Tuesday, November 28, 2017

NGUYỄN VĂN HÓA BỊ 7 NĂM TÙ GIAM LÀ NỖI NHỤC CỦA NHÀ CẦM QUYỀN (tin tổng hợp)



Vào sáng ngày 27/11/2017, TNLT Nguyễn Văn Hoá bị toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại địa phương với cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ luật hình sự.

Trong phiên toà sơ thẩm hôm nay, không có người thân của em tham dự, cũng không có luật sư bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho em Nguyễn Văn Hoá. Những người tham dự mặc áo dân sự đều là công an, an ninh mật vụ và cán bộ toà án.

Sau hơn 1 năm không gặp nhau, nhìn Hoá trông gầy ốm và mắt sâu hơn. Dù không một tờ báo nào của nhà Sản mô tả lại ý chí của em nhưng nhìn thẳng trực diện có thể thấy tinh thần em vẫn kiên vững và ý chí vẫn dứt khoát. Mặc dù, đã nhiều lần, Sơn nhắn nhủ với người nhà, hãy bảo Hoá đồng ý để luật sư bào chữa trong phiên xử nhưng sau những lần gặp gỡ thì Hoá vẫn một mực từ chối thuê luật sư. Em ấy khẳng định rằng, mình đủ trí khôn để đối chọi với phiên toà bất công và muốn tố cáo về một phiên toà mang tính hình thức bởi có thuê luật sư thì kết quả đã được ấn định bởi tờ giấy trước khi đưa ra xét xử.

Tại sao Nguyễn Văn Hoá bị mức án nặng nề như vậy?
Không chỉ riêng Nguyễn Văn Hoá bị kết án 7 năm tù giam mà kể từ năm 2017 trở lại đây, tất cả các TNLT đều bị nhà cầm quyền xử một mức án quá nặng nề vì dám nói lên sự thật, dám đấu tranh cho Công Lý như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, Trần Thị Thuý Nga 9 năm tù, Phan Kim Khánh 6 năm tù, Nguyễn Văn Oai 5 năm tù,… Vậy tại sao những người này lại bị những mức án nặng nề như vậy.

Dường như, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã rút ra được những bài học, những kinh nghiệm từ 2 vụ án 17 Thanh Niên Công Giáo hồi năm 2011. Đa phần những người bị mức án từ 3-4 năm tù (được gọi là án mắc màn) thì sau khi ra tù, những anh em này lại càng thêm mạnh mẽ và dấn thân đấu tranh cho công lý, được nhiều người ủng hộ cũng như dư luận đặc biệt quan tâm. Thì nay, nhà cầm quyền csvn đã một lần mang tiếng “bất nhân, bất nghĩa và bất tín” thì họ muốn kết án thật nặng những nguời yêu nước để dập tắt tinh thần ý chí của các TNLT. Mặt khác, nhà cầm quyền csvn cũng rất gian manh khi bắt những người yêu nước ở các tỉnh khác nhau và chia thành nhiều vụ án riêng biêt. Họ không muốn trong một phiên xử sẽ quy tụ đông đảo người nhà các TNLT, điều này sẽ khiến nhà cầm quyền lo sợ không kiểm soát được đoàn người tham dự phiên toà.

Nhà cầm quyền CSVN đang muốn trả thù Nguyễn Văn Hoá?
Nguyễn Văn Hoá đã làm gì mà khiến em ấy bị kết án nặng nề như vậy? Em ấy chỉ là người dùng flycam để quay lại cuộc biểu tình ngày 02/10/2016 rồi đưa lên mạng internet cũng như phỏng vấn một số người dân và tìm hiểu thông tin thực trạng xã hội đang diễn ra và cho người dân có một kênh truyền tải tiếng nói của họ lên cộng đồng internet mà thôi. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã cáo buộc em ấy kích động người dân, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia biểu tình gây mất trật tự an ninh quốc gia.

Sau sự kiện thảm hoạ môi trường vào tháng 4/2016 khi Formosa xả thải ra biển làm cá chết ở 4 tỉnh Miền Trung. Thiệt hại nặng nề thì ai cũng đã biết và sự xảo trá của nhà cầm quyền trong việc đền bù cho người dân cũng đã được báo chí bóc mẽ. Tuy nhiên, tại sao nhà cầm quyền lại chọn bắt Nguyễn Văn Hoá mà không phải một ai khác?

Sự cố thảm hoạ môi trường 2016 là một cái ung nhọt của chế độ, đây được xem là “giọt nước tràn ly” mà thôi. Nhà cầm quyền lo ngại điều này sẽ khơi mào một cuộc nỗi dậy như “Xô Viết Nghệ Tĩnh” năm xưa. Họ muốn tìm đủ mọi cách để bưng bít cái ung nhọt này cũng như trấn an người dân cả nước. Có thể nói, Nguyễn Văn Hoá không may bị trở thành người “Hứng Mũi Chịu Sào”. Trong giai đoạn này, nhà cầm quyền bắt Nguyễn Văn Hoá vì có 3 mục đích: (1) Tìm một người đỗ lỗi cho việc kích động, xúi dục người dân nỗi dậy. (2) Muốn triệt để bưng bít thông tin thảm hoạ môi trường, tình hình điểm nóng. (3) Dằn mặt những người khác, muốn người dân nhìn Hoà mà biết “noi gương” không sẽ chung kết cục.

Thực tế mà nói, chính các Cha, các Linh mục như: Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp, Lm Pet Trần Đình Lai, Lm JB Nguyễn Đình Thục, Anton Đặng Hữu Nam, Anton Nguyễn Thanh Tịnh,… mới chính là những người lãnh tụ tinh thần của người dân và đủ sức kêu gọi người dân biểu tình, tuần hành phản đối môi trường và kêu đòi quyền lợi cho ngư dân. Vậy tại sao nhà cầm quyền không chọn bắt các Linh mục mà lại bắt Nguyễn Văn Hoá?

Liệu rằng nhà cầm quyền có dám bắt các Linh mục ở giáo phận Vinh như đã từng bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý ở giáo phận Huế không? Tôi dám chắc chắn, nhà cầm quyền không dám ngang nhiên bắt các Linh mục ở Vinh vì họ không dại gì để động đến hàng Giáo Phẩm ở Vinh đâu. Nhà cầm quyền cũng cân nhắc thiệt hơn trong chuyện này. Nếu nhà cầm quyền dám động đến các Linh mục thì ít nhất có khoảng 500.000 “Cao Đình Thuyên” sẽ dám chống trả “tử vì đạo” nên họ đành chọn Nguyễn Văn Hoá để giáng hoạ và trả thù.

Tại sao nhà cầm quyền ngang nhiên bắt và kết án nặng nề người yêu nước?
Ông cha ta bảo “Đoàn Kết là Sức Mạnh” nhưng phong trào đấu tranh dân chủ kể từ đầu năm 2017 dường như bị “chết yểu”. Chính vì thế mà sức mạnh của người yêu nước không đủ sức áp lực buộc nhà cầm quyền phải “cân nhắc, dè chừng” khi bắt và kết án những TNLT.
Nhìn vào thể chế Hồng Kông, tại sao Hoàng Chí Phong (thủ lãnh phong trào Dù Vàng) đã được trả tự do sau khi những người ủng hộ anh đã biểu tình gây áp lực buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ.

Khi nhìn về Việt Nam, trong năm 2017, hơn 20 người đã bị nhà cầm quyền csvn bắt với các điều luật 88, 79, 258, 245, 257… Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để gây áp lực đối với nhà cầm quyền? Phải chăng chỉ là những bản lên tiếng, hay những bản thông cáo mà thôi. Liệu rằng, những việc làm của chúng ta đã đủ gây áp lực đối với nhà cầm quyền hiện nay?

Tôi hy vọng tất cả chúng ta, những người yêu nước hãy bỏ qua tất cả sự khác biệt của nhau để cùng bắt tay và cùng một mục đích thay đổi xã hội Việt Nam, đấu tranh nhằm thay đổi thể chế chính trị độc tài cộng sản và đấu tranh vì người dân.

CHU MẠNH SƠN




-----------------------------------

28/11/2017

Phóng viên Không biên giới RSF ngày 27/11 loan báo kế hoạch tiếp tục chiến dịch kêu gọi chấm dứt đàn áp nhân quyền tại Việt Nam sau khi một blogger kiêm ký giả công dân 22 tuổi bị tuyên án nặng nề tại Hà Tĩnh.

Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa (BBG photo)

“Chúng tôi hết sức quan ngại trước tình trạng Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng,” bà Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, nói với VOA Việt ngữ cùng ngày.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở chính tại Pháp nêu rõ bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho anh Nguyễn Văn Hóa trong phiên xử kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 27/11 đã đưa nhà hoạt động trẻ này vào danh sách dài gồm các blogger bị đàn áp tại Việt Nam.

Báo điện tử Hà Tĩnh của nhà nước Việt Nam nói anh Hóa đã sử dụng Facebook để gieo rắc tuyên truyền phản động chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước thông qua các bài viết, video, và hình ảnh có nội dung tiêu cực.

Nguyên nhân chính khiến nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị bắt đầu năm nay là do anh tường thuật về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung và làm kiệt quệ đời sống của hàng ngàn ngư dân Việt, theo RSF.

Blogger này đã dùng kỹ thuật camera trên thiết bị bay điều khiển từ xa để ghi hình các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng phản đối Formosa rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội.
“Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án hoàn toàn bất xứng này,” ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF cho biết trong thông cáo báo chí cùng ngày.

“Ngay cả gia đình anh Hóa cũng không được thông báo về phiên xử. Động thái triệt để đó càng cho thấy Việt Nam nhất mực không dung chấp bất kỳ một tự do tường trình nào cả. Các đối tác thương mại của Việt Nam nên rút ra kết luận tương ứng,” ông Bastard nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền Việt Nam và đề cập vấn đề này với các đối tác làm ăn với Việt Nam như EU và Mỹ,” Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, bà Ewen, cho VOA Việt ngữ biết.

Việt Nam lâu nay nhất mực khẳng định không có gì là bất hợp pháp khi tống giam các nhân vật bị Hà Nội xem là ‘phạm nhân’, là ‘vi phạm luật pháp’, những người mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động cổ súy cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa.

Giám đốc Vận động và Truyền thông của Phóng viên Không biên giới, nói: “Có những quy chuẩn quốc tế rằng dân chúng được quyền loan truyền tin tức và bày tỏ ý kiến một cách tự do, theo điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chính quyền Việt Nam nên nhớ rằng trong nhiều năm qua, họ xếp gần chót bảng trong Chỉ số Tự do Báo chí của RSF. Nếu họ muốn cải thiện điểm số này, họ nên đối xử với blogger bằng sự tôn trọng, cho phép blogger truyền tải tin tức, vốn là điều rất hữu ích cho dân chúng Việt Nam.”

Cũng lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa, tháng 6 năm nay, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) đã bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù về cùng tội danh, ‘tuyên truyền chống nhà nước.’

Luật sư của Mẹ Nấm, ông Võ An Đôn, vừa bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên chỉ 4 hôm trước phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 30/11 tới đây. Hành động đó, theo RSF, nhằm ngăn không cho luật sư Đôn truyền tải thông tin về vụ án.

Phóng viên Không biên giới cho biết trong khuôn khổ chiến dịch kêu gọi nhân quyền cho người dân Việt Nam (#StopTheCrackdownVN) do RSF và các tổ chức phi chính phủ khác tiến hành nhằm phản đối các vi phạm về tự do báo chí, một phái đoàn vận động hôm 22 và 23/11 đã gặp các thành viên Nghị viện Châu Âu tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về số phận của các blogger tại Việt Nam và khả năng Nghị viện Châu Âu có thể ra nghị quyết khẩn về tình trạng Việt Nam.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện, Việt Nam xếp gần chót, ở vị trí 175 trên 180 quốc gia được khảo sát.


*
27/11/2017

Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh sáng 27/11 đã tuyên phạt nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo hãng tin Reuters.

Từ tỉnh Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người vốn từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động ở trong nước, nhận định với VOA tiếng Việt:

“Mức án như vậy là quá nặng. Hóa là một thanh niên trẻ tuổi và đã có những bài viết nói lên sự thật mà bị xử phạt 7 năm tù là quá nặng. Ngoài ra, việc không có luật sư tham gia bào chữa là hoàn toàn bất lợi cho anh ấy.”

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay được với đại diện Tòa án Nhân dân Hà Tĩnh để xác nhận thông tin về việc anh Hóa không có luật sư bào chữa.

Hãng tin AP nói rằng anh Hóa, 22 tuổi, đã thực hiện các video trực tuyến và trả lời phỏng vấn quốc tế liên quan đến thảm họa môi trường Formosa xảy ra tại các tỉnh miền trung Việt Nam.

Vào tháng Tư năm nay, Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa đã "nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động" về vụ Formosa.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Truyền thanh Truyền hình Mỹ (BBG) xác nhận rằng anh Hóa làm cộng tác viên Ban Việt Ngữ của Đài Á châu Tự do từ mùa hè năm 2016, đến tháng 1 năm 2017 thì bị chính quyền Hà Tĩnh bắt theo điều 258, “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Truyền thông Việt Nam trích bản cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Hà Tĩnh nói rằng từ năm 2013 đến năm 2017, anh Hóa “đã chủ mưu lập ra các tài khoản trên mạng xã hội đăng tải các thông tin nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, kích động, nói xấu chính quyền, nói xấu Đảng rồi truyền bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội.”

Theo cáo trạng, “từ các tài khoản trên mạng xã hội do mình lập ra, [anh] Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết về các vấn đề về tai nạn, biểu tình, tụ tập đông người, những vấn đề “nóng” trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cho các tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức phản động.”

Báo Công an Nhân dân hôm 27/11 nói rằng nhà hoạt động trẻ đã “bịa đặt tuyên truyền những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước."

VIDEO :










No comments: