Monday, April 30, 2018

NHÂN NGÀY 30/4 : CHÚT HỒI ỨC VỀ MỘT NGƯỜI TÙ CẢI TẠO (FB Lê Nguyễn)




28-4-2018

XIN LƯU Ý – Đây chỉ là những gì mà ký ức còn ghi nhận được của một “người trong cuộc” sau 43 năm tang thương biến đổi, viết để các bạn đọc cho vui và có những cảm nhận cho riêng mình. Xin tuyệt đối không đưa ra những bình luận có tính cực đoan nhắm vào chính quyền hay chế độ hiện hành.
Trân trọng!

***
Chưa chi mà đã 43 năm rồi! Với những bạn FB dưới 50 tuổi, chắc ấn tượng về ngày 30.4.1975, các bạn chỉ có thể nghe qua lời kể của cha anh. Nhiều người 70, 80 trở lên, trí nhớ cũng đã thui chột dần. Thôi thì còn nhớ gì kể nấy, như những hồi ức vụn vặt về một thời điểm đáng nhớ trong đời của hàng triệu người trên đất nước này.
Không lâu sau ngày 30.4.1975, việc đầu tiên mà “ngụy quân, ngụy quyền” kéo nhau đi thực hiện là “trình diện đăng ký” với Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, chủ tịch là Thượng tướng Trần Văn Trà, người ký trên giấy đăng ký là ông Cao Đăng Chiếm, Phó chủ tịch Ủy ban. Lúc bấy giờ giấy chứng nhận đăng ký trình diện là một thứ “giấy thông hành” của thành phần đặc biệt này, đi đâu cũng phải thủ nó trong túi. Trong vòng tháng 5, các hạ sĩ quan và binh sĩ phe thua cuộc được tham gia các buổi học chính trị tại chỗ kéo dài 3 hoặc 7 ngày. Mãi đến thượng tuần tháng 6, người ta mới kịp nói đến những thành phần cao cấp hơn: viên chức chính quyền từ Phó Ty, Phó Quận đến Phó Tổng thống, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán; đảng viên các đảng phái từ Phó bí thư Quận Huyện trở lên, viên chức trung ương tình báo từ trung cấp trở lên, và sĩ quan cảnh sát từ thiếu tá trở lên. Một trong những điều khoản ghi rõ trong thông cáo kêu gọi trình diện “học tập cải tạo” là “mang theo tiền bạc và đồ dùng đủ sử dụng trong một tháng”. 95% đối tượng HTCT đã “thất thủ” vì điều khoản này. Ai cũng nghĩ bụng, hạ sĩ quan, binh sĩ học tập tại chổ trong 3 ngày thì mình học 30 ngày, gấp 10 lần, cũng đã thỏa đáng lắm rồi, thôi thì ráng đi một tháng, có cái giấy chứng nhận lộn lưng, trở về tiếp tục cuộc mưu sinh nuôi gia đình. Thời gian trình diện trong ba ngày 13,14 và 15.6.1975; ngày 13 và 14 tại trường trung học Gia Long; ngày 15 tại trường Trưng Vương. Ác một cái: ngày 13 là thứ sáu, dân Công giáo kỵ; ngày 14 lại là mùng 5 âm lịch (mùng 5, mười bốn, hăm ba), dân Phật giáo ngại …Vì thế số người trình diện trong hai ngày này không nhiều, họ dồn hết vào ngày chủ nhựt 15.6 tại trường Trưng Vương. Sáng hôm ấy, mới 8g mà người trình diện “nhập học” đã xếp hàng rồng rắn từ cửa Sở Thú, đầu đường Thống Nhất (Lê Duẩn), đến đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai). Đám đông mỗi lần chỉ được “nhập trường” 5 – 6 người, nên dòng người rồng rắn mỗi lúc một dài hơn. Những người đứng đầu hàng đang ngóng chờ đến lượt mình thì bỗng xuất hiện một đám đông khoảng chục người lố nhố, chạy đến, tíu ta tíu tít đưa cho mấy anh cán bộ phụ trách một tờ giấy gì đó. Hỏi kỹ thì mới biết đó là đám dân biểu, nghị sĩ xuất trình tờ giấy giới thiệu của ban Quân quản Quốc Hội đề nghị cho họ ưu tiên đi … ở tù. Thế là la ó, phản đối, rối beng trật tự khiến hai anh cảnh vệ đứng gần đó phải nổ súng chỉ thiên, lá me rơi tơi tả trên đầu, trên vai đám “sĩ tử” một cách rất ư là … lãng mạn. Xa trường học lâu rồi, sao mà họ nôn nóng được đi học đến thế. Có chị giữ chức vụ Chánh sở ở Bộ Xã Hội, không thuộc tiêu chuẩn đi học tập, thất vọng ra mặt, cứ gặp hết cán bộ này đến cán bộ khác, xin được nhập trường. Cuối cùng, chị được thỏa mãn nguyện vọng, gương mặt giãn ra, hớn hở.
Quên kể một chi tiết: theo thông cáo đi học tập, các học viên phải đóng tiền ăn một tháng hơn 10 ngàn đồng, và ngay bữa ăn đầu tiên tại trường Trưng Vương, thức ăn được nhà hàng (Đồng Khánh hay Á Đông gì đó) mang đến. Một bữa ăn giá vài trăm đồng lúc ấy sang lắm!
Nhưng chúng tôi không ở lại trường Trưng Vương lâu. Đêm hôm đó, lúc gần 11g, tất cả được lệnh mang hết đồ đạc ra ngồi ở sân trường. Không lâu sau, chúng tôi được đưa lên những chiếc GMC bít bùng, chạy quanh co giữa một thành phố ngủ im lìm như chết. Trời tối đen, chúng tôi nhìn qua những lỗ thủng nhỏ trên tấm bạt, đoán là xe chạy về hướng Vũng Tàu. Không lâu sau, xe rẽ trái, chạy lên một vùng đất hơi cao, có vẻ như một ngọn đồi nhỏ, rồi dừng lại. Khi xuống xe, nhiều người trong chúng tôi nhận ra đó là Làng cô nhi Long Thành, từng là một trung tâm nuôi dưỡng cô nhi nổi tiếng, hàng tuần, vào mỗi chủ nhật, số người giàu thiện tâm đổ xô lên đó để thăm viếng, giúp đỡ vô cùng đông đúc. Sau này mới biết người điều hành làng cô nhi này có bí danh Tư Sự, đã hoạt động cho MTGP từ trước ngày 30.4.
Hôm 15.6 ấy, vì số người được nhận vào đã đủ so với dự kiến, nhiều người xếp hàng phía sau không được “nhập trường”,. Họ thất vọng trở về và hầu hết những người này bị hốt ngay trong đêm ấy. Thành phần “nửa nạc nửa mỡ” đeo băng đỏ đông như quân Nguyên lúc đó, lập công đi trình báo với chính quyền là số người này trốn HTCT, và thế là họ bị hốt đi, giam cả vào khám Chí Hòa. Sáng hôm sau họ mới được thả ra sau khi người ta phối hợp biết nguyên nhân vì sao họ phải trở về. Họ chờ trình diện những đợt sau.
Khi chúng tôi lên tới, làng cô nhi Long Thành trống vắng, tiêu điều, chỉ có một hàng rào kẽm gai vây quanh. Nó trở thành ”Trại HTCT 16 NV” (NV: Nội vụ, vì trại này thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục quản lý trại giam Bộ Nội vụ, để phân biệt với các trại do địa phương quản lý) lúc ấy chứa khoảng 3.000 người, được chia thành 4 khối:
– Khối 1 gồm công chức từ Phó Ty, Phó Quận trở lên, dân biều, nghị sĩ, thẩm phán (chánh án, biện lý, phó biện lý, dự thẩm).
– Khối 2 gồm các đảng viên đảng phái phản động (tất nhiên trừ đảng Lao Động) chức vụ từ Phó bí thư quận huyện trở lên (đảng Dân Chủ, VNQDĐ, đảng Đại Việt, đảng Cấp Tiến…).
– Khối 3 gồm các viên chức Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo từ trung cấp trở lên.
– Khối 4 gồm sĩ quan cảnh sát từ cấp Thiếu tá trở lên.
Tất nhiên khối 1 là hùng hậu nhất, nhiều người từng là Tổng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện, từng ngồi ghế chánh án các tòa án tỉnh (thời đó tòa án chỉ đến cấp tỉnh, không đến cấp quận như bây giờ). Trong khối 2 (đảng phái) có một nhân vật lừng lẫy trong kháng chiến chống Pháp, đó là cụ Vũ Hồng Khanh, nguyên thủ lãnh VNQDĐ, từng tham gia chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946. Còn nhớ khá rõ hình ảnh cụ Vũ Hồng Khanh lúc ấy rất tiên phong đạo cốt. Tóc cụ bạc gần hết, để “củ nừng” phía sau, gương mặt cụ phương phi, hồng hào, chiều chiều cụ hòa theo dòng chảy của mấy ngàn người đi bách bộ trên con đường mà chúng tôi gọi vui là “đại lộ hoàng hôn”. Cụ lầm lũi đi, không nhìn quanh nhìn quất, đầu hơi cúi về phía trước, hai bàn tay chắp lại sau mông.
Khối 2 còn có luật sư Nguyễn Lâm Sanh, Phó chủ tịch Liên minh Á châu chống Cộng (chủ tịch là cựu Thủ tướng Phan Huy Quát), nghe đâu là người từng mở chung văn phòng luật sư với ông Nguyễn Hữu Thọ trước khi ông Thọ vào khu. Ở khối ba mới có chuyện hài, thông cáo đi học gồm những viên chức tình báo trung cấp trở lên, mà thời VNCH, thơ ký đánh máy (ngạch B3) đã được xếp vào công chức trung cấp, hạng B (hạng C là tùy phái, hạng D là lao công), báo hại các cô thư ký đánh máy của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo đều đi trình diện tất, ở chung trong một nhà chứa khoảng 300 người, chung với phụ nữ thuộc các thành phần khác (dân biều, nghị sĩ, thẩm phán…). Mãi đến hơn 6 tháng sau, người ta mới có dịp truy xét và nhận ra rằng các cô này chỉ là … thơ ký đánh máy nên cho họ về trong một buổi sáng thật đông vui, náo nhiệt.
Sau khi đã ở đây gần hết một tháng, ai cũng nuôi hi vọng sớm trở về. Nhưng có những dấu hiệu “khó hiểu” xuất hiện. Người ta bắt đầu cho dựng lên căng-tin, bố trí phòng hớt tóc … để làm gì nhỉ? Vậy mà điều đó vẫn không ngăn cản nhiều học viên (khi đó, chúng tôi chưa bị gọi là “trại viên”) hàng đêm đóng sẵn va li, chờ đoàn xe từ Sài Gòn lên rước về, giữa đêm hôm khuya khoắt, như lúc ra đi. Chúng tôi đang ở trên một cao điểm nên đêm đêm, những ánh đèn pha của đoàn xe từ hướng Biên Hòa ra Vũng Tàu đủ khiến cho bao nhiêu trái tim rộn lên niềm hi vọng, để rồi thất vọng triền miên. Trong số những nhân vật chuẩn bị sẵn hành lý, chờ đợi và hi vọng đó, có cả một vị từng ở top 5, top 6 của lãnh đạo chế độ VNCH trước 1975!
Thế rồi, chúng tôi cũng không phải chờ đợi lâu. Sau khi hết một tháng, tất cả học viên được tập trung thông báo là “kể từ tháng thứ hai, chính quyền cách mạng sẽ đài thọ tiền ăn cho các anh chị”. Cú sốc khá nặng, một nữ thẩm phán là chị Phù T.H. đang mang cái bụng thè lẻ, bật khóc nức nở. May mà chỉ 1-2 tháng sau, chị được về, nếu không, chẳng biết sự thể sẽ ra sao.

CUỘC GẶP GỠ VỚI TRƯỞNG TY CÔNG CHÁNH PHƯỚC LONG

Buổi sáng đầu tiên khi chúng tôi vừa đến trại Long Thành, một chiếc xe GMC chở tới khoảng 5-6 người trung niên gầy ốm, mình chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Họ được thả xuống và làm cái việc đào một số hố xí cho chúng tôi ngay sát cạnh hàng rào kẽm gai của trại. Chúng tôi tò mò ra đứng xem, không được đến gần họ, nhưng nhìn rõ mặt nhau và nói to thì có thể nghe nhau được. Bỗng nhiên có người trong nhóm chúng tôi nhận ra một trong những người mặc quần đùi nhếch nhác đó là anh Trưởng ty Công chánh Phước Long. Như vậy, có thể đoán là anh ta bị bắt làm tù binh vào tháng 1.1975, khi quân đội miền Bắc tấn công và chiếm đóng vĩnh viễn tỉnh này. Anh Trưởng ty Công chánh cũng nhận ra người quen trong đám chúng tôi, anh nhìn về hướng chúng tôi, rồi chỉ vào cái quần đùi và cái bụng nhễ nhại mổ hôi của mình: “rồi tụi bây cũng như tao vầy thôi”. Nghe như thế, nhưng hầu như chẳng ai trong chúng tôi tin lời anh ta. Tụi tôi đang ăn trắng mặc trơn, cơm canh đang được các nhà hàng Đồng Khánh, Á Đông mang đến tận miệng mà, sao có chuyện quần đùi trần trụi như bọn họ được. Để rồi phải chờ đến 1, 2 năm sau, lời cảnh báo của anh Trưởng ty Công chánh Phước Long mới được hiện thực hóa dần, hiện thực hóa dần …

TỪ CHÁNH SỞ LÊN LÀM PHÓ THỦ TƯỚNG TRONG CHƯA ĐẦY MỘT NĂM!

Anh B. là Chánh sự vụ một sở thuộc Bộ X. Chức vụ này xếp trên Chủ sự phòng (Trưởng phòng) và Trưởng ban, dưới Giám đốc và Tổng Giám đốc. Bữa trưa nọ, anh về ăn trưa, giữa bữa ăn, chị vợ đợi lúc anh vui, mở lời:
– Anh à, sáng nay em đi coi ông thầy bói rất nổi tiếng, nói đâu trúng đó, nhất là chuyện tương lai, hậu vận.
– Em lại mê tín, rồi sao?
– Anh à, ông ấy phán anh sắp làm … Phó Thủ tướng!
Ông Chánh sở dằn chén cơm xuống mâm một cái rầm, quắc mắt nhìn cô vợ:
– Ông thầy bói này khùng mà em tin sao? Tôi bây giờ mới là Chánh Sở mà bảo tôi sắp làm Phó Thủ tướng trời ạ!
Chị vợ sợ quá, im thin thít, không dám nhắc tới chuyện này nữa.
Tháng 6.1975, vào trại Long Thành, ngẫu nhiên anh Chánh Sở này được phân công làm Nhà trưởng, quản lý gần 300 học viên. Trưa nọ, đang ngồi nói chuyện khào với bạn bè, anh ta vỗ đùi đánh đét một cái:
– Trời ạ, tao ân hận quá! tao chửi oan ông thầy bói, ổng đoán tao sắp làm Phó Thủ tướng, đúng quá, tao đang quản lý cả chục ông Bộ trưởng và Thứ trưởng tại nhà này, tao không là Phó Thủ tướng thì là gì?

(Còn tiếp)

*
*

30-4-2018

XIN LƯU Ý – Đây chỉ là vài ký ức vụn vặt, góp thêm mấy nét chấm phá trong bức tranh xã hội những năm tháng sau 30.4.1975. Xin nhắc lại đề nghị không đưa ra những bình luận cực đoan nhắm vào chính quyền hay chế độ hiện hành.

***

CUỘC GẶP LẠI CỦA HAI “CỐ NHÂN”

Lúc ấy, trại CT Long Thành có 13 ngôi nhà dài, mỗi nhà chứa khoảng 300 người, được ngăn thành 4 hay 5 phòng, thông với nhau bằng một ô cửa trống. Nhiều nhân vật “sừng sõ” của chế độ VNCH được phân bố rải rác ở các nhà. Ngôi nhà 2 nơi tôi ở còn có tên A14, có những gương mặt quen thuộc như:
– Ông Trần Minh Tiết, từng làm Ủy viên Nội vụ (Bộ trưởng), Chủ tịch Tối Cao Pháp viện
– Ông Lưu Văn Tính, từng làm Tổng Giám Đốc Ngân sách và Ngoại viện, Bộ trưởng Tài chánh và cuối cùng là Cố vấn tài chánh tại Phủ Tổng thống.
– Ông Nguyễn Đình Xướng, Tỉnh trưởng Vĩnh Bình thời Ngô Đình Diệm, Tổng Thơ ký Bộ Nội vụ, Tổng Quản trị Hành chánh Phủ Tổng thống.
– KTS Ngô Viết Thụ, giải Khôi nguyên La Mã, người tái thiết Dinh Độc lập.
– và một người là nhân vật chính của câu chuyện này: ông Nguyễn Xuân Phong. Ông Phong sống ở Pháp khá lâu, tháng cuối cùng của chế độ VNCH, ông bay về Sài Gòn đảm nhận chức vụ Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại giao của chính phủ Nguyễn Bá Cẩn và kẹt lại sau 30.4. Ông được biết đến nhiều với vai trò Trưởng phái đoàn hòa đàm Paris của chính phủ VNCH, tham gia đàm phán với phái đoàn miền Bắc do ông Xuân Thủy đứng đầu và phái đoàn CPCMLT CHMNVN của bà Nguyễn Thị Bình. (Cố vấn chỉ đạo phái đoàn Mỹ là Henry Kissinger, của phái đoàn VNCH là Tổng trưởng Ngoại giao Phạm Đăng Lâm, của phái đoàn VNDCCH là ông Lê Đức Thọ).
Tại nhà 2 trại Long Thành, ông Phong ở chung một đội với tôi. Nước da ông ngăm đen, mũi cao, tính rất hiền hòa, ít nói, anh em ai cũng quý mến ông. Sau khi chúng tôi ở với nhau được khoảng 2 tháng, buổi trưa nọ, bỗng nhiên có lệnh bất ngờ: tất cả vào nhà hết, không ai được đi ngoài sân. Lúc đó cứ giữa hai dãy nhà dài thì có một khoảng sân rộng độ 8 mét. Mọi người tuân thủ lệnh cấm, song hồi hộp lắm, tập trung trước các ô cửa sổ to nhìn ra sân, xem động tĩnh gì. Được khoảng 20 phút thì thấy đầu sân xuất hiện khoảng 5-6 người, một người thấp lùn, trán hơi hói cắm cúi đi trước, những người kia khép nép theo sau. Khi họ đi đến gần tầm mắt, chúng tôi chợt nhận ra người đi đầu là ông … Xuân Thủy, từng là trưởng phái đoàn miền Bắc đàm phán với phía VNCH mà đại diện là ông Nguyễn Xuân Phong. Khi những người này vừa đi khuất tầm mắt, tôi đưa mắt liếc sang ông Phong đang đứng cạnh mình. Ông ở trần, chống hai tay lên hông, gương mặt bình thản đến lạnh lùng. Vậy mà cái hình ảnh lạnh lùng ấy cứ ám ảnh tôi một thời gian dài mỗi khi nhớ đến ông Nguyễn Xuân Phong.
Mới đây, đọc tin trên mạng, được biết ông Phong đã qua đời ngày 29.7.2017 tại bang Florida, Hoa Kỳ. Theo người viết bản tin về sự ra đi của ông thì “sau khi định cư tại Hoa Kỳ ông sống một cuộc đời ẩn dật. Ông từ chối tất cả những cuộc phỏng vấn và đề nghị viết hồi ký. Ông sống rất đạm bạc và khó khăn lúc cuối đời”. Những lời mô tả này rất phù hợp với nhân cách Nguyễn Xuân Phong trong thời gian là bạn tù của chúng tôi tại trại CT Long Thành.

TẤM LÒNG NGƯỜI DÂN MIỀN NAM ĐỐI VỚI KẺ NGÃ NGỰA

Tại trại Long Thành, trong năm đầu tiên, chúng tôi chưa là … tù, còn được gọi là “học viên”, gọi các cán bộ trại là “anh”, chứ chưa là “cán bộ”. Mãi đến một năm sau (1976), hồ sơ của chúng tôi mới được thanh lọc kỹ, ai “không có tội” hay “tội nhẹ” thì được về, đa số còn ở lại được long trọng công bố một quyết định “tập trung cải tạo ba năm”. Trong quyết định có nêu rõ một điều khoản: ai học tập tốt, lập công chuộc tội thì được tha về trước ba năm, ai còn ngoan cố, không chịu cải tạo thì sẽ phải thụ hình thêm nữa. Trong ba năm đó, lập công thì chả biết công ở đâu để lập, còn ngoan cố, chống đối thì bố bảo cũng không dám, chúng tôi cứ nhũn như con chi chi, bảo gì làm nấy. Vậy mà sau khi hết hạn ba năm (1978), không khí vẫn im lặng như tờ, cũng không có một quyết định nào khác về số phận của chúng tôi. Một vài lần họp trại, chúng tôi có rón rén nhắc lại tinh thần của quyết định “tập trung cải tạo ba năm” thì được giải thích đại khái ngoài xã hội còn rất phức tạp, nhân dân còn rất căm thù chúng tôi, vì thế về lúc bấy giờ sẽ rất nguy hiểm cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng đó là một lời giải thích có tình, có lý, vì lúc ấy, chúng tôi còn ở trong trại giam, được bảo vệ nghiêm ngặt như thế, mà “nhân dân căm thù” cũng đã ném tới tấp nào đậu hũ, nào hủ tiếu, nào thuốc lá, vào người chúng tôi rồi.
* Trong bốn năm còn ở trại CT Long Thành, một trong những việc mà chúng tôi vẫn làm thường xuyên là được chở xuống thị trấn Biên Hòa, khiêng vác gạch xây dựng, xi măng mang về làm hàng rào kiên cố bao quanh trại. Công việc cực nhọc đối với lũ “chân yếu tay mềm” chúng tôi, song đây là những dịp mà chúng tôi vẫn mong muốn xảy ra thường xuyên. Vì cứ mỗi lần như thế, bạn tù bu lại nhờ mua đậu hũ chiên ở chợ Biên Hòa. Món này xắt ra từng miếng nhỏ rồi kho lên là thức ăn tuyệt vời nhất của người tù.
Bữa nọ, chúng tôi chất gạch cát, xi măng lên xe xong, như mọi lần, xin với cán bộ áp giải (một súng ngắn, một súng dài) cho vào chợ Biên Hòa mua đậu hũ. Ghé lại một bà cụ bán hàng, mua xong, chúng tôi trả tiền rồi bước đi. Được chừng mươi thước, chúng tôi bỗng nghe tiếng kêu to của bà cụ bán hàng:
– Mấy cậu ơi, đứng lại! đứng lại!
Chúng tôi giật mình, quay lại, tưởng như mình vừa trả thiếu tiền cho bà cụ. Khi vừa bắt kịp chúng tôi, bà cụ nói trong hơi thở dốc:
– Tui cho mấy cậu tàu hũ về ăn, tui không lấy tiền đâu.
Vừa nói, bà cụ vừa nhét những đồng tiền vo tròn vào tay chúng tôi. Không tiện dẳng co trước mặt súng ngắn, súng dài, chúng tôi cảm ơn bà cụ rồi quay gót. Trên đường về chúng tôi đoán rằng sau khi bán đậu hũ cho chúng tôi xong, bà cụ hỏi các bạn hàng chung quanh và lúc đó mới biết chúng tôi là tù cải tạo.
* Một lần khác, sau khi bốc vác gạch cát xong, trên đường về lại trại Long Thành, mấy anh em thèm hủ tiếu quá, xin xe cho ghé lại một quán hủ tiếu ven đường. Khi chúng tôi ăn gần xong, anh chủ quán đến gần, nói nhỏ:
– Các anh ăn xong rồi đi đi, có người trả tiền cho các anh rồi.
Cũng như với bà cụ bán đậu hũ, chúng tôi không tiện dang ca với anh chủ quán, chỉ biết kín đáo nhìn anh bằng cặp mắt hàm ơn rồi trở ra xe. Cho đến sau này, bữa hủ tiếu ngày hôm đó, anh chủ quán không lấy tiền hay có một “mạnh thường quân” nào thương xót chúng tôi mà bỏ tiền ra thanh toán, chẳng ai trong chúng tôi biết cả.
* Theo “tiêu chuẩn” lúc bấy giờ, những người có chức vụ và cấp bậc như chúng tôi đều phải ra Bắc. Trong gần 3.000 người ở trại Long Thành, ngoài một số không nhiều được trở về nhà sau cuộc thanh lọc hồ sơ, số đông còn lại được đưa ra Bắc trong hai đợt, mà chúng tôi gọi là “bao bố 1” và “bao bố 2” (sẽ có dịp giải thích mấy từ này sau). Số còn lại chờ đi “bao bố 3” chỉ còn chưa đầy 150 người. May sao, năm 1978, Bộ Nội Vụ có nhu cầu mở một trại mới giữa rừng Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi dù là tù, cũng là tù “chén kiểu”, ít có nguy cơ bỏ trốn, nên một số người được đưa lên Xuyên Mộc lập trại mới. Trại lập xong, giữa năm 1979, gần 150 người còn lại ở Long Thành được đưa lên trại mới Xuyên Mộc. Thế là thoát được chuyến đi Bắc cuối cùng.
Hôm chuyển trại, chúng tôi được đưa đi bằng phương tiện là loại xe chở … trâu bò ở Hậu Giang. Đó là mô tả sự thật thôi, chứ thời đó, phương tiện rất khó tìm, việc chở tù bằng loại xe nào cũng chẳng có gì đáng kinh động cả. Thời đó, xe chở khách tư nhân thường chạy bằng than, đeo lủng lẳng một bình than cao quá đầu người ở đuôi xe, xe chạy, than bắn tung tóe trên đường, người ngồi sau xe như ngồi trong lò lửa. Vì thế chở tù bằng xe nào là chuyện không có gì quan trọng, điều đáng nói là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi biết cái còng số 8 mùi gì. Di chuyển xa, mà mỗi xe chở tù chỉ có một cán bộ áp giải ngồi ở thùng xe phía trước, vì thế để tránh trường hợp tù nhảy trốn trên đường di chuyển, chúng tôi được chia sẻ với nhau cứ hai người chung một còng số 8. Một vài cụ lớn tuổi như cụ Nguyễn Bá Lương, nguyên Chủ tịch Hạ viện, cụ Nguyễn Văn Tho, nguyên Trưởng khối Dân tộc Thượng viện … được miễn còng tay, nhưng phải ra ngồi nơi áp sát với cabin trước (dành cho tài xế, phụ xế và cán bộ áp giải). Hài hước nhất thuộc về trường hợp một người bạn đồng môn của tôi là anh Huỳnh Viết V. (hiện sống ở Mỹ). Anh V. sót lại cuối cùng, được hưởng một mình một còng số 8, và để tránh bất an, người ta treo cánh tay đeo còng của anh lên tấm bửng đóng lại phía sau xe. Và cánh tay này của V. trở thành lời giải thích chính xác nhất cho công chúng hai bên đường khi đoàn xe chúng tôi chạy qua họ và nhiều người nhìn theo mà thắc mắc chưa biết xe chở thứ gì. Có đoạn đường, chúng tôi nghe họ nói với nhau: xe chở tù chị ơi, anh ơi …
Thời đó, con đường đi đến vùng Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu bụi đỏ mù mịt, chưa đến nơi mà tóc tai, quần áo chúng tôi nhuộm đỏ cả. Xe đang chạy ngon trớn, bỗng anh phụ xế ló đầu nhìn vào thùng xe qua một ô nhỏ giữa thùng xe với cabin, rồi nói to:
– Các anh xê ra cho tôi xem can xăng có đó không
Tụi tôi nhìn quanh chẳng thấy can xăng đâu, gân cổ cãi lại với anh, song anh vẫn một mực:
– Có can xăng đây mà
Vừa xong câu nói, anh quăng nhanh xuống sàn xe ba gói thuốc hút Đà Lạt, Hoa Mai. Đến lúc đó, chúng tôi mới bật ngửa: anh phụ xe muốn cho chúng tôi thuốc hút nhưng sợ vi phạm lệnh cấm tiếp xúc với tù, nên mới phải bày ra trò tìm kiếm cái can xăng!
Đêm hôm đó, lần đầu tiên sống giữa rừng Xuyên Mộc, chim kêu vượn hú, nhiều anh tù thấy ấm lòng với những điếu thuốc mà một người lao động nghèo như anh phụ xe ấy đã chia sẻ cho mình.

* NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI TÙ ĐƯỢC TRỞ VỀ ĐÊM 30 TẾT

Anh Phạm Văn Đ. là tù cảnh sát. Anh hơn tôi nhiều tuổi, tính tình hiền hòa nên dù mới gặp nhau ở Xuyên Mộc, chúng tôi đã sớm trở thành những người bạn thân. Trong thời gian anh ở tù, cô con gái, cháu Phạm Tuyết Tr., mới 17-18 tuổi, bị đau nặng. Vào những lần gia đình lên thăm nuôi năm 1981, anh cứ hỏi con đâu, nhà trả lời là cháu đau không lên thăm bố được. Cuối năm ấy, anh được thả về đúng đêm giao thừa. Còn niềm vui nào hơn sự đoàn tụ vào giữa đêm giao thừa sau nhiều năm xa cách? Tối hôm ấy, anh hí hửng xách túi bước vào nhà, mọi người bu lại. Nhìn quanh không thấy Tr. đâu, anh Đ. gặng hỏi, vợ anh òa khóc rồi chỉ lên bàn thờ, con gái anh đã ngồi ở đó tự bao giờ! Từ thế giới cực lạc bước vào thế giới bi thương chỉ trong một bước chân, anh Đ. ngã khuỵu xuống giữa nhà.
Nhiều năm qua, cả gia đình anh Đ. đã sống ở bang California, Mỹ (diện HO), ngôi mộ cháu Tuyết Tr. ở một khu đất chùa Bình Hưng Hòa không người thân chăm sóc. Và cứ thế, hàng năm, vào mỗi sáng mùng một tết, thương bạn, tôi lại lọ mọ lên ngôi chùa này, cắm vào mộ cháu một bó hoa, thắp cho cháu mấy nén hương. Nhìn lên mộ bia và hình ảnh của cháu, thấy thương lắm, cháu mất năm 1981, lúc mới 18 tuổi, nếu còn sống, bây giờ cháu cũng đã 55 tuổi rồi!

* ĐÊM SAY CUỐI CÙNG Ở TRẠI XUYÊN MỘC

Trại Xuyên Mộc những năm 1978 – 198.., có nhiều thành phần tù lắm: sĩ quan cấp úy từ các trại CT Vườn Đào (Mỹ Tho), Phước Long chuyển tới, văn nghệ sĩ vụ “Hồ Con Rùa” 1976 (Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Đằng Giao …), tù hình sự, tù “hiện hành” (chống phá chính quyền mới sau 30.4.1975) và viên chức dân sự chúng tôi, 145 người từ trại Long Thành chuyển đến.
Cho đến Tết năm 1982, trong số 145 người từ Long Thành lên, đã có 140 người được trả tự do, chỉ còn sót lại 5 người, trong đó có tôi. Nói thế để biết rằng, trong tù, nếu thiếu ý chí, sẽ khó trụ vững lắm. Nhưng dù có vững cách nào, chúng tôi cũng phải “ngã” trong đêm giao thừa, là thời khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Tết năm Nhâm Tuất 1982 ấy, chúng tôi nhờ mấy cán bộ mua giúp được nhiều rượu đế. Họ giúp chúng tôi việc này hoặc vì thông cảm cho cảnh nhớ nhà dịp tết của chúng tôi, hoặc vì chút lợi lộc, hoặc cả hai thứ. Gần đến phút giao niên, ai cũng buồn hết, có người khóc rưng rức. Có người ôm cây guitar đàn và hát nho nhỏ một mình. Song phần lớn tìm đến rượu. Họ lặng lẽ đến những can rượu để ở các góc nhà, rót một chén rồi mang về chỗ nằm, nốc cạn, chẳng ai mời ai cả. Rượu ngấm dần, họ cũng lịm dần, song trước đó, còn kịp tỉnh để kê miệng lên một chiếc thau nhỏ đặt trên giường. Họ vẫn còn biết sợ chất nôn ói vương vải trên chỗ nằm và từ giường trên chảy xuống giường dưới. Hình ảnh đó nhớ lại thật bi hài, cứ mỗi người gác mỏ lên một cái thau như thế trong suốt đêm trừ tịch.
Đêm đó có một gã không quen rượu, nhưng cũng nốc một chén đầy cho đủ chếnh choáng hơi men, song vẫn còn tỉnh để lấy tờ giấy trắng trên chỗ nằm, nguệch ngoạc mấy dòng thơ … rác:

SAY PHÚT GIAO THỪA
Uống đi cho rượu cháy lòng,
Nửa đêm trừ tịch pháo hồng nổ ran,
Chập chờn giấc mộng trùng hoan,
Ngón tay rỏ máu, điệu đàn chơi vơi.
Ngoài kia thiên hạ đang vui,
Còn đây nỗi nhớ muôn đời riêng ta.

***
Uống đi những kẻ xa nhà,
Cho quên một thuở niên hoa ngậm ngùi.
Uống đi, nằm đó say vùi,
Men cay cháy bỏng bờ môi lạnh lùng.
Uống đi, nhạc đã vang lừng,
Sương giăng bãi vắng, núi rừng xôn xao,
Uống cho máu nóng sôi trào,
Rồi đem tâm sự gửi vào hư vô.
Uống cho lệ chảy thành thơ,
Con thuyền phiêu bạt bến bờ là đâu?
Uống cho tan tác cơn sầu,
Đêm nay thức trắng ngẩng đầu …cười vang
(Rừng Xuyên Mộc, giao thừa Xuân Nhâm Tuất 1982)
Cảm ơn các bạn, xin hẹn 30.4 năm sau nhé








No comments: