Trần Văn Chánh
Viet Studies | 24-4-2018
Trong
lịch sử cận-hiện đại của Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam sau Hiệp định
Genève 1954 nói riêng, trường hợp nhân vật lịch sử Dương Văn Minh (1916-2001)
có lẽ khá đặc biệt, và không ít người đã coi ông là một vị tướng
lãnh “có vấn đề”. Ông sống nói chung trong sạch, bề ngoài có vẻ luôn khiêm tốn
hiền lành nhưng toàn tham gia những đại sự quân chính có tác dụng đảo chuyển hướng
đi của lịch sử.
Vào
thời kỳ đầu của Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh đã từng
được coi là anh hùng trong thành tích đánh dẹp lực lượng Bình Xuyên (năm 1954) ở
khu Rừng Sác (ngoại vi Sài Gòn) và dẹp tan quân đội của giáo phái Hòa Hảo (năm
1956), được thăng chức Trung tướng (5.1.1956). Hai đại sự khác trong đời ông là
việc năm 1963 với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng ông cầm đầu
nhóm tướng lãnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và việc năm 1975 với tư
cách Tổng thống đã quyết định đầu hàng không điều kiện “đối phương” miền Bắc để
kết thúc gọn nhẹ cuộc chiến tranh thảm khốc 30 năm, lập lại hòa bình cho dân tộc
Việt.
Sở
dĩ bị coi là vị tướng “có vấn đề” vì trong cả hai trường hợp vừa nêu trên, ông
có những chỗ rất dễ bị chỉ trích bởi một số người khác biệt quyền lợi hoặc
không đồng quan điểm. Đây cũng là một lẽ rất thường tình, bởi nếu ông Minh chỉ
là một kẻ tầm thường vô dụng, không lý tưởng, chỉ biết sống “dĩ hòa vi quý” cho
được vinh thân phì gia như bao người khác thì có lẽ chẳng ai cần nhắc gì tới
ông, kể cả việc chỉ trích ông thậm tệ nhất đi nữa.
No comments:
Post a Comment