Thursday, November 30, 2017

KHI MỘT 'ÔNG TRÙM' HẾT THỜI (Hà Nguyên, Pháp Quốc)


Hà Nguyên (Pháp)
November 26, 2017

Gần hai tháng qua, công chúng thế giới được chứng kiến một chuỗi những sự kiện vô tiền khoáng hậu nối tiếp nhau, từ khi hai tờ báo New York Times và New Yorker cho phát nổ quả bom “Harvey Weinstein.”

Bức hình nộm “ông trùm” Harvey Weinstein do nghệ sĩ Andrea Dean thực hiện hồi đầu Tháng Mười Một, 2017 tại miền Nam nước Anh nhằm chế diễu nhà sản xuất phim người Mỹ Harvey Weinstein đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc về lạm dụng tình dục. Hình nộm này sau đó đã bị đốt cháy. (Hình: Getty Images)

Hiếm có sự kiện nào giữ được vị trí “top trend” lâu đến thế trên các kênh truyền thông lớn của thế giới và trên các mạng xã hội. Cơn bão “Harvey Weinstein” càn quét ở Mỹ, lan sang các châu lục khác và làm cả thế giới như lên cơn sốt. Nó không chỉ khiến cho Harvey Weinstein – ông trùm quyền lực nhất nhì Hollywood – và công ty của ông ta khốn đốn, mà còn quật ngã nhiều nhân vật nổi tiếng khác, làm tiêu tan sự nghiệp, tên tuổi của họ một cách nhanh chóng.

Sau Harvey Weinstein, ngôi sao hàng đầu Hollywood Kevin Spacey đã bị cắt hợp đồng và rút vai khỏi các bộ phim đình đám đang đóng cùng các liên hoan phim, sau khi bị tố đã quấy rối tình dục diễn viên Anthony Rapp cách đây hơn 30 năm.

Brett Ratner – đạo diễn, nhà sản xuất của những bộ phim lừng danh như Red Dragon, Prison Break, X-Men cũng gặp rắc rối sau khi bị 6 nữ diễn viên tố cáo đã quấy rối tình dục họ.

Vụ án ấu dâm của Roman Polanski cách đây 40 năm cũng được đào xới lại, gay gắt tới mức một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước thư viện điện ảnh Pháp, nhằm phản đối cơ quan này tổ chức sự kiện vinh danh sự nghiệp điện ảnh của ông.

Chưa hết. Danh sách các nhân vật bị bão “bê bối tình dục” càn quét còn rất dài.

Tại Anh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Michael Fallon đệ đơn từ chức hôm 1 Tháng Mười vì bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục với nữ nhà báo từ 15 năm trước. Thủ Tướng Theresa May đã yêu cầu điều tra phó Thủ Tướng Damian Green vì có hành vi khiếm nhã với nữ nhà văn trẻ. Bộ Trưởng Thương Mại Mark Garnier đã thừa nhận từng yêu cầu phụ tá cá nhân mua đồ chơi tình dục và có những lời khiếm nhã đối với cô. Hạ Nghị Sĩ Kelvin Hopkins của Công Đảng đã bị đình chỉ chức vụ vì hành vi không đúng mực với một sinh viên đại học.

Ở Pháp, nhiều tờ báo đã chỉ trích gay gắt Tariq Ramadan – một trí thức, một giáo sư mang quốc tịch Thụy Sĩ chuyên nghiên cứu đạo Hồi, được xem là một thủ lĩnh tinh thần của thế giới Hồi Giáo, nổi tiếng với những tư tưởng cải cách, cấp tiến cùng nhiều phát ngôn thẳng thắn – sau khi xuất hiện những cáo buộc ông đã quấy rối tình dục đối với một số nữ đồng nghiệp.

Các hashtag #metoo hay #balancetonporc trở thành “hot trend” trên mạng xã hội, dẫn dắt phong trào khuyến khích những phụ nữ mạnh dạn tố cáo những kẻ quấy rối tình dục mà họ là nạn nhân.

Trên truyền hình, trên radio, trên các trang báo ngập tràn tin tức về quấy rối tình dục. Vô số các buổi talkshow được tổ chức, các chuyên gia được mời đến để bàn về “quấy rối tình dục,” “bảo vệ phụ nữ.” Các đại diện của các tổ chức nữ quyền, các hiệp hội bảo vệ phụ nữ đồng loạt lên tiếng. Sách về các chủ đề liên quan đến bảo vệ phụ nữ và nữ quyền nhanh chóng được xuất bản hoặc tái bản. Các cuộc bút chiến và bàn phím chiến diễn ra liên miên trên khắp các trang mạng, từ báo chí cho tới Facebook, Twitter, Instagram.

Trong không khí đặc quánh mùi đấu tố, sợ hãi và nghi kị bao trùm khắp nơi, những tiếng reo hò, kêu gọi công lý được thực thi, những khẩu hiệu thấm đẫm tinh thần nữ quyền dường như đã khiến cho vài tiếng nói lý trí ít ỏi hiếm hoi bị lấn át, chìm nghỉm giữa đám đông đầy kích động, sôi sục, cuồng nộ.

Ít người đặt câu hỏi vì sao chuyện “đổi tình lấy vai diễn” là chuyện như cơm bữa ở Hollywood, ai cũng hiểu mà ít người nói ra, nay bỗng nhiên lại được tung hê công khai, thành một phong trào rầm rộ chưa từng có?

Những cáo buộc quấy rối tình dục hầu hết đều dựa trên lời thuật lại của phía “nạn nhân” mà ít có những chứng cứ đáng tin cậy như băng ghi âm, hình ảnh, nhân chứng… Bản thân Harvey Weinstein không thừa nhận các cáo buộc, dù có thể trong quá khứ đã trả tiền dàn xếp với một vài người tố cáo, với mục đích “cho yên chuyện.”

Những nữ diễn viên đứng lên tố cáo “quấy rối tình dục,” trước khi đồng ý lên phòng riêng của các nhà sản xuất, đạo diễn phim, chẳng lẽ lại không biết điều đó có nghĩa là như thế nào? Họ có thực sự bị cưỡng ép hay đúng hơn là đồng thuận, với động cơ thúc đẩy là có được các vai diễn và tìm kiếm cơ hội để danh vọng, sự nghiệp được thăng hoa nhờ bàn tay của các ông trùm? Điều này có lẽ chính họ mới rõ hơn ai hết.

Dường như ít người liên hệ tới việc Harvey Weinstein có mối quan hệ khá đặc biệt và thân thiết với Clinton và Obama. Harvey Weinstein đã đích thân tài trợ cho đảng Dân Chủ, tổ chức gây quỹ cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của Hilary Clinton, cũng như đã từng quyên tiền giúp Bill Clinton trong thời gian cựu tổng thống Mỹ gặp rắc rối với vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky.

Và ngược lại, Harvey Weinstein nếu không nhờ những mối quan hệ thân thiết, đặc biệt này, liệu có thể trở thành ông trùm Hollywood làm mưa làm gió suốt hai thập kỷ? Quyền lực ở Hollywood cũng như quyền lực trên chính trường, khi kết hợp cùng nhau thì bản chất đều là những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, có đi có lại. Khi một trong những cái bệ đỡ đã không còn, đương nhiên những mối quan hệ cộng sinh xây trên bệ đỡ ấy tất yếu cùng chung số phận.

Và những diễn viên đã tiêu tan sự nghiệp vì bê bối “quấy rối tình dục,” điểm chung giữa họ là gì? Kevin Spacey hay Brett Ratner… đều nằm trong số các nghệ sĩ nổi tiếng của Hollywood đã công khai ủng hộ ứng cử viên Hilary Clinton và chế giễu, chỉ trích Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Clinton và Obama là những chính trị gia đảng Dân Chủ có mối quan hệ khá thân thiết với giới nghệ sĩ Hollywood. Thậm chí rất nhiều ngôi sao Hollywood đã tích cực tham gia vào chiến dịch tranh cử tổng thống của Hilary Clinton năm 2016, trong đó không ít đã có những phát ngôn gây sốc, bôi nhọ, hạ nhục Donald Trump.

Họ đã khiến ai đó tức giận và bây giờ là lúc họ phải trả giá?

Quấy rối tình dục luôn là một chủ đề hết sức nhạy cảm. Nhiều chính trị gia hay các nhân vật nổi tiếng đã tiêu tan sự nghiệp chỉ vì vướng vào bê bối tương tự, phải từ chức hay trả giá rất đắt trước khi có kết luận điều tra chính thức. Chỉ với một tin đồn hay một lời tố cáo chưa được kiểm chứng đã đủ để khiến mọi thứ có thể đảo lộn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Và trong thời đại số, những kết nối và tốc độ truyền tin vốn là sức mạnh làm nên sức hấp dẫn của mạng xã hội và Internet nói chung có thể khiến “khổ chủ” điêu đứng, bị “xử tử” trước khi kết án nhanh hơn rất nhiều lần.

Khi một phong trào được khuếch đại theo những cách thức có vẻ như không hoàn toàn ngẫu nhiên, lan từ Mỹ qua Pháp, qua Anh v.v…, công chúng hẳn không ít người nhận thấy nó dường như đang bị lạm dụng, bị biến thành một công cụ lợi hại cho nhiều mục đích. Vừa hạ bệ, loại bỏ các đối thủ chính trị, vừa để mị dân và đưa ra những kế hoạch mới có thể gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, thậm chí hạn chế tự do của công dân – sự tự do vốn dĩ ngày càng trở nên ít ỏi với những bện pháp kiểm soát, thắt chặt an ninh được ban hành nhằm ngăn ngừa những nguy cơ “khủng bố”…

Chẳng hạn dưới sự lobby của một số tổ chức, việc “chống nguy cơ quấy rối tình dục” có thể trở thành một chương trình nghị sự cấp cao. Ngân sách dành cho việc tuyên truyền phòng chống lạm dụng tình dục có thể được đề xuất tăng cao một cách đột biến, có lợi cho một số tổ chức có liên quan, trong khi nhiều lĩnh vực khác cần thiết hơn lại đang bị cắt giảm.

Các tổ chức và doanh nghiệp có thể bắt buộc phải dành ngân sách để chi trả cho những khóa đào tạo mới về “chống quấy rối tinh dục.” Một số lĩnh vực có thể bị tăng cường chịu kiểm soát chặt chẽ hơn, ví dụ mạng xã hội hay các trang web hay ứng dụng có nội dung khiêu dâm, khiến tự do của công dân có nguy cơ bị hạn chế và kiểm soát chặt hơn.

Và khi các đường dây nóng được thiết lập, cho phép tố cáo những kẻ “quấy rối tình dục,” tâm lý nghi kị, e sợ bị tố cáo, đấu tố “quấy rối tình dục” tăng cao cũng sẽ khiến mối quan hệ giữa các cá nhân có thêm những rào cản vô hình, đồng thời trao cho những người lạm dụng cơ hội để trả đũa, đe dọa, thậm chí khủng bố tinh thần người khác. Vô hình chung, nó có thể trở thành một thứ công cụ được dùng để trấn áp, xử lý các “đối thủ” chính trị hay những công dân bất đồng chính kiến chỉ với một cú điện thoại nặc danh nào đó.

Những gì đã và đang diễn ra rõ ràng không đơn thuần là câu chuyện về một ông trùm Hollywood “sa đọa,” một góc tối của Hollywood. Nó còn cho thấy nhiều khía cạnh khác ẩn giấu phía sau, mà nếu chỉ đọc tin tức theo tầng nghĩa thứ nhất, có lẽ sẽ khó lòng thấy được những gì thật sự đã và đang diễn ra cùng những ảnh hưởng tiềm tàng mà câu chuyện này có thể tác động trực tiếp tới cuộc sống của mỗi công dân.

Vụ bê bối của Harvey Weinstein nổ ra chỉ cách lễ trao giải Oscar thường niên 2018 vài tháng – một thời điểm khá nhạy cảm đối với các phim và các hãng có phim tham gia tranh giải. Điều này hẳn cũng không phải là ngẫu nhiên. Vụ bê bối làm rúng động cả Hollywood và chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới kết quả của giải Oscar 2018 sắp tới.

Khi đế chế của Harvey Weinstein đã hết thời hoàng kim, ai sẽ là “ông trùm” mới của Hollywood? (Hà Nguyên)







No comments: