Quyền... “gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng”
Thứ Sáu, 07/28/2023 - 01:27 — DongPhungViet
https://www.rfavietnam.com/node/7716
Tin ông Nguyễn Văn Dũng, 57 tuổi, vừa bị cách chức Giám đốc Sở Y tế Cà
Mau chìm lỉm trong vô số chuyện “trời ơi, đất hỡi” khác ở Việt Nam. Giờ, việc
giám đốc của sở y tế một tỉnh bị kỷ luật là chuyện nhỏ, không đáng phải bận tâm
nữa!
Hồi tháng ba ông Dũng bị đảng CSVN kỷ luật và nay bị hệ thống công quyền
cách chức vì cùng một lý do: Đã để thuộc cấp sai phạm trong việc tổ chức đấu thầu
– chọn nhà thầu của 11 gói thầu vào thời điểm COVID 19 gây đại dịch.
11 gói thầu do Sở Y tế, CDC, Bệnh viện Đa khoa của tỉnh Cà Mau làm chủ đầu
tư đều nhằm mua thiết bị, hóa chất để thực hiện xét nghiệm phòng chống COVID 19
từ Công ty Việt Á. Chênh lệch giữa giá trị thực với giá trúng thầu gây thiệt hại
hơn 12 tỉ đồng (1).
***
Cứ như những gì đã biết thì ông Dũng bị đảng của ông ta kỷ luật, rồi
bị hệ thống công quyền cách chức do trách nhiệm liên đới đối với sai phạm của
thuộc cấp là đúng đắn. Làm sao có thể chấp nhận chuyện người đứng đầu bình an,
vô sự trước hậu quả do thuộc cấp gây ra...
Tuy nhiên việc xử lý những người như ông Dũng khiến thiên hạ phải nêu lại
một thắc mắc vốn đã cũ, được nêu ra đã lâu: Tại sao thỉnh thoảng mới có những
viên chức lãnh đạo cấp thấp như ông Dũng phải chịu trách nhiệm liên đới, còn những
cá nhân lãnh đạo đảng, những cá nhân lãnh đạo hệ thống công quyền thì không, bất
kể hậu quả nghiêm trọng đến mức nào và hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chuỗi hậu
quả nghiêm trọng nằm trong phạm vi quyền hạn, đồng thời cũng là phạm vi trách
nhiệm của những cá nhân ấy?
***
Xét cho đến cùng, vụ án “giải cứu” hình thành từ sự chủ quan của giới
lãnh đạo chính quyền. Nếu chịu khó quan sát, suy nghĩ về hay – dở trong phòng
chống COVID 19 trên thế giới, lắng nghe khuyến nghị của các chuyên gia, doanh
nhân, kể cả sự ta thán của dân chúng để đặt định, điều chỉnh biện pháp, đừng áp
đặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập” suốt từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022, rồi
giao cho năm bộ (ngoại giao, y tế, giao thông vận tải, công an, quốc phòng)
chia nhau xem xét – phê duyệt từng chuyến bay đưa người Việt hồi hương, chắc chắn
sẽ không tạo ra một mớ viên chức đột nhiên trở thành “hữu trách” và biến chức
trách thành công cụ bắt chẹt. Vì sao trong đại dịch, kiều dân nhiều xứ cũng mắc
kẹt, cũng được giải cứu nhưng chỉ ở Việt Nam, “giải cứu” mới thành đại án?
Luật Hình sự Việt Nam có điều 360, xác định phải xử lý hình sự những viên
chức “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bất kỳ viên chức
nào do vô ý hoặc quá tự tin mà không làm hoặc làm sai,
hành động không kịp thời, không đầy đủ thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự do
“thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (3). Hậu quả của “giải
cứu” không chỉ nghiêm trọng mà còn “đặc biệt nghiêm trọng” nhưng chỉ có những
viên chức cỡ Thứ trưởng chịu trách nhiệm vì “nhận hối lộ”. Thậm chí ông Đỗ
Hoàng Tuyên, Thứ trưởng Y tế còn “bình an, vô sự” (4) dù thư
ký của ông ta (Phạm Trung Kiên) nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền nhận hối lộ
là 42,6 tỉ đồng và Luật Hình sự Việt Nam có điều 360.
Sự chủ quan của giới lãnh đạo chính quyền trong
phòng chống COVID 19 ở Việt Nam không chỉ tạo ra đại án “giải cứu”. Chính thực
tế cho thấy những chỉ đạo như “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” (5),
những yêu cầu như “mỗi phường, xã phải là một pháo đài” (6)... còn
tạo ra đại án “Việt Á”, góp
phần khiến vài chục ngàn người Việt uổng mạng, sinh hoạt kinh tế - xã hội bị lộn
ngược, làm suy kiệt khả năng hồi phục nhưng đến giờ... "Chỉ đạo
viên" Phạm Minh Chính vẫn vô can?
***
Cuối cùng, tính chất nghiêm trọng của những đại án như “giải cứu”, “Việt
Á” không chỉ gây thiệt hại về tài sản, nhân mạng mà còn góp phần khắc họa rõ
hơn tư chất, năng lực của các viên chức chính quyền - những cá nhân được đảng
CSVN lựa chọn, sắp đặt để lãnh đạo hệ thống công quyền từ trung ương đến địa
phương. Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm cả về hiệu quả hoạt động của hệ thống công
quyền lẫn hậu quả từ hành động của tất cả viên chức. Chẳng lẽ ông Nguyễn Phú Trọng
vô tội khi giành và giữ cho tổ chức chính trị do ông ta lãnh đạo quyền định đoạt
nhân sự, dẫn dắt quy hoạch nhân sự, loan báo đã lựa chọn những cá nhân “tiêu biểu” (7) nhưng
“sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật” cả trong BCH TƯ đảng CSVN lẫn Bộ Chính trị
càng ngày càng nhiều?
Chỉ có một cách để lý giải chuyện ông Trọng thường xuyên bi bô: “Phòng chống
tham nhũng, tiêu cực không đến nơi, đến chốn, thì phải xử lý trách nhiệm người
đứng đầu” (7), rồi dưới sự lãnh đạo của ông, đảng của ông ban hành hết quy định
này đến quy định khác, mới nhất là Quy định 69/QĐ-TW (tháng 7/2022) với những nội
dung, đại loại như: “Vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một
trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu
có chức vụ): Thiếu kiểm tra, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi
phạm quy định của đảng, pháp luật của nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo,
quản lý hoặc được phân công phụ trách” (8)... nhưng ông cũng như
các đồng chí cùng ông lãnh đạo đảng CSVN không tự xử, cũng chẳng bị xử là vì những
người như ông tự thấy có quyền... “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nhưng
không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm liên đới. Trách nhiệm
liên đới chỉ áp dụng đối với một số thuộc cấp do không may mà được chọn làm
trang sức cho “chỉnh đốn”. Còn gánh chịu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là trách
nhiệm của thứ dân – những cá nhân không may nên là công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam.
-------------
Chú
thích
(1) https://vnexpress.net/lien-quan-vu-viet-a-giam-doc-so-y-te-ca-mau-bi-cach-chuc-4634811.html
No comments:
Post a Comment