NỘI
DUNG :
Hiền Minh
- Luật Khoa
Nguyễn
Hạnh - Luật Khoa
.
=============================================
.
Hiền
Minh - Luật Khoa
30/04/2020
Những ngày này có lẽ là
khó chịu đựng nhất ở miền Nam Việt Nam. Không hẳn là vì nắng nóng kéo dài, vì nắng
qua đến năm giờ chiều cũng dịu lại. Thứ nhất định không dịu lại, là những giai
điệu tự hào vang lên khắp các ngõ ngách; những lời ca tụng chiến công giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước xuất hiện không khoan nhượng trên mọi
chương trình thời sự, bất kể khung giờ.
Mà không chỉ có thời sự.
Tôi vừa xem một chương trình thể thao trên VTV1, trong đó có một cựu cầu thủ kể
về trận đấu giao hữu đầu tiên giữa hai miền sau khi thống nhất đất nước. Trận đấu
giữa đội Tổng cục Đường sắt (miền Bắc) và đội Cảng Sài Gòn (miền Nam) diễn ra
vào tháng 11 năm 1976 tại sân vận động Cộng Hoà ở Chợ Lớn, lúc đó vừa được đổi
tên thành sân Thống Nhất. Vị cựu cầu thủ đội Tổng cục Đường sắt kể, đại ý là
ông và đồng đội rất xúc động vì được người dân miền Nam yêu mến. “Nói xin lỗi,
người dân còn ra sờ tay sờ chân” và khen là “cầu thủ miền Bắc sao mà cao to, rắn
rỏi thế”. Ông kết lại phần chia sẻ một cách bài bản, rằng được vậy là nhờ Đảng
và Nhà nước đã tạo điều kiện cho anh em cầu thủ tập luyện ngay cả trong tình
hình khó khăn.
Những chương trình như vậy
được phát đi từ miền Bắc, bởi những người gọi chung là trung thành với lý tưởng
cộng sản. Kỉ niệm 45 năm ngày “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”
là một dịp không thể bỏ lỡ để họ, bên thắng cuộc, tiếp tục ca ngợi chiến thắng
của chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa.
Nhưng không phải nơi nào
trên đất nước Việt Nam cũng coi đó là một chiến công. Ở nơi tôi sống, một vùng
ngoại ô của thành phố Biên Hoà, ngày 30/4/1975 chưa bao giờ là một ngày vui.
Chưa bao giờ người dân ở đây cho rằng miền Nam được “giải phóng” từ sự kiện ấy.
Bác hàng xóm những ngày này không mở VTV, mà sẽ mở đài Á Châu Tự Do (RFA) bằng
âm lượng đủ lớn để cả xóm cùng nghe được. Rất thường xuyên, đài này sẽ phát những
bản tin chỉ trích chính quyền cộng sản từ góc nhìn của những người từ phía bên
kia, bên thua cuộc, những người không bao giờ được phép xuất hiện trên đài truyền
hình chính thống quốc gia.
Ngày 30/4
trong kí ức của người dân ở đây là ngày “Việt Cộng tràn về”. Kí ức vẫn còn mồn một
trong trí nhớ của cậu tôi, một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, về cảnh tượng
những người bị kết tội theo “ngụy quân” phải đứng xếp hàng trước sân nhà thờ để
bị bắn thẳng vào đầu. Đối với nhân chứng của những sự kiện khốc liệt như vậy, bốn
mươi lăm năm là không đủ để họ quên. Một người bạn thời cấp hai của tôi từng bị
một trận đòn oan chỉ vì đọc lịch sử hào hùng của ngày giải phóng trong sách
giáo khoa thành tiếng để học thuộc, và chẳng may bà nội nghe thấy. Bạn ấy đã
không biết là gia đình nội bị cướp hết tài sản sau biến cố “hào hùng” kia.
Nói như Giáo sư Chu Hảo
trong cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức thì không thể có hoà giải
dân tộc thực sự nếu như không có “công minh lịch sử”. “Công minh” không phải là
tìm ra một lịch sử duy nhất đúng (tôi e là thứ ấy không tồn tại), mà có nghĩa
là tiếp cận lịch sử bằng con mắt công bình và sáng suốt.
Tức là để cho con người từ
cả hai chiến tuyến cùng được hiện diện. Là kể lại lịch sử qua lăng kính trung
dung nhất, không bị bôi đen, mà cũng chẳng được tô hồng. Là không dùng bộ máy
tuyên truyền áp đặt cảm thức dân tộc bằng cách ra rả rằng mọi người dân đều rất
đỗi vui mừng và tự hào trước chiến công. Sự áp đặt bất chấp ấy sẽ chỉ gây hại
thôi, vì lờ đi những cảm xúc khác nhau trong nhân dân sẽ chỉ càng làm sự bất
mãn tiếp tục lớn lên theo năm tháng.
Tôi vẫn không thấy lịch sử
công minh ở đâu trong những ngày này. Mà thiếu đi thứ ấy, hoà giải dân tộc sau
bốn mươi lăm năm vẫn chỉ là ảo vọng xa xôi.
--------.-----------------------------------------------
30/04/2020
Có người cho rằng nhắc lại
lịch sử, bới móc quá khứ là điều không cần thiết. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy,
cho đến một ngày.
Đó là vào năm tôi 14, 15
tuổi, trong một bữa cơm tối, mẹ tôi đã kể lại tất cả những gì mà bà còn nhớ về
cái thời thơ bé của mình. Những câu chuyện của bà đã làm tôi bối rối nhiều năm
sau đó.
Vào cuối những năm 1960,
khi mẹ tôi còn là một cô bé 15 tuổi sống ở miền Nam, chiều nào bà cũng bới cơm
vào cà mèn rồi mang ra chợ cho bà ngoại tôi. Đoạn đường tuy không xa, nhưng nỗi
sợ hãi thì nhiều bởi những chiếc xe quân cảnh dập dìu trên đường phố. Mỗi lần
nghe thấy tiếng động cơ rầm rầm từ xa thì bà lại run lên vì sợ rồi chạy thật
nhanh tìm một góc nào đó để trốn. Những buổi tối đi mua nước đá cũng thế, có
khi về đến nhà thì bịch đá đã thành một bịch nước.
Mẹ tôi kể, ngày bộ đội tiến
vào thành phố, họ đã vào từng nhà trong xóm, tịch thu sách vở, băng đĩa ca nhạc,
cả những tờ lịch treo tường có hình các cô gái mặc áo tắm – vốn là một thứ hết
sức bình thường ở chế độ cũ. Mẹ tôi còn nhớ hình ảnh những người bộ đội đứng
bán hột vịt cho mọi người vì gia đình của hãng hột vịt này đã bỏ đi nước ngoài.
Khi tôi lên trung học phổ
thông, một lần tôi vào phòng truyền thống của trường, nơi lưu danh những giáo
viên cũ, trên một bức tường trong căn phòng này, tôi thấy tên ông bác của mình,
anh của ông ngoại tôi, người mà mẹ tôi đã kể rằng ông đã chết trong một rạp hát
vì những quả lựu đạn của du kích.
Mẹ tôi có ước mơ trở
thành một dược sĩ hay một nhà thơ, nhưng điều đó là quá xa vời đối với bà cũng
bởi vì ông ngoại tôi.
Mẹ tôi nói ông ngoại cũng
là một thầy giáo trung học. Vì ghét chế độ mới nên ông đã bỏ nghề dạy học và
không một đứa con nào của ông được đến trường.
Mẹ tôi còn nhớ rất rõ rằng
một lần ông ngoại trở về nhà trong một bộ quần áo rách tả tơi, thân thể gầy nhom
như một thây ma sau khi ông bị bắt đi đào kênh hàng năm trời. Bà không nhớ rõ
ông đã phạm phải tội gì mà phải bị đày ải như vậy, có lẽ một tội liên quan đến
chính trị. Không bao lâu sau khi về nhà thì ông ngoại tôi qua đời vì lao phổi.
Học trò cũ của ông đến đưa tang rất đông.
Nhưng ở trường học, chúng
tôi được học những thứ hoàn toàn đối lập với những câu chuyện mà mẹ tôi đã kể.
Chúng tôi được dạy về sự tàn ác của Mỹ-Ngụy, rằng nhân dân miền Nam đã chịu cảnh
đọa đày như thế nào trước khi cách mạng đến, rằng có những người ở miền Nam như
ông ngoại tôi xứng đáng đi cải tạo vì họ là những người rất xấu xa.
Vào lúc đó, sau những bài
học như vậy, tôi không biết nên xem ông ngoại mình là một người như thế nào, một
thầy giáo đàng hoàng hay một kẻ làm phản. Liệu tôi có phải là con cháu của một
người làm phản? Vào lúc đó, không ai giúp tôi trả lời những câu hỏi này. Mẹ tôi
rất hiếm khi nhắc lại những câu chuyện cũ, nhắc lại một quãng đời nhiều cực nhọc
và đầy sợ hãi của bà.
Nhiều năm sau đó, tôi gặp
một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ở Na Uy. Tôi còn nhớ ông kể rằng mọi người
trong trại cải tạo phải lao động từ sáng đến tối, như trồng bắp, xay bột, làm
mì sợi… Nhưng những thứ họ sản xuất thì được mang đi đến một nơi khác và những
thứ họ ăn chỉ là những đồ đã mốc meo, hư hỏng. Họ đã ăn như thế để sống trong
suốt nhiều năm trời. Ông vẫn còn nhớ một lần cán bộ đã chỉ thẳng vào mặt ông và
nói: “Các ông đòi hỏi gì, các ông còn không xứng đáng làm phân cho cây cỏ!”.
Sau lần trò chuyện với
người cựu binh đó, tôi biết rằng thứ lịch sử mà tôi được học ở trường không
hoàn toàn đúng, rằng có một lịch sử rất khác đã tồn tại, có những cuộc đời đã bị
sách giáo khoa bỏ qua.
Hiểu lịch sử để làm gì?
Lúc còn đi học, tôi không
tha thiết gì với môn lịch sử. Vì sao tôi lại phải học về những chuyện xảy ra
hàng chục năm về trước để làm gì? Tôi cũng không để ý đến những thứ mình được học
có đúng đắn hay không.
Cuối cùng, tôi cũng biết
rằng chỉ có tìm hiểu lịch sử mới giúp tôi hiểu được tại sao những câu chuyện của
mẹ tôi và sách giáo khoa lại khác nhau đến thế.
Tôi sẽ không thể giải đáp
nổi những thắc mắc của mình, liệu tôi có phải là con cháu của một người làm phản,
nếu không hiểu lịch sử như những gì đã xảy ra.
Tôi cũng sẽ khó tha thứ
cho ông ngoại của mình vì đã tước đi ước mơ của mẹ tôi. Tôi cũng sẽ không hiểu
rằng vì sao ông ngoại tôi trở về nhà trong một thân thể gầy còm như thế.
Nếu không hiểu lịch sử
như những gì đã xảy ra, tôi sẽ không biết cách ứng xử với người cựu binh đó như
thế nào cho phù hợp. Tôi cũng sẽ không biết vì sao người Việt Nam lại vượt biên
ra nước ngoài nhiều đến thế.
Nếu lịch sử không được diễn
giải như những gì đã xảy ra thì lịch sử chỉ là một căn phòng đóng kín, cách ly
nhân dân với quá khứ của mình. Thứ lịch sử như vậy rất có thể sẽ nuôi dưỡng
lòng thù hận hơn là sự cảm thông.
Ở Amsterdam, thủ đô của đất
nước Hà Lan, có một ngôi nhà bí mật nổi tiếng của gia đình Anne Frank. Nơi này,
cô bé Anne đã ghi lại nhật ký của mình về hai năm sống tách biệt với thế giới
bên ngoài vì người Đức đã chiếm Hà Lan và không ngừng tiêu diệt người Do Thái.
Khi cuộc chiến kết thúc, Anne đã chết đâu đó trong một trại tập trung. Người
duy nhất còn sống trong gia đình là cha của cô.
Cuốn nhật ký của Anne được
xuất bản và trở thành một trong những cuốn nhật ký được nhiều người đọc nhất
trên thế giới. Còn ngôi nhà bí mật đó đã trở thành một bảo tàng tư nhân có tên
là Anne Frank House.
Bảo tàng này ngoài việc
đón hàng triệu du khách mỗi năm còn tổ chức những chương trình cho học sinh ở
Hà Lan, trong đó có một chương trình tìm hiểu về những người cảnh sát trong thời
kỳ mà Anne đã sống. Levien Rouw, nhân viên của Anne Frank House, nói với tôi rằng
vì có quá nhiều thông tin về việc cảnh sát Hà Lan đã hợp tác với người Đức nhằm
truy bắt người Do Thái nên học sinh cần hiểu rõ để không ác cảm với những người
cảnh sát.
Trong chương trình này,
các em học sinh được giới thiệu về những người cảnh sát đã từng hợp tác với người
Đức, hiểu vì sao họ lại hợp tác, họ có thể là những người đã bị uy hiếp hoặc những
người sẵn sàng hợp tác vì tiền. Học sinh còn được dẫn đến các văn phòng cảnh
sát để hiểu hơn về công việc đảm bảo an ninh cho mọi người.
Căn phòng nơi Anne Frank ở
cùng với một nha sĩ già suốt một thời gian dài. Ngày nay, nội thất của căn
phòng đã được dọn đi hết chỉ còn lại một căn phòng trống nhằm phục vụ số lượng
lớn khách tham quan mỗi ngày. Ảnh: Tác giả chụp.
Những cách thú vị
để tìm hiểu lịch sử
Khi mới bắt đầu tìm hiểu
lịch sử, tôi đã không ngồi một chỗ rồi lật từng trang sách nghiên cứu. Tôi đã bắt
đầu với những bộ phim.
Phim ảnh là thứ có lẽ là
cách tái hiện lại lịch sử rõ ràng và hấp dẫn nhất. Khi xem phim, bạn thường xem
những câu chuyện rất cụ thể, về cuộc đời của nhiều người trong cùng một bộ
phim, họ là ai và đã sống như thế nào trong bối cảnh của bộ phim đó.
Đến nay, tôi vẫn còn xem
đi xem lại bộ phim “Trời và Đất” (Heaven and Earth), dựa trên câu chuyện có thật
của một người con gái tên là Phùng Thị Lệ Lý trong thời kỳ chiến tranh Việt
Nam. Lệ Lý lớn lên trong một làng quê nghèo gần Đà Nẵng, khi người Mỹ bắt đầu
tham gia vào chiến tranh Việt Nam. Một ngày nọ, Lệ Lý bị lính quốc gia Việt Nam
Cộng hòa bắt, rồi bị tra tấn vì nghi cô có liên quan đến Việt Cộng. Trở về nhà
sau nhiều ngày bị tra tấn, Lệ Lý bị Việt Cộng đến bắt đi vào một đêm tối. Đêm
đó, cô bị đánh đập và bị một người lính Việt Cộng cưỡng hiếp.
Không lâu sau đó, Lệ Lý
mang thai với ông chủ của một gia đình quyền quý, nơi mẹ và cô đang ở đợ. Chuyện
mang thai đến tai vợ ông chủ và thế là họ bị đuổi ra khỏi nhà. Cô lang thang đi
bán hàng rong cho những người lính Mỹ, còn em gái cô trở thành gái mại dâm. Lúc
này, Lệ Lý làm quen với một sĩ quan Mỹ, người sau này cô lấy làm chồng. Sau chiến
tranh, Lệ Lý sống cùng chồng ở Mỹ nhưng không hạnh phúc vì anh chồng bị cuộc
chiến ở Việt Nam ám ảnh. Cuối cùng, người chồng của Lệ Lý đã phải tự tử trong một
chiếc xe hơi.
Xem phim cũng giúp bạn dễ
dàng giao tiếp với bạn bè là người nước ngoài. Khi tôi gặp Bruna da Silva, một
công tố viên người Brazil, cô ấy nói về những ngôi làng hẻo lánh không người biết
đến ở vùng Amazon thì ngay lập tức tôi hiểu được những gì cô ấy đang mô tả. Tất
cả vì trước đó tôi đã xem một bộ phim có tên “The Motorcycle Diary”, mô tả lại
cuộc phiêu lưu trong nhật ký của Che
Guevara và người bạn của ông khi cả hai còn trẻ. Họ đã lái xe máy đi một
vòng Nam Mỹ để đến những nơi hẻo lánh và xa xôi nhất.
Nếu không hiểu một phần
nào đó về lịch sử của thế giới thì bạn sẽ rất khó khăn khi giao tiếp với những
người đến từ các nền văn hóa khác mình. Ngay cả những đất nước gần Việt Nam như
Myanmar hay Indonesia cũng đã có văn hóa rất khác biệt. Khoảng cách này sẽ thu
hẹp đi nếu bạn hiểu biết một phần nào đó về lịch sử ở đất nước của họ.
Một thể loại phim lịch sử
khác cũng không kém phần thú vị so với phim điện ảnh là phim tài liệu. Đấy có
thể là những bộ phim được quay trực tiếp vào một thời kỳ nào đó, hoặc được dựng
lại trên những thước phim cũ cùng với những cuộc phỏng vấn các nhân chứng.
Nếu bạn quan tâm đến miền
Nam trước năm 1975 thì bạn có thể xem phim “Sad Song of Yellow Skin”,
một bộ phim ngắn quay vào năm 1970, dễ xem và chân thật về cuộc sống trong thời
chiến tranh Việt Nam.
Bạn cũng có thể tìm hiểu
lịch sử bằng cách đến các viện bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng ở nước ngoài.
Các bảo tàng ở Việt Nam theo cá nhân tôi không khác gì so với sách giáo khoa lịch
sử, đều cùng mục đích tuyên truyền cho khách tham quan, kể cả những bảo tàng về
nghệ thuật.
Bạn cũng có thể đọc sách.
Những cuốn sách viết về những nhân vật cụ thể hay một sự kiện cụ thể nào đó sẽ
thú vị hơn là đọc một cuốn lịch sử tổng quát. Đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn
dù là hư cấu nhưng cũng có thể giúp bạn hiểu thêm về lịch sử vì các câu chuyện
này thường được viết dựa trên một bối cảnh lịch sử cụ thể.
Một điều quan trọng hơn hết
khi tìm hiểu lịch sử là luôn đặt những câu hỏi tại sao về những thứ mà bạn xem
hay đọc được. Nó không chỉ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn mà còn để bạn không bị dẫn
dắt (nếu có) theo ý muốn của chính quyền, người viết sách hay các nhà làm phim.
No comments:
Post a Comment