Tuesday, November 21, 2017

NHẬN ĐỊNH & ĐÁNH GIÁ bộ phim THE VIETNAM WAR của KEN BURNS & LYNN NOVICK (Lâm Vĩnh Thế)


Lâm Vĩnh Thế, Librarian Emeritus
University of Saskatchewan, CANADA
Thứ Ba, 21 tháng 11, 201

Người viết bài này đã xem xong hai lần toàn bộ 10 DVD của bộ phim The Vietnam War của 2 đạo điễn Mỹ Ken Burns va Lynn Novick.  Lần xem thứ nhì được ghi chú cẩn thận và dựa trên các ghi chú đó, người viết xin trình bày trong bài viết sau đây
những nhận định và đánh giá về bộ phim quan trọng này.

Nhận định tổng quát về bộ phim

Nhận xét về hai đạo diễn
Về phương diện chuyên môn, cả 2 người đều đã được đào tạo chính quy, tốt nghiệp đại học, và có đầy đủ kinh nghiệm và thành tích trong lãnh vực điện ảnh.

Về phương diện cá nhân, cả 2 người, Ken Burns sinh năm 1953 và Lynn Novick sinh năm 1962, đều còn quá nhỏ (Novick) hoặc chỉ đang học trung học (Burns) trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam; họ không có tham gia chiến tranh tại VN, và cũng không thuộc phe bồ câu (dove) hay diều hâu (hawk), nên chúng ta có thể nghĩ và tin tưởng rằng họ sẽ có thể có được "phần nào"sự trung thực và khách quan khi làm phim này.  Tuy nhiên, khi họ lớn lên, và bước vào ngưỡng cửa đại học (khoảng 1971 cho Burns và khoảng 1980 cho Novick), chắc chắn họ đã phải chịu ảnh hưởng của tư tưởng chống chiến tranh Việt Nam đang chế ngự trong xã hội Mỹ của giai đoạn đó, thể hiện qua chuyện một phần lớn cựu quân nhân Mỹ đã bị chính đất nước và đồng bào của họ đối xử tệ và ruồng bỏ họ mà chúng ta đều đã biết.  Riêng về Burns thì khi đã trưởng thành ông đã từng là một thành viên lâu năm của Ðảng Dân Chủ và cũng đã thực hiện một vài phim ca ngợi Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, một trong những tay chủ chốt của Ðảng Dân Chủ trong việc chống Chiến Tranh Việt Nam và trong chủ trương cắt bỏ viện trợ và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Mục tiêu và đối tượng của bộ phim
Hai nhà đạo diễn Mỹ rõ ràng là đã thực hiện bộ phim này cho người Mỹ xem, với một số chủ đề chánh như sau: i) tại sao Hoa Kỳ tham gia vào cuộc chiến; ii) binh sĩ Hoa Kỳ đã tác chiến trong điều kiện như thế nào, và hành xử ra sao trong cuộc chiến;  iii) người dân Mỹ đã nghĩ như thế nào, hành động và phản ứng ra sao đối với cuộc chiến; và, iv) tại sao phe Cộng sản đã thắng.  Người Việt Nam, ngay cả người VN đã trở thành công dân Mỹ, chỉ là khán giả phụ (secondary audience) của bộ phim.  Chính vì thế trong suốt 10 tập của bộ phim này chúng ta không được trình bày cho thấy gì nhiều về sự tham chiến và mức độ thương vong của Quân Lực VNCH cũng như những hy sinh, tổn thất (về nhân mạng, về tài sản, vv) của dân chúng miền Nam. 

Một nhà phê bình người Mỹ đã sử dụng một từ rất chính xác --shortchange-- khi phê bình về sự thiếu sót này của Burns và Novick: Dan Schindel đã viết như sau trong bài báo "In Ken Burns' Vietnam War documentary, claims of objectivity obscure patriotic bias,":  "Among other things, the show shortchanges the experiences of Vietnamese civilians, ..." (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau:“Trong những chuyện khác, bộ phim đã thiếu sót trong việc trình bày những kinh nghiệm của dân chúng Việt Nam, …).(URL của bài báo: https://hyperallergic.com/408347/in-ken-burnss-vietnam-war-documentary-claims-of-objectivity-obscure-patriotic-bias/) 

Tài liệu sử dụng và đối tượng phỏng vấn
Vì là một phim tài liệu (documentary) Burns và Novick đã sử dụng rất nhiều băng ghi hình và ghi âm đã thu được trong thời gian của cuộc chiến, trong đó đặc biệt có những băng ghi âm mà bây giờ, sau khi đã có lệnh giải mật, chúng ta mới được nghe lần đầu tiên, thí dụ các cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Lyndon B. Johnson và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, giữa Tổng Thống Richard M. Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger, vv.  Ðây là những bằng chứng quý hiếm và không thể chối cãi được về ý đồ của các nhân vật chủ chốt của Mỹ trong việc điều khiển cuộc chiến.

Burns và Novick đã có cố gắng phỏng vấn nhiều người của cả 4 phía, Hoa Kỳ, VNCH, và Bắc Việt + Việt Cộng, cho bộ phim nhưng qua con số những người này chúng ta cũng có thể thấy rất rõ ràng có một sự chênh lệch rất lớn:
- Hoa Kỳ: 51 người (64.5%)
- VNCH: 8 người (10.1%)
- Bắc Việt + Việt Cộng: 20 người (BV 14 + VC 6) (25.3%)

Số người Mỹ được phỏng vấn, thuộc đủ mọi từng lớp gồm dân sự, quân nhân, ký giả, ủng hộ chiến tranh, phản đối chiến tranh, và cả những người trốn quân dịch, bỏ Mỹ chạy sang Canada, v.v., chiếm gần 2/3 tổng số người được phỏng vấn.  Về phía người VN, thì người của Miền Nam (VNCH) chỉ có 8 người; còn người thuộc phe Cộng sản thì tới 20 người, tức là hơn gấp đôi số người Miền Nam. 

Trong 8 người của VNCH thì 5 là quân nhân: 1) Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Tiền Phương của Quân đoàn 1vào năm 1975; 2) Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ huy các Liên đoàn Biệt động quân trong cuộc triệt thoái của Quân đoàn 2 tháng 3-1975; 3) Trung Tá Trần Ngọc Châu, Tỉnh trưởng Kiến Hòa, sau là Tổng Thư Ký Quốc hội; 4) Trung Tá Trần Ngọc Huế, nổi danh trong trận đánh giải phóng Huế trong vụ Mậu Thân năm 1968, về sau bị bắt làm tù binh trong trận Hạ Lào năm 1971; và 5) Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn, tốt nghiệp Khóa 16 Trường Võ Bị Ðà Lạt, thuộc binh chủng TQLC VNCH, lúc còn là Trung Úy, Ðại Ðội Trưởng, Ðại Ðội 1, Tiểu đoàn 4 TQLC, đã bị thương rất nặng trong trận Bình Giã, về sau lên Thiếu tá và năm 1972, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 TQLC. 

Ba người còn lại là dân sự: 1) ông Ðại Sứ Bùi Diễm; 2) ông Phan Quang Tuệ, một luật sư và thẩm phán tại Mỹ, con trai của Phó Thủ Tướng Phan Quang Ðán; và 3) bà Dương Vân Mai Elliott, 1 phụ nữ VN có chồng Mỹ, đã từng làm việc cho Rand Corporation, một think-tank của Mỹ đã từng thực hiện nhiều dự án cho Cơ quan Trung Ương Tình Báo của Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency = CIA).  Nói chung, ngoài bà Mai, những người còn lại được phát biểu rất ít và rất ngắn.Qua các con số về người được phỏng vấn này, chúng ta thấy rất rõ là hai nhà làm phim đã không có một một sự đối xử công bằng đối với dân chúng của Miền Nam, là một đa số rất lớn của những nạn nhân trực tiếp hứng chịu nhiều nhứt những đau thương và tổn thất trong cuộc chiến tranh do Miền Bắc gây nên nhưng hoàn toàn không có một tiếng nói nào trong bộ phim.  Ðiều này cho thấy rõ lời phê bình đã ghi lại bên trên của ông Schindel là rất đúng.

Một số nhận định chung về bộ phim

Nhận định chung đầu tiên là bộ phim này đã cung cấp cho khán giả một cái nhìn khá đầy đủ về Chiến Tranh Việt Nam: nguyên nhân, diễn tiến, hậu quả, phản ứng và tác động của dân chúng.  Hai nhà đạo diễn đã bỏ ra một thời gian tương đối đáng kể (10 năm) để truy tìm và chọn lọc các tài liệu (phim ảnh, âm thanh), phỏng vấn những người của các phe lâm chiến có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc chiến, và trình bày quan điểm của cả hai phía.  Nói chung, có thể nói đây là một bộ phim đầu tiên của người Mỹ đã trình bày khá đầy đủ về Chiến Tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh dài nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ và cũng là cuộc chiến tranh đã gây chia rẽ trầm trọng nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ (sau cuộc Nội Chiến Bắc Nam, The Civil War, 1861-1865).

Nhận định chung thứ nhì là hai nhà làm phim đã cho thấy họ bị ám ảnh quá nhiều về điều kiện tác chiến của người lính Mỹ.  Tuy người viết bài nầy không nắm được thống kê từ bộ phim (bao nhiêu cảnh, bao nhiêu phút, vv.), nhưng có thể nói rằng bất cứ ai đã xem phim đều phải công nhận rằng những hình ảnh về các quân nhân Hoa Kỳ trong lúc đánh nhau (trong rừng núi, trên các sườn đồi, trên các cánh đồng, trong các thành phố, các thị trấn, các căn cứ, vv.) tràn ngập trong bộ phim, ngay cả trong các Episode đang nói về những chuyện gì khác chớ không phải về các trận đánh.  Một thí dụ rất rõ ràng là Episode 1, mang tựa đề là Déjà Vu, 1858-1961, dành cho việc tìm hiểu nguyên nhân đưa đến cuộc chiến; năm cuối cùng trong tựa đề, tức năm 1961, là năm mà Hoa Kỳ chưa đưa quân bộ chiến vào Việt Nam; nhưng trong tập 1 này vẫn có pha trộn khá nhiều những đoạn phim trình bày những cảnh đang tác chiến của lính Mỹ.

Nhận định chung thứ ba là hai nhà làm phim đã có cố gắng nhiều để giữ sự khách quan và trung thực cho bộ phim bằng cách không trình bày trực tiếp nhận định và quan điểm của họ về cuộc chiến.  Gần như trong suốt 10 tập của bộ phim, hai nhà đạo diễn đã để cho những người được phỏng vấn nói lên quan điểm của họ một cách tự do.  Do đó người xem phim được nghe những lời phát biểu xuất phát từ sự hiểu biết và tin tưởng của những người thuộc cả hai phe: của những người Mỹ ủng hộ chiến tranh cũng như của những người Mỹ chống chiến tranh; của người Việt Miền Bắc cũng như của người Việt Miền Nam. Rõ ràng chủ trương của hai nhà làm phim này là chỉ muốn cung cấp cho người xem phim càng nhiều càng tốt những thông tin từ mọi góc cạnh, mọi quan điểm để mọi người của hai phe (ủng hộ và chống Chiến Tranh Việt Nam) có thể mở rộng được tầm nhìn của mình và do đó có thể hiểu rõ hơn vấn đề và có thể đi đến chổ hiểu nhau và thông cảm nhau.  Ngay trong phần mở đầu của mỗi đĩa DVD hai đạo diễn đếu cho lập đi lập lại tiêu đề Conflict / Perspective / Understanding, và nêu rõ lập trường của họ: Because we believe with perspective comes understanding.

Nhận định chung sau cùng là, rất có thể vì tính sẵn có để sử dụng (availability) của tài liệu, bộ phim đã sử dụng rất nhiều tài liệu về phía Hoa Kỳ, với một lượng cũng khá quan trọng tài liệu của phía Bắc Việt, còn tài liệu về phía VNCH thì rõ ràng là rất ít.

Nhận định cụ thể về từng tập của bộ phim

Tập 1: Episode 1, “Déjà Vu” (1858-1961)
Chủ yếu giới thiệu Hồ Chí Minh (HCM) như là một người yêu nước đã lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCSVN), và phong trào Việt Minh (VM) chống lại thực dân Pháp và sau cùng giành được độc lập cho Việt Nam.  Nhưng tại Hội Nghị Genève năm 1954, dưới áp lực của Liên Xô và Trung Cộng, ông phải chấp nhận Việt Nam bị tạm thời chia đôi tại vĩ tuyến 17, để chờ Tổng Tuyển Cử vào hai năm sau (1956) để thống nhứt lại đất nước.  Nhưng sau đó, tại Miền Nam, Hoa Kỳ đã dựng lên chế độ Ngô Ðình Diệm và sau đó là Chính phủ VNCH chống lại Miền Bắc. Cuộc Tổng Tuyển Cử đã bị hủy bỏ.  Do đó, Miền Bắc không còn cách nào khác hơn là phải gây chiến để chiếm cho được Miền Nam hầu thống nhứt đất nước. Như vậy, Miền Bắc là “good guy” và VNCH là “bad guy.”

Nói chung, luận đề trên có bao gồm một số sự thật lịch sử. Tuy nhiên, trong khi trình bày luận đề trên, hai nhà làm phim không hoàn toàn trung thực vì đã cố tình bỏ qua, không đề cập đến một số sự thật lịch sử khác cũng rất quan trọng như sau:

·         Từ sau khi Pháp đặt ách thống trị tại Việt Nam, về tổ chức và đảng phái, ÐCSVN không phải là đảng phái chính trị đầu tiên và duy nhứt chống lại thực dân Pháp.  Ngay từ cuối thế kỷ 19 đã có nhiều tổ chức, phong trào kháng Pháp như Văn Thân, Cần Vương, Ðông Kinh Nghĩa Thục, Ðông Du, vv.  Sang đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện khá nhiều chính đảng chống Pháp như Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ), Ðại Việt, Duy Dân, Tân Việt Cách Mạng Ðảng, vv.  Cuộc khởi nghĩa của VNQDÐ năm 1927 đã xảy ra ngay cả trước khi ÐCSVN ra đời (1930).  Về cá nhân thì HCM cũng không phải là nhà ái quốc đầu tiên và duy nhứt chống Pháp: người Việt Nam không ai là không biết tên các nhà ái quốc chống Pháp như sau: cuối thế kỷ 19 là các vị như Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám; sang thế kỷ 20 là các vị như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, vv.

·         Tập 1 hoàn toàn không đề cập gì cả đến Chính phủ Trần Trọng Kim là Chính phủ đầu tiên của Việt Nam đã tuyên bố độc lập và xóa bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng mà Pháp đã buộc triều đình Nhà Nguyễn phải ký kết.  Trong Tập 1 có nhắc đến nạn đói tại Miền Bắc vào đầu năm 1945, có đề cập đến vụ VM phá kho gạo để phân phối cho dân, nhưng hoàn toàn không nói gì cả đến chủ trương cứu đói là 1 trong các chương trình hoạt động của Chính Phủ Trần Trọng Kim.[1]  Tập 1 cũng hoàn toàn không nói gì đến Cựu Hoàng Bảo Ðại là người đã lập ra Quốc Gia Việt Nam (tiền thân của VNCH), và đã có công đấu tranh với Chính phủ Pháp để lấy lại đất Nam Kỳ cho Việt Nam, và cũng chính Cựu Hoàng là người đã bổ nhiệm ông Ngô Ðình Diệm.

·         Tập 1 cũng có đề cập đến Cải Cách Ruộng Ðất (CCRÐ) ở Miền Bắc nhưng nói là việc này được thực hiện sau khi ÐCSVN đă nắm quyền sau tháng 7-1954; điều này không đúng hoàn toàn vì thật ra CCRÐ đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1953 và đó là lý do khiến cho đồng bào Miền Bắc thấy rõ bộ mặt thật của ÐCSVN khiến cho một số khá đông đã bỏ kháng chiến trở về thành, và, sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết vào ngày 20-7-1954, đã rời bỏ Miền Bắc di cư vào Nam.  Tập 1 cũng có đề cập vể việc ÐCSVN thanh toán các đảng phái quốc gia vào năm 1946.  Trong phim có đoạn trình bày là trong lúc HCM đi Pháp dự Hội Nghị Fontainebleau thì ở nhà Võ Nguyên Giáp đã thanh toán các đảng phái quốc gia.  Trong một đoạn khác, khi được phỏng vấn, Trung Tướng Lâm Quang Thi cũng có nói về việc VM thủ tiêu nhiều người.  Tất cả những điều này chỉ được trình bày phớt qua, rất ngắn, chỉ trong vài chục giây đồng hồ mà thôi; nếu không thật sự chú tâm xem phim, rất có thể khán giả không biết là có các đoạn phim này.  Sự thật lịch sử là việc thanh toán các nhà ái quốc thuộc các đảng phái quốc gia chống Pháp rộng lớn hơn rất nhiều vì đó là cả một chính sách của ÐCSVN.  Và vì thế, để có thể sống còn, một số rất đông các thành viên của các chính đảng quốc gia chống pháp, cũng như các nhân sĩ trí thức đã tham gia kháng chiến chống Pháp (đặc biệt là trong Nam ngay từ Mùa Thu 1945, chớ không phải đợi đến sau ngày 19-12-1946 là ngày HCM ra lệnh toàn quốc khánh chiến) đã bỏ kháng chiến trở về thành và sau đó tham gia vào Chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Cựu Hoàng Bảo Ðại lãnh đạo.  Một trường hợp điển hình của nhân sĩ trí thức của Miền Nam là ông Trần Văn Hương: khi kháng chiến bắt đầu ở Nam Bộ, ông tham gia ngay và đảm nhận vai trò Chủ TỊch Ủy Ban Hành Kháng (Hành Chánh Kháng Chiến) của Tỉnh Tây Ninh, nhưng sau khi thấy rõ bộ mặt thật của VM, ông đã bỏ về thành, nhưng dứt khoát không chịu làm việc cho Pháp cho đến khi ông Ngô Ðình Diệm về nước chấp chánh ông mới chịu nhận chức Ðô Trưởng Sài Gòn.  Tất cả những điều này cho thấy Chính phủ VNCH tại Miền Nam dứt khoát không phải là “bad guy” như bộ phim này muốn trình bày với người xem phim.

Tập 2: Episode 2, “Riding the Tiger” (1961-1963)
Tập 2 trình bày những diễn tiến quân sự và chính trị quan trọng của giai đoạn 1961-1963 tại Miền Nam đưa đến sự sụp đổ của nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa: 1) Trận Ấp Bắc; 2) Những khía cạnh tiêu cực của quốc sách Ấp Chiến Lược làm mất lòng dân; và, 3). Vụ đàn áp thô bạo Phật Giáo của chính quyền độc tài Ngô Ðình Diệm đưa Hoa Kỳ đến quyết định giúp đảo chánh ngày 1-11-1963 của các tướng lãnh lật đổ chế độ nhà Ngô. 

Về Trận Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), bộ phim trình bày khá đầy đủ vì đây là trận đánh quan trọng đầu tiên ở cấp tiểu đoàn của lực lượng Việt Cộng tại Miền Nam.  Một cách khách quan thì chúng ta phải công nhận đây là một trận đánh mà quân đội VNCH bị tổn thất khá nặng, với khoảng 80 binh sĩ tử trận và khoảng gần 200 bị thương; Hoa Kỳ có 3 cố vấn tử trận, 5 trực thăng bị phá hủy.  Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, ở bất cứ thời đại nào, từ Ðông sang Tây, đối với binh gia chuyện thắng bại là chuyện thường tình, có khi ta thắng mà cũng có khi địch thắng.  Từ khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Việt Cộng hay viết tắt là VC) được chính thức thành lập vào tháng 12-1960, lực lượng VC đã thua Quân Ðội VNCH (QÐVNCH) biết bao nhiêu trận (chỉ xin ghi ra đây một thí dụ cụ thể là Trận Cao Lãnh, Kiến Phong, ngày 28-3-1961, “hơn 2 tiểu đoàn V.C. vây đánh 1 tiểu đoàn V.N.C.H. 200 V.C. chết và bị thương; V.N.C.H.: 11 chết, 23 bị thương.” [2]) mà bộ phim không hề nói đến, nhưng khi QÐVNCH bị thiệt hại nặng tại Ấp Bắc thì Tập 1 nói rất rõ chi tiết, và kết luận là QÐVNCH không có khả năng, nhưng chủ yếu chỉ là dựa vào lời kể của Neil Sheehan là một ký giả phản chiến nổi tiếng, và của sĩ quan cố vấn Mỹ là James Scanlon, hoàn toàn không có một lời phản biện nào của các sĩ quan QÐVNCH đã có tham dự trận đánh, đặc biệt là Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, lúc đó còn là một Ðại Úy, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 7 Cơ Giới M113, chính là vị sĩ quan chỉ huy các Thiết Vận Xa M113 trong trận đánh.  Chuẩn Tướng Bá đã từng viết như sau trong cuốn hồi ký của ông : “Ðến đây, tôi tưởng cần nói rõ “sự thật trận đánh và diễn tiến của nó không giống như NEIL SHEEHAN viết kể trong quyển sách của anh- cuốn “A BRIGHT SHINING LIE” xuất bản năm 1988” [3] và ông cũng đã phê bình James Scanlon khá nặng nề trong cuốn hồi ký này.[4] (Tướng Bá mới mất vào ngày 22-2-2015 tại Nevada, Hoa Kỳ; vậy khi Ken Burns va Lynn Novick bắt đầu làm bộ phim này, Chuẩn Tướng Bá vẫn còn sống, nhưng ông đã không được những người làm phim phỏng vấn).

Về vấn đề Ấp Chiến Lược (ACL), những điều được trình bày trong phim đều đúng.  Chính quyền VNCH đề ra quốc sách ACL rất hay và cần thiết, nhưng cách làm thì quá tệ hại, đưa đến kết quả ngược lại là làm mất lòng dân, với những lỗi lầm rất nặng nề như sau: 1) quá nôn nóng nên chỉ chú trọng về số lượng; 2) do đó không có đủ thì giờ để thuyết phục người dân; 3) thiếu kiểm soát, để mặc và dung túng cho các viên chức địa phương (tỉnh, quận trưởng) áp bức dân chúng phải làm không công, trong khi đó tiền công, tiền bồi thường của chính phủ trả cho dân, do viện trợ Mỹ giúp thanh toán, họ đều bỏ túi.

Về vụ đàn áp Phật Giáo năm 1963, những điều trình bày là hoàn toàn chính xác.  Từ năm 1960 trở đi, Chính phủ Ngô Ðình Diệm đã đi vào con đường độc tài gia đình trị, tạo ra sự căm ghét của dân chúng Miền Nam, mà các đại diện chân chính là các nhân sĩ và chính trị gia đã ký vào bản Tuyên Ngôn Caravelle (tháng 4-1960)[5].  Ða số (10/18 = 55%) những vị đã ký tên trong Tuyên Ngôn này đều đã từng hợp tác với ông Ngô Ðình Diệm khi ông mới về nước chấp chánh vào năm 1954, trong đó có một số vị đã từng là Tổng, Bộ Trưởng trong Chính phủ của ông Diệm, thí dụ như các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ðỗ, Huỳnh Kim Hữu, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, và Lương Trọng Tường.  Ông Diệm cũng mất dần sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ, và sau cùng, ngay chính những người bạn Mỹ thân cận và ủng hộ ông mạnh mẽ nhứt cũng rời bỏ ông.[6] Cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963 là giọt nước tràn ly; Chính phủ Hoa Kỳ không còn đủ kiên nhẫn với Chính phủ Ngô Ðình Diệm nữa, và đã bật đèn xanh cho các tướng lãnh thực hiện cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ độc tài gia đình trị của nhà Ngô trong sự vui mừng, hân hoan (thật lòng, chớ không phải do chính quyền dàn dựng) của người dân Miền Nam nhưng chắc chắn không phải tuyệt đối như ghi nhận sau đây trong Tập 2 này của bộ phim: “Ambassador Lodge reported to Washington that “every Vietnamese has a smile on his face today.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau:“Ðại sứ Lodge báo cáo về Hoa Thịnh Ðốn rằng “hôm nay người Việt ai cũng vui cười.””)

Tập 3: Episode 3, “The River Styx” (January 1964 – December 1965)
Tập 3 trình bày những diễn biến về quân sự và chính trị tại Việt Nam và Hoa Kỳ đã thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Lyndon B. Johnson, người kế nhiệm sau khi Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát chết ngày 22-11-1963 tại Dallas, Texas, đi đến quyết định đưa quân bộ chiến vào Việt Nam: 1) Trận Bình Giã (cuối năm 1964 và đầu năm 1965); 2) Biến cố Vịnh Bắc Việt; 3) Bầu cử Tổng Thống năm 1964 tại Hoa Kỳ; và 4) TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Ðà Nẵng ngày 8-3-1965.

Trận Bình Giã là một trận đánh mà Tiểu Ðoàn 4 TQLC, QÐVNCH, đã bị tổn thất rất nặng như sau: 1) Chết: 11 sĩ quan + 18 hạ sĩ quan + 83 binh sĩ = 112 người; 2) Mất tích: 2 sĩ quan + 10 hạ sĩ quan + 70 binh sĩ = 82 người; và 3) Bị thương: 5 sĩ quan + 15 hạ sĩ quan + 100 binh sĩ = 120 người.[7]  Một lần nữa, cũng giống như đối với Trận Ấp Bắc trong Tập 2, bộ phim đã trình bày rất đầy đủ, tỉ mỉ vì đây cũng là một trận mà quân đội VNCH bị tổn thất nặng.

Về Biến cố Vịnh Bắc Việt, Tập 3 cũng trình bày khá đầy đủ và trung thực.  Cuốn phim đã đưa ra một thông tin mới rất đáng chú ý: đó là việc Tổng Thống Johnson đã ra lệnh thảo một Nghị Quyết sẽ đệ trình Quốc Hội cho phép Chính phủ sử dụng các biện pháp quân sự tại Việt Nam trước khi xảy ra biến cố này.  “Johnson felt he did not yet have the political capital to take further action in Vietnam, but he asked his aide, William Bundy, to draft a congressional resolution authorizing him to use force in Vietnam if needed to be sent to Capitol Hill when the time was right.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Johnson cảm thấy ông không có đủ vốn liếng chính trị để làm mạnh hơn tại Việt Nam, nhưng ông đã bảo người phụ tá của ông, Willian Bundy, soạn thảo một nghị quyết của quốc hội cho phép ông sử dụng vũ lực tại Việt Nam nếu cần để gửi cho Quốc Hội khi đến lúc”). Nếu điều này đúng thật thì có vẻ như Johnson đã giăng bẫy và Bắc Việt đã sập bẫy trong vụ Biến cố Vịnh Bắc Việt vào đầu tháng 8-1964.  Cũng theo Tập 3 này, rất có thể chính Lê Duẩn là người đã ra lệnh tấn công chiến hạm Mỹ, và HCM hoàn toàn bị bất ngờ.  Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào ngày 7-8-1964 với một đa số tuyệt đối: tại Hạ Nghị Viện số phiếu chấp thuận là 416/0 và tại Thương Nghị Viện là 88/2.

Về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 1964, Tổng Thống Johnson đã đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là Thương Nghị Sĩ Barry Goldwater của tiểu bang Arizona bằng một chiến thắng rất lớn như sau:
·         Phiếu dân bầu: Johnson: 43.127.041 (61.1%); Goldwater: 27.175.754 (38.5%)
·         Phiếu cử tri đoàn: Johnson 486 (44 tiểu bang + DC); Goldwater 52 (6 tiểu bang)

Tổng Thống Johnson đã có được cái “political capital”(vốn liếng chính tri) mà ông muốn và cần. Ngày 8-3-1965, 2 tiểu đoàn đầu tiên của TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Ðà Nẵng. Về biến cố quan trọng này, bộ phim có phỏng vấn ông Ðại Sứ Bùi Diễm.   Ông Diễm, lúc xảy ra biến cố này đang là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng của Chính phủ Phan Huy Quát, có trình bày, giống như ông đã viết trong cuốn hồi ký của ông, là Chính phủ VNCH hoàn toàn bị bất ngờ.  Người viết bài này không nghĩ là Chính phủ VNCH bị hoàn toàn bất ngờ, đã có tìm hiểu thêm về biến cố này, và đã trình bày một số ý kiến trong một bài viết.[8]  Sau đó quân Mỹ tiếp tục ồ ạt đổ vào VNCH theo yêu cầu của Tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh MACV (Military Assistance Command – Vietnam = Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự – Việt Nam), và đến cuối năm 1965, quân số Hoa Kỳ tại Miền Nam đã lên đến tên 184.000 quân.

Cũng trong Tập 3 này, các nhà làm phim đã trình bày một chi tiết không được chính xác như sau: “Between January 1964 and June 1965 there would be eight different governments.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Giữa Tháng Giêng 1964 và Tháng Sáu 1965 sẽ có tới 8 chính phủ khác nhau”). Thật ra chỉ có 5 chính phủ như liệt kê dưới đây: [9]
·         Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ: từ 3-11-1963 đến 7-1-1964
·         Chính phủ Nguyễn Khánh:từ 8-1-1964 đến 3-11-1964
·         Chính phủ Trần Văn Hương: từ 4-11-1964 đến 15-2-1965
·         Chính phủ Phan Huy Quát: từ 16-2-1965 đến 15-6-1965
·         Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ: từ 19-6-1965 trở đi

Tập 4: Episode 4, “Resolve” (January 1966 – June 1967)
Tập 4 trình bày giai đoạn Hoa Kỳ quyết tâm leo thang chiến tranh, tiếp tục đổ quân vào Việt Nam, nâng tổng số quân Mỹ lên đến trên 450.000 giữa năm 1967.  Giai đoạn này cũng là thời gian phong trào phản chiến tại Mỹ phát triển thêm rất mạnh mẽ, đặc biệt ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ với việc Thượng Nghị Si William Fulbright, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, tổ chức và chủ trì các cuộc điều trần về Chiến Tranh Việt Nam (Fulbright Hearings).  Vì nhu cầu tăng quân tại Việt Nam, Hoa Kỳ phải tăng mức động viên từ 10.000 lên 30.000 thanh niên một năm, và bắt đầu động viên cả sinh viên.  Do đó phong trào phản chiến bắt đầu xâm nhập vào và phát triển tại các trường đại học.  Thời gian này cũng là lúc Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara bắt đầu hoài nghi về khả năng có thể thắng trận tại Việt Nam, và ra lệnh cho người của ông tìm hiểu cặn kẽ các biến cố đã khiến cho Hoa Kỳ bị dính líu vào Việt Nam, đưa đến việc ra đời sau này của bộ tài liệu The Pentagon Papers(Hồ sơ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ).

Trong suốt Tập 4 này, hoàn toàn không có một hình ảnh, đoạn phim nào về hoạt động của Quân Lực VNCH(QLVNCH) trong thời gian này, trong khi thống kê cho thấy trong khoảng thời gian 18 tháng này QLVNCH đã thực hiện tất cả là 69 cuộc hành quân có đặt tên (phần nhiều mang tên Cửu Long hoặc Lam Sơn kèm theo một con số thứ tự, không kể các trận kịch chiến khác) [10, 11] Trong suốt Tập 4 này, hai đạo diễn chỉ trình bày toàn là cảnh các trận đánh giữa quân Mỹ và quân CSBV hoặc các cảnh liên quan tới quân CSBV và các hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh.  Chỉ có 2 vụ việc có liên quan đến VNCH được trình bày trong phim: 1) Hội Nghị Honolulu (tháng 2-1966) giữa Tổng Thống Johnson và hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ; 2) Vụ Biến Ðộng Miền Trung (các tháng 3-6 năm 1966), với 1 câu phát biểu rất mỉa mai về QLVNCH như sau:  “But from his command post on a hilltop outside the city, an American Marines lieutenant had watched in disbelief as two battles unfolded simultaneously: in the west, his fellow Marines were fighting the Viet Cong; in the east, the South Vietnamese army seemed to be at war with itself.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Từ vị trí chỉ huy của mình trên đĩnh một ngọn đồi bên ngoài thành phố, một Trung Úy TQLC Mỹ đã bàng hoàng không tin được là anh đang nhìn hai trận đánh đang diễn ra cùng một lúc: bên phía tây, các chiến hữu TQLC của anh đang nhau với Việt Cộng, còn bên phía đông thì QLVNCH có vẻ như đang tự đánh lẩn nhau”).

Tập 5: Episode 5, “This Is What We Do” (July 1967 – December 1967)
Cũng giống như Tập 4, người xem phim không tìm thấy một hoạt động nào của QLVNCH trong thời gian 6 tháng còn lại của năm 1967 này.  Gần như toàn bộ Tập 5 này dành để trình bày 3 điều: 1) Hoạt động của TQLC Mỹ tại vùng Phi Quân Sự, đặc biệt là tại căn cứ Cồn Thiên; 2) Việc Bắc Việt chuẩn bị kế hoạch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân; và 3) Các hoạt động của phong trào phản chiến tại Mỹ.  Về VNCH, Tập 5 chỉ dành một đoạn nhỏ nói về cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên của Ðệ Nhị Cộng Hòa vào tháng 9-1967 mà liên danh Thiệu-Kỳ đã chỉ thắng với 35% số phiếu bầu.  

Phần đáng ghi nhớ nhứt của Tập 5 này là phần trình bày vụ Bắc Việt chuẩn bị kế hoạch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân. Bộ phim trình bày rất rõ ràng việc Bí Thư Thứ Nhứt (về sau mới đổi gọi là Tổng Bí Thư) Lê Duẩn đã thực sự nắm quyền tuyệt đối trong Bộ Chính Trị quyết định về đường lối, chính sách của ÐCSVN (lúc đó vẫn còn mang tên Ðảng Lao Ðộng Việt Nam).  Chủ trương của Lê Duẩn là phải chiếm Miền Nam bằng võ lực, một chủ trương mà cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều không tán đồng.  Vai trò của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ còn tượng trưng trên danh nghĩa mà thôi, và ông đã được đưa ra khỏi nước, sang Trung Quốc để chữa bệnh.  Tướng Võ Nguyên Giáp cũng được đưa sang Hung Gia Lợi để trị bệnh. Những thành phần chống đối trong đảng đều bị loại trừ và bắt giam với tội danh “xét lại và chống đảng.”  Lê Duẩn cho rằng dân chúng Miền Nam đã quá chán ghét chính phủ VNCH, tình hình đã chín mùi, chỉ cần có một cuộc Tổng Tấn Công vào các đô thị của Miền Nam thì dân chúng sẽ nổi dậy và chính quyền VNCH sẽ sụp đổ và Mỹ sẽ phải rút ra mà thôi.  Do đó kế hoạch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân sẽ có mục tiêu chính là nhắm vào các thành phố của Miền Nam, và vì vậy phải có kế hoạch phụ là kéo quân Mỹ ra các vùng biên giới để cho việc tấn công vào các thành phố được thực hiện dễ dàng hơn.  Chúng ta sẽ thấy tính toán của Lê Duẩn sai lầm như thế nào trong Tập 6.

Tập 6: Episode 6, “Things Fall Apart” (January 1968 – July 1968)
Tập 6 này chủ yếu trình bày diễn tiến và hậu quả, đối với cả 2 phe lâm chiến, của cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của phe Cộng Sản.

Ðối với những người Miền Nam đã sống dưới chính quyền VNCH nói chung và đã có chứng kiến vụ tấn công của VC trong thời gian Tết Mậu Thân nói riêng, Tập 6 này cho thấy hai nhà làm phim đã có nhiều cố gắng trình bày cuộc Tổng Tấn Công này một cách rất trung thực.

Thứ nhứt, họ đã nói rõ sự tính toán sai lầm của Lê Duẩn khi cho rằng QLVNCH sẽ tan rã và dân chúng Miền Nam sẽ nổi dậy lật đổ chính quyền VNCH.  Chuyện này không hề xảy ra. Bộ phim đã có những lời tường thuật như sau: “Hanoi’s leaders had assumed the ARVN would crumble, that South Vietnamese soldiers would come over to their side.  Instead, not a single unit defected.  The civilian populace Hanoi expected to rise upmay have been unhappy with their government, but they had little sympathy for communism, and when the fighting began, they had hidden in their homes to escape the fury in the streets.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau:“Các nhà lãnh đạo của Hà Nội đã tin rằng QLVNCH sẽ tan rã, rằng binh sĩ QLVNCH sẽ bỏ hàng ngũ chạy sang phía họ.  Sự thật là không có một đơn vị nào đào ngũ cả.  Còn dân chúng, mà Hà Nội mong là sẽ nổi dậy, có thể bất mãn đối với chính phủ của họ, nhưng họ không thích Cộng sản, và khi bắt đầu đánh nhau thì họ trốn trong nhà để tránh các vụ đánh nhau dữ dội ở ngoài đường phố”). Về tinh thần chiến đấu của QLVNCH, bộ phim cũng không tiếc lời ca ngợi như sau: “Most assaults were being quickly beaten back by the ARVN and American forces,” “Viet Cong units were taking heavy losses from U.S. troops and determined South Vietnamese forces.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Phần lớn các cuộc tấn công đã nhanh chóng bị QLVNCH và quân Mỹ đẩy lui,” “Quân đội Mỹ và các lực lượng cương quyết chiến đấu của QLVNCH đã gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị Việt Cộng”). Trong khi toàn thành phố Huế đã rơi vào tay quân địch, các chiến sĩ QLVNCH thuộc Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, dưới sự chỉ huy dũng cảm và cương quyết của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Ngô Quang Trưởng,đã tử thủ hơn hai tuần lễ trong thành Mang Cá cho đến khi bắt tay được với các đơn vị TQLC Mỹ từ phía Nam Sông Hương tiến lên giải vây.  Bộ phim ghi rõ như sau: “It would take two weeks for the Marines to fight their way across the river to support the ARVN, who had stubbornly kept the enemy from overwhelming their division headquarters in the Citadel.” (xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “TQLC [Mỹ] phải mất hai tuần đánh nhau mới vượt được sông đề tiếp ứng cho QLVNCH, những người đã cương quyết chống cự mãnh liệt không để cho địch tràn ngập bộ tư lệnh sư đoàn của họ trong Thành Nội”).

Bộ phim cũng nói rất rõ về sự tổn thất nặng nề của lực lượng cộng sản trong cuộc tấn công này như sau:“Everywhere the enemy was suffering terrible losses.”North Vietnamese General Vo Nguyen Giap, who had opposed the offensive from the beginning, later remembered that Tet had been a “costly lesson, paid for in blood and bone.””(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Khắp mọi nơi địch đều bị tổn thất kinh khủng.  Tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp, người đã chống đối ngay từ đầu, sau này đã nhớ lại và cho rằng vụ Tết đã là một “bài học đắt giá, phải trả bằng xương máu””).  Nhà văn Miền Bắc Huy Ðức, tác giả bộ sách 2 tập Bên Thắng Cuộc, khi được phỏng vấn cũng nói, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau:“Several high-ranking officers of the North Vietnamese Army surrendered.  That had never happened before.  No unit was left intact.  Some companies had only two or three men left.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau:“Nhiều sĩ quan cao cấp của Quân đội Bắc Việt đã đầu hàng.  Trước đây chưa bao giờ có chuyện đó.  Không có đơn vị nào không bị tổn thất.  Một số đại đội chỉ còn hai ba người sống sót”).Một cựu chiến binh của Miền Bắc, Le Van Cho, nói về sự tổn thất của đơn vị của anh, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “We seized the Quang Tri Citadel.  We held it for a day and a night.  600 from my unit went in.  More than 300 were killed.  Around 100 were captured.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau:“Chúng tôi chiếm được Cổ Thành Quảng Trị.  Chúng tôi giữ được một ngày và một đêm.  Khi tiến vào đơn vị tôi có 600 người.  Hơn 300 đã tử trận. Khoảng 100 bị bắt làm tù binh”). Một sĩ quan cao cấp của Bắc Việt, Ðại Tá Cao Xuan Dai, cũng cho biết, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “All of our battalion commanders were killed.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tất cả các tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đều tử trận”).  Bộ phim cũng cung cấp con số thống kê về thương vong của lực lượng cộng sản như sau: “Of the 84,000 enemy troops who are estimated to have taken part in the Tet Offensive, more than half--as many as 58,000 men and women most of them Viet Cong—are thought to have been killed or wounded or captured.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Trong số 84.000 quân địch được ước lượng đã tham dự cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân, người ta nghĩ là hơn phân nửa—khoảng 58.000 cả nam và nữ, phần lớn là Việt Cộng—đã tử trận, bị thương hay bị bắt”).Vậy mà, thật đáng buồn, Chính phủ Hoa Kỳ, và chính Tổng Thống Johnson, đã biến một thất bại về quân sự lớn lao như vậy của phe cộng sản thành một chiến thắng chính trị vô cùng quan trọng của họ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và tìm cách thương thuyết để rút quân về.

Về vụ tàn sát ở Huế, bộ phim cũng trình bày rất trung thực qua các cuộc phỏng vấn với các cựu chiến binh của Miền Bắc.  Nhà văn Nguyên Ngọc, một cựu Ðại Tá của Quân Ðội Nhân Dân của Bắc Việt, đã phát biểu, và được bộ phim chuyển dịch và ghi lại như sau: “I don’t know if the order came from a local commander or from a higher level.  They killed people who worked for the South Vietnamese government and for the American military.  But they also killed people who had been wrongly arrested.  It was a massacre.  It was a stain.  It was an atrocity of war.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi không rõ là lệnh từ một cấp chỉ huy tại địa phương hay từ một cấp cao hơn. Họ giết những người làm việc cho Chính phủ Miền Nam và quân đội Mỹ. Nhưng họ cũng đã giết những người bị bắt lầm. Ðó là một cuộc tàn sát. Ðó là một vết nhơ. Ðó là một sự tàn ác của chiến tranh”). Một cựu chiến binh khác, ông Ho Huu Lan, cũng phát biểu và được bộ phim chuyển dịch và ghi lại như sau: “In Hue, the suppression and purge of the Saigon administration was brutal.  We rarely speak of it.  I’m willing to talk about it, but many others are not.  I’m telling you the truth as I understand it.  So please be careful making your film because I could get in trouble.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tại Huế, việc tiêu diệt và thanh toán các phần tử của chính quyền Sài Gòn rất tàn bạo.  Chúng tôi ít khi nói về chuyện đó.Tôi muốn nói về chuyện đó, nhưng nhiều người khác thì không.  Tôi đang nói với ông sự thật theo như tôi hiểu.  Vì vậy xin ông làm ơn cẩn thận khi làm phim vì tôi có thể sẽ bi khó khăn”).

Một điều đáng tiếc trong Tập 6 này là hai nhà làm phim cũng đã không tránh được hành động thiên lệch khi trình bày vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém (bí danh Bảy Lốp).  Tập 6 chiếu đi chiếu lại 3, 4 lần tấm hình chụp cảnh Tướng Loan bắn tên Bảy Lốp đó, nhưng không hề nói gì đến những lời phát biểu sau đây của chính Eddie Adams là người phóng viên đã chụp tấm ảnh đó:
“The General killed the Viet Cong; I killed the general with my camera. Still photographs are the most powerful weapon in the world. People believe them; but photographs do lie, even without manipulation. They are only half-truths. What the photograph didn’t say was, “What would you do if you were the General at that time and place on that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two or three American soldiers?”[12](Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ỏng Tướng thì giết tên Việt Cộng; còn tôi thì giết ông tướng với máy chụp hình của tôi.  Các tấm ảnh trích ra từ phim là một thứ vũ khí mạnh nhứt trên thế giới.  Người ta tin chúng; nhưng các tấm ảnh cũng không nói được sự thật, ngay cả khi chúng không bị người ta dàn dựng.  Chúng chỉ là một nửa của sự thật thôi.  Cái điều mà tấm ảnh này không nói là: “Bạn sẽ hành động ra sao nếu bạn là Ông Tướng vào đúng thời gian và địa điểm trong cái ngày nóng bức đó, và bạn bắt được cái tên xấu đó ngay sau khi hắn vừa giết xong một, hai, hay ba binh sĩ Mỹ?”).

Tập 7: Episode 7, “The Veneer of Civilization” (June 1968-May 1969)
Tập 7 trình bày các diễn biến chính trị tại Hoa Kỳ chung quanh vụ bầu cử Tổng Thống của năm 1968 kết thúc với chiến thắng rất sít sao của ứng cử viên đảng Cộng Hòa Richard M. Nixon, và khởi đầu đầy khó khăn của Hòa Ðàm Paris.

Tập phim này cung cấp cho người xem 2 thông tin rất đáng chú ý, không phải vì là hoàn toàn mới mẻ, nhưng vì là lần đầu tiên được trình bày công khai. 

Thông tin thứ nhứt liên quan đến Nixon và Hòa Ðàm Paris.  Chúng ta đều đã biết việc ứng cử viên Nixon đã bí mật vận động để Tổng Thống Thiệu từ chối không gửi phái đoàn VNCH đi dự Hòa Ðàm Paris vào ngày 30-10-1968.[13]  Tổng Thống Johnson đã được cả 2 cơ quan FBI (Federal Bureau of Investigation = Cơ Quan Ðiều Tra Liên Bang) và CIA (Central Intelligence Agency = Cơ Quan Trung Ương Tình Báo) thông báo về việc này.  Johnson đã goi điện thoại cho Nixon để hỏi về việc này và Nixon chối biến không nhận có dính líu vào việc đó. Tập 7 đã cho người xem phim được nghe toàn bộ cuộc điện đàm này.

Thông tin thứ nhì liên quan đến các việc phần lớn con cái của các cán bộ và đảng viên cấp cao của Bắc Việt đã không có tham gia chiến đấu ở Miền Nam.  Bộ phim trình bày như sau: “The sons of some party officials and their friends were sent abroad to escape the draft.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Con cái của một số viên chức trong đảng và bạn bè của họ được đưa ra ngoại quốc để tránh bị động viên”).  Nhà văn Huy Ðức nói rõ ràng và cụ thể hơn, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “Some leaders sent their children to the front, but they were the minority.  Most leaders’ children, like Le Duan’s children,were sent to the Soviet Union to study.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Một vài vị lãnh đạo đã để cho con ra mặt trận, nhưng họ chỉ là thiểu số.  Con cái của phần lớn các vị lãnh đạo, như các con của Lê Duẩn, đều được gửi sang Liên Xô đi du học”).  Ðể minh họa cho các điểm này, Tập 7 cũng đã trình bày những đoạn phim quay các hình ảnh của một số sinh viên Việt Nam tại Liên Xô trong thời gian chiến tranh.

Tập 8: Episode 8, “The History of the World” (April 1969 – May 1970)
Tập 8 trình bày những diễn tiến quan trọng trong giai đoạn này: 1) Mỹ bắt đầu rút quân ra khỏi Việt Nam; 2) Việt-Nam-hóa chiến tranh; 3) Mỹ và Bắc Việt bắt đầu mật đàm tại Paris; 4) Vụ quân Mỹ tàn sát dân làng tại Mỹ Lai; 5) Các vụ biểu tình bạo động của sinh viên Mỹ tại các đại học đưa đến vụ 4 sinh viên bị bắn chết tại đại học Kent State ở tiểu bang Ohio; 6) Chủ TỊch HCM mất; và, 7) Quân Mỹ và QLVNCH hành quân sang Kampuchia.

Ðiều đáng ghi nhận là Tập 8 này cũng có những lời tương đối tốt đẹp về QLVNCH như sau:  “Many ARVN units did fight well.  They had borne the brunt of the fighting during the Tet Offensive, and, by the mid of 1969, 90,000 of them had been killed in combat.  Their bravery was often overlooked by Americans.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nhiều đơn vị của QLVNCH đã chiến đấu rất giỏi.  Họ đã đứng mũi chịu sào trong trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân, và, vào giữa năm 1969, 90.000 trong số họ đã tử trận.  Sự dũng cảm của họ thường bị người Mỹ bỏ qua, không quan tâm”).

Tập 9: Episode 9, “A Disrespectful Loyalty” (May 1970 – March 1973)
Có thể nói Tập 9 là một trong những tập quan trọng nhứt của bộ phim, trình bày những diễn biến chính trị và quân sự vô cùng quan trọng ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong khoảng thời gian gần hai năm này đưa đến việc ký kết Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973: 1) Trận Hạ Lào (Hành Quân Lam Sơn 719, tháng 2-3 năm 1971); 2) Trận Tổng Tấn Công 1972 (Easter Offensive); 3) Phong trào phản chiến trong giới cựu quân Nhân Mỹ với việc điều trần của John Kerry và việc cựu chiến binh Mỹ vứt bỏ huy chương trước Quốc Hội; 4) Nhượng bộ của Mỹ tại mật đàm ở Paris và việc Tổng Thống Thiệu không chịu ký vào thỏa hiệp đã ký kết giữa Kissinger và Lê Ðức Thọ ; 5) Vụ xuất bản tập hồ sơ The Pentagon Papers; và 6) Vụ dội bom Hà Nội dịp Giáng Sinh 1972 đưa đến việc ký kết Hiệp Ðịnh Paris.

Trận Hạ Lào là một cuộc hành quân lớn, cấp quân đoàn, của QLVNCH, với mục tiêu phá hủy một số căn cứ và kho tàng của quân CSBV trên đường mòn HCM với trọng điểm là thị trấn Tchepone ở Hạ Lào.[14, 15]  Cuộc hành quân đặt dưới quyển chỉ huy của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn 1, với sự tham gia của một số đơn vị của các lực lượng thiện chiến nhứt của QLVNCH: Sư Ðoàn Nhảy Dù, Sư Ðoàn TQLC, và Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.  Các đơn vị của QLVNCH, tuy cóđến được Tchepone và phá hủy nhiều kho tàng của CSBV, nhưng đã bị thiệt hại rất nặng.  Tập 9 ghi nhận như sau: “Although individual ARVN units fought bravely the invasion was a failure.”  “Almost half of the 17,000 South Vietnamese, who entered Laos, would be killed, wounded or captured.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Mặc dù các đơn vị của QLVNCH đã chiến đâu rất anh dũng, trận tấn công vượt biên giới này đã thất bại.” “Gần phân nửa của tổng số 17,000 quân Nam Việt Nam, đã tiến vào Lào, sẽ tử trận, bị thương hay bị bắt sống”).   Khi được phỏng vấn, chính Trung Tá Trần Ngọc Huế, Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 2/2, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, cũng đã phát biểu, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “My battalion finally was surrounded, I was wounded three times.  You know how much my battalion survive? About 50 soldiers and men.  And when we go there you know how much? About 600.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau cùng tiểu đoàn của tôi đã bị bao vây, tôi bị thương ba lần.  Ông có biết tiểu đoàn tôi còn bao nhiêu người sống sót không?Khoảng 50 người lính.Và lúc tụi tôi tiến vô ông có biết bao nhiêu không?Khoảng 600”).Cả 2 chính phủ VNCH và Hoa Kỳ đều tuyên bố cuộc hành quân là một chiến thắng để chứng minh là chủ trương Việt-Nam-hóa đã thành công, và Hoa Kỳ đã có thể yên tâm tiếp tục rút quân.  Tổng Thống Nixon đã lên Tivi tuyên bố với dân chúng Hoa Kỳ như sau: “Consequently, tonight, I can report that Vietnamization has succeeded.  Because of the increased strength of the South Vietnamese, because of the success of the Cambodian operation, because of the South Vietnamese operation in Laos, I am announcing an increase in the rate of American withdrawals.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Vì vậy, đêm nay, tôi có thể báo cáo là chương trình Việt-Nam-hóa chiến tranh đã thành công.  Vì sự lớn mạnh của Miền Nam, vì sự thành công của cuộc hành quân sang Cao Miên, vì cuộc hành quân sang Lào của Miền Nam, tôi xin thông báo sẽ tăng thêm mức độ triệt thoái của quân Mỹ”).

Trước khi xảy ra trận Tổng Tấn Công năm 1972, vào ngày 10-3-1972, Sư Ðoàn 101 Dù là đơn vị tác chiến cuối cùng của quân đội Mỹ đã được rút ra khỏi Việt Nam.  Vì vậy trong toàn bộ cuộc Tổng Tấn Công này, ở cả 3 mặt trận là Quảng Trị, Kontum, và An Lộc, các đơn vị của QLVNCH đã chiến đấu đơn độc; Hoa Kỳ chỉ yểm trợ phi pháo mà thôi.  Tập 9 nói rất đúng về tầm quan trọng của các cuộc không tập bằng B-52 tại chiến trường An Lộc, nhưng không đề cập gì nhiều đến sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của các đơn vị của QLVNCH tại khắp các mặt trận trong suốt thời gian của cuộc Tổng Tấn Công đó, đặc biệt là trong Chiến dịch Lam Sơn 72 tái chiếm Quảng Trị, là trận đánh đẫm máu nhứt trong suốt thời gian gần 20 năm của Chiến Tranh Việt Nam; chỉ riêng Sư Ðoàn TQLC đã có trên 3.500 binh sĩ tử trận, và hàng ngàn bị thương.[16]

Về Hòa Ðàm Paris, Tập 9 đã trình bày rất trung thực việc Kissinger đã phản bội đồng minh VNCH trong mật đàm với Lê Ðức Thọ trong ghi nhận sau đây: “At the secret talks in Paris, Kissinger had offered his North Vietnamese counterpart, Le Duc Tho, the most significant concessions that United States had yet made: North Vietnam could keep its troops in the South—ten of thousands of them.  And in exchange for the release of American prisoners of war, all American troops will be withdrawn within seven months… Thieu knew nothing about the new American concessions to Hanoi.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tại hội đàm mật ở Paris, Kissinger đã tặng cho người đối đầu của Bắc Việt, Lê Ðức Thọ, những nhượng bộ quan trọng nhứt mà Hoa Kỳ chưa bao giờ làm: Bắc Việt có thể giữ quân lại ở Miền Nam—hàng chục ngàn quân.  Và để đổi lại cho việc trao trả tù binh Mỹ, tất cả lực lượng của Mỹ sẽ rút hết trong vòng bảy tháng…  Ông Thiệu không được báo cho biết gì hết về những nhương bộ mới này của Mỹ đối với Hà Nội”).

Về tập tài liệu The Pentagon Papers, Nixon đã cố gắng ngăn chận việc xuất bản nhưng không thành. Sau đó ông ra lệnh cho Bộ Tư Pháp truy tố Daniel Ellsberg là người đã đã tiết lộ tài liệu.  Lúc đầu, Nixon có vẻ yên tâm vì nói chung bộ tài liệu cho thấy các chính quyền của Ðảng Dân Chủ (Kennedy và Johnson) bị liên can nhiều. Nhưng sau đó, chính Kissinger nhắc nhở ông là nếu ông không ngăn chận mọi việc thì rồi đây có thể những bí mật của chính ông (như vụ vận động cho ông Thiệu không chịu cử phái đoàn đi họp Hòa Ðàm Paris trước vụ bầu cử tổng thống năm 1968; hay vụ ông bí mật mở rộng chiến tranh sang Kampuchia) cũng sẽ bị phanh phui.  Do đó ông đã cho thành lập một nhóm nhân viên hoạt động bí mật (mà báo chí Mỹ đã ban cho nickname The Plumbers) tìm mọi cách bất hợp pháp xâm nhập một số cơ quan nghiên cứu mà Ellsberg đã từng làm việc (như Rand Corporation) hay ông nghĩ có thể có giữ những tài liệu có hại cho ông (như Brookings Institute).  Tập 9 có ghi lại các cuộc điện đàm của Nixon với cộng sự viên thân tín của ông là Bob Haldeman (tên đầy đủ là Harry Robbins “Bob” Haldeman) lúc đó là Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống (White House Chief of Staff) như sau: “Well, I mean, I want it implemented on a thievery basis.  Goddamn it, get in and get those files.  Blow the safe and get it.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nè, tôi nói thật, tôi muốn cho làm cái vụ đó, làm như đi ăn trộm vậy đó.  Chết tiệt !Bảo tụi nó vô đi, và chớp mấy cái hồ sơ đó cho tôi. Cho nổ cái tủ sắt và lấy hồ sơ đi”) (băng ghi âm ngày 17-6-1971)“Did they get the Brookings Institute raided last night?Có tiếng Bob Haldeman trả lởi “No”  “Get it done. I want it done.  I want the Brookings Institute safe cleaned out.  Bob, get on the Brookings thing right away.  I’ve got to get that safe cracked over there.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tối hôm qua tụi nó có đánh Brookings Instittute không?” Có tiếng Bob trả lời: “Không có.”“Làm đi, tôi muốn tụi nó làm đi.Tôi muốn vét sạch hồ sơ trong tủ sắt của Brookings Institute.  Bob à, cho tụi nó làm cái vụ Brookings ngay đi.  Tôi phải phá cho được cái tủ sắt ở đằng đó”).(băng ghi âm ngày 1-7-1971).  Chính cái nhóm The Plumbersnày cũng sẽxâm nhập trụ sở của Ðảng Dân Chủ đưa đến vụ Watergate làm cho Nixon phải bị thân bại danh liệt.

Tập 10: Episode 10, “The Weight of Memory (March 1973 – Onward)
Tập cuối cùng này của bộ phim trình bày những diễn tiến chính trị tại Hoa Kỳ, chủ yếu xoay quanh vụ Watergate, đưa đến việc từ chức của Tổng Thống Richard Nixon và sự bất lực đối với Quốc Hội của người kế vị là Tổng Thống Gerald Ford, và tình hình quân sự hoàn toàn bất lợi tại Miền Nam đưa đến sự sụp đổ và đầu hàng của VNCH.  Tập 10 cũng nói đến những biến cố xảy ra sau ngày 30-4-1975: học tập cải tạo, thuyền nhân, bình-thường-hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Vụ Watergate tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn tại Hoa Kỳ và đưa đến 2 sự kiện chính trị chưa từng có trong lịch sử của Hoa Kỳ.Thứ nhứt là chính Tổng Thống Nixon, để tránh bị Quốc Hôi Truất phế, đã phải từ chức. Thứ hai là khi Phó Tổng Thống Ford lên kế vị thì ông trở thành một vị tổng thống không hề được dân bầu ra.  Sự việc là như sau: năm 1972, liên danh Cộng Hòa Richard M. Nixon – Spiro T.  Agnewđược dân Mỹ bầu ra với một đa số rất lớn; ngày 10-10-1973, Agnew phải từ chức Phó Tổng Thống vì bị điều tra trong một vụ tham nhủng lúc ông còn làm Thống Ðốc của tiểu bang Maryland, và Ông Ford, lúc đó chỉ là 1 Dân Biểu của tiểu bang Michigan, đã được ông Nixon chọn làm Phó Tổng Thống để thay cho ông Agnew.  Vị thế của ông Ford như là một tổng thống rất là yếu, và vì vậy ông rất bị lép vế trước Quốc Hội, tất cả các đề nghị viện trợ quân sự cho VNCH của ông đều bị bác bỏ.  QLVNCH lâm vào hoàn cảnh vô cùng bất lợi vì xăng dầu, đạn dược đều bị hạn chế đến mức gần như không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. 

Tập 10 ghi nhận như sau:“Fuel ran low. So did ammunition.  Before long, artillerymen in the Central Highlands could fire just four shells a day, and infantrymen were limited to 85 bullets a month.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Xăng dầu không còn nhiều. Ðạn dược cũng vậy.  Chẳng bao lâu, các pháo thủ trên vùng Cao Nguyên chỉ được bắn bốn viên đạn đại bác một ngày, và các người lính bộ binh đã bị giới hạn còn có 85 viên đạn mổi tháng”).  Chính Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn I, khi được phỏng vấn, cũng xác nhận, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “With one grenadeand 85 bullets a month, how could you fight? After you’ve shot all 85 bullets, you can’t fight anymore.  Defeat was inevitable.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Với một quả lưu đạn và 85 viên đạn một tháng, làm sao mà đánh giặc.  Sau khi anh bắn hết 85 viên đạn đó, anh còn có thể đánh đấm cái gì nữa.Thua là cái chắc”).Trong khi đó, CSBV vẫn tiếp tục nhận được viện trợ quân sự đầy đủ từ Liên Xô và Trung Quốc. Bắc Việt ngang nhiên và công khai xây dựng một xa lộ trong lãnh thổ của VNCH và các đoàn xe tải của quân đội Bắc Việt di chuyển trên xa lộ này công khai vào ban ngày.  Họ còn xây lắp cả một đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam.

Tập 10 trình bày rất rõ ràng các sự kiện này với hình ảnh và ghi nhận như sau: ”Hanoi built a new highway within South Vietnam itself, down which convoys of 200 to 300 vehicles soon began streaming: trucks, tanks, and heavy guns moving in broad daylight.  And they began laying down a giant oil pipeline to fuel their vehicles in the South.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Hà Nội đã xây dựng một xa lộ mới ngay bên trong lãnh thổ của VNCH, chẳng bao lâu sau đó hàng đoàn xe từ 200 đến 300 chiếc bắt đầu đổ xuống: xe tải, chiến xa, đại pháo di chuyển công khai vào ban ngày ban mặt.  Và họ cũng bắt đầu đặt một đường ống dẫn dầu để tiếp tế xăng dầu cho xe cộ của họ ở Miền Nam”). 

Tập 10 cũng nhắc lại sự cam kết của Tổng Thống Nixon khi thuyết phục (hay là ép buộc thì đúng hơn) Tổng Thống Thiệu ký Hiệp Ðịnh Paris: “Nixon has privately promised President Thieu that he would retaliate with American airpower if Saigon ever seemed seriously threatened.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nixon đã hứa riêng với Tổng Thống Thiệu là ông ta sẽ sử dụng Không lực Hoa Kỳ để trả đủa bất cứ lúc nào nếu Sài Gòn bị đe dọa nặng nề”).  Hoa Kỳ, sau khi Tổng Thống Nixon từ chức và Tổng Thống Ford lên thay, đã hoàn toàn bỏ qua, làm ngơ, không thực hiện lời cam kết này.  Sau khi Phước Long trước và Ban Mê Thuột sau đó đã bị họ tiến chiếm, mà Hoa Kỳ hoàn toàn không can thiệp gì cả, CSBV biết rõ thời cơ của họ đã đến và họ đã dốc toàn lực (chỉ giữ lại có một sư đoàn để bảo về Miền Bắc) tấn công Miền Nam, với kết quả sau cùng là việc đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh vào ngày 30-4-1975. 

Một niềm an ủi cho nhân dân Miền Nam là QLVNCH đã bảo vệ được danh dự trong trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc, chỉ với 1 đơn vị là Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, dưới quyền Tư Lệnh của Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo,đã chận đứng được mấy sư đoàn của quân Bắc Việt.  Tập 10 trình bày như sau: “Just 40 miles east of Saigon, North Vietnamese forces attacked the town of Xuan Loc on Highway One, the last obstacle on their way to Saigon.  Although they were outnumbered and outgunned, the South Vietnamese commander refused to retreat.  He was determined to keep the enemy from his capital.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Cách Sài Gòn chỉ có 40 dặm về phía đông, các lực lượng Bắc Việt đã tấn công thị trấn Xuân Lộc trên Quốc Lộ 1, điểm ngăn chận cuối cùng trên đường tiến về Sài Gòn của họ.  Mặc dù đối đầu với lực lượng địch đông hơn với súng đạn nhiều hơn, tướng chỉ huy QLVNCH đã không chịu rút lui.Ông cương quyết ngăn chận không cho quân địch tiến về thủ đô”).

Hai nhà làm phim đã cho trình chiếu lại cuộc phỏng vấn Tướng Ðảo trước trận Xuân Lộc:“Reporter: You’re certain that you can hold Xuan Loc?”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Phóng viên hỏi: Ông tin chắc có thể giữ được Xuân Lộc?). Tướng Ðảo đã trả lời một cách cương quyết: “Surely, surely.  I am certain to you.  I am sure with you I can hold Xuan Loc.  Even the enemy uses, you know, the double forces, or maybe three times more than my forces.  But no problem, sir.  No problem.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Chắc chắn, chắc chắn.  Tôi tin chắc với ông. Tôi tin chắc với ông tôi có thể giữ được Xuân Lộc. Cho dù địch có thể sử dụng lực lượng gấp đôi, ông biết không, hay ngay cả gấp ba so với lực lượng của tôi. Cũng không có vấn đề gì cả, thưa ông. Không có vấn đề gì cả”).

Sau khi chiến thắng và chiếm trọn Miền Nam, hoàn thành việc thống nhứt đất nước như họ mong muốn, ÐCSVN đã phạm sai lầm lớn khi áp dụng một đường lối hẹp hòi, thiếu khoan dung, và bất nhân đối với người dân của ‘bên thua cuộc,” kể cả đối với những người đã chết.  Tập 10 nói rất rõ: “A million and a half people are believed to have undergone some form of indoctrination. ARVN cemeteries were bulldozed or padlocked, as if the memory of an independent South Vietnam, and those who had died for that cause, could both be obliterated.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Người ta tin rằng có khoảng 1 triệu rưởi người đã phải trải qua một hình thức nhồi sọ nào đó.  Các nghĩa trang của QLVNCH đã bị san bằng hay đóng cửa không cho vào, làm như ký ức về một Miền Nam Việt Nam độc lập, và những người đã hy sinh cho cái chính nghĩa đó, có thể bị xóa sạch được”).  Bà Dương Vân Mai Elliott của Miền Nam đã phát biểu:“The communists, in their effort toerase vestiges of the former regime, have not allowed the South Vietnamese, who lost their sons in the war, to mourn, to have their graves, and to honor their memory.  It caused a division that lasts to this day, that the winners would not accommodate the losers in some way.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Những người cộng sản, trong cố gắng xóa bỏ những di tích của chế độ cũ, đã không cho phép dân chúng Miền Nam, đã có con tử trận, được để tang, được xây mộ cho họ, được tưởng niệm họ.  Ðiều này đã tạo ra một sự chia rẽ kéo dài cho đến ngày hôm nay, cho thấy người chiến thắng đã ngược đãi kẻ thua trận không thương tiếc”).Nhà văn Nguyên Ngọc của Miền Bắc cũng đã nói, và bộ phim đã chuyển dịch và ghi lại như sau: “We’ve become one country, but I would say that: the Vietnamese people have never been more divided than they are now.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Chúng tôi đã trở thành một nước, nhưng tôi xin nói với ông điều này: người Việt Nam chưa bao giở chia rẽ như hiện nay”).

Phần còn lại của Tập 10 này trình bày hành trình bình-thường-hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến những đóng góp của các cựu chiến binh Mỹ trong việc hàn gắn giữa hai nước.  Tập 10 cũng dành một phần khá quan trọng trình bày về Tượng Ðài Kỷ Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) tại Washington, D.C., và phần này, theo nhận định của người viết bài này, có lẽ là phần cảm động nhứt của bộ phim.  Hai nhà làm phim chỉ trình bày tương đối vắn tắt về chuyện thuyền nhân và tỵ nạn của người Miền Nam.

Thay lời kết

Hai nhà đạo diễn đã chờ đến Tập cuối cùng của bộ phim để, qua lời phát biểu của một cựu quân nhân Mỹ, Ðại Tá Stuart A. Herrington, một sĩ quan tình báo, trình bày về tính chính trực (rectitude) của cuộc chiến:“Maybe it was all a big mistake, and, you know what, what was it all about?  We answered the call, me and probably 2 and half million other young Americans who went over there.  It was a cause worth the effort.  And sometimes, things just don’t turn out and the guys in the white hats don’t win.  But that doesn’t make it, uh, or doesn’t basically take away from the rectitude of the cause.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Có thể tất cả đã là một sai lầm lớn, và, ông biết không, nó là về chuyện gì chứ?  Chúng tôi đã đáp lời kêu gọi, tôi với có lẽ hai triệu rưởi người Mỹ trẻ khác đã đến đó. Ðó là một chuyện đáng làm. Và đôi khi, mọi việc không diễn ra như ý mình muốn và những người làm chuyện đúng đã không thắng. Nhưng chuyện đó đâu có khiến cho, ừ, hay đâu có lấy mất đi tính chính trực của chính nghĩa.”).

Hai nhà làm phim cũng đạt được thành công một phần nào trong chủ trương giúp đồng bào của họ mở rộng được tầm nhìn và tiến đến hiểu nhau và thông cảm nhau hơn. Trong Tập 10, bà Nancy Biberman, một người đã từng hoạt động phản chiến, đã vô cùng xúc động khi phát biểu như sau: “When I look back at the war, you know, think of the horrible things, you know, we said to, you know, vets who were returning, you know, calling them “baby killers” and worse, I, you know, I feel very sad about that.  I can only say that, you know, we were kids, too, you know, just like they were.  It grieves me, it grieves me today, it pains me to think of the things that I said and that we said.  And I’m sorry, I’m sorry.”(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Khi tôi nhìn lại cuộc chiến, ông biết không, nghĩ về những điều kinh khủng, ông biết không, mà chúng tôi đã nói, ông biết không, với những cựu chiến binh khi họ trở về, ông biết không, gọi họ là ”bọn giết con nít” và nhiều điều tệ hại hơn nữa, tôi, ông biết không, tôi cảm thấy rất đau buồn về chuyện đó.  Tôi chỉ có thể nói rằng, ông biết không, lúc đó chúng tôi cũng còn là trẻ con, ông biết không, cũng giống như họ vậy đó. Chuyện đó làm tôi đau buồn, nó làm tôi đau buồn ngày hôm nay, tôi đau đớn khi nghĩ đến những điều mà tôi đã nói, mà chúng tôi đã nói. Và tôi ân hận, tôi ân hận.”

Cảm nghĩ của người viết bài này sau khi xem xong bộ phim, nhứt là đoạn phim trong Tập 10 về việc thông cảm, bỏ qua hận thù ngày xưa và làm hòa với nhau giữa các cựu chiến binh Hoa Kỳ và VC, là một sự chua xót khi thấy là, đã hơn 40 năm kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, người Việt Nam trong nước và ở hải ngoại, dù chung một dòng máu, vẫn chưa được mở rộng tầm nhìn để có thể hiểu nhau và thông cảm nhau.  Sự chia rẽ và hận thù vẫn còn nguyên đó. Cho đến bao giờ mới chấm dứt đây?

-----------------------
Ghi Chú: 

1. Phạm Cao Dương.  Trước khi bảo lụt tràn tới: Bảo Ðại – Trần Trọng Kim và Ðế Quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945.  San Bernardino, Calif.: Truyền Thống Việt, 2017.  Chương 3, Hoạt động và thành tích: cứu đói, một việc làm tối khẩn cấp, tr. 181-204.

2. Ðoàn Thêm. Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964); tựa của Lãng Nhân.  Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu, [1979?]. 

3. Lý Tòng Bá.  Hồi ký 25 năm khói lửa của một tướng lãnh cầm quân tại mặt trận. San Jose, Calif: Tác giả xuất bản, 1995.  Tr. 65.

4. Lý Tòng Bá, sđd, các tr. 65, 68, 71, 79, và 80.

5. Ðỗ Mậu.  Việt Nam máu lửa quê hương tôi: hồi-ký chính-trị, bổ-túc hồ-sơ về sự sụp-đổ của Việt-Nam Cộng-Hoa.  Mission Hills, Calif.: Quê Hương, 1986.  Tr. 1251-1258.

6. Lê Xuân Khoa.  Việt Nam 1945-1995: chiến tranh, tị nạn và bài học lịch sử.  Tập 1: Tị nạn 1954 và bài học bốn cuộc chiến (1945-1979).  Bethesda, Md.: Tiên Rồng, 2004.  Tr. 434-444.

7. Trần Ngọc Toàn.  “Tiểu Ðoàn 4 TQLC với trận Bình Giả (30-12-1964),”trong Tuyển tập 2: Hai mươimốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975).  Santa Ana, Calif: Tổng Hội TQLC/VN Tại Hoa Kỳ, 2005.  Tr. 75.

8. Lâm Vĩnh Thế.  Tìm hiểu thêm về việc Thủy Quân Lục ChiếnHoa Kỳ đổ bộ vào Ðà Nẵng ngày 8-3-1965, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Intrnet sau đây:https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/tim-hieu-them-ve-viec-thuy-quan-luc-chien-hoa-ky-do-bo-vao-dha-nang-ngay-8-3-1965

9. Lâm Vĩnh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn.  Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010.

10. Ðoàn Thêm. 1966: việc từng ngày.  Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu, 1989.  Tr. 241-248.

11. Ðoàn Thêm. 1967: việc từng ngày.  Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu, 1989.  Tr. 309-313.

12. The Story behind the famous “Saigon execution” photo, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://cherrieswriter.wordpress.com/2015/08/03/the-story-behind-the-famous-saigon-execution-photo/

13. Lâm Vĩnh Thế.  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Hòa Ðàm Paris, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/tong-thong-nguyen-van-thieu-va-hoa-dham-paris

14. Nguyễn Kỳ Phong.  Ðường về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719. Garden Grove, Calif.: Tự Lực, 2013.  Xin đọc Chương 9: Nhận định về LS719, tr. [185]-195.

15. Nguyễn Duy Hinh. Lam Son 719Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1979. (Indochina monographs).

16. Ngô Văn Ðịnh.  “Tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị ngày 15-9-72,” trong Tuyển tập 2: Hai mươi mốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975).  Santa Ana, Calif: Tổng Hội TQLC/VN Tại Hoa Kỳ, 2005.  Tr. 402.








No comments: