Monday, April 27, 2020

45 NĂM THUYỀN NHÂN, VÀO CÕI CHẾT TÌM ĐẤT SỐNG (Huỳnh Kim Quang)




Huỳnh Kim Quang
26/04/2020

Ngày 30 tháng 4 năm 2020 đánh dấu 45 năm Miền Nam Việt Nam thất thủ. Khởi đi từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân mà bằng chứng cụ thể là hàng triệu người dân ruồng bỏ chế độ độc tài đảng trị tàn bạo cộng sản ra đi bằng đường bộ và đường biển khiến cho cả triệu người phải vùi thây dưới lòng đại dương hay chôn thân trong rừng sâu núi thẳm.

Từ bối cảnh đó hai chữ “thuyền nhân” ra đời trong sự thức tỉnh của lương tâm nhân loại trước định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Trong ý nghĩa này, thuyền nhân là những người dám xông vào cõi chết để tìm đất sống.

Thuyền nhân

Tại sao phải bỏ nước ra đi?

Tại sao một dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm kiên trì bất bại bám giữ từng tấc đất của ông bà tổ tiên để lại như người Việt Nam lại phải chọn lựa cho mình con đường bỏ nước ra đi đầy hung hiểm, gian nguy và thử thách mà cái giá phải trả đã cầm chắc trong tay là vào cõi chết?

Nhà thơ Trần Dạ Từ trong bài thơ “Ném Con Cho Giông Tố” được viết trong trại tù Gia Trung của CS năm 1979 và được in trong tập Thơ Trần Dạ Từ được Việt Báo xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2018, đã nói lên tâm trạng của người cha mẹ phải “nghiến rang” để cho con mình đi vượt biển, làm thuyền nhân, chẳng khác nào gửi con cho giông tố mà qua đó chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao:

“Em có lũ con thơ
bị quê hương ruồng bỏ
Từ bóng tối hận thù
Em nghiến răng
ném con cho giông tố…”

Nhà thơ Trần Dạ Từ đã nêu ra một hình ảnh “bóng tối,” một hiện tượng “hận thù,” và một bi kịch “bị quê hương ruồng bỏ” để cho thấy lý do tại sao người dân phải bỏ nước ra đi. “Bóng tối” là hình ảnh một đất nước chìm trong đen tối của nghèo đói lạc hậu và bất công. “Hận thù” là hiện tượng diễn trong đất nước mà chế độ xem dân là kẻ thù để bóc lột, đàn áp, trừng trị không nương tay. “Bị quê hương ruồng bỏ” là bị kịch của dân tộc mà trong đó người dân thấy mình bị ruồng bỏ trên chính quê hương của mình. Sống trong “bóng tối hận thù” như thế thì không người dân nào có thể còn muốn sống vì vậy họ phải ra đi để tìm đất sống cho dù phải đi vào cõi chết.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi cộng sản Bắc Việt thống trị cả nước Việt Nam họ bắt đầu thực hiện nhiều chiến lược tàn bạo đối với người dân, nhất là người dân Miền Nam.
Trong cuốn sách “A Gift of Barbed Wire” của Robert S. McKelvey được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2002, cho biết cộng sản VN sau năm 1975 đã đẩy hơn 1 triệu trí thức, văn nghệ sĩ và quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa vào các nhà tù mà họ gọi là “trại học tập cải tạo.” Có người bị cầm tù tới hơn 20 năm, và nhiều ngàn người đã chết vì bệnh tật, thiếu ăn suy dinh dưỡng, trốn trại bị bắn, v.v… Trong tác phẩm nói trên McKelvey đã viết về sự gian dối và phản bội của Hà Nội đối với các quân cán chính VNCH như sau:

“Có thông báo [trên đài phát thanh và những cái loa chát chúa] rằng tất cả quân nhân của chế độ cũ đểu phải đi học tập cải tạo. Bạn đựợc cho biết đến văn phòng chính quyền hay trường học và viết lý lịch của bạn, một loại sơ yếu lý lịch. Rồi bạn về nhà và chờ. Sau một tháng có thông báo khác bảo bạn trình diện đi học tập cải tạo. Các sĩ quan, hạ sĩ quan, và những cấp bậc thấp hơn thì được cho biết việc học tập cải tạo của họ sẽ kéo dài 3 ngày và họ có thể về nhà mỗi đêm. Các sĩ quan cấp bậc cao hơn, cấp tá tới tướng, và viên chức chính quyền cao hơn được cho biết việc học tập cải tạo của họ kéo dài lâu hơn và họ phải trình diện tại trường trung học hay đại học gần đó với đầy đủ lương thực và quần áo cho 30 ngày.”

“Nhưng rồi hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đã phải ngồi tù lao động khổ sai tới cả chục năm, có người ở tù tới 21 năm, như trường hợp nhà tình báo Sang đã bị bắt ở tù học tập cải tạo từ tháng 3 năm 1975 cho đến năm 1996 mới được thả.”

Đẩy quân dân cán chính của chế độ VNCH vào các nhà tù rồi, chế độ cộng sản VN xoay qua tính sổ với giới trí thức văn nghệ sĩ và tiêu diệt văn hóa văn học Miền Nam.

Nhà văn Nhã Ca, trong “Nhã Ca Hồi Ký: Một Người Mất Ngày Tháng,” xuất bản năm 1991 và tái bản năm 2019, kể về Chiến Dịch Truy Quét “Văn Nghệ Sĩ Phản Động” của cộng sản Hà Nội bắt đầu vào ngày 3 tháng 4 năm 1976:

“Ngay những giờ đầu chiến dịch, theo “phương án tác chiến” được lập sẵn, công an Cộng sản cùng một lúc xuất phát. Tại Trung Tâm Sài Gòn, căn phố nhỏ của gia đình nhà văn nhà báo nhà giáo Chu Tử Chu Văn Bình, là “điểm.”

“Chu Tử, ngay từ chiều 30 tháng Tư 1975, đã tử nạn trên tầu di tản giữa sông Sài Gòn vì trúng đạn Cộng sản. Trưởng nữ của ông, chị Chu Vị Thủy cùng chồng là họa sĩ Đằng Giao, còn ở lại. Hai vợ chồng nhà họa sĩ, đúng lúc này, lại vừa có thêm cháu trai thứ ba, mới sinh được bảy ngày. Một ông bạn chủ tiệm may, thỉnh thoảng làm thơ tài tử ký tên Ninh Chữ, ghé thăm. Cả khách lẫn chú bé sơ sinh đều bị bắt gọn. Trận đầu ra quân: Vượt chỉ tiêu, thắng lớn.

“Một căn phố nhỏ khác trên đường Trần Quý Cáp, địa chỉ của nhà văn Mai Thảo, là “điểm” thứ hai. Nhà văn vốn độc thân vui bạn, thâu đêm không về. Vẫn đạt chỉ tiêu: Công an canh nhà, bắt khách đến thăm. Người thế chỗ nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, một mực bị gọi là Mai Thảo.

“Tại cư xá Chi Lăng, Phú Nhuận: Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Tại góc Ngô Tùng Châu-Hoàng Hoa Thám, Gia Định: Nhã Ca và Trần Dạ Từ.

“Chiến dịch bắt giam toàn bộ các nhà văn, nhà báo tự do ở miền Nam Việt Nam, đúng như các lãnh tụ Cộng sản tính toán, quả là ngon ơ. Cứ vậy mà liên tiếp đại thắng…”

Đánh cái đầu, tức mặt trận văn hóa tư tưởng sẽ không thành công nếu không đánh cái bụng, tức mặt trận kinh tế tài chánh. Vì vậy, chế độ CSVN thực hiện nhiều vụ đổi tiền để vô sản hóa toàn dân. Cùng lúc chế độ cũng thực hiện chiến dịch hợp tác xã để quốc hữu hóa đất đai ruộng vườn của toàn dân khiến cho người dân trở thành kẻ nô lệ sống trên chính mảnh đất và vườn tược của ông cha để lại. Chưa xong, để biến người dân thành kẻ tha phương cầu thực thực sự, chế độ đã thực hiện chương trình kinh tế mới để cướp đoạt tài sản và đẩy hàng trăm ngàn gia đình đến các vùng mà họ gọi là kinh tế mới nhưng thực chất là những nơi hoang dã rừng rú chưa ai khai thác. Chưa nói đến đói khát làm chết dần chết mòn, nạn rừng sâu nước độc và bệnh tật thời khí cũng đã đủ để giết người vô tội.

Còn trong nhà trường, những học sinh là con cháu của thành phần trí thức văn nghệ sĩ và dân quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa mà chế độ CSVN gọi một cách kỳ thị là thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” thì bị phân biệt đối xứ để không cho vào các đại học. Sau khi những con em này ra trường đi kiếm việc làm thì không cho nắm giữ các chức vụ quan trọng trong mọi ngành nghề và không cho tăng lương tiến chức.

Về mặt tâm linh tôn giáo, chế độ CSVN xem “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân,” nên ngay từ những ngày đầu chiếm Miền Nam họ đã tìm mọi cách để kiểm soát sinh hoạt các tôn giáo. Kiểm soát không được thì chế độ tìm cách xâm nhập để lũng đoạn, phân hóa. Không lũng đoạn được thì chế độ đặt tổ chức tôn giáo đó ra ngoài vòng luật pháp để thẳng tay triệt hạ mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một minh chứng. Các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và Công Giáo đều chịu chung số phận.
Sống trong một đất nước như thế, mà thực sự không khác một nhà tù lớn, không một người dân nào có thể sống nổi và ai cũng muốn bỏ nước ra đi tìm đất sống tự do khi có một chút phương tiện và cơ hội. Cho nên thời bấy giờ mới có câu “Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi..”

Nhưng chuyện vượt biên, vượt biển là một chặng đường cam go, nguy hiểm ngay từ lúc có ý định cho đến khi xuống ghe ra khơi.

Thuyền nhân Việt Nam.(nguồn: www.pixabay.com )

Hiểm nguy chập chùng

Khi có ý định đi vượt biên, người dân phải rất cẩn thận trong quá trình chuẩn bị mọi thứ nếu không giữ bí mật chỉ cần hở môi một chút là có thể bị vào tù bất cứ lúc nào, vì mạng lưới công an chìm nổi vây bủa khắp nơi, từ công an khu vực đến người điềm chỉ nằm vùng trong làng xóm.

Nhiều người xem chuyện vượt biên là cơ hội để kiếm tiền nên đứng ra tổ chức vượt biên để nhận vàng của những người muốn đi vượt biên đóng góp trong gian đoạn đầu. Thậm chí những công an và cán bộ CS cũng không bỏ lỡ cơ hội để làm tiền những người vượt biên bằng cách đứng ra tổ chức hay làm tiền những người tổ chức vượt biên. Vào những năm 1978, 1979 chính quyền CSVN đã tổ chức những đợt vượt biển bán chính thức cho những người Việt gốc Hoa ở VN đi vượt biển và mỗi người đi đều phải đóng vàng.

Chưa hết, những người tự đứng ra tổ chức vượt biên thì phải tự túc mọi thứ từ ghe, xăng dầu, la bàn, và ngay cả vũ khí để tự vệ. Trong quá trình chuẩn bị này rất dễ bị phát giác, bị bắt và vào tù.

Đa phần những người vượt biên đều ít nhất bị thất bại hay bị ngồi tù một lần trước khi có thể đi được trót lọt. Nhiều người bị thất bại năm bảy lần mà cuối cùng thì vẫn không đi được.

Đến ngày ra bãi để lên ghe đi vượt biên không mấy ai biết chắc là mình có thể đi được và tâm trạng nôn nao, hồi hộp, lo sợ, khủng hoảng kéo dài cho đến khi chiếc thuyền vượt biên chạy ra khỏi hải phận VN. Dĩ nhiên, sau đó còn vô số những mối lo và hiểm nguy khác đợi chờ nơi đại dương mênh mông.

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn là một thuyền nhân đã kể lại tâm trạng nói trên trong bài viết “Chút Tâm Sự Thuyền Nhân Vượt Biển” của ông đăng trên trang mạng www.vietbao.com như sau.

“Tiếng máy nổ từ xa vọng lại làm cho những người suốt đêm chờ đợi giờ xuất phát vội vã kéo nhau, đẩy nhau trong im lặng để chạy nhào ra phía biển trong đêm tối.  Chỉ cần một tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong giờ phút nầy là hỏng chuyện. Thế giới dày đặc bóng tối xung quanh vừa che chở, vừa đe dọa, nhưng chắc chắn là không khoan thứ cho bất cứ loại âm thanh nào gây tiếng động trong khoảnh khắc quyết định nầy. Thế mà vẫn nghe tiếng chân chạy lạo xạo trên bãi cát qua đồi thông, tiếng thở hổn hển và tiếng thì thào hỏi nhau có đủ thằng Cu, con Bé… hay không. Chạy qua hết đồi thông, bãi cát trống trước mặt và ánh lân tinh của biển để lộ bóng đen của đoàn người vừa đi, vừa bò, vừa chạy… trong dáng vẻ khẩn cấp. Chiếc ghe được kéo chuồi xuống nước bằng tất cả năng lực bình sinh của những người nhập cuộc. Sóng biển nhồi chiếc ghe lúc nâng lên quá tầm tay với, lúc hạ xuống chạm mặt cát. Mọi sức lực thể chất và tinh thần cuồn cuộn xoáy vào níu kéo đoàn người nhào lên ghe bất cứ bằng tư thế nào: Nhảy lên, ném vào, trườn tới, dúi xuống, đẩy lên từ phía đầu, phía chân, phía bụng… miễn sao tất cả đều phải lên ghe nhanh như chớp mắt. Máy rộ lên từng hồi và chiếc ghe mỏng manh cũng rung lên chuyển mình hướng mũi ra khơi. Cảm giác “vượt biên” táo bạo, liều lĩnh, mới mẻ và đầy sợ hãi đến mức làm cho mọi người lạc cả giọng nói, nén cả hơi thở, tán lọan cảm nhận trong những phút bản năng sinh tồn ngự lên làm chủ. Khi ghe đã vượt ra ngoài tầm súng và nhìn lại phía sau không có dấu hiệu nào có người đuổi theo, Thụ và Minh mới cho ghe chậm lại, ghé tạt đến mấy ghe người làng đang bủa cá ngoài khơi để xin thêm thức ăn và dầu. Vài thanh niên trong làng đang đánh cá dợm nhảy qua ghe chúng tôi xin đi theo, nhưng chiếc ghe mành đã quá tải không còn chỗ.”

Trước mắt thuyền nhân đang lênh đênh trên biển cả là một chân trời hoang mang vô định mà nơi đó hải tặc là một hiểm họa chết người.

Hải tặc Thái Lan tàn ác

Các thuyền nhân VN không những chỉ đối diện với bão tố, bệnh tật và đói khát mà còn với hải tặc.

Tài liệu của Bách Khoa Từ Điển Mở thuật lại lời kể của thuyền nhân VN Lê Phước nói rằng ông đã rời VN với 17 người khác trên một chiếc thuyền dài 7 mét cố gắng vượt qua Vịnh Thái Lan dài 480 kilômét để tới miền nam Thái Lan hay tới Mã Lai. Không may, chiếc thuyền 2 máy của ông đã bị hỏng máy và chiếc thuyền đã trôi dạt mà không có điện và lương thực và nước uống cũng hết sạch. Hải tặc Thái Lan đã lên thuyền của họ 3 lần trong cuộc hành trình dài 17 ngày, đã hãm hiếp 4 phụ nữ trên thuyền và giết chết một người, cướp đi tất cả vật sở hữu của thuyền nhân, và bắt cóc một nam thuyền nhân không bao giờ được tìm thấy. Khi chiếc thuyền của họ chìm, họ được một tàu đánh cá Thái Lan cứu và đưa vào trại tị nạn trên bờ biển của Thái Lan.

Một câu chuyện khác trong nhiều câu chuyện được kể nói rằng một chiếc thuyền chở 75 thuyền nhân đã bị nhận chìm bởi các hải tặc với duy nhất một người còn sống sót.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu biên tập các thống kê về nạn hải tặc vào năm 1981. Trong năm đó, 452 chiếc thuyền chở thuyền nhân đến Thái Lan mang theo 15,479 người tị nạn. 349 trong số những chiếc thuyền đó đã bị hải tặc tấn công trung bình 3 lần mỗi chiếc. 228 phụ nữ thuyền nhân đã bị bắt cóc và 881 người đã chết hay mất tích. Một cuộc vận động chống hải tặc quốc tế đã bắt đầu vào tháng 6 năm 1982 và đã giảm số vụ hải tặc tấn công dù họ vẫn tiếp tục đều đặng và thường giết người cho đến năm 1990.

Thuyền nhân đầu tiên

Người Việt tịn nạn CS đã bỏ nước ra đi năm 1975, nhưng đó là những người ra đi trong đợt di tản bằng máy bay và tàu Hải Quân của Hoa Kỳ trước và trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Số liệu trên Bách Khoa Từ Điển Mở cho thấy có tới khoảng 138,000 người đã ra đi trong đợt này và đã được cho định cư tại Mỹ.

Cái tên “thuyền nhân” được gọi cho những người Việt ra đi bằng những chiếc thuyền nhỏ mà có khi là chiếc thuyền chỉ có khả năng chở mười mấy người, đối diện với muôn vàn hiểm nguy của bão táp phong ba và hải tặc, lần đầu tiên được nhìn thấy đã cập vào bở biển Mã Lai Á vào tháng 5 năm 1975 chở theo 47 người từ bỏ VN ra đi, theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết.

Trong bài viết của tác giả Bram Steenhuisen đăng trên trang mạng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ngày 30 tháng 8 năm 2005, nói về người tị nạn cuối cùng rời khỏi trại tị nạn tại Mã Lai là ông Doan Van Viet, kể rằng vào tháng 5 năm 1975, các bờ biển Mã Lai đã chứng kiến chiếc thuyền vượt sóng gió chở theo 47 người từ Việt Nam lần đầu tiên đến Mã Lai. Họ là những người đầu tiên trong hàng trăm ngàn người tị nạn đi bằng đường biển chạy trốn khỏi chế độ cộng sản tại VN, Cam Bốt và Lào, mà sau này được gọi là “thuyền nhân” [boat people].

Ông Doan đến Mã Lai vào năm 1984 khi chiếc thuyền của ông tấp vào Đảo Pulau Bidong nằm ngoài khơi tỉnh Terengganu của Mã Lai. Lúc đó ông mới có 22 tuổi đã bỏ nhà đi vượt biển từ Châu Thành tại Đồng Nai với người anh trải qua nhiều ngày trên biển.

Khi trại tị nạn trên Đảo Pulau Bidong đóng cửa vào năm 1990, ông được dời tới trại Sungai Besi. Trại này cũng đã đóng cửa vào năm 1996, và ông đã phải trà trộn vào cuộc sống của người dân Mã Lai địa phương bên ngoài trại.

Sau 22 năm bỏ nước ra đi, cuối cùng ông Doan đã trở lại quê nhà với vị hôn thê.
Bài viết này cũng cho biết kể từ năm 1975, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã giúp định cư cho khoảng 240,000 người tị nạn Việt Nam từ Mã Lai đến đệ tam quốc gia, và có khoảng 9,000 người đã trở về lại VN.

Những con số đau lòng

Theo Bách Khoa Từ Điển Mở, số thuyền nhân rời Việt Nam và đến an toàn ở một nước khác là khoảng 800,000 người tính từ năm 1975 tới 1995. Nhiều thuyền nhân không may đã bỏ mạng trên biển cả, có nhiều người đối diện với hiểm nguy từ hải tặc, chìm thuyền vì quá đông người, và gặp bão tố giữa biển khơi. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng đoán số thuyền nhân chết vào khoảng 400,000. Các thống kê khác cho biết số thuyền nhân chết trên biển chiếm tỉ lệ từ 10 đến 70% tất cả thuyền nhân vượt biển.

Nơi đặt chân đến đầu tiên của những thuyền nhân VN là các quốc gia Đông Nam Á gồm Hồng Kông, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Thái Lan.

Những nước thứ ba đã chấp nhận thuyền nhân VN gồm Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Ý, Úc, Pháp, Tây Đức, Anh Quốc, Thụy Điển, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sĩ, v.v…

Vài năm đầu, các nước Đông Nam Á đã không chấp nhận đón tiếp các thuyền nhân VN vì sợ làn sóng người vượt biển biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế và an ninh. Sau cuộc họp quốc tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, và tháng 7 năm 1979, có sự tham dự của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Walter Mondale, đã đưa ra những cam kết tài trợ cho các nước Đông Nam Á là nơi đầu tiên các thuyền nhân VN cập bến, cũng như lời hứa cho định cư tại đệ tam quốc gia, và chính quyền CSVN đồng ý mở chương trình ra đi trong trật tự được gọi là ODP, thì các nước Đông Nam Á đã mở cửa đón nhận thuyền nhân.

Kết quả của cuộc họp quốc tế nói trên đã làm giảm vài ngàn thuyền nhân mỗi tháng rời khỏi VN và số người được đi định cư ở nước thứ ba tăng từ 9,000 mỗi tháng vào đầu năm 1979 tới 25,000 mỗi tháng, đại đa số thuyền nhân được định cư tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc và Gia Nã Đại.

Các thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc từ năm 1975 tới 1997 cho thấy rằng 839,228 người VN đã đến các trại tị nạn của UNHCR tại Đông Nam Á và Hồng Kông. Hầu hết trong số đó đều là thuyền thân. 42,918 người vượt biên bằng đường bộ sang Thái Lan. 749,929 người đã được định cư tại hải ngoại. 109,322 người đã hồi hưong về VN, theo diện tự nguyện hay bắt buộc.

Tưởng niệm

Để tưởng niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã nằm xuống trong lòng biển cả mênh mông trên hành trình tìm đất sống còn dang dở, xin chép lại mấy  đoạn trong bài thơ “Điếu Thi” đăng trong tập thơ “Thủy Mộ Quan” của nhà thơ Viên Linh nhân “Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.”

Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương

Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về tây về bắc về đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo
Về đâu kiếp đắm với thân trầm.

Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thủy âm là nhà
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
Xong rồi một cỗi u minh
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi.

Hồn vẫn ở la đà Đông Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.

Huỳnh Kim Quang (Việt Báo)






No comments: