Tuesday, April 28, 2020

30/4 : BẠN ĐANG TIN VÀO CÂU CHUYỆN NÀO? (Trần Minh Triết - Luật Khoa)




Trần Minh Triết  -  Luật Khoa
27/04/2020

Sự kiện ngày 30/4/1975 là giải phóng hay xâm lược?

Bản chất của cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 tùy thuộc vào góc nhìn, niềm tin của các bên tham gia. Với một người lính VNCH thì đó là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của cộng sản miền Bắc, với một bộ đội giải phóng quân miền Bắc thì đó là cuộc chiến giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Góc nhìn của mỗi bên tham gia cuộc chiến được hình thành và củng cố bởi bộ máy tuyên truyền của cả hai bên.

Đến hiện tại, năm 2020, chính quyền Việt Nam thông qua hệ thống tuyên truyền của nhà nước vẫn gọi chính quyền VNCH là “ngụy quân, ngụy quyền” với hàm ý cho rằng chính quyền VNCH do quân xâm lược Mỹ dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, chính quyền VNCH không có thực quyền, chỉ là hữu danh vô thực. Còn những người VNCH đang định cư ở hải ngoại thì gọi chính quyền VNDCCH là Việt cộng, với huyền thoại “bảy Việt Cộng leo một cọng đu đủ không gãy”.

Những luận điểm của bên nhà nước Việt Nam bạn có thể đã được thầy cô dạy sử truyền đạt lại trong các bài giảng lịch sử những năm cuối cấp. Bạn cũng có thể đọc được trong sách giáo khoa lịch sử, đọc được thông qua các bài viết trên báo chí, xem qua truyền hình mỗi dịp kỷ niệm 30/4. Sư lặp đi lặp lại những luận điểm trên khiến bạn nghĩ rằng đó là sự thật. Nhưng đó chỉ là niềm tin phản ánh góc nhìn của những người đã chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975. 

Luận điểm của bên người Việt ở hải ngoại bạn có thể đọc được trong các tác phẩm do sĩ quan, quan chức cũ của chế độ VNCH viết hoặc trong các cuộc trò chuyện ở các diễn đàn của những người Việt sống ở miền Nam trước năm 1975 đang định cư ở nước ngoài.

Nếu bạn muốn tiếp cận đến sự thật, bạn cần phải nhìn từ hai bên hoặc nhiều bên khác nhau. Bạn biết quan điểm của bên thắng cuộc, chính quyền miền Bắc Việt Nam, bạn cũng cần biết quan điểm của bên thua cuộc, chính quyền miền Nam Việt Nam. Bạn cũng cần biết quan điểm của họ thay đổi như thế nào theo thời gian. Cụm từ “ngụy quân, ngụy quyền” có thể quen thuộc vào bạn vì bạn được học trong sách giáo khoa, nhưng sau này con cháu của bạn sẽ không được học nữa khi không còn trong sách giáo khoa. Tất cả mọi quan điểm đều có thể thay đổi theo thời gian khi góc nhìn của người quan sát thay đổi.

Sẽ có những người Việt Nam đọc lại lịch sử Việt Nam, nhìn dưới góc nhìn của người Việt Nam và thấy rằng đó là một cuộc nội chiến giữa người Việt với người Việt, đó là “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Dân tộc Việt Nam kém may mắn vướng vào vào một cuộc chiến ý thức hệ giữa chủ nghĩa tự do do Mỹ dẫn đầu và chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô và Trung Quốc dẫn đầu.

Bạn có thể phản đối góc nhìn trên bởi vì nếu chấp nhận góc nhìn trên thì sẽ trái ngược lại với những điều bạn được dạy và bạn nghĩ rằng những điều được dạy đó là đúng. 

Con người thường tin vào những câu chuyện huyền thoại được lặp đi lặp lại. Một thanh niên Việt Nam, sinh ra và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa sẽ dễ dàng tin vào câu chuyện huyền thoại quân giải phóng miền Bắc Việt Nam đã đánh sập “ngụy quân, ngụy quyền” miền Nam, cứu nhân dân miền Nam khỏi ách xâm lược của thực dân Mỹ. Niềm tin đó được củng cố bởi bộ máy tuyên truyền của nhà nước thông qua rất nhiều phương tiện khác nhau từ sách báo, phim ảnh cho đến giáo dục. 

Nhưng đó chỉ là những câu chuyện huyền thoại, phản ánh quan điểm của bên thắng cuộc nên nó không phản ánh toàn bộ sự thật. Vẫn có những người đủ ngây thơ để tin vào một câu chuyện huyền thoại giống như những đứa trẻ tin vào sự tồn tại của ông già Noel. Và vẫn có những người cảm thấy hoài nghi trước những câu chuyện huyền thoại đó và muốn đi tìm kiếm sự thật bị che giấu. Đó là lý do vì sao những quyển sách như “Bên thắng cuộc” của Huy Đức hấp dẫn độc giả, bởi vì cuốn sách kể những câu chuyện chưa được kể.

Khám phá sự thật là một quá trình thú vị nhưng đầy trở ngại cho bất kỳ ai. Đầu tiên, bạn phải thừa nhận với chính bản thân mình rằng có những câu chuyện bạn đã được nghe chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, không phải sự thật. Ví dụ câu chuyện Lê Văn Tám, một biểu tượng anh hùng cách mạng, được nhắc tới cho đến tận ngày nay trong sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương của một thiếu niên anh hùng dân tộc, đã xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc, là một câu chuyện được nhà sử học Trần Huy Liệu tưởng tượng ra.

Nếu không thừa nhận sự tồn tại những câu chuyện tưởng tượng, rất khó để tiếp cận với sự thật. Phản ứng của một người không chấp nhận sự tồn tại của những câu chuyện tưởng tượng đó là tìm mọi cách để biện minh cho những câu chuyện tưởng tượng. Bạn có thể đọc được sự biện minh đó trong các cuộc tranh luận về quan điểm lịch sử trên Facebook, hay trên báo Nhân Dân. Một trong những cách thường được sử dụng để biện minh cho những câu chuyện tưởng tượng đó là “lấy mục đích để biện minh cho phương tiện”: để cổ vũ tinh thần chiến đấu chống Pháp của người Việt nên cần phải tưởng tượng ra câu chuyện Lê Văn Tám.

Xoay xung quanh một người có rất nhiều câu chuyện tưởng tượng được thêu dệt nên. Đó là lý do vì sao rất khó để phân biệt được đâu là câu chuyện tưởng tượng, đâu là sự thật.

Mỗi năm, đến ngày 30/4, có rất nhiều câu chuyện tưởng tượng sẽ được kể lại. Bạn đang tin vào câu chuyện nào? 

--------------------------------
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.




No comments: