Wednesday, November 1, 2017

BẢN TIN NGÀY 1/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Trung Quốc tiếp tục đắp đảo mới, xây cơ sở ở Hoàng Sa. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng các cơ sở trên Đảo Bắc và Đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược có tính toán, nhằm khẳng định các lợi ích của họ trên Biển Đông.

Về các cuộc tuần tra trên Biển Đông, thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông, nói: “Trung Quốc hình như đang theo đuổi chiến lược dài hạn và có suy tính kỹ lưỡng để giành quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ đáp lại bằng những cuộc tuần tra chiến thuật tức thời. FONOP chỉ là hoạt động chiến thuật không phải là chiến lược, và các hoạt động đó không làm Trung Quốc mảy may xem xét lại kế hoạch của họ ở Biển Đông“.

BBC có bài của tác giả Nguyễn Xuân Vĩnh: Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN. Hạm đội Nam Hải của TQ là lực lượng kiểm soát vùng Biển Đông và là đối thủ trực tiếp đối với các cuộc xung đột của lực lượng hải quân Việt Nam trong quá khứ và tương lai. Tác giả cho biết: “Hạm đội Nam Hải là một lực lượng vô địch trên Biển Đông, và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho lãnh hải Việt Nam. Lực lượng hải vận của hạm đội này có thể đưa quân đánh chiếm bất cứ đảo nào tại Hoàng Sa và Trường Sa“.

Khi so sánh lực lượng và vũ khí có được của hải quân hai nước, tác giả nhận định, dường như Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị gì trước mối đe dọa này. Tác giả viết: “Nếu quyết tâm bảo vệ quyền lợi quốc gia và lãnh thổ, giới lãnh đạo chính trị và quân sự tại Việt Nam phải nhanh chóng phát triển một chính sách quốc phòng thích nghi với những thử thách trên Biển Đông và theo đó gấp rút thực hiện những biện pháp nhằm tân trang cho quân đội“.

RFI đưa tin: Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán Biển Đông. Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, trong một cuộc họp báo của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nói: “Tôi nghĩ chắc là sẽ tốt hơn nếu những quốc gia khác, kể cả Mỹ, đừng cố can thiệp vào tiến trình mang tính xây dựng này, đừng gây trở ngại cho việc sớm đạt thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông)”.

Báo GDVN có bài của TS Trần Công Trục: Về lời khích Việt Nam trưng “bằng chứng lịch sử chủ quyền” để Trung Quốc xem. Bài viết nêu phát biểu của tay Giáo sư Phó Côn Thành trên BBC ngày 20/10/2017, cho rằng: “Quí vị biết cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế là Trung Quốc đã ‘giành lại’ toàn bộ khu vực Hoàng Sa và trên Trường Sa, người Việt Nam chiếm nhiều hơn các đảo và đá… Vậy đối với chính phủ và người Việt Nam, các quí vị phải đưa các bằng chứng cho người Trung Quốc và thế giới, nếu triển lãm là sự kiện đóng cửa, ở Việt Nam, tôi được cho biết là chính quyền địa phương đã có một số triển lãm đưa ra bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo, họ gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa”.

TS Trục cho rằng: “Giáo sư Phó Côn Thành đã nhầm lẫn hoặc cố tình ‘nhầm lẫn’ khi đưa ra một khái niệm ‘hầm bà lằng’ để bảo vệ cho cái gọi là ‘chủ quyền lịch sử’.” Cũng theo ông Trục, “nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành là nguyên tắc chiếm hữu thật sự, còn nguyên tắc ‘chủ quyền lịch sử’ không phải là nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành. Bởi vì nó là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan; rất mơ hồ, thậm chí là phản khoa học, thiếu khách quan”.


Đặc phái viên của TBT Trọng gặp Tập Cận Bình
Đài Phát thanh QT Trung Quốc, CRI đưa tin: Tổng Bí thư Tập Cận Bình tiếp Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tin cho biết, Đặc phái viên Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam, đã chuyển thư chúc mừng và “bức thư miệng” của TBT Nguyễn Phú Trọng đến TBT Tập Cận Bình. Trong bức thư miệng, ông Trọng bày tỏ, “nhân dịp Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 thu được thành công tốt đẹp, thể theo sự coi trọng cao độ đối với quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc, tôi đã cử Đặc phái viên sang thăm Trung Quốc, chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư Tập Cận Bình được tái đắc cử và được toàn Đảng ủng hộ làm hạt nhân lãnh đạo.
Chúng tôi đánh giá cao thành tựu vĩ đại giành được tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, xác lập Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình là tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân, nhân dân Trung Quốc anh em nhất định có thể hoàn thành mục tiêu to lớn do Đại hội Đảng 19 đề ra, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp, đóng góp lớn hơn cho hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tôi mong đợi cùng nỗ lực với đồng chí, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung giành được sự phát triển mới lớn hơn“.


APEC 2017
Hội nghị APEC ở Đà Nẵng: Tổng thống Trump thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11. VOA cho biết, ông Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số ‘tứ trụ’ của Việt Nam. “Riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này, và chưa rõ lý do vì sao”.

RFI có bài: Trung-Hàn họp thượng đỉnh để cải thiện quan hệ song phương. Tin cho biết: “Tổng thống Moon Jae-In sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – APEC, sẽ diễn ra vào tuần tới tại Đà Nẵng, Việt Nam. Cuộc gặp thượng đỉnh này được đánh giá là bước đầu tiên để bình thường hóa trao đổi thương mại và hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực”. VOA có bài: Chủ tịch TQ và Tổng Thống Hàn Quốc bàn về THAAD tại Việt Nam.

BBC có bài về đề nghị của của tổ chức Oxfam ở Việt Nam đối với APEC: Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau? Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc Gia, Tổ chức Oxfam ở Việt Nam cho rằng, “các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với khoảng cách giàu nghèo đang trở nên rộng hơn bao giờ hết”.

Bà Lefur dẫn chứng: “Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn nước và bốn người giàu nhất có khối tài sản lớn hơn 100 triệu người nghèo nhất. Tại Việt Nam, thu nhập trong một năm của 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực. Tương tự, tại Thái Lan, 1% những cá nhân giàu có sở hữu 56% khối tài sản quốc gia”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc tổ chức tốt các công tác phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới trong buổi Tổng duyệt diễn ra vào ngày 29/10 tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hồng/ báo QT


Cập nhật tin về Hội Cờ Đỏ
Trang Nhà thờ Thái Hà có bài của LM Ngô Văn Kha: “Liên minh cờ đỏ” hay “quần chúng tự phát … tiền”? Theo tác giả, việc ra mắt Hội Cờ Đỏ “là một minh chứng cho chính sách cai trị chuyên chế của nhà cầm quyền. Để làm việc này, họ biến con người thành những công cụ đã được tẩy não, làm tê liệt nhận thức đúng – sai, xấu – tốt, chỉ biết phản xạ có điều kiện, theo kiểu ‘quần chúng tự phát… tiền’.”

Tác giả đặt câu hỏi, việc Hội Cờ Đỏ “có động thái khiêu khích bằng bạo lực, chia rẽ dân tộc, gieo rắc sự thù hận lương – giáo là sự phơi bày kết quả của nền giáo dục thù hận ngu muội, không biết đến thiện – ác, không phân biệt tốt – xấu, đúng – sai”.


Tác giả Đoàn Phú Hòa có bài: Số phận của Hồng Vệ Binh và lũ quỉ Xanh – Đỏ. Sau khi sử dụng Hồng Vệ Binh để đấu tố, thanh trừng người người chống đối, Mao Trạch Đông phát động phong trào “Tiến về nông thôn”, đưa các Hồng Vệ Binh về vùng nông thôn hẻo lánh, nhằm khống chế hoạt động và ảnh hưởng của chúng, cũng giam lỏng Hồng Vệ Binh ở những vùng đó.

Các Hồng Vệ Binh này bị buộc phải “lao động nặng nhọc, quần quật cả ngày, nên nhiều đứa đã bỏ trốn. Những kẻ này thường bị bắt ngay sau đó và bị xử tử vì tội phản bội, nhằm làm gương cho những kẻ khác. Những kẻ không đủ can đảm chạy trốn thì, hoặc tìm con đường tự sát, hoặc cúi đầu chịu số phận. Hồng Vệ Binh tan rã từ đó và sau này người dân Trung Quốc gọi chúng là ‘Thế hệ bỏ đi’.”

Trang Thanh Niên Công Giáo có clip , cho biết, ông Thống, người ở giáo họ Đức Thịnh, thuộc xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị Hội cờ đỏ đánh vào trưa 30/10/2017:

Có lẽ số phận của các thành viên Hội Cờ Đỏ ở VN rồi đây cũng không khác gì Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc, khi bị những người chủ xài xong, sẽ bị mang đi vứt bỏ, giống như “thế hệ bỏ đi” của các Hồng Vệ Binh ở Trung Quốc.

Thèm khát CNTB, nhưng vẫn kiên định CNXH
BBC có bài: Chủ nghĩa tư bản ‘khuyết tật nhưng phát triển’. BBC tóm lược từ bài viết “Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của PGS TS Nguyễn Linh Khiếu đăng trên Tạp chí CS, mà Tiếng Dân đã điểm ngày 30/10/2017. Có lẽ do phát hiện PGS TS Nguyễn Linh Khiếu đã tiết lộ quá nhiều “bí mật quốc gia” trong bài viết, về Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản, nên Tạp chí Cộng sản gỡ bài?

PGS TS Nguyễn Linh Khiếu đã thừa nhận: “Trong cuộc đối đầu ‘một mất một còn’ ấy CNXH hiện thực theo mô hình Xô Viết về cơ bản đã bị tiêu diệt và CNTB với rất nhiều khuyết tật của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển“. Dường như TS Khiếu chửi luôn cả đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, khi viết rằng: “Không xuất phát từ thực tiễn đất nước sẽ ban hành những chỉ thị, nghị quyết không phù hợp với thực tiễn vì vậy sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn“.

Trong khi quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ mới ra lò, hay như gợi ý của “trùm” lý luận Nguyễn Chí Bảo: Đảng quy định 19 điều cấm nhưng chưa đủ… để ngăn chặn đảng viên rơi vào suy thoái, biến chất, hư hỏng… mà TS Khiếu viết như vậy, nên bài bị gỡ bỏ?

Tiếng Dân có bài của tác giả Trung Nguyễn: Đảng cộng sản Việt Nam quyết nối bước đảng cộng sản Liên Xô… Tác giả chỉ ra sự mâu thuẫn của các nhà lý luận trong đảng, như GS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng CSVN, biện luận rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là do nước này đưa “kẻ cơ hội” như Gorbachev lên vị trí cao nhất, cũng như ‘thiếu dân chủ trong Đảng’, trong khi Phó GS TS Nguyễn Linh Khiếu thì cho rằng, “hầu như đa số người dân ở các quốc gia này [Liên Xô và Đông Âu], không muốn quay trở lại xây dựng CNXH theo mô hình như trước đây”.

Kết thúc bài, tác giả viết, “đảng cộng sản Việt Nam hiện tại đầy những kẻ cơ hội, và không chỉ mất dân chủ trong đảng cộng sản mà mất dân chủ trong toàn xã hội. Do đó, việc đảng cộng sản Việt Nam tiếp bước đảng cộng sản Liên Xô là điều tất yếu, chỉ là sớm hay muộn mà thôi“.

Trái pumpkin Halloween dành cho Đảng CSVN. Ảnh: internet

Facebooker Nguyễn Đình Nam viết: “Đảng cần tự vấn mình, đặt ra cái tên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chẳng định hướng được gì tử tế… nước VN trí tuệ bị rẻ rúng vì bị quan hệ tham nhũng lấn át, trong khi sex lúc nào cũng có giá trên toàn thế giới, nên khi thị trường quyết định rằng trí tuệ bị lép vế 30 lần so với sex thì phải chịu thôi. Nhưng Đảng nắm độc tôn quyền lực với quyền điều phối ngân sách chi tiêu hàng triệu tỷ thì lái 1 ít tiền vào chỗ trí tuệ thì đất nước mới có tương lai chứ“.

Tinh giản biên chế
Báo Lao Động có bài: Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: Không khoan nhượng với mọi lực cản! Tại buổi thảo luận trong kỳ họp Quốc hội, đa số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, cũng như tăng lương cho cán bộ công chức, gia tăng hiệu quả công việc. Báo Lao Động có đồ họa về hiện trạng cán bộ, công chức trên cả nước:
Hiện trạng cán bộ, công chức. Đồ họa: Văn Thắng/ báo LĐ

Báo Tổ Quốc có bài tổng hợp: Những câu nói ‘dậy sóng’ nghị trường về tinh giản biên chế: Công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch do ít phụ thuộc vào dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, tỉnh Bình Dương, nói: “Các em các cháu đi du học nước ngoài không quay về nước, người giỏi trong bộ máy biên chế của chúng ta cũng đi ra khỏi biên chế”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, tỉnh Bình Dương, nói: “Trong công cuộc cải cách bộ máy hành chính, dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì vẫn phải làm vì đã đến lúc người dân không thể đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả”.

Và đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, tỉnh Đà Nẵng, cũng đã thừa nhận, do các quan chức không phải do dân bầu, người dân không có quyền đuổi họ, cho dù họ hách dịch, quan liêu, hành dân. Bài Thúy nói: “Công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch do ít phụ thuộc vào dân”.

LS Trần Vũ Hải có bài: Chế độ ‘Một trưởng một phó’ sẽ giảm hàng chục vạn biên chế, bộ máy chạy hơn. Ôg Hải nêu dẫn chứng ở Việt nam có một Chủ tịch Nước và một Phó Chủ tịch Nước, khi “Chủ tịch Nước vắng mặt dài ngày, mọi chuyện vẫn êm ru…” Trong khi hầu hết cơ quan, đơn vị nhà nước khác đều có rất nhiều Phó nhưng khi dân cần vẫn thấy “thiếu thiếu”. Ông Hải cho rằng, chế độ một Trưởng, một Phó sẽ dễ quy trách nhiệm cho Trưởng và Trưởng cũng dễ quy cho Phó nếu vị này không làm tròn trách nhiệm.

Cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng có bài: Quyền tiếp cận tương lai bình đẳng. Theo ông Dũng, các ý kiến đề nghị cắt giảm biên chế của các đơn vị sự nghiệp, trong đó có sự nghiệp giáo dục, đã chiếm vị thế áp đảo trong các phiên thảo luận tại QH có thể “nếu một sự cắt giảm như vậy xảy ra, thì sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận tương lai ở nước ta không khéo chỉ ngày càng thêm trầm trọng.” Bởi vì “những cố gắng cải cách không khéo lại đang làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn“.


Tham nhũng: Chuyện dài không hồi kết
Báo Dân Trí có bài: Tham nhũng vẫn nghiêm trọng ở các Bộ được duyệt dự án, phân tiền. “UB Tư pháp của Quốc hội chỉ ra bất cập trong báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 khi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Có địa phương thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì 940 người được ‘phê bình nghiêm khắc’, ‘kiểm điểm rút kinh nghiệm.”

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nhiều cán bộ sở Cà Mau chưa chứng minh được nguồn gốc tài sản. “Về kê khai, thu nhập, Thanh tra tỉnh đã yêu cầu 13 người kê khai chưa rõ ràng giải trình thì có 3 người chưa chứng minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập, gồm: ông Bùi Quang Thái (Chánh thanh tra sở), ông Châu Thanh Phong (phó trưởng phòng quản lý vận tải) và ông Hứa Trường Hận (đội trưởng đội 5, Thanh tra sở)“.


Phạm Sỹ Quý, quan tham được bảo kê
Báo GDVN có bài: “Luật không quy định truy nguồn gốc tài sản vợ chồng ông Quý”. Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, nói rằng: “Tất cả những tài sản của ông Quý và vợ đều có giải trình. Chúng tôi không đi sâu vào việc xác định nguồn gốc tài sản của vợ chồng ông Quý do đâu mà có. Luật không quy định việc truy nguồn gốc tài sản của người ta. Làm sao mà truy được tài sản của họ nếu tài sản đó được người thân cho, tặng? Việc truy nguồn gốc tài sản của cán bộ chỉ thực hiện được khi tài sản đó có dấu hiệu tham nhũng, lừa đảo…

Ối, chống tham nhũng mà không truy nguồn gốc tài sản do đâu mà có, thì làm sao tìm được quan tham hả ông Cục trưởng, Cục… chống tham nhũng? Chống tham nhũng kiểu này thì đến Tết Công-gô cũng chưa hết tham nhũng nữa ông ơi. Dẹp quách cái Cục… của ông đi, để dân không phải tốn tiền nuôi cái Cục báo cô này. Đã bảo rồi: Chống tham nhũng ở VN ‘là mị dân’

Ảnh minh họa. Nguồn: báo TT

Về chuyện quan tham Phạm Sỹ Quý, báo Công an Nghệ An có bài: Không có ‘vùng cấm’ trong chống tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng là không có vùng cấm, nhưng người dân phải chờ đợi mỏi mòn, sau gần chục lần hoãn công bố kết quả, dưới sức ép của dư luận, Thanh tra Chính phủ mới cho công bố. Còn xử lý thì giao về cho địa phương. Cuối cùng thì ông Quý chỉ đổi ghế, còn tài sản thì vẫn chưa bị thu hồi.

Báo Người Lao Động có bài: NÓI THẲNG: Xử lý ông Phạm Sỹ Quý như phủi ruồi! “Nói thẳng với ông Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, dân chúng tôi chẳng hài lòng chút nào, có cái gì đó nghèn nghẹn khó thông. Bởi, cái biệt thự hơi to ấy, có thể giúp dân một thôn chúng tôi trốn được cơn càn quét của trận lũ kinh hoàng vừa qua. Bởi, cái biệt thự hơi to ấy, những mảnh đất cũng to to ấy – đến nay vẫn sừng sững, mênh mông. Bởi, ông Phạm Sỹ Quý sau khi bị kỷ luật giờ lại chễm chệ trên chiếc ghế Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Thật nực cười, một công chức sai phạm, bị hạ cấp, bây giờ lại phải ‘chịu đựng’ cảnh làm người đại diện của Dân – chẳng lẽ đó là ‘quy trình’? Thế thì dân ‘đen’ là đúng rồi!”


Nhân quyền ở Việt Nam
LS Lê Ngọc Luân cho biết, thân chủ của ông, vụ bị Trung đội phó đánh dập tinh hoàn đã được xuất ngũ về gia đình. Tuy nhiên, “số tiền 35 triệu mà tòa yêu cầu bồi thường, thân chủ không được nhận với lý do đưa ra là không có tiền”.

Video clip: Việt Nam cần thay đổi do cô Helena Lee và nghệ sỹ Kim Chi, cùng các cộng sự và công chúng ở trong và ngoài nước cùng thực hiện. Bộ phim “mang đến cách nhìn mới cho những người dân trong nước về quyền con người, thông qua đời sống xã hội và chính trị của một nước tư bản và dân chủ – nước Mỹ“. Bộ phim cũng “cho bạn thấy được sự trái ngược của hai thể chế, hai đất nước ở hai phía của địa cầu, Mỹ và Việt Nam nơi mà quyền con người được thực hiện theo hai chiều hoàn toàn khác biệt”.

Cập nhật tin nhà báo Dương Hằng Nga bị cấm xuất cảnh
Trang Nhà Quản Lý đưa tin: Nhà báo bị cấm xuất cảnh do có đơn của ông Vũ “nhôm”! Công an TP Đà Nẵng có văn bản xác nhận, lý do cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Hằng Nga, Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí GTVT khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng, là do họ nhận được đơn của ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng 79.

Báo Dân Trí có bài: Đà Nẵng: Công an nói gì về cấm xuất cảnh nữ nhà báo theo đơn của đại gia Vũ “nhôm”? Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Trong văn bản trả lời Hội Nhà báo Việt Nam, Công an TP Đà Nẵng cho rằng việc cấm xuất cảnh là đúng quy định. Họ nói cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Hằng Nga là do nhận được đơn của ông Phan Văn Anh Vũ khiếu nại bà Nga đã dùng quyền năng nhà báo xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty và danh dự cá nhân”.

Hủ mắm thối ở Đà Nẵng, với bao nhiêu vụ bê bối, liên quan tới chuyện bắt tay giữa các đại gia hành xử như mafia, với các lãnh đạo ở đây, gây ồn ào suốt thời gian qua, lẽ ra nó nên được đậy lại, thay vì mở tung ra cho mọi ngửi?

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” là công an Đà Nẵng? Ảnh: internet


Công an hóa trang xử lý người vi phạm
Về việc CSGT Công an TP Vinh, Nghệ An, lập nhiều tổ công tác mặc thường phục đi tuần tra, xử lý người không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện, trang Zing đặt câu hỏi: CSGT có được phép hóa trang xử lý người vi phạm?

CSGT mặc thường phục, xuất trình thẻ ngành, yêu cầu người vi phạm về chốt để xử lý. Ảnh: Báo Nghệ An.

Báo Dân Trí: Giám đốc Công an Nghệ An: Xử nghiêm CSGT hoá trang lạm quyền. Về việc Công an TP Vinh lập các tổ tuần tra cải trang, cho phép CSGT mặc thường phục, kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nói rằng: “Cảnh sát hoá trang chỉ hỗ trợ, chứ không thể mặc thường phục mà ra đường chặn xe bất cứ chỗ nào được, bởi như thế là phản cảm, người dân làm sao biết anh mặc thường phục là ai, đúng không?. Nên không thể có chuyện đó được đâu“.


Lương hưu Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Lương hưu Việt Nam: Người dưới 1,3 triệu, người hơn 100 triệu. Bài báo cho biết, ở VN có người lương hưu trên 100 triệu đồng/tháng. “Đây là một người từng làm việc ở một công ty có vốn nước ngoài ở TP.HCM nhận lương hưu hơn 100 triệu đồng/ tháng, đã tham gia bảo hiểm xã hội trong 23 năm 3 tháng và ở những năm trước khi nghỉ hưu đã đóng bảo hiểm mức 18 triệu đồng/tháng (mức đóng trần bảo hiểm các hội khi đó)“.


Chuyện ở “thiên đường”
Trang Facebook ‘RUBIK Thời sự – Kênh QPVN’ có clip chiếu cảnh thầy trò trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội, vừa học bài vừa phải đội nón bảo hiểm vì lo sợ những mảng vôi vữa trên trần nhà rơi xuống. Tại thủ đô “ngàn năm văn hiến” nhưng lại có cảnh này, chắc là Việt Nam sắp lên tới “thiên đường XHCN” rồi chăng?

Vụ phân bón giả Thuận Phong
Báo PLTP có bài: Đại biểu Đồng Nai tranh luận vụ phân bón Thuận Phong. Hoan nghênh ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã thẳng thắn: “Những vụ việc nổi cộm như Đồng Tâm, Sơn Trà… ĐBQH vai trò ở đâu? Chỉ trong thời gian giữa hai kỳ họp, số lượng phân bón tăng từ 7.000 loại lên tới 14.000 loại. Vụ việc phân bón giả Thuận Phong ở Đồng Nai xảy ra đã lâu nhưng chưa thấy những động thái giám sát cần thiết”.  Thế nhưng, ĐBQH Hồ Văn Năm ở Đồng Nai thì cho rằng: “Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố”.

Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Tôi tự hỏi, hàng triệu người nông dân trên khắp đất nước này có thấy đau đớn không khi đã bầu ra những đại biểu như thế? Tôi tự hỏi, những đại biểu ấy đang sống bằng tiền thuế gom góp chắt chiu của nhân dân, hay bằng phân của doanh nghiệp?

Vụ ám sát ông Kim Jong-nam
BBC có bài: Vụ Kim Jong-nam: Tình tiết về Hương sẽ được công bố. Luật sư bào chữa, Hisyam Teh Poh Teik, nói: “Lập luận chính của chúng tôi là không một người bình thường nào biết rõ về chất độc VX mà lại để người khác bôi lên tay mình, chứ đừng nói đến việc sau đó lại bôi hóa chất đó lên mặt người khác”. Được biết, phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 6/11.

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump không nhận tội. Hai cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort và một người phụ tá khác tên là Rick Gates vừa bị truy tố. Cả hai ông đã “không nhận tội đối với 12 cáo trạng từ rửa tiền cho tới hoạt động như những đặc vụ không đăng ký cho chính phủ cũ của Ukraine thân Nga”.

Đời tư của ông Paul Manaford: Cáo trạng mô tả cuộc sống xa hoa của cựu quản lý tranh cử cho Trump. VOA cho biết: “Ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump đang bị truy tố, đã chi gần 1 triệu đô la mua 8 tấm thảm trong vòng hai năm và hơn 1,3 triệu đô la sắm sửa quần áo từ các cửa hiệu sang trọng ở Beverly Hills, California, và New York City”.

Paul Manafort (giữa) và Rick Gates tại tòa án liên bang ngày 30/10/ 2017. Nguồn: AP

BBC có bài: Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga. Bài viết cho biết, “khi bị FBI thẩm vấn hồi tháng Một năm nay, Papadopoulos nói rằng ông gặp hai nhân vật có quan hệ với Nga trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, 3/2016. Trên thực tế, ông gặp họ sau thời điểm đó”.

Cáo buộc đầu tiên với Paul Manafort và Rick Gates, trợ tá cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, có tên “âm mưu chống lại Hoa Kỳ”. BBC có bài tìm hiểu: Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì? Ông Papadopoulos, cựu cố vấn đối ngoại của Donald Trump, thừa nhận “ông đã che giấu liên lạc với một giáo sư có dính líu với Moscow, mà người này hứa có thông tin ‘xấu’ về Hillary Clinton. Theo đánh giá của AFP, mặc dù các cáo buộc hiện chưa chỉ ra có âm mưu từ cấp cao nhất, nhưng chúng có thể cho thấy những nhân viên của ông Trump đã hy vọng Nga giúp đỡ“.

Vụ Nga sử dụng Facebook để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ: Tin ‘phá hoại của Nga’ đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ. BBC dẫn nguồn Facebook, cho biết: “Trong hai năm qua, có tới 126 triệu người dùng Facebook Mỹ đã xem những nội dung do người của Nga tải lên mạng xã hội này. Có khoảng 80.000 bài được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hầu hết các tin này tập trung đưa những thông điệp gây chia rẽ về xã hội và chính trị”.

RFI có bài điểm báo về ba bài học từ một nước Mỹ do Donald Trump cầm quyền. Theo tác giả Jean-Marc Victori của báo Les Echos: “Gần tròn một năm sau khi được bầu làm tổng thống Mỹ và 9 tháng chính thức lên nắm quyền, ông Donald Trump chưa thực hiện được bất kỳ thay đổi quan trọng nào”.  Sự bất lực này có thể đưa ra ba bài học nên chú ý: Thứ nhất là một năm “nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu”. Bài học thứ hai là “khả năng tự huyễn hoặc”.

Và bài học cuối cùng “có vẻ đáng ngại hơn. Các đời tổng thống Mỹ thường xuyên tìm cách lách các quyết định ngăn chặn của Nghị Viện. Với Trump, ông sử dụng triệt để cách này (từ y tế đến thương mại, từ tài chính đến nhập cư…). Đây không chỉ còn là câu hỏi về hiệu quả, mà trở thành vấn đề tôn trọng hay không tôn trọng nền dân chủ. Thế giới tự do không hẳn còn như trước nữa”.

Về sắc lệnh cấm người chuyển giới gia nhập quân ngũ: Thêm một lệnh cấm của ông Trump bị ngăn cản. VOA đưa tin, Thẩm phán liên bang, Colleen Kollar-Kotelly, tại Washington, ngày 30/10 đã “chặn không cho Tổng thống Donald Trump cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Thẩm phán Kollar-Kotelly nói các đương đơn có phần chắc sẽ thắng thế với lập luận rằng lệnh cấm của Tổng thống vi hiến vì lý do đưa ra không được ủng hộ bởi bất kỳ dữ kiện thực tế nào”.


Tin Châu Á
RFI có bài: Bắc Triều Tiên: 200 người chết vì sập đường hầm thử bom nguyên tử. AFP dẫn nguồn từ kênh truyền hình Nhật Asahi, cho biết, “theo một nguồn tin ẩn danh, một đường hầm tại địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri đã bị sụp đổ vào đầu tháng Chín. Khoảng 100 công nhân đã bị chôn vùi trong vụ sụp hầm đầu tiên, và trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, thì một đường hầm nữa lại bị sụp đổ, làm tổng cộng khoảng 200 người chết. Tai nạn này được cho là do vụ thử bom nguyên tử gây ra”.

BBC đưa tin: Vụ thử mới của Bắc Hàn ‘có thể gây rò rỉ phóng xạ’. TTX Nam Hàn Yonhap, dẫn lời ông Nam Jae-cheol, cảnh báo: “Có một khoảng trũng dài khoảng 60 đến 100 mét ở chân núi Mantap trong khu vực Punggye-ri. Nếu một cuộc thử nghiệm nữa xảy ra, có khả năng vùng này bị sụp“.

Dù cuộc tổng tuyển cử được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2018, nhưng ở Thái Lan: Chính quyền sẽ không bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị. RFI đưa tin, Chính phủ quân sự Thái Lan thông báo sẽ “không dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị”. Được biết: “Lệnh cấm hội họp đối với các đảng phái chính trị được ban hành kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính và lên nắm quyền vào năm 2014”.


Châu Âu – Úc
RFI có bài: Tây Ban Nha khởi tố cựu chủ tịch vùng Catalunya vì tội “nổi loạn’’. AFP cho biết, “cơ quan công tố Tây Ban Nha khởi động thủ tục truy tố cựu lãnh đạo vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont, với tội danh nổi loạn”.                                            

RFI đưa tin: Nga: Thêm một đạo luật thắt chặt kiểm soát Internet. Tin cho biết: “Ngày 01/11/2017, một đạo luật mới sẽ có hiệu lực tại Nga cấm người dân nước này sử dụng các phần mềm giúp truy cập Internet một cách bảo mật hoặc vô danh”. Electronic Frontier Foundation, một tổ chức bảo vệ các quyền tự do trên Internet, có trụ sở ở Mỹ, cho rằng, “luật này sẽ ảnh hưởng đến các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn sử dụng các dịch vụ đó để đăng tải những thông tin mà không để lộ danh tính”.

VOA đưa tin: Úc đóng cửa trại tị nạn: 600 người từ chối rời trại. Ông Ian Rintoul, Phát ngôn viên của Liên minh Hành động vì Người Tị nạn cho biết: “Chỉ cần ông Peter Dutton (Bộ trưởng Di trú) hay Thủ Tướng Malcolm Turnbull nhấc điện thoại lên là chắc chắn trung tâm tị nạn sẽ không bị đóng cửa và người xin tị nạn sẽ không bị cưỡng bức phải dời đi nơi khác. Nhưng việc mà chính phủ đang làm là tống 600 người này đi, đẩy họ ra khỏi trung tâm tạm giam để đưa họ tới những nơi khác trên đảo Manus, nơi họ không được an toàn và không có điều kiện sống tối thiểu”.


-------------------------------------------

Bài Mới Nhất
01/11/2017
01/11/2017
01/11/2017
01/11/2017
01/11/2017
01/11/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017
31/10/2017






No comments: