Yến
Phương
27/04/2020
Những ngày này, người dân
Việt Nam ở trong nhiều tình cảm xáo trộn, khi thấy “giặc” Trung Quốc đang ngày
đêm uy hiếp nước ta. Nỗi lòng của người dân cả nước, trong đó có em – một người
con nước Việt, luôn tự vấn lòng mình, “ta phải làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”?
Xin tự giới thiệu với anh
Phan Đăng, em chỉ là một nữ sinh Sài Gòn, sinh năm 1995, mới tốt nghiệp đại học
luật, chuyên ngành luật quốc tế được 3 năm. Kiến thức của một cô gái nhỏ như
em, chắc chưa theo kịp với một nhà báo tiếng tăm tầm cỡ như anh. Nhưng em mạo
muội nói thẳng với anh một số vấn đề.
Cũng như nhiều bạn trẻ khác, em cũng rất say mê chương trình “Lẩm Bẩm
24h” của anh Phan Đăng trên kênh YouTube. Thế nhưng, khi nghe anh Phan Đăng
“lẩm bẩm” trên trang YouTube của anh về đề tài Biển Đông – kiện hay không kiện,
em từ kinh ngạc chuyển sang phẫn nộ.
Clip này, anh Phan Đăng
nói khoảng hơn 36 phút, em đã phải nghe ít nhất 5 lần, để hiểu được vì sao Việt
Nam “không chịu phát triển” và trở nên yếu hèn như vậy? Vì sao giới trẻ Việt
Nam nhiều người không yếu ớt về thể chất, nhưng lại bạc nhược về tinh thần? Vì
có những con người như anh, Phan Đăng ạ.
VIDEO :
Apr 11, 2020
Trong bài nói chuyện gần
40 phút này, luận điểm chính của anh Phan Đăng là:
Để trả lời cho câu hỏi, có nên kiện
Trung Quốc hay không, anh Phan Đăng nói là giới trẻ Việt Nam cần phải trả lời 3
câu hỏi của anh trước đã. Đó là i) Kiện toà nào? Kiện cái gì? Và sau khi kiện sẽ
làm gì?
Trong lúc hùng biện, anh
Phan Đăng đã dẫn chứng rất nhiều kiến thức từ luật quốc tế, lịch sử Việt Nam
cũng như quan hệ quốc tế hiện đại để dẫn chứng cho các luận điểm của anh ấy.
Và chốt lại, anh Phan
Đăng trả lời giùm là “các bạn trẻ cứ yên tâm đi, Đảng và Nhà nước đã biết hết
các nỗi lo của các bạn rồi, Đảng và Nhà nước đã có phương án hết cả rồi. Và
chúng ta cũng không cần kiện Trung Quốc đâu. Các bạn cứ tin tưởng vào Đảng và
Nhà nước đi”.
Bài viết của em để đáp lại lời anh, chia thành hai phần chính. Một là,
trả lời 3 câu hỏi của anh về chuyện kiện. Hai là, trả lời cho luận điểm hãy yên
tâm đi, mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo rồi.
Và bây giờ, em sẽ xin nói
thẳng với anh Phan Đăng từng vấn đề một.
Vấn đề 1
Thứ nhất, anh Phan Đăng
không phải là chuyên gia luật quốc tế, mà anh ấy cũng tự nhận, những cái anh ấy
nói, các cụ, các bác biết hết cả rồi. Tuy vậy, thực tế là kiến thức của anh
không có chuyên môn về luật quốc tế. Nhưng anh lại nói chuyện kiện tụng quốc tế.
Như vậy thì rõ ràng anh
ta nói về một thứ anh ta không nắm chắc. Mà không nắm chắc thì chắc chắn thông
tin anh cung cấp không đầy đủ. “Một nửa cái bánh mì là một nửa cái bánh mì,
nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật”. Đó là em chưa trích câu nói
của Lê nin – thầy của Đảng anh là, “sự nhiệt tình cộng với sự ngu dốt thành
một sự phá hoại”. Chính vì thế, nếu anh không rõ về luật quốc tế, thì “để Mị
nói cho mà nghe nè”:
1.- Kiện toà nào?
Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm
vào dịp hè về, tiếng ve kêu, hoa phượng nở là tàu Trung Quốc lại tiến vào vùng
biển của Việt Nam. Những căng thẳng lại dâng lên, và em lại nghe báo chí và các
chuyên gia lên tiếng là cần kiện Trung Quốc ra Toà.
Anh Phan Đăng có nhắc tới
3 Toà án quốc tế, nhưng hỡi ôi, anh lại nhầm lẫn. Toà thứ nhất, anh nói đúng,
đó là Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – Viết tắt là
ICJ). Toà này là cơ quan tư pháp của Liên Hiệp quốc.
Toà thứ hai anh Phan Đăng
nhắc tới là Toà trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration – viết
tắt là PCA). Đây là Toà quốc tế lâu đời nhất. Nhưng Toà này không phải là
Toà đã ra Phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc như anh nói đâu.
Toà thứ ba thì anh Phan
Đăng càng lầm lẫn. Toà này mới là Toà xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc
nhưng nó chỉ là một Hội đồng trọng tài được thành lập khi phát sinh vụ
việc giải quyết tranh chấp, thuật ngữ chuyên môn gọi là ad hoc. Vụ Philippines
kiện Trung Quốc là bởi vì, nếu một Toà muốn có thẩm quyền xét xử tranh chấp đó,
phải có thẩm quyền xét xử theo luật định. Hai Toà trên ICJ và PCA đều đòi hỏi các bên tranh chấp đồng
ý đưa lên Toà giải quyết thì Toà mới có thẩm quyền.
Thứ hai, trong Công ước
Luật biển của LHQ năm 1982 (gọi tắt là UNCLOS) có quy định, nếu các bên tranh
chấp mà tranh chấp đó liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích bất cứ điều
khoản nào của UNCLOS thì có thể sử dụng các cơ chế giải quyết được quy định tại
UNCLOS. Trong đó, có Toà
trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Và chính một Toà
trọng tài như vậy đã được thành lập với 5 Thẩm phán quốc tế lừng danh về luật
biển là thành viên của Hội đồng trọng tài.
Và theo quy định về giải
quyết tranh chấp như đã nêu trong UNCLOS thì nếu các bên đã tiến hành các thủ tục
giải quyết trong bước đầu tiên, nhưng vẫn không được, thì một bên có thể yêu cầu
một phán quyết từ Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS này, mà
không cần sự đồng ý của bên còn lại. Và nhờ có quy định đó, Philippines mới có
thể lôi được Trung Quốc ra Toà, bởi vì Trung Quốc có bao giờ thèm ra Toà đâu.
Tóm lại là thế này nhé
anh Phan Đăng, Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS xử vụ Philippines kiện
Trung Quốc là một Hội đồng trọng tài có 5 thành viên, được lập ra chỉ để giải
quyết vụ này thôi. Và Toà này sử dụng PCA làm chỗ để thực hiện vụ xét xử, sử dụng
các dịch vụ của PCA để tiến hành xét xử, và dĩ nhiên, sẽ phải trả tiền cho PCA
cho các dịch vụ này. Chứ không phải vụ này do PCA xử anh nhé.
Không biết nói thế này,
anh Phan Đăng có hiểu không nhỉ, chứ em hồi học đại học, các thầy cô đã giảng rất
kỹ về chức năng và tính chất của Toà này, cũng như về Phán quyết biển Đông năm
2016.
2.- Kiện cái gì?
Vấn đề số 2 này liên quan
đến vấn đề thứ nhất. Như đã trình bày ở vấn đề số 1, các Toà ICJ và PCA thì
không thể có thẩm quyền vì Trung Quốc luôn từ chối việc ra Toà, và hai Toà này
có thể khởi kiện vấn đề chủ quyền. Thế nhưng, tranh chấp chủ quyền là một câu
chuyện lâu dài, nó có khi kéo dài đến đời cháu anh Phan Đăng cũng chưa chắc đã
giải quyết xong.
Và chủ quyền không phải
là tất cả. Điều quan trọng đáng nói ở đây là Trung Quốc đang sử dụng lúc thì
“đường lưỡi bò” lúc thì “Tứ Sa” để làm bình phong cho việc “cướp biển” của Việt
Nam. Các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với nguồn tài nguyên hải sản
phong phú nay còn đâu? Ngư dân Việt Nam phải lang thang sang “trộm cá” tại vùng
biển của các nước khác.
Rồi dầu mỏ, khí đốt – nguồn
tài nguyên đã nuôi sống nhà nước Việt Nam thời bao cấp, nay còn đâu, khi các mỏ
gần thì đã khai thác sắp cạn kiệt, còn mỏ xa hơn một chút như Cá Rồng Đỏ, Cá Kiếm
Nâu, Sao Vàng – Đại Nguyệt… bị “giặc Tàu” đe doạ, bắt ép phải rút lui, không được
khai thác, cho dù nó nằm ở “nhà mình”.
Rồi nếu khi giặc Tàu kiểm
soát được hết vùng biển của mình, liệu tất cả các con tàu của mình có thể ra
khơi khi không được sự cho phép của nó? Vậy thì nguy hiểm nhất đang cận kề, đó là nguy cơ Việt
Nam đang mất biển. Biển mới quan trọng anh ạ. Chứ cái mỏm đá thì ăn
thua gì, nhưng ta phải giữ các mỏm đá ấy vì ta muốn giữ biển, anh Phan Đăng ạ.
Không biết anh Phan Đăng
thông kim bác cổ như vậy có biết câu: “Đường đi khó không phải vì sông ngăn núi
trở mà trong lòng cảm thấy có núi trở sông ngăn”. Lỗ Tấn cũng có câu: “Lúc ban
đầu, thế giới không có đường đi, về sau người ta đi mãi thì cũng thành đường”.
Trước năm 2016, anh nói
câu kiện hay không kiện như bây giờ, em nghe còn lọt tai, chứ sau năm 2016,
Philippines đã mở đường rồi anh ạ. Anh chỉ việc đi theo mà thôi, vấn đề là
anh có dám đi không? Và anh cũng biết rằng, khi người ta quyết tâm, người
ta sẽ hành động, còn khi người ta không muốn làm thì người ta tìm lý do.
Kiện cái gì thì em sẽ nói
đây anh ạ. Em – một cô gái chân yếu, tay mềm, nhưng không khiếp nhược trước giặc
Tàu “xâm lược”, sẽ chỉ anh cần kiện gì.
Nếu giặc Tàu lại tiếp tục
cho tàu bè của họ, Hải Dương địa chất các loại đó, xâm phạm vào vùng biển thuộc
đặc quyền kinh tế của mình, thì anh cứ thu thập bằng chứng về các hoạt động
trái phép của họ để đệ đơn lên một Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, yêu cầu Toà
phán quyết là hành động đó đúng hay sai?
Và giặc Tàu bảo đó là
vùng tranh chấp như khu vực Bãi Tư Chính chẳng hạn, thì anh có thể đệ đơn lên
Toà hỏi khu vực đó của Việt Nam hay của Tàu Cộng? Và ai có quyền khai thác dầu
mỏ, khí đốt ở đó? Cái đó hoàn toàn nằm trong việc giải thích hoặc áp dụng
UNCLOS, nên Toà sẽ có thẩm quyền anh ạ.
Anh có nói là Việt Nam có
thể yêu cầu Toà tuyên bố “đường lưỡi bò” vô hiệu. Anh ơi, cái đó Toà đã tuyên rồi,
anh mất công yêu cầu lại nữa làm gì.
Còn nhiều thứ có thể kiện
lắm anh ơi, chẳng hạn Hoàng Sa tuy Trung Quốc đang chiếm đóng, nhưng anh có thể
yêu cầu Toà trọng tài (từ giờ em nói Toà trọng tài tức là nói Toà trọng tài theo Phụ lục VII
UNCLOS nhé anh) phán quyết các thực thể tại Hoàng Sa có là đảo hay
không? Là vì Tàu Cộng nói đây là các đảo, họ có chủ quyền, nên nó có quyền kiểm
soát vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo đó.
Rồi năm 1996, Tàu Cộng
tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa, anh có thể kiện lên Toà trọng
tài, hỏi đường cơ sở thẳng ấy có vi phạm hay không?
Tóm lại là, nếu anh muốn
kiện (mà làm sao anh muốn được, phải Đảng và Nhà nước của anh, nếu muốn kiện),
cứ nói em. Em học luật quốc tế tại Sài Gòn, học chuyên Anh từ nhỏ, thì sẽ kiện
được, dư sức kiện anh nhé.
3.- Sau khi kiện thì làm gì?
Anh Phan Đăng nói, dù có
kiện ra Toà quốc tế thì cũng chả làm gì, vì các toà án quốc tế không có cơ chế
cưỡng chế thực hiện. Anh ơi, kiến thức này hồi năm thứ 3 em đã được học. Chả có
toà quốc tế nào có cơ chế cưỡng chế thực hiện, chỉ một ít trường hợp của ICJ
thì Hội Đồng Bảo An LHQ mới giúp thực hiện, mà thực tế ít xảy ra lắm anh ạ.
Nhưng sẽ có cơ chế, thưa
anh. Mà đúng rồi, anh ở cái xứ mà chỉ biết sử dụng cường quyền thì quan tâm gì
đến pháp luật. Pháp luật chỉ được áp dụng khi muốn “triệt tiêu” một ai đó thôi.
Chứ Đảng và Nhà nước của anh luôn ở trên pháp luật thì anh nghĩ luật pháp quốc
tế nó cũng vậy chăng? Anh có biết là gần 500 năm trước Công nguyên, tinh thần
tôn trọng pháp luật đã thấm đẫm trong tâm thức của người phương Tây ở Hy Lạp cổ
đại không, huống chi bây giờ. Nói như anh, chắc dẹp hết các Toà án quốc tế đi
nhỉ, vì gần như chả có toà án quốc tế nào có cơ quan cưỡng chế thi hành án như
nhà nước ta, anh nhỉ?
Và đây nè, em trích nguyên văn từ một bài viết của
anh Dương Danh Huy trên BBC, như sau: “Chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự nguyện tuân thủ phán quyết, cũng
như họ đã không tuân thủ phán quyết 2016 về vụ kiện Phi-Trung.
Nhưng một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung
Quốc sai, sẽ vô cùng hữu ích trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Các
nước khác, đặc biệt là Mỹ, có thể ủng hộ Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận,
không thể bị cho là thiên vị một bên trong tranh chấp và sự ủng hộ của họ sẽ có
nhiều trọng lượng hơn.
Trung Quốc sẽ không thể ngụy biện rằng họ đang giải
quyết và quản lý tranh chấp với các nước nhỏ một cách tốt đẹp, các nước ngoài
khu vực không nên xen vào. Các nước khác có thể lên tiếng bảo vệ các công ty dầu
khí của họ khi các công ty này làm việc với Việt Nam, Trung Quốc không thể yêu
cầu họ rút ra khỏi ‘vùng tranh chấp’.
Nếu trong tương lai Việt Nam phải đưa tranh chấp ra
LHQ, vì chắc chắn là Trung Quốc sẽ leo thang lấn lướt, nếu có trong tay một
phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, Việt Nam sẽ được nhiều phiếu
ủng hộ hơn”.
Đó anh thấy không. Kiện là kiện thôi, ăn thua có muốn
và có dám kiện hay không. Anh lại nói rằng, nếu kiện Trung Quốc thì
sẽ khó khăn cho người dân mình. Anh ơi, sao anh không nói Đảng và Nhà nước anh
học tập Đài Loan đi, họ không dựa vào Trung Quốc mà kinh tế họ vẫn phát triển ầm
ầm kìa. Khi đó thì kiện hay không cũng đâu có ngán.
Còn đây, cho dù Việt Nam
mình không kiện Trung Quốc, thì người dân mình vẫn buôn bán với họ theo kiểu
mình là con tin của họ. Lúc thích thì họ mua. Lúc không thích thì họ kiếm chuyện
đóng cửa. Mãi mãi người dân mình sẽ là con tin của họ thôi nếu không tìm cách
thoát khỏi “ảnh hưởng của họ”, anh ạ.
Vấn đề 2
Tiếp theo, anh Phan Đăng
nói là “các bạn cứ yên tâm đi, mọi việc Đảng và Nhà nước đã biết hết rồi, Đảng
và Nhà nước đã lo cả rồi”. Ôi thôi! Em sẽ phân tích từng thứ cho anh thấy
nhé.
Chắc anh phải biết, trên
báo chí người ta dẫn lời các chuyên gia từ trong, ngoài nước đều khẳng định là
Trung Quốc sẽ quyết tâm độc chiếm biển Đông cho bằng được. Điều đó không còn là
hồ nghi gì cả. Vậy anh nói Đảng và Nhà nước có cách rồi, không cần kiện mà vẫn
giữ được tất cả, không mất gì cả. Có chuyện đó không? Đảng và Nhà nước anh có
phép thần gì để làm được như thế?
Anh có biết là vừa rồi,
khi Trung Quốc lại nhắc lại cái “công hàm” Phạm Văn Đồng 1958 làm cả nước xôn
xao không? Anh biết vì sao người ta lại cãi nhau ỏm tỏi như vậy không? Đó là niềm
tin giữa những người dân với Đảng và Nhà nước của anh đã cạn kiệt rồi. Mà không
cạn sao được. Đảng và Nhà nước của anh nào là vụ Đồng Tâm, Văn Giang, Tiên
Lãng… toàn “đánh úp” người dân thôi. Thế thì làm sao mà họ tin vào Đảng và Nhà
nước được? Vì lỡ tin, lại có một cái Hiệp ước Thành Đô nữa hay sao?
Thêm nữa, Đảng và Nhà nước
của anh, từ Chính phủ đến quân đội, công an, đều tham nhũng đầy mình, đều là những
bầy sâu nhung nhúc, ăn của dân không chừa thứ gì. Ngay cả đại dịch Covid-19 mới
đây, mua cái máy xét nghiệm có 2 tỉ thì kê lên hơn 7 tỉ. Thế thì, với những đại
tướng tham nhũng như Phùng Quang Thanh, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, hay Trung tướng
Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành… những người đó mua tàu ngầm Kilo hay tàu chiến
Gerard về, lấy gì để bảo đảm họ không kê giá, không ăn bớt? Và những thứ vũ khí
đó, liệu có còn xài được không hay khi chiến sự nổ ra mới hiện nguyên hình là
những đống sắt vụn?
Chưa kể, với những người
tham tiền như thế thì Trung Quốc họ thiếu gì tiền, họ tìm cách hối lộ cho các
anh hàng tỉ đô la như cái vụ Bô xít Tây nguyên… Lỡ các anh bán nước thì làm sao
tụi dân đen như tụi em biết được?
Cho nên anh Phan Đăng ơi,
lẽ ra anh nên khuyến khích những người trẻ như em phải trăn trở với vận mệnh
dân tộc, phải đau với nỗi đau của dân tộc thì mới đúng. Đằng này anh bảo tụi em
hãy vô tư vui chơi đi, hãy trà sữa và tự sướng đi, cho dù ngã vào xe lửa chết
cũng được. Thao thức với dân tộc không có nghĩa là chúng em chống lại Đảng và
nhà nước của các anh, mà chúng em muốn đồng hành với Đảng và Nhà nước của anh
trong công cuộc chống lại giặc Tàu này.
Ngày xưa, Chế Lan Viên phải
đau khổ vì “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc
đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm
hồn”. Thế mà ngày nay, khi tụi em thao thức với tương lai của dân tộc, thì
anh lại khuyên bảo tụi em là hãy lo yêu nhau và làm tình đi, vì tất cả Đảng và
Nhà nước đã lo rồi. Cũng Đảng và Nhà nước của anh lo mà như chị Trần Thị Lam phải
đau khổ thốt lên rằng: “Rừng đã hết và biển thì đang chết/ Những con thuyền
nằm nhớ sóng khơi xa”.
Anh dẫn chứng lịch sử
chúng ta bị đô hộ hàng ngàn năm mà không bị mất nước. Đúng là như vậy. Bác Hồ
kính yêu của anh đã từng nói thế này: “Cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ
thể”. Chính vì thế, anh phải xem cụ thể trường hợp này thế nào nha anh? Nước
Việt Nam bị đô hộ hàng ngàn năm không bị mất là nhờ ý chí kiên cường bất khuất
chống giặc Tàu của cha ông ta, còn ươn hèn thì làm sao mà chả mất nước.
Anh hay nói về lịch sử,
anh có nhớ Hịch tướng sĩ không? Này nhé, “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm
vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da,
ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây
ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Phải có ý chí quyết tâm, căm
thù giặc như vậy thì mới có thể giữ được nước chứ anh.
Em còn muốn viết nhiều nữa,
nhưng em sẽ đợi khi nào anh trả lời em đã. À, em còn cần nói thêm với anh đôi
điều. Đó là thay vì kêu tụi em hãy yên tâm kê cao gối ngủ đi, thì anh cần nhớ lại
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của bác Hồ anh đó: “Chúng ta muốn hoà bình
nên chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ địch càng
lấn tới”.
Và mong rằng, Đảng và Nhà
nước của anh cần phải hiệu triệu toàn dân: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường
Sơn, quyết không để mất một tấc đất, tấc biển nào của tổ tiên để lại”, thì tất
cả những người trẻ như em sẽ theo bước, chứ không phải ru ngủ tụi em nhé anh.
Và nếu anh còn tiếp tục
ru ngủ nữa, anh sẽ là tội đồ của dân tộc này đó. Còn chương trình “Lẩm bẩm 24h”
của anh chắc nên đổi thành “Lẩn Thẩn 24h” thì mới đúng bản chất.
Chào thân mến và quyết thắng
nhé anh!
---------------------------
Tin liên quan:
Khi nào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc? (RFA) “Còn hàng trăm hàng ngàn dư luận
viên, cỡ như “Lẩm bẩm 24h” thì ấn vào đầu thanh niên học sinh ngày nay: ‘Kê cao
gối mà ngủ, mọi chuyện đã có đảng – nhà nước lo. Kiện Trung Quốc là mất hết đấy!’
(Có lẽ Phan Đăng sợ nhất là mất mất mấy cái ‘vòng kim cô’ do Bắc Kinh chụp lên
đầu “những con khỉ đột” đời chót!)”
VIDEO :
No comments:
Post a Comment