Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020
Hàng năm cứ đến ngày
30-4, người Cộng sản lại tổ chức lễ mừng chiến thắng vinh quang của năm 1975,
và người Việt hải ngoại lại tổ chức tưởng niệm Ngày Quốc Hận khiến họ phải bỏ
nước ra đi. Cùng một sự kiện nhưng rõ ràng có hai cách nhìn trái hẳn nhau. Ở
trong nước, trong rất nhiều gia đình, hai cách nhìn này đều có hết, và người ta
cứ phải sống chịu đựng nhau như vậy chứ không có cách nào giải quyết được mâu
thuẫn này. Và như thế trong 45 năm rồi. Chả trách ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ
Tướng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã phải nói ra câu nói bất hủ
sau đây về ngày 30-4: “Đây là ngày có triệu người vui nhưng cũng có triệu
người buồn.”
Năm 2012, tác giả Huy Đức
cho xuất bản tập sách “Bên Thắng Cuộc.” Với tựa đề như vậy, tác giả đã dứt
khoát xác định “ai thắng ai thua” rất rõ ràng. Bên Cộng sản, tức là Miền Bắc,
là bên thắng cuộc, và bên Quốc gia, tức là Miền Nam, là bên thua cuộc. Thế
nhưng, ngay trong phần mở đầu, đề tựa là “Mấy lời của tác già,” tác giả lại viết
như sau: “Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người
tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt
hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền
Bắc.” Là một người miền Nam, tôi chấp nhận là mình thuộc về “bên thua
cuộc.” Tôi không hãnh diện gì với nhận xét trên đây của tác giả Huy Đức, vì,
suy cho cùng, chuyện “ai giải phóng ai,” nếu có đúng như Huy Đức ghi nhận, thì
cũng là chuyện “xảy ra sau khi chúng ta, những người Quốc gia ở Miền Nam, đã
thua cuộc rồi.” Nhớ lại chuyện mấy trăm năm trước ở bên Trung Hoa: người Hán dù
cho có hãnh diện vì họ đã Hán hóa được người Mãn đi nữa thì họ cũng bị người
Mãn thống trị gần 300 năm. Người Quốc gia ở Miền Nam chắc không nên tự hào đã
“giải phóng” được người Cộng sản ở Miền Bắc và chấp nhận bị Cộng sản thống trị
thêm 255 năm nữa.
Những suy nghĩ mà tôi ghi
ra sau đây là của một người thuộc về phía “bên thua cuộc” trong cuộc Chiến
tranh Việt Nam, 1954-1975. Tôi xin nói ngay là, không giống như những gì tôi đã
từng viết ra trước đây luôn luôn được ghi chú rất rõ ràng vì đó là những công
trình thuộc loại nghiên cứu, những suy nghĩ lần này, tuy cũng xuất phát từ kiến
thức thu thập được từ những công trình biên khảo đúng đắn, được ghi ra một cách
tự nhiên theo dòng suy nghĩ, hoàn toàn không bận tâm về việc ghi chú xuất xứ
theo lối kinh viện.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi
là về bản chất và tên gọi của cuộc chiến. Miền Bắc xem đây là một cuộc “chiến
tranh giải phóng,” giải phóng miền Nam khỏi Đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới.
Miền Nam thì xem đây là một cuộc “chiến tranh tự vệ” có chính nghĩa để chống lại
xâm lược do miền Bắc gây ra, nhằm thôn tính miền Nam để áp đặt chủ nghĩa Cộng sản
lên cả nước Việt Nam. Một số người miền Nam cũng xem đây là một cuộc “nội chiến
huynh đệ tương tàn,” giống như thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, như Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn đã đưa vào bản nhạc “Gia Tài Của Mẹ” của ông: “hai mươi năm nội
chiến từng ngày.” Người Mỹ thì gọi nhiều cách khác nhau: khi thì là
“chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì” (Second Indochina War), khi thì là “tranh
chấp Việt Nam” (Vietnamese Conflict) khi thì là “chiến tranh Việt Nam” (Vietnam
War) mà họ chỉ đến để giúp miền Nam chống lại ý đồ thôn tính của Miền Bắc; điều
này rõ nét nhứt là dưới thời Tổng Thống Nixon khi ông áp dụng chính sách “Việt
Nam hóa chiến tranh.” Những người có tầm nhìn rộng hơn, quốc tế hơn thì cho rằng
đây là một cuộc “chiến tranh ý thức hệ” giữa hai phe Tư bản (hay Tự do) và phe
Cộng sản. Cũng có người trong nhóm này gọi đó là một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”
(Proxy war), miền Bắc đánh thay cho phe Cộng sản, và miền Nam đánh thay cho phe
Tư bản. Dĩ nhiên, những nhóm người này đều có những luận cứ mà họ tin là đứng đắn
để chứng minh cho cái nhìn và nhận định của họ về cuộc chiến. Bản thân tôi cũng không thể đi
ra ngoài điều này. Tôi cũng có những luận cứ mà tôi cho là đúng đắn để biện
minh cho cái nhìn của tôi. Và cái nhìn đó là như sau.
Trước hết tôi hoàn toàn bác bỏ cái gọi
là “chiến tranh giải phóng.” Lý
do thật đơn giản mà cũng thật rõ ràng bởi vì nhân dân miền Nam Việt Nam, tức
là những người sinh sống và làm việc trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, hoàn
toàn không có nhu cầu cần được giải phóng gì hết. Trong suốt thời gian
20 năm của cuộc chiến, nơi nào quân Cộng sản tiến chiếm thì dân chúng đều bỏ chạy,
không hề có việc người dân cam tâm ở lại để được Cộng sản giải phóng cả. Trận Tết
Mậu Thân 1968, Trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, ngay cả Trận Tổng Tấn Công 1975, với số
người tỵ nạn lên đến hàng triệu người, đã quá đủ để nói lên sự thật này rồi. Và
sau ngày 30-4-1975, khi mà cả nước đã được “hoàn toàn giải phóng,” việc hàng
triệu người chấp nhận mất tất cả, kể cả sinh mạng của mình, bỏ nước ra đi (một
hiện tượng chưa từng có trong suốt lịch sử hàng ngàn năm của đất nước và dân tộc)
là một bằng chứng hùng hồn cho sự thật là người dân miền Nam thà chết chớ không
không chịu để cho Cộng sản “giải phóng” họ. Các tên gọi còn lại của cuộc chiến,
theo tôi nghĩ, đều có phần đúng, tùy theo cách thức và góc độ của người
nhìn.
Đặt tên cho một cuộc chiến
tranh là một chuyện rất quan trọng vì nó là bước khởi đầu cần thiết để thiết lập
một chiến lược thích ứng để có thể tiến tới chiến thắng sau cùng. Miền Nam và đồng
minh là Hoa Kỳ đã không làm được điều này. Trong nội bộ chính trường miền Nam, chúng
ta không thống nhứt được cách nhìn về cuộc chiến nên hoàn toàn không có được một
chiến lược đúng đắn cần có, đó là chưa nói đến việc chính quyền miền Nam quá phụ
thuộc vào Hoa Kỳ nên không dễ gì có được một chiến lược nào hoàn toàn độc lập với
chiến lược của Hoa Kỳ. Tôi tin chắc là mọi người vẫn còn nhớ vụ Tướng Nguyễn
Khánh tuyên bố đòi “Bắc Tiến” vào tháng 7-1964 nhưng Hoa Kỳ không ủng hộ nên
sau cùng phải dẹp bỏ chủ trương đó. Không lực VNCH, lúc đó do Tướng Nguyễn Cao
Kỳ làm Tư Lệnh, đã thực hiện hằng chục phi vụ Bắc phạt rồi cũng thôi. Đồng minh
Hoa Kỳ của chúng ta cũng vậy, vì thay đổi cách nhìn liên tục nên chiến lược
cũng không thể nhất quán. Người dân VNCH, và dân chúng các nước trên thế giới,
ai cũng đã nhìn thấy rõ sự thay đổi cách nhìn này của người Mỹ về Chiến Tranh
Việt Nam: “sau khi đã Mỹ hóa nó trong thời gian 1965-1968 –báo chí Mỹ đã
gọi nó là Johnson’s War, McNamara’s War—mà vẫn không thay đổi được cục diện họ
đã chuyển sang Việt-Nam-hóa nó, chuyển giao gánh nặng lại cho Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa (QLVNCH) và tháo chạy. Ngược lại, Cộng sản Bắc Việt, tuy cách
nhìn cuộc chiến không đúng (như đã bàn ở trên) nhưng lại nhất quán, từ trước đến
sau không bao giờ thay đổi, nên chiến lược “chiến tranh nhân dân” mà họ đề ra
cho thích hợp với “chiến tranh giải phóng” được họ thực hiện, duy trì và phát
huy đến mức hiệu quả tối đa từ đầu cho đến cuối. Tuy nhiên, sự thất trận của Miền
Nam ngày 30-4-175 thì hoàn toàn không mắc mớ gì đến cái gọi là “chiến tranh
nhân dân” đó cả. Miền Nam đã thua và phải chấp nhận đầu hàng vì lực lượng quân
sự chính quy của Miền Bắc, vào thời điểm đó, đã vượt hẳn QLVNCH về mọi mặt, về
con số các sư đoàn tác chiến, và luôn cả các khía cạnh trang bị và tiếp vận. Miền Nam thua cuộc, trước hết, là vì lý do đó: cán cân lực
lượng quân sự, vào năm 1975, đã nghiêng hẳn về phía Cộng sản. Từ sự kiện này, bài học lớn cho các nhà lãnh đạo
của miền Nam là: có chính nghĩa chưa chắc đã là một điều kiện tất thắng
trong một cuộc chiến tranh tự vệ. Thật ra đây cũng không phải là một
chuyện mới mẻ gì cả. Trong suốt mấy thế kỷ Nam Tiến của tổ tiên chúng ta, các
dân tộc Chiêm Thành và Chân Lạp đều có chính nghĩa nhưng tất cả đều bị bại
vong. Miền Bắc tuy không có chính nghĩa nhưng bù lại họ có quyết tâm cao, họ chấp
nhận (hay nói cho đúng, họ cưỡng ép nhân dân Miền Bắc phải chấp nhận)
mọi hy sinh, gian khổ, nhứt quyết chiếm cho được miền Nam. Họ lại có được bè bạn
tốt, hết lòng và kiên nhẫn giúp đỡ họ cho đến cùng. Ngược lại, miền Nam hoàn
toàn trông cậy vào bạn đồng minh Hoa Kỳ nhưng người bạn này không những không
hoàn toàn thực lòng giúp đỡ (đánh giặc mà không có chủ trương phải thắng) mà
còn không có đủ kiên nhẫn đi đến cùng. Bản chất cao bồi, xốc nổi, thiếu kiên nhẫn
này của người dân và chính phủ Mỹ ngày nay cả thế giới đâu còn lấy làm lạ nữa,
nhứt là qua hai cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tham gia gần đây tại Iraq và
Afghanistan. Sự trở cờ, phản bội trắng trợn của Quốc Hội Mỹ, dưới quyền kiểm
soát của Đảng Dân Chủ, trong các năm 1974 và 1975, cắt giảm và đi đến cắt bỏ
hoàn toàn quân viện cho VNCH, đã là tác nhân chính đưa đến sự thất bại về quân
sự của Miền Nam.
Theo cách
suy nghĩ và nhận định của tôi, cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam phải và nên được
xem là một cuộc chiến tranh xâm lược mang màu sắc ý thức hệ. Định nghĩa này có hai vế: “chiến tranh xâm
lược” và “mang màu sắc ý thức hệ.” Vế thứ nhứt thì tương đối đơn giản, dễ hiểu,
và hoàn toàn không xa lạ với dân tộc Viêt Nam. Đất nước ta đã trãi qua quá nhiều
những cuộc chiến tranh thuộc loại này. Gọi nó là “chiến tranh xâm lược” vì rõ
ràng cuộc chiến xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia (tức là Miền Nam Việt Nam
hay Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia được 87 nước trên thế giới công nhận và có
liên lạc ngoại giao) và thực hiện chủ yếu bởi một lực lượng vũ trang đến từ bên
ngoài lãnh thổ đó, từ một quốc gia khác (tức Miền Bắc Việt Nam, hay Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa; lực lượng quân sự của Việt Cộng, tức là Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam, hoàn toàn không có khả năng “giải phóng” được Miền Nam, như
chúng ta đã thấy rõ trong Trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968). Tuy
nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược lần này không giống như những cuộc chiến tranh
xâm lược trước đây, nó không đơn giản chút nào, và kẻ địch mà chúng ta đương đầu
cũng không phải là bọn ngoại tộc dễ dàng nhận ra. Do đó trong định nghĩa của cuộc
chiến phải cần đến vế thứ nhì là “mang màu sắc ý thức hệ.” Trong cuộc chiến
này, chính vì ý thức hệ mà những người anh em cùng một giòng máu ở hai bên chiến
tuyến đã trở thành kẻ tử thù của nhau. Chính ý thức hệ đã nhồi nhét vào đầu óc
của những người anh em cầm súng bên kia chiến tuyến sự cuồng tín rằng những chiến
sĩ của QLVNCH của Miền Nam, là một bọn “ngụy quân,” một bọn phản quốc, một bọn
đầy tớ của ngoại bang, một bọn bán nước cần phải được tiêu diệt, để giải phóng
Miền Nam khỏi bọn thực dân mới đó. Cũng chính ý thức hệ đó đã nhồi nhét vào đầu
óc của những người dân sống phía Bắc vĩ tuyến 17 (từ sau tháng 7-1954 đến ngày
30-4-1975) niềm tin tuyệt đối rằng nhân dân Miền Nam đang bị cưởng bức, chà đạp,
sống đói khổ dưới sự thống trị của ngoại bang và cần phải được giải phóng. Những
suy nghĩ và tin tưởng này chỉ được xóa sạch sau khi “Miền Bắc được giải phóng,”
như nhà báo Huy Đức đã nhận xét trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc.” Trong khi Miền
Bắc đặt nặng vấn đề ý thức hệ như thế thì Miền Nam thế nào ? Bề ngoài thì chúng
ta cũng có vẻ coi trọng vấn đề ý thức hệ này. Trong suốt thời gian 21 năm,
1954-1975, Miền Nam luôn luôn chủ trương Chống Cộng, tự xem mình là một tiền đồn
của Thế Giới Tự Do. Như vậy, theo lý thuyết, chế độ của Miền Nam phải đối nghịch
hoàn toàn với chế độ độc tài, độc đảng của Miền Bắc, hay nói cách khác, phải là
một chế độ hoàn toàn dân chủ, tự do và đa đảng. Sự thật không phải hoàn toàn
như vậy. Trong suốt thời gian gần 20 năm hiện hữu (từ ngày 26-10-1955 đến ngày
30-4-1975), Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ hoàn toàn thật sự là một
chế độ tự do và dân chủ. Và chính vì thế luôn luôn có những phần tử chống đối,
vô tình hay cố ý làm lợi cho Miền Bắc. Miền Nam, cho đến khi bị Miền Bắc “giải
phóng,” luôn luôn ở trong thế giặc ngoài, thù trong. Miền Nam đã thua cuộc
không phải chỉ vì nguyên nhân khách quan là bị “Đồng Minh tháo chạy bỏ rơi” mà
còn do rất nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó quan trọng nhứt là đã không có
được một ý thức hệ mang tính chất đối lập với ý thức hệ Cộng sản và nhứt quán để
tạo sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Miền Nam. Do sự đàn áp chính trị
của các chính quyền liên tiếp ở Miền Nam, một bộ phận không nhỏ của các thành
phần tiến bộ, chủ trương tự do dân chủ, chống bất công, tham nhũng, đã dần dà
xa lánh, không cộng tác và sau đó trở thành chống đối chính quyền, và sau cùng
rơi vào quỹ đạo của Miền Bắc, tiếp tay Miền Bắc trong việc đánh đổ chế độ Cộng
Hòa tại Miền Nam. Rất nhiều những người trong các thành phần này, ngay sau năm
1975, và về sau này, càng ngày càng nhiều, đã thấy rõ là họ đã thật sự đi sai
đường, “trao duyên lầm tướng cướp,” nhưng tất cả những “sám hối” này đều đã quá
muộn.
Một thiếu sót trầm trọng
nữa về chiến lược của chính quyền VNCH trong suốt thời gian cuộc chiến là đã
không có được một quốc sách thật sự thể hiện được một cách đầy đủ và quyết liệt
mối quan tâm cần thiết, đúng mức và hàng đầu đối với nông thôn. Công bằng mà
nói thì trong thời gian của cả hai nền Cộng Hòa, chính quyền VNCH đều có những
chương trình về nông thôn, nhưng điều đáng tiếc là các chương trình quan trọng
này đều không được thực hiện đến nơi đến chốn. Lại nữa, có thể nói là sự quan
tâm đối với nông thôn của các giới lãnh đạo VNCH không có chiều sâu, mà chỉ rất
là hời hợt. Do đó, sự yểm trợ tuyệt đối cho nông thôn chưa bao giờ được thể hiện.
Về phương diện an ninh lãnh thổ, trong thời gian Đệ Nhất Công Hòa, chương trình
Ấp Chiến Lược, với mục tiêu cô lập và thanh toán các nhân sự Cộng sản ở hạ tầng
cơ sở, là một chiến lược rất đúng đắn, nhưng khi thực hiện, vì thiếu sự chuẩn bị
chu đáo cũng như thiếu phần giải thích đầy đủ, nhằm thuyết phục nông dân, lại bị
các cấp chính quyền địa phương lợi dụng cơ hội, tham nhũng, thu vén, đã tạo ra
bất mãn trầm trọng trong dân chúng. Và, dĩ nhiên, Việt cộng thì dứt khoát tìm đủ
mọi cách để phá hoại chương trình này. Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963,
chương trình Ấp Chiến Lược bị loại bỏ và thay thế bằng các chương trình vá víu
khác như Ấp Đời Mới (1964), Ấp Tân Sinh (1965) nhưng không đi tới đâu. Sang thời
Đệ Nhị Cộng Hòa, chính quyền VNCH cũng đã đề ra một loạt các chương trình cho
nông thôn như: chương trình Bình Định, Xây Dựng Nông Thôn với cả một trung tâm
huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn lớn ở Vũng Tàu, nhưng không thu hoạch được
kết quả tốt vì không được các cấp chỉ huy quân sự tại địa phương yểm trợ đúng mức.
Chương trình Phương Hoàng, với mục tiêu nhằm tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng,
đã đạt được kết quả rất đáng kể trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó bị giảm
thiểu, không còn được Hoa Kỳ yểm trợ tích cực nữa vì bị tai tiếng là giết oan
nhiều người vô tội. Để lôi kéo nông dân về phía mình, chính quyền VNCH đã thiết
lập hai chương trình sở hữu hóa đất đai cho nông dân: Chương trình Cải Cách Điền
Địa của Đệ Nhứt Cộng Hòa và Chương Trinh Người Cày Có Ruộng của Đệ Nhị Cộng
Hòa. Cả hai chương trình này, nhứt là Chương trình Người Cày Có Ruộng, đều đã đạt
được kết quả rất khả quan, nhưng vẫn không hoàn tất được mỹ mãn vì mức độ gia
tăng ác liệt của chiến tranh cũng như vì sự phá hoại liên tục và quyết liệt của
phe Cộng sản. Nông thôn Miền Nam, vì vậy, vẫn tiếp tục là hậu phương vững chắc
của Cộng sản, cung cấp tất cả nhân lực, tài lực và vật lực cần thiết cho chúng.
Không những không có được
một ý thức hệ đúng đắn để làm nền tảng vững chắc cho thể chế, VNCH còn không có
được những nhà lãnh đạo có đầy đủ khả năng chính trị, thật tâm yêu nước, thương
dân và sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân, gia đình và đảng phái của mình
cho quyền lợi của đất nước và dân tộc. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, trong khoảng
1954-1960, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ rất mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đã
tạo được sự ổn định chính trị cần thiết và nhờ vậy đã đặt được những nền móng rất
tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội, và văn hóa - giáo dục. Nhưng vô
cùng đáng tiếc, về phương diện chính trị, chế độ đã đi chệch đường, càng ngày
càng lún sâu vào con đường độc tài, độc đảng, và tôn sùng cá nhân quá đáng.
Sự bất mãn trong dân chúng Miền Nam càng ngày càng rõ nét. Mặc dù đã có những dấu
hiệu cụ thể về sự bất mãn này nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn làm ngơ, không
chịu cải tổ. Ngày 26-4-1960, một nhóm gồm 18 vị nhân sĩ, trí thức tiến bộ (đa số
là các vị đã từng tham chính trong chính quyền Ngô Đình Diệm) đã trình lên Tổng
Thống Ngô Đình Diệm một bản thỉnh nguyện, nêu rõ những nhược điểm của chế độ và
yêu cầu chính phủ cải tổ (về sau báo chí gọi là Nhóm Caravelle). Ngày
11-11-1960, một cuộc đảo chánh quân sự do lực lượng Nhảy Dù tổ chức diễn ra tại
Sài Gòn nhưng thất bại. Ngày 27-2-1962 đã xảy ra việc ném bom Dinh Độc Lập của
hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần
khuyến cáo chính phủ VNCH nên cải tổ, mở rộng thành phần chính phủ nhưng tất cả
đều bị bác bỏ. Ngoài ra chúng ta cũng không nên quên sự kiện là vào tháng
2-1963, sau khi chế độ nhà Ngô không còn được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ nữa, chính
ông Ngô Ðình Nhu đã bí mật đi gặp Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính Trị của Cộng sản
Bắc Việt tại rừng Tánh Linh, thuộc tỉnh Bình Tuy, để chuẩn bị bắt tay với phe Cộng
sản trong việc hiệp thương giữa 2 miền Nam Bắc, xoay 180 độ trong chủ
trương Chống và Diệt Cộng của chính phủ Ngô Ðình Diệm vào lúc đó. Cơ
quan CIA của Hoa Kỳ cũng biết được điều này và chính điều này cũng đã tạo thêm
một lý do nữa cho Mỹ quyết định lật đổ chế độ nhà Ngô. Mùa Hè 1963 xảy ra vụ khủng
hoảng Phật Giáo. Đây là giọt nước tràn ly. Ngày 1-11-1963, các tướng lãnh của
QLVNCH, có được sự ủng hộ ngầm của Hoa Kỳ, đã tiến hành đảo chánh quân sự, lật
đổ chế độ, và chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Một cơ hội rất tốt với rất
nhiều triển vọng tốt đẹp để xây dựng một chế độ tư do dân chủ cho Miền Nam đã bị
đánh mất.
Từ cuối năm 1963 cho đến
cuối năm 1967, VNCH đã trải qua một giai đoạn vô cùng xáo trộn về chính trị, Miền
Nam có nguy cơ bị mất vào tay Cộng sản, khiến cho Hoa Kỳ phải nhảy vào, trực tiếp
can thiệp vào cuộc chiến, để cứu vãn tình hình quân sự lúc đó. Trong suốt
thời gian xáo trộn này, giới lãnh đạo VNCH, cả quân sự và chính trị, đã cho thấy
rõ những nhược điểm của họ: không có khả năng chính trị để ổn định tình thế,
không thật sự vì nước vì dân, mà chỉ biết tranh giành quyền lợi cá nhân và đảng
phái. Hiến pháp 1967 đã chấm dứt được giai đoạn xáo trộn chính trị này,
nhưng lại đưa đất nước vào một giai đoạn độc tài quân phiệt. Ðệ Nhị Cộng Hòa được
khai sinh với Hiến Pháp 1967 vì áp lực của Hoa Kỳ chứ không phải do lòng thành
thật của các tướng lãnh. Ðể tránh lập lại chuyện xung đột trong nội bộ của phe
quân nhân (thể hiện qua các cuộc đảo chánh liên tục, như trong thời gian
1963-1967), các tướng lãnh đã tạo áp lực rất mạnh để hai tướng Thiệu và Kỳ phải
hủy bỏ liên danh riêng của họ và đứng chung trong một liên danh với ông Thiệu
là Tổng Thống và ông Kỳ là Phó Tổng Thống trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên
năm 1967. Và để cho ông Kỳ vui vẻ chấp nhận vai trò Phó Tổng Thống, các tướng
lãnh còn đi xa hơn, bí mật làm một việc hoàn toàn trái Hiến Pháp 1967 là ký với
nhau một mật ước vi hiến theo đó, sau bầu cử, ông Thiệu chỉ làm Tổng Thống trên
danh nghĩa mà thôi với ông Kỳ tiếp tục nắm trọn quyền hành. Dĩ nhiên, sau khi đắc
cử, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tổng Thống Thiệu đã lờ đi, và tất cả các tướng
lãnh cũng không ai nhắc đến (hay dám nhắc đến) cái mật ước vi hiến đó nữa cả. Nền
Ðệ Nhị Cộng Hòa đã bắt đầu bằng một hành động vi hiến của tập thể lãnh đạo như
vậy thì làm sao tránh được không phát triển thành một chế độ bất công, tham
nhũng, còn hơn cả nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa, thay vì đưa đến một chế độ tự do dân chủ
như Hiến Pháp 1967 đã quy định.
Bản thân
VNCH đã như vậy còn người bạn đồng minh “ông anh chi tiền” Hoa Kỳ thì ra sao? Về
các phương diện khoa học kỹ thuật, quân sự và kinh tế, chúng ta khó có thể bác
bỏ được niềm tin của cả thế giới rằng Hoa Kỳ là cường quốc số một. Nhưng về
lãnh vực khôn ngoan chính trị, khả năng tiên đoán lâu dài về bang giao quốc tế,
về địa chính trị (geo-politics), thì chúng ta khó có thể tin là Hoa Kỳ cũng đứng
hàng đầu. Do những nhận định rất ấu trĩ về chính trị quốc tế vào cuối Đệ Nhị Thế
Chiến, Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho Liên Xô chiếm cả Đông Âu và đưa cả thế giới vào
một cuộc Chiến Tranh Lạnh trong gần nửa thế kỷ. Năm 1972, cũng chính Hoa Kỳ đã
mở cửa cho Trung Cộng bước ra khỏi hoàn cảnh bị bao vây, phong tỏa, tiến vào
chiếm giữ được vị trí của một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc. Sau đó, cũng chính Hoa kỳ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện “Bốn
hiện đại hóa” và trở thành một siêu cường như ngày hôm nay. Trong đánh giá của phe Cộng Sản, Hoa Kỳ chỉ là
“con cọp giấy.” Ðể chứng tỏ mình không phải là “con cọp giấy” và quá yếu như
Pháp trong Chiến tranh Việt-Pháp, Hoa Kỳ đã quyết định can thiệp trực tiếp vào
Chiến tranh Việt Nam: 1) Sử dụng không quân thực hiện Chiến dịch Sấm Rền
(Operation Rolling Thunder) tấn công, oanh tạc Miền Bắc; và 2) Tại Miền Nam thì
đưa hơn nửa triệu quân bộ chiến vào “lùng và diệt địch.” (Search and Destroy).
Cách can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ như thế là một sai lầm to lớn
đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại. Tại quốc nội, Chiến tranh Việt Nam là một
biến cố đưa đến một sự chống đối chưa từng có trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa
Kỳ. Có mấy lý do chánh đưa đến việc chống đối này: 1) Ðây là một cuộc chiến
tranh không có tuyên chiến (an undeclared war); nên nhớ khi Hoa Kỳ tham chiến
trong Ðệ Nhị Thế Chiến (1941-1945), với trên 400.000 quân tử trận, hoàn toàn
không có một sự chống đối nào trong dân chúng; ngược lại toàn dân đều ủng hộ, tham
gia đóng góp và hy sinh cho cuộc chiến; lý do: đây là một cuộc chiến mà chính
Quốc Hội Hoa Kỳ có tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 8-12-1941 sau khi Nhật Bản
bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941; 2) Ðây là cuộc chiến tranh
đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ “diễn ra hàng ngày trong phòng khách” nhà dân
chúng; người dân, đủ mọi thành phần, xem tin tức về Việt Nam hàng ngày trên
ti-vi, bị ám ảnh nặng nề với số thương vong, có khi hàng trăm binh sĩ tử trận mỗi
tuần (nhất là từ năm 1968 trở đi); 3) Chiến tranh càng kéo dài, gánh nặng về
chi phí càng cao, và tác hại đến những chương trình an sinh xã hội trong nước,
đặc biệt là chương trình Great Society của Tổng Thống Johnson. Về phương diện đối
ngoại, Hoa Kỳ bị nhiều nước trên thế giới lên án nặng nề về việc oanh tạc Bắc
Việt hằng ngày với một số lượng bom khổng lồ, đối với một nước nhỏ và không có
gây chiến, tấn công vào lãnh thổ của Hoa Kỳ (như Nhật Bản đã làm vào năm 1941).
Riêng đối với VNCH, sự hiện
diện của quân Mỹ, vừa gây nhiều xáo trộn nghiêm trọng về kinh tế – xã hội cho
Miền Nam, cũng làm cho VNCH khó bảo vệ được chính nghĩa của một cuộc chiến
tranh tự vệ. Ðến khi nhận thức được rằng họ không thể nào thắng được cuộc chiến
tranh này (các tác giả thuộc phái Chính thống –Orthodox—của Hoa Kỳ gọi nó là
“an unwinnable war = một cuộc chiến tranh không thể thắng được”), theo
cách đánh như thế, Hoa Kỳ quyết định đơn phương xuống thang, điều đình để rút
lui trong danh dự, và bỏ mặc VNCH. Việc bỏ rơi VNCH của Hoa Kỳ không đơn giản
chỉ là một chuyện “Khi Ðồng Minh bỏ chạy” (cụm từ đã được Tiến sĩ Nguyễn Tiến
Hưng sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách nổi tiếng của ông) như nhiều người trong
chúng ta đã nghĩ. Nó là cả một quá trình qua 3 đời Tổng Thống Mỹ (Johnson,
Nixon và Ford) chớ không phải là một quyết định “một sớm một chiều.” Ðiều mỉa
mai nhứt trong việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh VNCH là việc phản bội này được Ðảng
Dân Chủ dàn dựng (trong cuối thời gian cầm quyền của Tổng Thống Nixon và năm đầu
của Tổng Thống Ford của Ðảng Cộng Hòa) trong khi cũng chính Ðảng này, trong thời
Tổng Thống Johnson, đã chủ trương leo thanh chiến tranh tại Việt Nam, đưa đến sự
hy sinh vô ích của 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ. Rõ ràng hành động chính trị đảng
phái vô trách nhiệm và vô liêm sỉ, vừa phản bội trắng trợn một nước bạn đồng minh,
vừa biến sự hy sinh của 58.000 quân nhân của nước mình trở thành vô nghĩa,
không phải là độc quyền của các nước độc tài, bất nhân. Hiệp Ðịnh Paris
năm 1973, đối với Hoa Kỳ, chỉ là một phương tiện để có thể giúp họ làm 2 việc:
1) rút hết quân khỏi Miền Nam mà không cảm thấy bị thua nhục, và, 2) mang được
hết tù binh của họ về nước. Ðối với VNCH, việc ký vào Hiệp Ðịnh này là để đánh
đổi cho việc được Hoa Kỳ tiếp tục giúp đỡ. Về sau này, mọi người đều thấy
rõ là chỉ có một điều khoản duy nhứt của Hiệp Ðịnh Paris đã được tuân thủ và
thi hành triệt để: đó là việc Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu còn lại ra
khỏi VNCH trong vòng 60 ngày. Ngày hôm nay thì ai cũng biết là cái Hiệp
Ðịnh, mà tên gọi chính thức là “Agreement on Ending the War and Restoring Peace
in Vietnam,” (Thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam)
hoàn toàn không có dính líu gì đến cái việc gọi là “vãn hồi hòa bình tại Việt
Nam.” Chính phủ Mỹ, qua lời tuyên bố của chính Tổng Thống Nixon, thì xem đó như
là một “nền hòa bình trong danh dự.” Và bây giờ thì đã có hẳn một nhà nghiên cứu
về Chiến Tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, Giáo sư Larry Berman, đã suy nghĩ, cảm nhận,
kết luận và viết ra một cách minh bạch rằng: “chẳng có hòa bình mà cũng chẳng
có danh dự gì cả.” Đó là cuốn sách “No peace, no honor: Nixon, Kissinger and
betrayal in Vietnam của nhà xuất bản Free Press ấn hành năm 2001. Chả trách tại
sao khi được Giải Nobel về Hòa Bình, trong khi Kissinger sung sướng, hãnh diện
đi nhận giải thưởng (để rồi hai năm sau phải chịu cái nhục xin trả lại giải thưởng)
thì Lê Ðức Thọ đã lạnh lùng từ chối không nhận.
Miền Nam trở thành “bên thua cuộc,” xét cho cùng, gần
như là một tất yếu lịch sử vì VNCH đã hội tụ đủ tất cả các lý do để “thua cuộc” :
1) thiếu vắng một ý thức
hệ làm nền tảng cho một chiến lược cần thiết cho một cuộc chiến tranh tự vệ chống
xâm lược mang màu sắc ý thức hệ;
2) không có được một giới
lãnh đạo có đủ khả năng và bản lãnh chính trị với một tấm lòng vì dân vì nước
và có một quyết tâm chiến thắng cao; và,
3) cũng không có được một
đồng minh hết lòng giúp đỡ và có đầy đủ kiên nhẫn để đi tới cùng với mình trong
cuộc chiến quá sức cam go này. VNCH chỉ có chính nghĩa mà chính nghĩa thì không
có một chút giá trị gì cả trước họng súng của một kẻ địch cuồng tín trong ý thức
hệ của họ, với một quyết tâm chiến thắng cao, và được bạn bè hết lòng giúp đỡ
và đủ kiên nhẫn để đi với họ đến chiến thắng sau cùng.
Cái chết của VNCH vào lúc
12 giờ trưa ngày 30-4-1975, bề ngoài có vẻ như là một sự bức tử, nhưng thật ra,
nghĩ cho cùng, chỉ là một cái chết, tuy đến có hơi sớm hơn một chút, nhưng vẫn
là có thể đoán trước được.
----------------------------------
XEM THÊM
Tác giả: Lâm Vĩnh Thế
No comments:
Post a Comment