Việt Nguyên
November 24, 2017
Chuyến đi Á Châu của TT Donald Trump thành công, ông
đã đạt những điều ông mong muốn. Ðến Trung Quốc ông đã được đón tiếp trọng thể
khác với lần TT Obama trong những ngày tháng cuối nhiệm kỳ đến Bắc Kinh không
được trải thảm đỏ và đi ra từ cửa hậu của Airforce one.
Hoàng Ðế Tập Cận Bình đã đón TT Trump với tất cả
nghi thức dành cho hoàng đế, mở cửa Cấm Thành lần đầu tiên kể từ ngày Trung Quốc
hiện đại hóa. Từ Nhật qua Ðại Hàn, đến Việt Nam ông Trump đã thỏa mãn được tự
ái, “cái tôi” lớn của ông. Từ Tập Cận Bình đến Trần Ðại Quang, ông Trump đã được
chủ nhà niềm nở tiếp vì khác với các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm ông đã thực
hành đúng thông điệp trong bài diễn văn nảy lửa ở Liên Hiệp Quốc “mỗi nước có một
văn hóa, một thể chế riêng, Hoa Kỳ không nhắm thay đổi các thể chế.” Ông không
đề cập đến nhân quyền, tự do tôn giáo, như cựu TT George W. Bush ghé thăm nhà
thờ, TT Obama họp báo, nói chuyện với dân. Dân Trung Hoa yêu ông Trump từ xa.
TT Trump của một Hoa Kỳ trong giai đoạn mới chỉ nói chuyện kinh tế, buôn bán, giai
đoạn tổng thống Hoa Kỳ là lãnh tụ khối tự do đã qua. Ðối với TT Trump thế giới không còn Cộng
Sản (để Ðệ Nhất Phu Nhân Melania về lại Hoa Kỳ theo chương trình vì ông Trump
không muốn làm phiền CSVN trong vấn đề nhân quyền).
Cấm Thành được Tập Cận Bình mở cửa đón ông Trump vẫn
là một Cấm Thành máu, lửa và nước mắt của một nước Trung Hoa trên 5000 năm quân
chủ chuyên chế. Ngôi nhà Trung Quốc của Tập Cận Bình với “giấc mơ Trung Quốc” vẫn
là “ngôi nhà sắt không cửa sổ, không cửa ra vào” của nhà văn Lỗ Tấn vào đầu thế
kỷ 20. Một Trung Quốc không có tiếng nói của dân chỉ có tiếng nói của đảng Cộng
Sản với Hoàng Ðế Tập Cận Bình và 6 tên đầu sỏ mới, sinh vào thập niên 1950, giữ
vững quyền lực và bá quyền Trung Quốc. Tập Cận Bình như nhân vật chính trong
truyện AQ của Lỗ Tấn “ăn hiếp người yếu hèn với kẻ có quyền.”
“Hoa Kỳ trên hết” của Donald Trump đụng “một vòng
đai, một con đường” của Tập Cận Bình tự tin mở Cấm Thành để tiếp đãi ông Trump
với tư tưởng mới. Tự hào sau tư tưởng Mao đến tư tưởng Ðặng Tiểu Bình (tư bản với
định hướng xã hội chủ nghĩa) nay Tập Cận Bình với “Xã hội chủ nghĩa với đặc
tính Trung Quốc trong thời đại mới” đã tiếp TT Trump để cho dân Hoa thấy “chúng
ta tự tin trên con đường chúng ta đi, trong lý thuyết của chúng ta, hệ thống
cũng như văn hóa của chúng ta, không thua kém không thấp hèn với người Tây
Phương như những thời đại trước.” (Tự tin mà Tập Cận Bình phải xây bức tường lửa
chặt hơn bằng cách bỏ VPN giống như Vạn Lý Trường Thành lúc nào cũng phải tu bổ
trong thời đại phong kiến 2300 năm).
Hai tư tưởng quốc gia quá khích gặp nhau đằng sau những
nụ cười và những bắt tay thân thiện. Những thỏa thuận của các công ty giữa hai
nước lên đến hàng trăm tỷ nhưng không có hợp đồng ký kết và một chiến lược mới
ra đời với danh từ Ấn Ðộ-Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) để chận Trung Cộng
thay cho Á Châu-Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo đã có những nụ cười thật tươi vì vắng
những cuộc họp báo với “báo chí là kẻ thù của nhân dân” từ của Stalin được cả
Donald Trump và Tập Cận Bình yêu thích. Chuyến đi thành công cho đến ngày cuối ở
Việt Nam khi TT Trump tin vào tất cả những gì TT Nga Putin nói về cuộc bầu cử
Hoa Kỳ năm 2016 và lập trường thay đổi như chong chóng về Bắc Hàn, khi thì nhất
định đánh sập Bắc Hàn với vũ khí nguyên tử khi thì chịu ngồi đàm thuyết với Kim
Chánh Ân. Con người thật của ông Trump đã làm TNS Bob Corker nghi ngại. Con người
của ông Trump được 29 bác sĩ tâm thần họp ở Ðại Học Yale tả trong sách “Donald
Trump một trường hợp nguy hiểm.” Ở Á Châu dân Việt Nam và Trung Hoa yêu ông
Trump nhưng ở Hoa Kỳ chỉ còn 36% dân Mỹ tin ông vì những cá tính nói lung tung
trước sau không giữ lời, xem cái tôi trên hết, hay giận dỗi như đứa trẻ được
nuông chiều, nói trước quên sau như một người bắt đầu bị bệnh Alzheimer như TT
Regan ngày xưa. Một người như vậy, theo như TNS Bob Corker và John McCain cùng
đảng Cộng Hòa, không thể có toàn quyền sử dụng vũ khí nguyên tử để đưa nước Mỹ
đi đến thế chiến thứ III.
Theo ông Lawrence Wilkerson, chánh văn phòng của cựu
Tướng Colin Powell “thời kỳ này là thời kỳ nguy hiểm nhất với đe dọa nguyên tử
kể từ năm 1945” vì TT Trump thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao Hoa Kỳ có nhiều
vũ khí nguyên tử mà không dùng” và ông hoàng nhỏ Bắc Hàn Kim Chánh Ân liên tục
phóng hỏa tiễn và thử bom nguyên tử cùng với đe dọa của những đụng độ ở Vịnh Ba
Tư.
Từ thời TT Roosevelt, dân Mỹ đã cho tổng thống nhiều
đặc quyền và quyền lực tối cao, quyền sử dụng bom nguyên tử là một phần của đặc
quyền ấy, quyền này đưa tổng thống Hoa Kỳ lên đến hàng Thượng Ðế có quyền sinh
sát nhân loại. Hiến Pháp cho quyền đánh bom nguyên tử với ý là một tổng thống
dân sự bảo vệ Hoa Kỳ không để các sĩ quan chỉ huy quân đội dùng vũ khí nguyên tử
bừa bãi trên chiến trường. Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, không trực tiếp
nắm quân, không bị rối mù trước trận địa, có thì giờ suy nghĩ chín chắn, chỉ sử
dụng khi cần. Hệ thống cử tri đoàn Hoa Kỳ lựa chọn một tổng thống có trách nhiệm
không vì một phút bốc đồng làm quả Ðịa Cầu bùng nổ.
Chính sách sử dụng vũ khí nguyên tử đã có từ thời TT
Harry Truman người đã ra lệnh thả hai trái bom nguyên tử lên hai đảo Trường Kỳ
và Quang Ðảo ở Nhật, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Trên lý thuyết TT
Truman được khuyên nên hỏi ý kiến với bộ trưởng Quốc Phòng cũng như chỉ huy trưởng
quân đội vùng nhưng sau cùng quyền sử dụng bom nguyên tử hoàn toàn tùy thuộc
vào TT Truman.
Sau nay theo sử gia Alex Wellerstein, TT Truman đã
ra lệnh bỏ bom Quang Ðảo (Hiroshima) là vì các tướng đã cho ông biết đây chỉ là
căn cứ quân sự, bom nguyên tử chỉ giết quân đội Nhật không gây thiệt hại cho
thường dân. Cái chết của hàng trăm ngàn người Nhật sau đó đã làm TT Truman suy
nghĩ và hơi ăn năn mặc dù ông không nói trước công chúng. Sau đảo Trường Kỳ
(Nagasaki) các tướng lãnh muốn thả trái bom thứ ba nhưng TT Truman ngừng lại,
ông lập ra cơ quan dân sự năng lượng nguyên tử (Atomic energy) giữ các bộ phận
bom rời ra và được canh gác chặt chẽ bởi quân đội.
Qua thời TT Eisenhower, ông là tướng nên không lo ngại
nhiều về bom nguyên tử. 90% vũ khí nguyên tử được giao cho quân đội giữ. TT
Trump không phải là người đầu tiên dùng hiểm họa vũ khí nguyên tử để dọa kẻ thù.
TT Eisenhower năm 1953 đã dọa Bắc Hàn trong chiến tranh Triều Tiên. TT Kennedy
trong thời kỳ biến cố vịnh con heo ở Cuba đã đe dọa Cuba và Xô Viết. Chương
trình nguyên tử của TT Kennedy với những kiểm soát gồm khóa và mật mã nhằm chận
Xô Viết trong trận chiến tranh lạnh.
TT Richard Nixon nổi tiếng đánh xì phé tháu cáy (3
con xất thắng 3 con xì) đã dọa kẻ thù nhiều nhất (TT Trump có lẽ học từ Nixon).
Mùa Hè 1974, TT Nixon uống rượu nhiều, căng thẳng vì vụ Watergate, đã tuyên bố:
“Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể vào phòng bên cạnh nhấn nút, 20 phút sau 60 triệu
người sẽ chết!”
Năm 1969, chiến dịch “Cây Thương Vàng” của Nixon
dùng oanh tạc cơ chở nguyên liệu bom nguyên tử bay từ California và Washington
qua bầu trời Xô Viết như sắp bỏ bom nguyên từ để Xô Viết ép Bắc Việt ký Hiệp Ðịnh
Paris.
Năm 1968, TT Nixon hứa sẽ cho VNCH một Hiệp Ðịnh
Paris tốt hơn là ứng cử viên Dân Chủ Hubert Humphrey, nên TT Nguyễn Văn Thiệu từ
chối ký hiệp định. Sau đó TT Nixon và Kissinger lại hăm dọa ám sát TT Thiệu nếu
ông từ chối ký Hiệp Ðịnh Paris. Trong năm 1972, khi Bắc Việt tổng tấn công mùa
Xuân (VNCH gọi là mùa Hè đỏ lửa với những chiến thắng oai hùng chận quân Bắc Việt),
TT Nixon đã bực tức nói Kissinger quá mềm yếu, ông muốn dùng bom nguyên tử để
chận đứng quân Bắc Việt. Tại Hòa đàm Paris Tháng Mười Hai năm 1972, trước trận
đánh bom Giáng Sinh, Kissinger đã đe dọa là Nixon sẽ thả bom nguyên tử, ông
chuyển lời đến Lê Ðức Thọ, 12 lần Lê Ðức Thọ đem thông điệp này về bộ chính trị
trung ương!
Hiểm họa nguyên tử từ thời Chiến Tranh Lạnh, với
chương trình Star Wars của TT Reagan đối đầu với Xô Viết, không bao giờ ngừng
ngay cả sau khi Xô Viết sụp đổ năm 1991. Các nước có bom nguyên tử để làm vũ
khí tự vệ tăng dần ngoài Mỹ, Nga còn Trung Cộng, Ấn Ðộ, Anh, Do Thái, Bắc Hàn,
Pakistan, Pháp với con số 16,300 vũ khí. Các tổng thống Cộng Hòa được xem là cứng
rắn còn các tổng thống Dân Chủ như TT Obama bị xem là nhu nhược. Năm 2008, ông
đã tuyên bố không dùng bom nguyên tử đánh Pakistan vì xứ này cung cấp nguyên tử
cho Bắc Hàn. Bị xem là nhu nhược nhưng TT Obama hiện đại hóa nguyên tử với ngân
sách hàng ngàn tỷ Mỹ kim kéo dài đến 30 năm giúp Hoa Kỳ đánh bại địch thủ ngay
cú đầu tiên nếu có chiến tranh nguyên tử. Bài Obama nhưng TT Trump thừa hưởng
gia tài lớn lao của ông tổng thống da đen Dân Chủ.
Pankaj Mishra tác giả có uy tín về hiểm họa nguyên tử
đã gọi thời đại của tân tổng thống Trump là “Thời đại giận dữ”: TT Trump có vẻ
như dửng dưng không cần biết đến hậu quả khi đòi tiêu diệt hoàn toàn Bắc Hàn
khi “Rocket man” có thể phóng hỏa tiễn nguyên tử đến Denver và Iran là bia thứ
hai. Không chứng thực lại hiệp định với Iran như thỏa hiệp của Liên Hiệp Quốc
có thể khiến Iran theo đuổi chương trình vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn đã nhìn đây
là một tấm gương, không tin lời nói của TT Hoa Kỳ khi Ngoại Trưởng Tillerson muốn
đưa Bắc Hàn đến bàn hội nghị. Lãnh tụ các quốc gia trên thế giới cũng không còn
tin ông Trump sau sự kiện này. Hồi Tháng Mười, TNS Ed Markey, tiểu bang
Massachusetts, đã đưa dự luật ra Quốc Hội ngừa TT Trump không được đánh Bắc Hàn
nhưng Quốc Hội không ủng hộ. Dự luật thất bại chỉ có 61 phiếu. Giống như thời
Chiến Tranh Lạnh, Quốc Hội bất lực và lần đầu tiên từ sau khi Xô Viết sụp đổ,
Không Quân Hoa Kỳ đặt B52 trong tình trạng khẩn trương 24 tiếng.
“Quả banh bầu dục nguyên tử” (nuclear football) tượng
trưng quyền tuyệt đối của tổng thống Hoa Kỳ, nó đã đi theo TT Trump qua Á Châu.
Quả banh là một túi xách da trong chứa máy điện toán với mật mã nguyên tử qua
đó mệnh lệnh tấn công được ban hành. Lệnh đầu tiên là mật mã vàng “nhận diện tổng
thống.” Năm 2002, Donald Rumsfeld, bộ trưởng Quốc Phòng và năm 2008, Phó Tổng
Thống Dick Cheney nói chỉ có tổng tư lệnh là TT Bush toàn quyền. Các tướng nhận
lệnh không được quyền đặt câu hỏi. Trên thực tế tổng thống có buổi hội thoại với
các tướng, với TT Trump là Tướng James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, và Tướng
Không Quân John Hyden tư lệnh chiến lược gần Omaha, Nebraska. (ngày 17 Tháng Mười
Một, tướng Hyden cho biết ông sẽ từ chối nhận lệnh nếu lệnh không hợp lý). Khi
Ngũ Giác Ðài nhận được đúng mật mã, lệnh truyền đi đến bộ chỉ huy trên đất liền
trong vòng 5 phút hoặc 15 phút nếu lệnh cho tiềm thủy đĩnh. Tùy viên của tổng
thống mang quả banh bầu dục trên vai, hiện thời tùy viên của TT Trump là người
da đen tên Rick, sở dĩ người ta biết đến anh Rick là vì trong ngày 13 Tháng Hai
2017, Bắc Hàn đã phóng hỏa tiễn khi TT Trump và Thủ Tướng Nhật Abe họp, TT
Trump chụp hình với Rick và triệu phú đầu tư Richard DeAgazio. Ông này đã đưa
hình lên Facebook khoe “Rick chính hắn đấy.” Lên Facebook của DeAgazio hình này
vẫn còn giữ.
Trong buổi lễ tuyên thệ tổng thống, theo truyền thống
người mang banh “quả banh bầu dục” sẽ quay mặt từ tổng thống tiền nhiệm nhìn về
tân tổng thống để cho biết quyền lực tối cao đã chính thức được trao.
Thế giới đang lo sợ một chiến tranh nguyên tử có thể
xảy ra từ Bắc Hàn. Dân Á Châu thích TT Trump vì ông dám nói những điều các tổng
thống khác không dám nói. Nhưng xét kỹ đôi khi TT Trump dám nói nhưng nói sau
lưng như kỳ rồi với Tập Cận Bình, TT Trump chỉ nói về họ Tập khi đến Việt Nam.
Chiến tranh với Bắc Hàn có thể xảy ra nếu TT Trump thực hiện những đe dọa với
Kim Chánh Ân. Hai lần TT Trump đã khiến những người ủng hộ suy nghĩ, lần đầu hạm
đội hùng hậu Armanda vào ngày 19 Tháng Tư 2017 được TT Trump gởi qua bán đảo
Triều Tiên để cảnh cáo Kim Chánh Ân đã đi lạc về Úc mặc dù kỹ thuật GPS thời
nay rất hiện đại. Kỳ rồi ngày 7 Tháng Mười Một 2017, đoàn trực thăng của TT
Trump đi thăm Bàn Môn Ðiếm mới bay lên đã phải quay về vì sương mù trong khi ở
dưới đất TT Nam Hàn Moon biết trước thời tiết đã đi bằng đoàn xe hơi đến trước
đợi tổng thống Hoa Kỳ.
Cho đến nay cuộc đụng độ nảy lửa giữa TT Trump và
Kim Chánh Ân như những cậu học trò gây gổ nhau trong sân trường. Cậu Ủn chỏ mồm:
“Ðồ thằng già lú lẫn” (Dotard), TT Trump chửi lại: “Tao đâu có nói mầy là thằng
mập và lùn mà tại sao mày gọi tao già lú lẫn?” Hai cậu học trò phải nhờ đàn anh
Tập Cận Bình phân giải! (Việt Nguyên)
No comments:
Post a Comment