Tuesday, April 24, 2018

ĐÔ ĐỐC MỸ : BIỂN ĐÔNG ĐANG BỊ TRUNG QUỐC KHỐNG CHẾ (Trọng Nghĩa - RFI)




Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 23-04-2018

Trong ba tuần đầu tháng Tư 2018, Hải Quân Trung Quốc đã tung ra một loạt hành động vừa thị uy vừa khiêu khích trên Biển Đông, không chỉ đối với các láng giềng trong khu vực, mà còn nhắm cả vào Mỹ lẫn Úc, hai nước đang can dự vào vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018, đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại vùng Thái Bình Dương sắp tới đây, đã báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó.

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017)REUTERS

Trong bài viết công bố ngày 20/04/2018, mang tựa đề “Các hòn đảo quân sự Trung Quốc giờ đang kiểm soát Biển Đông - China Military Islands Now Control South China Sea”, tờ báo Mỹ The Washington Free Beacon đã nêu bật những đánh giá của chuẩn tư lệnh Mỹ về tình hình, và những giải pháp cụ thể mà Mỹ cần áp dụng, trong đó có việc nhanh chóng phát triển loại tên lửa siêu âm và tên lửa tầm trung để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhận xét chung của vị đô đốc Hải Quân, hiện là tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ về hiện trạng Biển Đông trong bài điều trần bằng văn bản trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ rất rõ ràng : Trung Quốc đã triển khai hệ thống tác chiến trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực.

Cơ sở đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lực lượng triển khai đến nơi
Theo đô đốc Davidson, tiến trình quân sự hóa các tiền đồn để chiếm lĩnh Biển Đông, đã được Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12/2013 tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, và từ đó đến nay, họ đã củng cố và trang bị cơ sở quân sự trên 7 thực thể trong khu vực.

“Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, bao gồm các thực thể Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson), Vành Khăn (Mischief) và Xu Bi (Subi).
Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông, thách thức nghiêm trọng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên vùng biển này”.

Đô đốc Davidson xác định rằng các cơ sở trên 7 hòn đảo nhân tạo bao gồm nhà chứa máy bay, doanh trại, kho nhiên liệu và bể nước ngầm, và hệ thống hầm kiên cố dùng cho các hệ thống thiết bị phòng thủ và tấn công cố định cũng như di động.

Ngày nay, các căn cứ này coi như đã hoàn thiện. Điều duy nhất còn thiếu là lực lượng quân sự trên đó mà Trung Quốc sẽ triển khai.

Lực lượng nào trên các đảo cũng áp đảo được các láng giềng
Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng Châu Đại Dương.

Đối với ông, Trung Quốc sẽ có thể dùng các căn cứ quân sự của họ trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong vùng Biển Đông, và bất kỳ lực lượng Trung Quốc nào được triển khai đến các đảo nhân tạo ở đó, sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của các nước yêu sách còn lại trong vùng.

Đối với ông, Trung Quốc hiện đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản xung đột, và đà tăng cường quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng đáng kể đối với các lực lượng và căn cứ quân sự Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tuy vẫn còn thua Mỹ, nhưng Bắc Kinh đang phát triển các tàu ngầm chạy êm hơn. Không quân Trung Quốc cũng phát triển các máy bay tàng hình tiên tiến, máy bay ném bom tầm xa và máy bay không người lái hiện đại. Khả năng tác chiến không gian mạng của Bắc Kinh đã vượt xa việc thu thập tin tức tình báo thông thường mà còn có kế hoạch tấn công vào các hệ thống điều khiển và chỉ huy quân sự của đối phương. Trung Quốc cũng đang vũ trang hóa không gian với tên lửa, thiết bị gây nhiễu và thiết bị laser có khả năng tiêu diệt vệ tinh - công cụ đắc lực nhất cho phép quân đội Mỹ triển khai nhanh chóng trên các địa bàn xa xôi.

Trong bối cảnh đó, một khi được chuẩn y làm tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Davidson sẽ bắt tay vào phát triển lực lượng Mỹ trong khu vực để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo ông, lực lượng quân sự hiện nay của Mỹ tại Thái Bình Dương không đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chiến đấu cơ Mỹ tuần tra Biển Đông bị Trung Quốc phá sóng
Lời cảnh báo của đô đốc Davidson như đã được thực tế trên Biển Đông chứng minh với một loạt các hành vi bị cho là khiêu khích của Trung Quốc, đặc biệt là vụ được cho là phá sóng chiến đấu cơ Mỹ.

Theo báo chí Philippines ngày 14/04, một phi công Mỹ lái một chiếc tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, đã tiết lộ việc máy bay của anh bị thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc tác động khi bay trên Biển Đông.

Phi công này xác định với phóng viên hãng tin Philippines GMA News : “Khi một số thiết bị của bạn không hoạt động, đó là dấu hiệu cho thấy ai đó đang cố gắng gây nhiễu máy bay của bạn. Chúng tôi đã biết đó là ai”.

Sự cố xẩy ra khi chiếc Theodore Roosevelt tuần tra trên Biển Đông trong hành trình đến Singapore tham gia tập trận chung với các tàu chiến Singapore tại vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông trong 3 ngày 06-08/04.

Lời kể của phi công chiếc EA-18G Growler giúp xác nhận thông tin từ tờ báo Mỹ Wall Street Journal ngày 09/04, theo đó một số quan chức quân sự Mỹ xin ẩn danh cho biết là Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu tại đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở Trường Sa. Tờ báo này cũng công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ăng ten của hệ thống gây nhiễu, mà theo tờ báo, có thể ngăn chặn tín hiệu liên lạc và radar quân sự.

Chiến hạm Úc thăm Việt Nam bị tàu Trung Quốc khiêu khích
Không chỉ nhắm vào Mỹ, Hải Quân Trung Quốc còn làm khó tàu của nước khác đi ngang Biển Đông, qua đó khẳng định tư cách chủ nhân ông của họ. Sự cố gần đây nhất liên quan đến ba chiếc tàu Hải Quân Úc.

Theo báo chí Úc ngày 19/04, các chiếc HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success đã bị Hải Quân Trung Quốc sách nhiễu trên Biển Đông khi đang trên đường đến Việt Nam ghé cảng thành phố Hồ Chí Minh. Một quan chức giấu tên khẳng định với kênh thông tin ABC của Úc rằng, tuy không gây ra hậu quả đáng tiếc nào, nhưng Hải Quân Trung Quốc đã tỏ ra thô bạo.

Giới chuyên gia ghi nhận là nếu trước đây, việc đi lại trên Biển Đông của chiến hạm Úc đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á là chuyện bình thường, thì hiện nay, Bắc Kinh đã ngang nhiên gây trở ngại.

Các hành vi quyết đoán của Hải Quân Trung Quốc trên Biển Đông cũng tương ứng với thay đổi lập luận của chính quyền Bắc Kinh, không còn dùng cái vỏ dân sự để che đậy các hoạt động quân sự hóa, mà công khai khắng định rằng họ có toàn quyền trang bị vũ khí cho những vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

-------------------------------

23/04/2018

Ba chiến hạm của Australia, từng vấp phải tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 22/4 rời Việt Nam sau chuyến thăm “thiện chí” nhằm “củng cố quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước.
Hai tàu khu trục và một tàu hậu cần, với tổng cộng 73 sĩ quan và gần 600 thủy thủ trên khoang, tới TP HCM hôm 19/4, sau khi “đối đầu” với các tàu hải quân Trung Quốc lúc đi ngang qua vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Các hình ảnh đăng tải trên trang Facebook của Đại sứ quán Australia ở Việt Nam cho thấy, chỉ huy, thủy thủ đoàn từ ba tàu tiếp kiến với các sỹ quan cao cấp hải quân Việt Nam cũng như giao lưu, tiến hành trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trên tàu hải quân bao gồm công tác y tế trên biển, tìm kiếm và cứu nạn.

-------------------------------------
RoyalAustralianNavy
Vietnam visit kicks off for HMAS Anzac, Success and Toowoomba in Ho Chi Minh city - celebrating 20 years of defence ties.
-----------------------------------

Đại tá Nerolie McDonald, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam, cho biết rằng sau 17 năm, “đây là lần thứ hai Australia có ba tàu hải quân vào thăm Việt Nam đồng thời” đúng năm hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược, kỷ niệm 20 năm hợp tác quốc phòng, 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bà McDonald nói thêm rằng hợp tác quốc phòng giữa hai nước “tiếp tục được mở rộng trên các lĩnh vực như đối thoại chiến lược, các chuyến thăm cấp cao cũng như các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như giáo dục và đào tạo, hợp tác giữa lực lượng đặc công Việt Nam và lực lượng tác chiến đặc biệt Australia, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, an ninh biển, an toàn bay và trao đổi thông tin”.
Thông cáo của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam không đề cập tới thông tin được báo chí Úc loan tải trước đó về việc các tàu trên “bị thách thức” trên Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Australia hồi tháng Ba.

Chuyến thăm của các chiến hạm tới TP HCM diễn ra gần một tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Canberra, và đôi bên đã “quyết định nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược”.
Chưa rõ là sau khi rời Việt Nam các tàu của Úc có "chạm trán" Trung Quốc khi đi ngang qua Biển Đông nữa hay không.
Bộ Quốc phòng Australia tuần trước ra thông cáo nói rằng “các tàu và máy bay Australia sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và bay ngang theo luật quốc tế ở Biển Đông”.

Các tàu hải quân Úc cập cảng ở Sài Gòn hôm 19/4.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc, theo Reuters, hôm 19/4 cho biết rằng các tàu hải quân của nước này và Australia đã “chạm trán” trên Biển Đông, và phía Trung Quốc đã hành động một cách “chuyên nghiệp và đúng luật”, bác bỏ các tin tức nói rằng các tàu của quốc gia đông dân nhất thế giới đã tỏ ra “thách thức”.
Cùng với Mỹ, Anh và Ấn Độ, Australia thời gian qua có nhiều tuyên bố liên quan tới Biển Đông, nhất là về quyền tự do hàng hải ở vùng biển mà nước này không có tuyên bố chủ quyền.

*
LIÊN QUAN
23 THÁNG 4, 2018

21 THÁNG 4, 2018











No comments: