28/04/2020
Trải qua cuộc nội chiến, phía Bắc vẫn ca ngợi những
anh hùng của mình. Miền Nam cũng có những anh hùng trong trí nhớ của người dân.
Đó là lịch sử. Và lịch sử thì sừng sững, có thể được nhìn từ nhiều hướng nhưng
không ai có thể vin vào lý lẽ nào để xóa đi.
Dưới đây là chuyện kể của
bà Kim Hoàng, vợ của tướng Lê Văn Hưng, mở ra một góc khuất của lịch sử. Xin đặt
lại nơi đây, nhân tưởng niệm 45 năm cuộc tương tàn.
Từ trái sang phải :
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và Đại Tá Trần Văn Nhựt tại
chiến trường An Lộc hôm 7 Tháng Bảy, 1972. (Hình: Flickr manhhai)
***
Phút cuối của tướng Lê Văn Hưng
Bây giờ 7 giờ 30 tối ngày
30 tháng 4, Hưng gọi tôi lên văn phòng làm việc. Đây là giờ phút nghiêm trọng
nhất, không có ai hiện diện hết. Sau khi kể cho tôi nghe hết sự đổ vỡ từ trưa đến
giờ phút đó, Hưng nhấn mạnh: "Hoàng, em đã hiểu sự thất bại do các
nguyên nhân sau đây: Vị Đại Tá không tuân lệnh, nên giờ chót không điều động
quân về các vị trí chiến lược, trù liệu theo kế hoạch. Việc níu kéo sự tin tưởng
của dân chúng và binh sĩ không thành. Lời kêu gọi trễ tràng của Tướng Nam không
có tiếng vang. Cũng như lời yêu cầu của dân chúng thị xã Cần Thơ. "
Quắc đôi mắt sáng, Hưng
nhìn tôi dằn giọng: "Em phải sống ở lại nuôi con."
Tôi hoảng hốt: "Kìa
mình, sao mình đổi ý?"
- "Con chúng ta vô tội, anh không nỡ giết
con."
- "Nhưng không thể để con sống với Cộng Sản. Em
sẽ thay mình làm chuyện đó. Chỉ cần chích thuốc ngủ cực mạnh cho con. Chờ em một
chút, chúng ta cùng chết một lúc."
- "Không thể được. Cha mẹ không thể giết con.
Anh van mình. Chịu nhục, cố sống. Ở lại thay anh, nuôi con trở thành người công
chính. Phú quý vinh hoa địa vị hãy đề phòng, những thứ đó dễ làm mờ ám lương
tri. Nhớ, giang san tổ quốc là trọng đại hơn hết. Gắng chịu cúi lòn, nhục nhã để
nuôi con và cũng nuôi luôn ý chí để có ngày còn phục hận cho đất nước chúng
ta."
- "Nếu vì con, mình thương con, sao mình không
đi ngoại quốc?"
Hưng đanh mặt lại, nghiêm
khắc nhìn tôi trách móc:
- "Em là vợ
anh. Em có thể nói được câu ấy sao?"
Biết mình vụng về, lỡ lời
xúc phạm đến người, tôi vội vàng tạ lỗi:
- "Xin mình tha thứ. Chẳng qua vì quá thương
mình nên em mới nói thế."
***
Giọng Hưng thật nghiêm
trang mà cũng thật trầm tĩnh:
"Nghe
anh nói đây. Người ta trốn chạy được. Chớ anh không bao giờ trốn chạy. Mấy ngàn
binh sĩ dưới tay, hồi nào sinh tử có nhau, giờ bỏ mặc họ tìm sống riêng mình
sao? Anh cũng không đầu hàng. Bây giờ thì rút cũng không kịp nữa, vì vào mật
khu mà không có nguồn tiếp liệu vũ khí, đạn dược, lương thực thì không cầm cự
được lâu. Đã muộn rồi. Việt Cộng đang kéo vào đừng để anh không dằn được nổ
súng vào đầu chúng, thì gây thiệt hại cho dân chúng và anh em binh sĩ. Anh
không muốn thấy bóng dáng một tên Việt Cộng nào."
"Nhưng mình ơi, còn em? em phải làm gì trong
lúc này?"
Nắm chặt tay tôi, Hưng
nói: "Vợ chồng tình nghĩa bao nhiêu lâu, anh hiểu em và em hiểu
anh. Em tuy chỉ là con cá nhỏ nhưng biết mang ý chí kình ngư. Gắng chịu nhục.
Dù phải chịu trăm ngàn sự nhục nhã để nuôi con, để phục hận cho quê hương. Cải
trang, cải dạng, len lỏi mà sống. Anh tin em. Vì anh, vì con, vì nợ nước, tình
nhà, em có thể chịu đựng nổi! Nghe lời anh đi. Anh van mình, anh van
mình."
Tôi không sao từ chối được
trước ánh mắt van nài, trước những lời tha thiết ấy:
"Vâng, em xin nghe lời mình."
Hưng sợ tôi đổi ý, tiếp lời
thúc giục: "Em hứa với anh đi. Hứa một lời đi."
- "Em xin hứa. Em xin hứa mình ơi. Nhưng xin
cho em hai điều kiện. Nếu Cộng Sản bắt em phải sống xa con, nếu giặc Cộng làm
nhục em, lúc ấy em có quyền tự sát theo mình chứ?"
Hưng suy nghĩ giây lâu, gật
đầu đồng ý, và ra lệnh cho tôi:
"Em mời má và đem các con lên lầu gặp
anh."
***
Tôi quay đi. Ánh mắt bỗng
chợt đập vào lá cờ vẫn dựng ở góc phòng. Tôi vội vàng đem cờ đến bên người. Tôi
nói: "Bao nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Bây giờ mình hãy
giữ nó." Chúng tôi nhìn nhau cảm thông. Hưng ôm lá cờ, áp vào mặt,
đôi mắt Hưng chợt ướt. Sau cùng Hưng cũng rán đứng lên hối tôi: "Mau
mời má và mấy đứa nhỏ lên."
Khi mẹ tôi và các con lên
văn phòng, Hưng nói rõ cho mẹ tôi hiểu vì sao người phải chết và tôi phải sống.
Vâng lệnh Hưng, tôi mời tất
cả sĩ quan binh sĩ còn tụ họp dưới nhà lên văn phòng. Mọi người đứng xếp hàng
nghiêm trang và vô cùng cảm động. Giờ phút từ biệt sanh ly giữa những người từng
bao ngày sống chết bên nhau.
Hưng dõng dạc nói: "Tôi
không bỏ các anh và đưa vợ con trốn sang ngoại quốc. Như các anh đã biết, cuộc
hành quân chưa chi đã bị gẫy đổ nửa chừng. Tôi không phản công vào phút chót là
vì dân chúng. Tôi không muốn Việt Cộng pháo kích bừa bãi, biến Cần Thơ thành An
Lộc thứ hai. Tôi cũng không chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với
tôi, những lúc các anh lầm lỗi, tôi rầy la. Rầy la không có nghĩa là ghét bỏ. Rầy
la để mến thương nhau, để xây dựng nhau. Mặc dầu đất nước ta bị bán đứng, bị
dâng cho Cộng Sản, nhưng các anh không trực tiếp chịu tội với quốc dân. Chính
những người trực tiếp nắm vận mệnh các anh, mới chính là những kẻ trọng tội.
Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm, nếu có. Tôi bằng lòng chọn cái chết.
Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo
thành, theo nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi,
các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Đừng bao giờ để bị
Cộng Sản tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời
chào vĩnh biệt các anh."
Tướng Hưng đưa tay chào
và bắt tay từng người một. Mọi người đều khóc.
Đến bên Thiếu Tá Phương,
Trung Úy Nghĩa, Hưng gởi gấm: "Xin giúp đỡ giùm vợ con tôi. Vĩnh
biệt tất cả."
Mọi người đều đứng yên
không ai nói lên được lời nào. Mẹ tôi nhào lại ôm chầm lấy người, xin được chết
theo. Hưng an ủi mẹ tôi. Yêu cầu mẹ tôi cố gắng chăm lo cho cháu ngoại. Hưng ra
lệnh cho tất cả mọi người phải ra ngoài.
***
Không ai chịu đi. Hưng phải
xô từng người ra cửa. Tôi van xin: "Mình cho em ở lại chứng kiến
mình chết." Người từ chối. Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Hưng quay vào
văn phòng đóng chặt cửa lại.
Tôi gọi giật Nghĩa: "Nghĩa
trở lại với tôi." Tôi bảo Giêng tìm dao nạy cửa. Giêng bỏ chạy
như bay. Nghĩa trở lên, đứng trước cửa chờ đợi. Có tiếng súng nổ. Tiếng nổ nghe
chát chúa.
Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ 45 phút tối ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày
kết liễu cuộc đời của chúng tôi. Lê Văn Hưng, anh đã chết.
Giêng run run lấy dao nạy
cửa. Cửa bật ra. Nghĩa lách mình nhường tôi chạy vào phòng trước. Hưng ngả người
nằm trên, nửa người nằm dưới, hai cánh tay dang ra, cong lên và giật mạnh, toàn
thân run rảy từng cơn. Đôi mắt Hưng mở to căm hờn. Miệng Hưng há ra, đôi môi mấp
máy. Tôi ôm chầm lấy Hưng hỏi: "Mình, mình ơi! Mình còn lời gì dặn
dò em nữa không?" Hưng không còn trả lời được tiếng nào. Nghĩa
gào lên nức nở: "Chuẩn Tướng! Trời ơi, Chuẩn Tướng!"
Giêng chạy vào phụ Nghĩa
đỡ lưng và chân, tôi đỡ đầu Hưng, đặt nằm ngay ngắn trên giường. Máu tim nhuộm
thắm áo trận, ướt đỏ cả tấm drap trắng. Tôi đưa tay vuốt mắt cho người. Nghĩa vẫn
gào khóc: "Chuẩn Tướng! Chuẩn Tướng ơi!"
Tôi bảo Giêng: "Nói
Hòa đưa Hải, Hà, Quốc lên nhìn xác ba lần cuối. Dặn Phương cho Khiết, Hoàng giữ
ở cầu thang, bất cứ giá nào cũng phải ngăn chận Việt Cộng."
Tôi đi tìm đầu đạn và
đuôi đạn. Còn khẩu súng, lạ lùng thay không biết khẩu súng ở đâu. Đến lúc tắm rửa
người, thay drap vấy máu, tôi mới hiểu. Trước khi hồn lià xác, với ý chí cuối
cùng, người còn bình tĩnh nhét khẩu súng, giấu dưới nệm. Có lẽ người sợ tôi quá
xúc dộng, quên lời hứa, tự sát theo. Bé Hải lúc ấy năm tuổi, ôm hai chân ba,
khóc than, kể lể thảm thiết. Bé Hà hai tuổi, thơ ngây ôm chai sữa, lên nằm trên
bụng ba, bé mở tròn đôi mắt to, ngạc nhiên không thấy ba đưa tay bế bé như mọi
khi.
(Bài viết của Bà Quả phụ
Lê Văn Hưng, khuê danh Phạm Thị Kim Hoàng)
----------------
Tướng Lê Văn Hưng là chuẩn
tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3 năm 1972, ông được vinh thăng cấp bậc
Chuẩn tướng nhiệm chức tại Bộ tư lệnh Sư đoàn ở căn cứ Lai Khê, Bình Dương.
Sau trận tử thủ An Lộc
thành công nổi tiếng trong chiến trận "Mùa hè đỏ lửa", tháng 7 cùng
năm ông được tặng thưởng tại mặt trận Đệ tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh
dũng Bội tinh với nhành dương liễu cùng ân thưởng Huy chương đặc biệt mang danh
hiệu Bình Long Anh Dũng.
Ngày 1 tháng 11 năm 1974,
được lệnh bàn giao Sư đoàn 21 lại cho Đại tá Mạch Văn Trường (nguyên Chánh
thanh tra của Sư đoàn), để về lại Quân đoàn IV nhận chức Tư lệnh phó Quân đoàn
do Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975
vào lúc 8 giờ 45 sáng, khi được tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân
lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí đầu hàng. Tại Bộ tư lệnh Quân đoàn IV ông rất
đau buồn, với tinh thần bất khuất không chịu đào thoát hoặc đầu hàng địch.
Theo gương tiền nhân bảo
toàn khí tiết, sau khi gặp mặt thuộc cấp dặn dò, tâm tình và vĩnh biệt gia
đình, ông đã tuẫn tiết tại tư dinh ở trại Lê Lợi, Cần Thơ, bằng cách dùng súng
lục bắn vào tim tự sát vào lúc 20 giờ 45. Hưởng dương 42 tuổi.
26.04.2020
Nguồn: FB Tuấn
Khanh
(Bài trên facebook này đã
bị chặn).
No comments:
Post a Comment