The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
27/04/2020
Dường như phật ý vì những
phản ứng gay gắt trước ý tưởng y tế lạ lùng của ông, Tổng thống Donald
Trump hủy các cuộc họp báo hàng ngày. Ông phàn nàn trên Twitter rằng
“Báo chí không hỏi gì khác ngoài những câu hỏi thù địch, và sau đó không báo
cáo sự thật hoặc sự việc một cách chính xác”. Sau khi ông giải thích rằng nhận
xét của ông về việc tiêm thuốc khử trùng [cho bệnh nhân covid-19] chỉ là “châm
biếm”, báo chí đã tỏ rõ thái độ hoài nghi.
Không phật ý nhưng có lẽ
là bất ổn, người bạn của ông Trump, nhà độc tài Kim Jong Un của
Triều Tiên, đã không xuất hiện trong hai tuần qua, và thậm chí đã bỏ lỡ lễ kỷ
niệm sinh nhật của ông nội mình, Kim Nhật Thành, vào ngày 15 tháng 4. Giữa những
tin đồn ông bị ốm hoặc đã chết, chính phủ Hàn Quốc khẳng định ông vẫn còn sống
và khỏe mạnh.
Trẻ em ở Tây Ban Nha được
phép ra khỏi nhà lần đầu tiên sau sáu tuần. Chính phủ Pháp và Ý trong tuần này cũng
sẽ công bố kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa. Đức, nước đã thành công hơn
trong việc ngăn dịch bùng phát hơn một số nước khác, bắt đầu mở lại các cửa
hàng hồi tuần trước. Họ cũng có kế hoạch mở lại trường học vào đầu tháng tới.
Boeing thông báo họ đã rút khỏi liên doanh đề xuất với Embraer được
thống nhất hai năm trước. Gã khổng lồ hàng không vũ trụ Mỹ tuyên bố Embraer
“không thỏa mãn các điều kiện cần thiết”. Công ty Brazil đáp trả với cáo buộc
Boeing tung ra “các tuyên bố sai sự thật như một cái cớ để lảng tránh cam kết…
trả cho Embraer mức giá mua 4,2 tỷ đô la”.
WHO cảnh báo “không có bằng chứng nào” cho thấy bệnh nhân covid-19 đã
hồi phục có thể miễn dịch. Cơ quan của Liên Hợp Quốc khuyên các chính phủ không
nên cấp “giấy chứng nhận miễn dịch” hoặc “giấy chứng nhận không có rủi ro” cho
những người từng nhiễm bệnh nhằm đẩy nhanh quá trình gỡ bỏ phong tỏa. Các loại
giấy tờ này có thể không chính xác và khuyến khích những người đã hồi phục bỏ
qua các biện pháp an toàn tiêu chuẩn.
Thủ tướng Anh hôm nay trở
lại làm việc sau khi khỏi bệnh covid-19. Boris Johnson là nhà
lãnh đạo chính trị cao cấp nhất thế giới bị nhiễm virus. Cuối tuần qua, tổng số
người chết vì căn bệnh này ở Anh đã vượt 20.000 người.
Bất chấp coronavirus, các
quy tắc giãn cách xã hội và chính phủ của họ, khoảng 300 người biểu
tình Hồng Kông đã tập trung tại một trung tâm mua sắm, hô khẩu hiệu và
hát các bài hát cho đến khi bị cảnh sát chống bạo động giải tán. Virus đã làm
gián đọan chuỗi nhiều tháng biểu tình bạo lực trên đường phố bắt đầu từ năm
ngoái. Căng thẳng gia tăng trở lại sau vụ bắt giữ 15 nhà lãnh đạo phong trào
dân chủ gần đây.
TIÊU ĐIỂM
Ấn Độ xem xét gỡ bớt phong tỏa
Thủ tướng Ấn Độ Narendra
Modi hôm nay sẽ họp video với thủ hiến 28 bang để thảo luận về cách giảm nhẹ
tình trạng phong tỏa toàn quốc trong 5 tuần qua. Các hạn chế khắc nghiệt về di
chuyển, dự kiến nới lỏng vào ngày 3 tháng 5, đã làm chậm đáng kể sự lây lan của
căn bệnh và giúp giữ số ca tử vong trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ ở mức dưới 1.000
người.
Nhưng phí tổn kinh tế rất
nặng nề, với khoảng 140 triệu người, tức một phần ba lực lượng lao động, bị mất
việc. Covid-19 lây lan không đồng đều; 40% trong số 718 quận của Ấn Độ không có
trường hợp nào trong khi Mumbai đông đúc bị ảnh hưởng nặng nề. Và trong khi một
số bang, như Kerala, đã ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa, thì các bang khác, như
Gujarat, lại gặp khó khăn. Vì vậy, giữa các bang tồn tại khác biệt về tốc độ
quay trở lại bình thường mà họ mong muốn. Nhiều bang cũng đang được quản lý bởi
các đảng đối thủ của ông Modi, những người phẫn nộ vì bị “trung ương” chỉ tay
năm ngón. Đây sẽ là một cuộc họp khó khăn.
Turkmenistan ngó lơ giãn cách
xã hội
Quốc gia Trung Á ẩn dật vừa
tận hưởng một dịp cuối tuần đầy lễ hội vui nhộn, trái ngược hoàn toàn với thế
giới đang gần như tê liệt. Bất chấp các quy tắc giãn cách xã hội, đám đông tập
trung tại các đường đua để chào mừng Ngày Ngựa, một ngày lễ quốc gia mà
Gurbanguly Berdymukhamedov, nhà độc tài tự đắc của nước này, rất yêu thích. Đây
là sự kiện thể thao mới nhất được chỉ đạo bởi “Người bảo vệ”, biệt danh người
hâm mộ dùng để gọi tổng thống, trong khi ông từ chối áp đặt các quy tắc giãn
cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của covid-19.
Gần đây ông đã cho phép
đi xe đạp hàng loạt trong lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới. Những nơi công cộng
được khử trùng với yuzarlik, một loại thảo mộc mà ông Berdymukhamedov tin rằng
có thể bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm. Chính phủ của ông tuyên bố
đất nước không có ca nhiễm virus nào. Tuần này, một phái đoán của Tổ chức Y tế
Thế giới sẽ đến Turkmenistan để giúp chuẩn bị đối phó với covid-19. Nếu điều đó
giúp thay đổi chính sách thì đó cũng chỉ là sự thay đổi muộn màng.
Đức từng bước nới lỏng các hạn
chế
Kể từ hôm nay, hầu hết 16
bang của Đức sẽ buộc người mua sắm và người đi làm phải đeo khẩu trang để ngăn
virus lây lan, nhằm giúp cuộc sống công cộng hoạt động trở lại. Nhờ vào tỷ lệ
xét nghiệm cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe được trang bị tốt, Đức đã vượt qua
cuộc khủng hoảng tốt hơn các nước khác như Pháp và Ý. Tuy nhiên, con đường quay
trở lại sự bình thường của họ vẫn chậm, vừa đi vừa dò dẫm và hoàn toàn có thể bị
đảo ngược.
Quán cà phê, quán bar, cơ
sở tôn giáo và hầu hết các cửa hàng lớn vẫn đóng cửa cho đến khi có thông báo mới,
cùng với trường mẫu giáo và trường học cho hầu hết trẻ em (mặc dù các bộ trưởng
giáo dục bang sẽ đưa ra một số đề xuất mở cửa trở lại trường học). Các sự kiện
lớn bị hủy bỏ cho đến sớm nhất là tháng 9. Một số người đã bắt đầu chán ngán
các hạn chế. Angela Merkel sẽ thảo luận về các bước tiếp theo với các thủ hiến
vào thứ Năm. Các cuộc họp có thể căng thẳng. Thủ tướng nói với quốc hội tuần
trước rằng một số bang đang “quá vội vàng” nới lỏng các quy định của họ.
Các cổ đông Boeing gặp nhau giữa
lúc công ty khó khăn
Tám năm trước, trong một
chương trình truyền hình, một nhóm các nhà khoa học đã cố tình đâm một chiếc
máy bay Boeing 727 không người lái vào sa mạc Mexico. Nhưng khi các cổ đông của
hãng máy bay Mỹ hôm nay họp trực tuyến thường niên, một thảm họa lớn khác lại
xuất hiện: tài chính của công ty. Giá cổ phiếu Boeing đã giảm hai phần ba chỉ
sau một năm. Lợi nhuận sa sút khi dòng máy bay 737 MAX bán chạy nhất bị cấm bay
từ năm ngoái vì hai vụ tai nạn, và vì nhu cầu vận tải hàng không bốc hơi do
covid-19.
Và các vấn đề tiếp tục chồng
chất lên nhau. Cuối tuần qua, Boeing đã hủy một liên doanh theo kế hoạch với
Embraer, lấy lý do là công ty hàng không vũ trụ Brazil không đáp ứng được các
điều kiện gắn với hợp đồng. Các nhà phân tích lo ngại lý do thực sự là Boeing
không còn đủ khả năng chi trả mức giá 4,2 tỷ đô la. Kết quả quý đầu năm của
Boeing, dự kiến công bố vào thứ Tư, sẽ cho chúng ta biết nhiều hơn. Có thể còn
nhiều tin xấu nữa.
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu
2019
Các lực lượng vũ trang
trên khắp thế giới đã được huy động trong những tháng gần đây để giúp xây dựng
bệnh viện, tuần tra đường phố và đảm bảo cung ứng đối phó với covid-19. Đồng thời,
hơn 1,9 nghìn tỷ đô la đã được chi cho các lực lượng vũ trang trên toàn cầu
trong năm 2019, theo một báo cáo công bố hôm nay bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình
Quốc tế Stockholm.
Đó là mức cao nhất về giá
trị thực (tính bằng đô la theo tỉ giá năm 2018) kể từ khi kết thúc Chiến tranh
Lạnh. Mỹ vẫn thoải mái đứng đầu, chi 732 tỷ đô la, nhiều hơn cả mười nước tiếp
theo cộng lại, và gấp gần ba lần so với Trung Quốc ở vị trí thứ hai (mặc dù nếu
dùng tỷ giá được điều chỉnh theo sức mua tương đương sẽ giúp thu hẹp đáng kể
khoảng cách này). Trong top 5 còn có Ấn Độ, Nga và Ả Rập Saudi. Song giữa lúc
giá dầu xuống và nền kinh tế thế giới sụp đổ, súng có vẻ sẽ phải nhường chỗ cho
bơ. Hàn Quốc và Thái Lan đã cắt giảm ngân sách quốc phòng cho năm tới. Các nước
khác chắc chắn sẽ làm theo.
----------------------------
Có Thể Bạn Quan Tâm:
No comments:
Post a Comment