Monday, April 30, 2018

TM CỘNG HÒA GẶP DOVE CỘNG SẢN TẠI THỦ ĐÔ HOA KỲ (Hiệu Minh's Blog)




30/04/2018

Tháng Tư năm nay có cuộc gặp giữa hai người bên phe cộng hòa và cộng sản tại thủ đô Washington D.C. Đó là chị TM và anh Dove, hai còm sỹ nổi tiếng của hang Cua. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của chị TM về cuộc gặp đó. Cảm ơn chị TM.

Hai bên của cuộc chiến

Tuy cùng dòng máu đỏ da vàng, cùng một quê hương, nói cùng thứ tiếng, và cùng tự hào với nòi giống của mình, tôi và khách sống hoàn toàn cách biệt từ quá khứ đến hiện tại. Năm 1954, bố mẹ anh Dove trong Nam ra Bắc tập kết, đi theo cụ Hồ xây dựng CNXH, mang theo đứa con trai lớn là anh Dove, để đứa con gái nhỏ lại quê nhà. Gia đình bên nội tôi bồng bế dắt díu nhau lên tàu há mồm di cư từ Bắc vào Nam tránh nạn cộng sản.

Ông ngoại khách có vườn ruộng tại Thạnh Mỹ, Bến Tre, ủng hộ kháng chiến, cho con đi tập kết. Ông bà ngoại tôi từ Ba Tri, cùng tỉnh Bến Tre, trong những năm Việt minh nổi dậy giết địa chủ và Việt gian đã phải từ bỏ quê “chạy giặc” lên Sài Gòn sinh sống.

Khách lớn lên đi học dưới mái trường XHCN, diện ưu đãi sang Liên Xô du học, thành đạt vẻ vang, yêu tiếng Nga, người Nga, văn hóa Nga. Tôi lớn lên dưới mái trường VNCH, đi học tiếng Anh tại Hội Việt Mỹ, gặp ông xã từ Mỹ sang Việt nam làm việc cho USAID, sau này thành hôn.

Hai miền Nam-Bắc của một quốc gia nhỏ tí trên địa đồ thế giới, hai thế giới song song nhưng hoàn toàn biệt lập đó có một “sự nghiệp” chung: dự vào một cuộc chiến tranh tàn khốc đẫm máu suốt 20 năm, giết nhau chí tử, cuối cùng kết thúc khi miền Bắc trở thành phe thắng cuộc.

Miền Nam bại trận, bỏ vũ khí qui hàng, nhiều người bị người anh em thắng cuộc đày đọa đến những trại cải tạo hà khắc rồi bỏ thân nơi rừng thiêng nước độc hay trở về thân tàn ma dại sau thời gian dài tù tội. Nhiều người bỏ nước chạy ra biển, tìm chốn dung thân tại những quốc gia thứ 3.

Rồi hai bên thắng – thua cuộc “gặp” nhau trên mạng ảo trong blog Hiệu Minh có nhiều bài viết sâu sắc, quan điểm đa chiều, chủ blog là trí thức XHCN, tôn trọng còm sỹ, chừng mực, đôi khi phê phán nhẹ nhàng những tệ hại tại VN, không “đỏ như son”, nên có một số bên thua cuộc kéo nhau  vào còm.

Những trận “chiến tranh ủy nhiệm” diễn ra hằng ngày, thay vì súng ống bom mìn như ngày xưa thì nay dùng những ngón tay chỉ lên hay chỉ xuống để bày tỏ ủng hộ hộ hay phản đối, “ném đá” nhau chí tử.

Chửi Mỹ, chửi Tàu, chửi Nga, chửi bọn CS ngu dốt độc ác phá tan nát đất nước, chửi bọn cờ vàng chống cộng cực đoan đã bỏ chạy tụt quần, chửi túa xua không từ ai. Phe nào cũng giữ vững lập trường và vũ khí… chuột, đôi khi nóng tiết vịt thì không nề hà tấn công cá nhân thậm tệ, văng bậy vượt ngưỡng, thóa mạ không chừa gì, cứ như học trò lớp 3.

Vị khách đặc biệt

Vị khách tôi tiếp tại thủ đô kỳ này là còm sỹ Dove “quái kiệt” trong blog, vừa hồng vừa chuyên, mặc cho nhiều còm sỹ chế giễu chê bai, đả phá lập luận yếu kém, vạch ra lỗi ngụy biện đầy cả thúng, Dove cứ vững như kiềng ba chân, kiên định một lòng tin tưởng và rao giảng Mác Lê cùng tấm gương HCM.

Mặc dù Dove cho biết rõ anh không phải đảng viên, và tôi tin lời anh nhưng tôi vẫn xem Dove là một người cộng sản chân chính. Trong cái thời mà tổng bí thư đảng CSVN phải ngao ngán thốt lên: “Đảng viên nhan nhản, cộng sản mấy người”, thì vị còm sỹ này đích thực là cộng sản nòi dù không thẻ đảng.

Nghe tin anh chị sẽ sang Mỹ thăm con gái đang làm việc cho Google sau khi nhận học bổng đến học và tốt nghiệp tại trường Duke, North Carolina, và sẽ ghé “bản địa” Washington D.C. của tôi, tôi xun xoe làm chủ nhà ngỏ lời mời được gặp mặt để đãi cà phê hay một bữa cơm nếu có thì giờ.

Chúng tôi đã có nửa ngày vui, cùng đi dạo bờ hồ Tidal ngắm hoa anh đào, thăm đài kỷ niệm thế chiến II và bức tường chiến tranh VN đá cẩm thạch đen khắc tên 58 ngàn tên những người lính Mỹ đã bỏ mình hay mất tích tại Việt nam.

Cherry Blossom trên Tidal Basin. Ảnh: Dove

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, với nhau. Chuyện đời sống Hà nội, chuyện tình cảnh gia đình mỗi bên, chuyện trải nghiệm trong những ngày qua tại Mỹ của khách, chuyện sinh sống và làm việc tại Mỹ của “chủ”. Nếu có thì giờ nhiều hơn, chúng tôi sẽ còn tiếp tục hàn huyên mải không chán. Anh chị mang những món quà quê hương sang tặng làm tôi cảm động nao lòng. Tôi có dịp giới thiệu vài nét đặc sắc của thủ đô, và được lời hứa hẹn bao giờ về VN sẽ được tiếp đãi.

Con người ta sống với nhau là vậy. Trước lạ sau quen, người trong một nước phải thương nhau cùng. Gặp nhau tại đất khách quê người, cùng sánh vai đi giữa thủ đô nước Mỹ, giữa muôn nghìn du khách đủ mọi chủng tộc đến trẩy hội hoa đào, được thủ thỉ nói chuyện rỉ rả với nhau bằng tiếng mẹ đẻ là một điều hạnh phúc ấm lòng chủ khách.

Chị rất dễ thương, xinh xắn và nhu mì, hết mực yêu chồng con. Tôi tưởng tượng nếu hai chúng tôi cùng sống gần nhau từ tấm bé chắc sẽ thành đôi bạn thân thiết cả đời. Tuy nhiên, vì đất nước chia đôi, vì chiến tranh tàn khốc, mỗi người đã có một hướng đi hoàn toàn cách biệt. Thế mới biết, chiến tranh không chỉ giết người.

Tránh chính trị?

Trong buổi hội ngộ, tôi đã dặn lòng, và có lẽ khách cũng vậy, sẽ không nói chuyện chính trị. Thế là có được buổi gặp mặt vui. Nhưng chuyện đời đâu có dễ. Ngày nay giữa người Việt và người Việt, ở trong nước cũng như ngoài nước, vẫn còn quá nhiều ngăn cách chia rẽ, dù chiến tranh chấm dứt đã hơn 40 năm mà lòng người vẫn chưa về một mối.

Người Việt chạy ra nước ngoài tỵ nạn suốt cả đời không thoát được chính trị. Họ “ra đi mang theo cả quê hương”, mang theo cả một thời chinh chiến hào hùng, cả giây phút thua trận tủi nhục, cả những những năm bị đày đọa còn nhói buốt cả đời.

Trong nền chính trị VNCH, họ là những chiến sỹ dũng cảm kiên cường bảo vệ tổ quốc chống hiểm họa CS xâm lăng. Trong nền chính trị XHCN của đất nước thống nhất, họ là phường ngụy quân ngụy quyền chạy theo đế quốc ăn bơ thừa sữa cặn phản lại dân tộc, phải đền nợ máu với nhân dân trong ngày hòa bình. Chính trị đã tôn vinh họ vẻ vang, cũng chính trị đã dìm họ xuống bùn lầy, tùy phe nào nắm quyền. Làm sao sống được một cách hồn nhiên phi chính trị?

Trong nước, không thiếu những công dân ngày xưa ngùn ngụt lên đường đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai, những người con ưu tú được đưa sang nước bạn ăn học, bằng cấp đỗ đạt, lãnh hội chuyên môn của người để về phục vụ tổ quốc. Những người hãnh diện đã kiên trì đi theo Đảng CS quang vinh chiến thắng vẻ vang cả 3 đế quốc sừng sỏ. Nền chính trị XHCN thấm đẫm trong dòng máu.

Như người CS tôi gặp hôm nay trên đất Mỹ, lúc nào cũng yêu tha thiết nước Nga, yêu lãnh tụ Putin, vui mừng trước những thành tựu của Nga, cực lực bênh vực những thất bại của Nga ngày nay. Làm gì có con người phi chính trị?

Người Việt ta

Người Việt ta tài không thiếu, tình tràn đầy, nhưng chính trị đã ngăn cản đôi bờ. Có những người  trong một đất nước thống nhất chưa nắm tay nhau: những người mang một mối đau thương thua cuộc không gột rửa được, những người ngạo nghễ với chiến thắng vang dội không thể quên.

Tôi ít thấy người anh em bên phe thắng cuộc chân thành tìm đọc những hồi ký cải tạo, vượt biển như Trại Kiên Giam, Đại học Máu, Vượt Tù Vượt Biển, v.v. Tôi cũng ít thấy phe thua cuộc tìm đọc những cuốn viết về hoạt động cách mạng trong gian khổ như Bất Khuất, Tù Côn đảo, v.v. Đọc mà xúc động, mà đau cho đồng bào phía bên kia của mình.

Mỗi bên yên trú trong lý tưởng và ánh hào quang của phe mình và dị ứng toàn tập với nỗi niềm của phe bên kia. Bao giờ thì lòng người rộng mở?

Hải ngoại đầy những người Việt yêu nước nồng nàn, sau mấy chục năm ly hương vẫn ngưỡng vọng về quê nhà. Người có tài, người có kiến thức, hay người đến vùng đất mới với hai bàn tay trắng, với thân hình còm cỏi bệnh hoạn, ai cũng đầy ý chí khắc phục trở ngại, và sau 5, 10 năm họ đã vươn lên. Hàng ngày vẫn ăn cơm chan nước mắm, ngày tết, ngày giỗ vẫn nấu mâm cơm cúng ông bà theo truyền thống, vẫn dạy con cháu giữ đất lề quê thói, trân trọng  tiếng nói tổ tiên.

Người ra đi nhìn về quê nhà vừa nhớ thương vừa oán trách, Việt Nam ngày nay thế này, Việt Nam ngày nay thế nọ… Ngắn gọn vơ đũa cả nắm vào hai chữ “Việt Nam”  trong những câu chê bai rỉa rói. Người trong nước nóng mũi, tự nhập mình vào chính quyền, phẫn nộ khi “Việt Nam” đương nhiên có mình trong đó, lại nhảy dựng lên.

Trong một bài viết ngày 25-4 đăng trên báo Người Đô Thị tựa đề “Những quả mìn thời hậu chiến”, tác giả Nguyễn Thị Hậu kể chuyện một cặp vợ chồng đã sống với nhau gần trọn đời, có nghề nghiệp vững vàng khá giả, nuôi con cái thành tài, mà nay đành chia tay. Chị là con một sĩ quan VNCH, anh là một cựu binh Việt cộng.

Hai người bỏ qua bao định kiến đến với nhau, và chị ở lại cùng anh khi cha mẹ có giấy sang Mỹ diện HO. Nay chị muốn ly dị để kết hôn giả với một bạn học ngày xưa lấy cái thẻ xanh, dự định sau này sẽ đón chồng con sang Mỹ. Anh can ngăn không được nên đành buông bỏ, không nghĩ rằng sẽ có “sau này”.

“Hơn 40 năm nhưng nước Mỹ vẫn chia cắt những người Việt…”, anh cay đắng nói. Tác giả phản bác: “Không chỉ vậy, mà do cả chúng ta nữa anh ạ!”. Chúng ta làm được quá ít ỏi những gì cần làm để hàn gắn, để thuyết phục lòng người… Chúng ta đã “hòa bình” với nước Mỹ nhưng chính nhiều người Việt không muốn hàn gắn những vết thương chiến tranh vì chưa vượt qua được hận thù, uất ức, chưa vượt qua được sĩ diện và mặc cảm “bên thắng bên thua”.

Tác giả viết thấm thía vô cùng. Cái nước mình nó thế!

Lại đến ngày 30 tháng 4!.

Gordon Thúy (TM) – Còm sỹ hang Cua. Maryland 4-2018








No comments: