hai, 1983 – ông Tường tươi cười gọi những người Huế bị
giết trong vụ thảm sát là “những con rắn độc.” “Chính nhân
dân đã căm thù quá lâu… Và đến khi mà cách mạng bùng lên, họ được như là lấy lại
cái thế của người mạnh thì họ đi tìm những kẻ đó để trừ, như là trừ những cái
con rắn độc mà từ lâu nay, nếu còn sống, thì nó sẽ tiếp tục nó gây tội ác trong
chiến tranh… Như vậy là cái giá đó, tôi nghĩ là, nó nhẹ. Nếu ai đã từng theo
dõi cuộc chiến tranh thì sẽ thấy từng cái món nợ đó là rất nhẹ. Nó rất gọi là
công bằng,” ông Tường nói trong phim ở tập số 7.
Từ những ghi chép của nhân chứng và lời ông Tường, dư luận từ lâu đã tin
chắc như đinh đóng cột rằng ông Tường – và đồng đội của ông như ông Hoàng Phủ
Ngọc Phan, em ruột ông, và ông Nguyễn Đắc Xuân, đồng chí của ông hiện còn sống ở
Huế – là những tên “đao phủ,” tên “đồ tể” trong vụ thảm sát ghê rợn ở Huế, Tết
Mậu Thân 1968.
Thế nhưng đến năm 2018, ông Tường bất ngờ đưa ra một lá thư mà ông đọc
cho con gái viết (ông Tường bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn từ năm 1989), cậy
đăng trên trang của ông Nguyễn Quang Lập, như muốn xin lỗi và tỏ bày. Trong
thư, ông nói vì sự kiêu ngạo của tinh thần cộng sản mà ông đã đứng ra nói như một
nhân chứng về thảm sát Mậu Thân. Thư viết: “Mậu Thân 1968 tôi không về Huế… Tôi
xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm, xin ngàn lần xin lỗi. Tôi đã tự rước họa
cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi,
tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống Cộng cực đoan vu khống và quy kết tôi như một
tội phạm chiến tranh.” Ông cũng thú nhận: “Sai lầm của tôi là nhận lời ông
Burchett và đoàn làm phim ‘Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình’ để trả lời phỏng vấn
với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.”
Ông nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian tổng tấn công Mậu Thân, ông không có mặt
ở Huế mà ở trên rừng, trong chiến khu nên không có chuyện ông nhúng tay vào cuộc
thảm sát.
Một số người tin vào lời biện bạch của ông. Nhưng phần lớn, đặc biệt là
người Huế và người có thân nhân bị tàn sát cách đây đúng 55 năm, chẳng những
không tin mà ngược lại càng ghê tởm ông. Họ coi ông là một tên tội phạm, lá thư
xin lỗi của ông ta không thể chấp nhận được, chưa phải là “lời cuối cho câu chuyện
quá buồn” như nhan đề lá thư tỏ bày của ông trên trang Nguyễn Quang Lập.
***
Bây giờ thì ông Tường sắp được vùi dưới ba tấc đất nhưng câu chuyện ông
và Mậu Thân vẫn chưa ngã ngũ. Một số người viện truyền thống văn hóa dân tộc,
“nghĩa tử là nghĩa tận,” để phản bác những ai nhắc lại quá khứ tội lỗi của người
mới chết. Có người dẫn ngôn ngữ nhà Phật để bảo, ông Tường bị liệt nửa người đã
hơn phần tư thế kỷ, sống không bằng chết, thì coi như ông ta đã trả cái “ác
nghiệp” nặng nề gây ra thời trai trẻ!
Chúng tôi nghĩ, không ai muốn đay nghiến hay luận tội người đã chết,
nhưng lịch sử và những con người liên quan cần luôn được xem xét, tìm hiểu,
không có gì bị lãng quên, để định hướng tương lai. “Cái quan luận định,” lúc
đóng nắp quan tài cũng là lúc một người phải chịu sự bình phẩm của thế nhân,
người càng nổi tiếng càng bị phán xét, không trách được.
Chúng tôi nghĩ, chuyện ông Tường có mặt ở Huế những ngày Mậu Thân hay
không thì không có nhiều ý nghĩa, không cần phải bàn cãi nhiều. Dù có mặt hay vắng
mặt, với tư cách người lãnh đạo cuộc “nổi dậy,” ông không thể tránh né trách
nhiệm vụ thảm sát hàng ngàn quân cán chính và dân lành vô tội ở Huế. Dù biện bạch,
dù “ngàn lần xin lỗi” ông vẫn không thể rửa sạch bàn tay nhuốm máu đồng bào vào
cái thời ông “mang đầy máu hồng vệ binh từ trong rừng ra,” là “cái thằng Tường
tín đồ mù quáng của giáo hội” như chính ông thú nhận với nhà thơ Ý Nhi trong một
lá thư viết tay ngày 30 Tháng Mười 1991 mà bà Ý Nhi mới công bố trên trang Văn
Việt.
Có điều, thiển nghĩ, những trí thức-đao phủ như ông Tường bất quá cũng chỉ
là tay sai mù quáng của một thế lực hắc ám hơn. Cuộc tấn công Mậu Thân được Cộng
Sản Hà Nội chuẩn bị nhiều tháng nhằm cướp chính quyền miền Nam bằng bạo lực và
khủng bố. Ở Huế, trước cuộc tấn công Mậu Thân, Cộng Sản soạn ra hai danh sách
những mục tiêu cần diệt, bao gồm tất cả các viên chức dân sự, sĩ quan quân đội
và gần như tất cả mọi người có liên quan tới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng như
những thương nhân bất hợp tác, trí thức và tăng lữ. Họ cũng lập ra cái gọi là Lực
Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình để thực hiện chiến dịch khủng bố dân
lành thay cho quân đội chính quy của họ và sau đó họ trắng trợn vu khống cho
người Mỹ và quân đội Cộng Hòa.
Với hơn 5,000 người bị giết, nhiều người bị trói cánh khuỷu, bị đập đầu,
bị chôn sống và phần lớn là thường dân vô tội, đây là tội ác có quy mô khủng
khiếp nhất của cuộc chiến. Đến bây giờ, 55 năm sau, nhà văn Phan Nhật Nam, một
cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng chiến đấu để giành lại thành Huế trong trận
Mậu Thân năm 1968, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi vẫn canh cánh trong lòng tất cả
những bi thảm đó với câu hỏi tại sao con người ta có thể ác với nhau như vậy? Tại
sao người Cộng Sản có thể tàn nhẫn với chính đồng bào của mình như vậy, những đồng
bào vô tội,” ông Nam giãi bày với đài VOA.
Được Việt Cộng đặt vô cái ghế tổng thư ký hữu danh vô thực của Liên Minh
Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, ông Tường hí hửng viết lời hiệu triệu dân Huế “nổi dậy,”
hí hửng lên truyền hình khoe khoang thành tích giết người theo danh sách cấp
trên ban xuống. Đến khi nhận ra những “hồng vệ binh từ trong rừng ra” như ông
chỉ là những con tốt đen, những công cụ vô minh thực thi cái công việc khủng bố
tàn ác và bẩn thỉu thay cho đảng thì đã quá muộn, bàn tay đã nhuốm máu đồng
bào. Hạng tép riu, “17 năm cảm tình đảng” mà vẫn chưa được đảng Cộng Sản thu nhận
như ông không đủ thẩm quyền, không đủ tư cách để tổ chức và chỉ huy một cuộc tắm
máu kinh thiên động địa như vậy nếu không có đèn xanh từ cấp cao hơn. Nếu không
trực tiếp tàn sát đồng bào thì ông Tường đã mua dây buộc cổ mình, và ông không
thể trốn tránh trách nhiệm bằng lời tuyên bố “tôi vắng mặt.”
Sau này, có lúc dường như tên hồng vệ binh vỡ mộng, nhưng thay vì lên tiếng
tố cáo những kẻ chủ mưu để gỡ tội cho mình, ông Tường lại chỉ quẩn quanh trong
việc tự thanh minh với những phát ngôn bất nhất và thù hận. Rốt cuộc, ông mong
ước “Vẽ tôi một nửa mặt người/Nửa kia mê muội của thời hoang sơ” (Người Hái Phù
Dung – thơ HPNT). Nhưng xem ra cái “nửa mặt người” phù du kia ông cũng không có
nốt, chỉ có một kẻ mê muội hoang sơ đến hơi thở cuối cùng. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment