Wednesday, November 22, 2017

BẢN TIN NGÀY 22/11/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo VnExpress đưa tin: Việt Nam kêu gọi bảo đảm tự do Biển Đông tại Diễn đàn hợp tác Á – Âu. Tại Diễn đàn hợp tác Á – Âu, hôm qua, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, nhấn mạnh: “Việt Nam và các nước ASEAN đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, bảo đảm các tuyến giao thương trong và ngoài khu vực không bị cản trở, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao“.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dự họp ASEM hôm qua. Ảnh: Baoquocte.

Báo Người Việt có bài của TS Nguyễn Tiến Hưng: Việt Nam trong chiến lược Hoa Kỳ. Tác giả viết, “ngày nào mà Trung Quốc (TQ) là đối thủ nguy hiểm của Mỹ ở Biển Đông thì ngày ấy Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng nhất đối với Mỹ tại nơi đây. Ngược lại, khi TQ hết là thù địch thì vai trò chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ cũng chấm dứt“.


Đặc khu kinh tế
Trang Zing có bài: Đánh thức thương cảng đầu tiên Vân Đồn. Ông Nguyễn Duy Hưng, cựu Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, cho rằng, để đặc khu kinh tế Vân Đồn thực sự bứt phá, quan trọng nhất là thay đổi chính sách, trao cho Vân Đồn cơ chế đặc thù tự do, tạo sự khác biệt và cạnh tranh với các địa phương khác. Ông Hưng nói: “Vân Đồn không thể phát triển nếu cơ chế giống hoặc na ná như các địa phương khác. Cơ chế bó buộc, nặng về thủ tục có thể kìm hãm sự phát triển”.

Mời xem clip của Zing: “Vân Đồn có gì trước ngày thành đặc khu kinh tế?”.

Trang TuanVietNam có bài: Đặc khu kinh tế: Chọn sai vị trí, dễ thất bại. Bài viết nêu quan điểm của tác giả Huỳnh Thế Du, giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, trường Fulbright, cho rằng: Vì đặc điểm của đặc khu là “hệ thống tổ chức chính quyền có tính tự chủ cao và có những ưu đãi“, nên rất dễ thoát khỏi ảnh hưởng của … trên. Theo tác giả, một trong những mục tiêu quan trọng của Đặc khu kinh tế là “lồng ấp” thể chế, hay “phòng thí nghiệm” cho chính sách vì bộ máy hiện tại quá cồng kềnh và rất khó cải cách.
Tác giả cho rằng, vị trí giao thương với bên ngoài thuận lợi là tối quan trọng để xây dựng đặc khu. Tuy nhiên, việc chọn Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn có vẻ chưa đáp ứng tiêu chí này. Với Vân Đồn thì “bất lợi ở đây là rất khó để thu hút nhân tài hay lực lượng lao động có kỹ năng“. Với Phú Quốc thì “bất lợi hơn, vì để thu hút người có khả năng ra đây làm việc và sinh sống không hề đơn giản“. Với Bắc Vân Phong thì “tôi chưa thấy tiềm năng ở nơi đây. Mặc dù có cảng nước sâu nhưng không biết sẽ hướng ra thế giới, bên ngoài như thế nào và lao động có kỹ năng ở đâu sẽ đó“.


Nhân quyền ở Việt Nam
BBC có bài: Việt Nam: Đảng đang ‘mềm dẻo hơn’ với đạo?LM Đặng Hữu Nam từ giáo xứ Phú Yên, Nghệ An cho biết, “việc chính quyền địa phương chủ trương kết nạp Đảng cho giáo dân vẫn diễn ra từ xưa đến nay“, và rằng “có những giáo dân trở thành Đảng viên, làm các việc ghi chép và báo cáo lại các hoạt động của giáo xứ và được chính quyền trả lương…

Dẫn nguồn từ một nhà báo ẩn danh ở Hà Nội, cho biết: “Đảng vẫn coi tôn giáo là công cụ của giai cấp tư sản, để bảo vệ chế độ tư sản, nên người theo tôn giáo, nhất là công giáo, cơ đốc vẫn là đối tượng đáng chú ý của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt ở Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay về sách lược, Đảng đã thay đổi rất nhiều, ‘mềm dẻo hơn’ trong cái nhìn đối với đạo“.

Nhà báo này cho rằng, việc kết nạp một bộ phận người theo đạo vào Đảng nhằm mục đích: “Thứ nhất, Đảng muốn chứng tỏ cho xã hội thấy không phân biệt đối xử với người theo đạo. Thứ hai, để tuyên truyền đường lối của đảng tới tín đồ tôn giáo…“.

Tiếng Dân có bài của blogger Đinh Thảo: Phỏng vấn nhà báo Đoan Trang sau khi bị công an câu lưu hôm 16-11-2017. Bà Đoan Trang cho rằng, cộng đồng quốc tế cần quan tâm đến những vấn đề lớn hơn, như cải cách thể chế, pháp luật, đấu tranh để giải quyết những vấn đề tận gốc, như giúp xóa bỏ điều 258, thay vì thả người theo điều 258, rồi sau đó bắt tiếp… Mời nghe audio clip phỏng vấn: https://baotiengdan.com/2017/11/21/phong-van-nha-bao-doan-trang-sau-khi-bi-cong-an-cau-luu-hom-16-11-2017/

Báo PLTP có bài: Nóng: 3 nguyên nhân có thể làm 4 trẻ tử vong. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, thì “có 3 nguyên nhân chính” có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn gây tử vong đồng loạt cho 4 trẻ tại BV Sản Nhi Bắc Ninh. Một là “do nhiễm khuẩn từ tác nhân chăm sóc hàng ngày như hơi thở của người chăm sóc, dụng cụ, tay chân người chăm sóc, tiếp xúc…”Hai là “do quá tải BV“. Ba là tình trạng “quá tải sức lao động của cán bộ y tế BV“.

Báo Lao Động có bài: Bất ngờ với nguyên nhân khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh. Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho biết: “Bốn trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp. Các trẻ đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực. Các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 đến 5 ngày điều trị, tiến triển đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không có đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại Bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện. Các thành viên của hội đồng nhất trí với nội dung trên“.


Ông Huỳnh Đức Thơ bị kỷ luật cảnh cáo
Báo Chính phủ có bài: Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Bái báo cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thi hành “kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo” đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Lý do là ông Huỳnh Đức Thơ bị “kỷ luật về Đảng” ngày 4/10/2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Huỳnh Đức Thơ bị UBKT TƯ kết luận: “Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 -2020; với trách nhiệm đứng đầu UBND Thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị; chưa chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy nhân sự ở một số cơ quan chính quyền Thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định“. Thủ tướng Phúc đợi ông Thơ tổ chức APEC êm đẹp rồi mới ra tay.


Chống tham nhũng ở Việt Nam
Báo Dân Việt có bài: Quan chức kê khai tài sản không đúng, xử lý cao nhất là cách chức. Đúng là thành tích vẻ vang của “kẻ đốt lò” Nguyễn Phú Trọng: sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra gần 60.000 tỷ đồng và 400ha đất, nhưng số tiền thu hồi chỉ hơn 4.600 tỷ đồng và 219ha đất. Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết nguyên nhân:

Thứ nhất pháp luật chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn thời gian qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng nhưng chỉ có thể áp kỷ luật với người kê khai như khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức mà không đụng vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ. Muốn xử lý, tịch thu được khối tài sản này phải thông qua một vụ án hình sự từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Trải qua quá trình như vậy sẽ khó thu hồi tài sản, thậm chí tài sản đã bị tẩu tán”.

Báo Dân Trí dẫn lời ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Tham nhũng như một dịch bệnh, cần bốc thuốc đúng liều, cho thuốc đặc hiệu mà lại cứ pha loãng ra thì không ăn thua. Nếu cứ làm tràn lan thì cuối cùng chính con cá to ta lại không bắt mà chỉ tóm được cá nhỏ“.

Tác giả Linh Quang có bài viết về một vụ tham nhũng lớn: “Sau gần 4 tháng giam giữ, công an vẫn chưa điều tra ra ai đã giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài và vẫn chưa thu hồi được tài sản tham nhũng“. Tác giả viết:

Kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt đem về nước cho đến nay, không có tin tức nào cho thấy một tài sản nào của Trịnh Xuân Thanh đã bị thu hồi, kể cả biệt thự 3 tầng trị giá 30 tỷ đồng ở khu đô thị nhà giàu Ciputra, Tây Hồ- Hà Nội, nơi Trịnh Xuân Thanh ở trước khi bỏ trốn ra nước ngoài, và căn biệt thự trị giá vài triệu USD ngự ở đỉnh Tam Đảo“.


Vụ bê bối ở Sơn La
Báo Dân Trí có bài: Phó Chủ tịch Sơn La giải thích 17 cán bộ bị khởi tố vì… thương dân(?) Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, việc 17 cán bộ tỉnh này bị khởi tố liên quan đến việc tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La… “không liên quan đến chuyện tiền nong, ‘tư túi’ mà chỉ vì… thương dân, làm lợi cho dân mà chưa chuẩn về thủ tục“. Bó tay với loại quan chức xứ này!

Cũng xin nói thêm, mấy ông dưới Sở này có ăn gan hùm cũng không dám đút túi riêng hết cho họ, mà phải nộp “phế” lên quan tỉnh nữa. Đương nhiên, các quan ở tỉnh muốn không bị quan Trung ương sờ đến thì liệu đường mà chung chi.

Báo NLĐ đặt câu hỏi, mời bà Xuân trả lời: NÓI THẲNG: Thương dân vậy mà sao bị bắt? Tác giả viết: “Một vụ án ‘rút ruột’ ngân sách nhà nước ở một công trình trọng điểm quốc gia, gây thất thoát tiền tỉ của nhà nước, sao lãnh đạo địa phương dám nói như đùa với dân, với cơ quan chức năng như vậy? Chẳng lẽ người dân tin rằng 17 bị can trong vụ án này ‘bị oan’ vì làm việc quá mẫn cán, vì dân, vì nước?




Phá sản Ngân hàng – Vỡ quỹ tín dụng
Quốc hội Việt Nam hôm 20/11 đã thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, cho phép phá sản các Ngân hàng “yếu kém”, Facebooker Hoàng Dũng viết: “Những người gởi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng này, từ vài triệu đến vài trăm tỷ sẽ được nhận mức bảo hiểm tiền gửi tối đa lên tới 75 triệu đồng nhưng không biết khi nào nhận được. Bạn có người thân, đặc biệt là các cụ già ở quê tích cóp gom góp cả đời, xin nói cho họ biết tin này để chuyển đổi các tài khoản tiết kiệm từ 1 số ngân hàng yếu kém sang ngân hàng lớn“.

Tác giả liệt kê một loạt Ngân hàng yếu kém để độc giả lưu ý, như: Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương; GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu; CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng; PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex; DongABank – Ngân hàng Đông Á; Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín… Ngoài ra, còn một số Ngân hàng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như: VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…

Nhà báo Bạch Hoàn viết: Quyền lợi của dân và sự sống còn của một chính thể. Theo tác giả: “Một số phân tích từ những người có trách nhiệm cho rằng, khoản tiền 75 triệu đồng mà người gửi tiền nhận được là khoản tiền mà bảo hiểm phải chi trả. Điều này chưa được cụ thể hoá trong Luật mới thông qua. Vậy nên, theo tôi, để người dân yên tâm, khi xây dựng các nghị định, thông tư dưới luật, phải có quy định rất cụ thể về vấn đề này“.

BBC có bài: VN: Quy định phá sản ngân hàng ‘đã có từ lâu’. Tiến sĩ Phạm Phú Quốc, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Thông tin Quốc hội mới đồng ý cho phá sản ngân hàng yếu kém mà nhiều báo Việt Nam đưa là chưa chính xác. Việc quy định phá sản ngân hàng thật ra đã có từ lâu,… Theo tôi, quy định phá sản ngân hàng là nhằm tránh tâm lý ỷ lại từ các ngân hàng. Nếu không chấp nhận phá sản ngân hàng, nhà nước luôn phải ra tay cứu giúp mỗi khi họ có nguy cơ vỡ nợ. Điều này làm cho các ngân hàng có xu hướng mạo hiểm hơn trong các hoạt động kinh doanh để hưởng lợi nhuận cao vì không sợ đổ vỡ“.

Liên quan đến việc những khoản tiết kiệm hàng tỷ đồng của người dân sẽ đi đâu khi ngân hàng phá sản, trong khi khoản bồi thường theo quy định chỉ ở mức 75 triệu đồng, ông Quốc cho biết: “Một khi ngân hàng phá sản thì tài sản của ngân hàng sẽ được bán để thanh toán cho các chủ nợ, nếu còn dư mới trả lại cho cổ đông. Vì vậy, chủ nợ nào gởi tiền nhiều hơn 75 triệu đồng thì số tiền chưa được bảo hiểm thanh toán vẫn được tiếp tục thanh toán từ tiền bán tài sản”.

Liên quan đến vụ Giám đốc quỹ tín dụng ở Đồng Nai ôm 50 tỉ ‘mất tích, Facebooker Vành Khuyên có clip, cho thấy người dân đến vây trụ sở quỹ và cho biết, ông Vũ Công Liêm, giám đốc quỹ tín dụng này đã cùng con trai Vũ Vương Khánh Trường cùng 1 số thành viên khác đã “làm giả giấy tờ, chữ ký, con dấu của nhân dân vay khống chiếm đoạt trên 52 tỷ đồng. Hiện nay GĐ Vũ Công Liêm và vợ đã trốn khỏi Việt Nam“.


Facebooker Hoàng Dũng viết“Quỹ Tín Dụng nhân dân là một dạng của ngân hàng – đơn vị kinh doanh tiền, cũng là một dạng của chơi hụi (họ), có giấy phép của Nhà nước cấp. Một nhóm người góp tiền vào để đại diện đem cho vay lấy lời. Người được ưu tiên vay là các thành viên trong quỹ, sau đó mới là người ngoài. Lãi suất thường cao hơn ngân hàng nhưng thủ tục thì nhanh hơn. Quỹ được Ngân hàng Nhà nước giám sát nhưng không thấy nói chịu trách nhiệm khi xảy chuyện – Theo thông tư 04/VBHN-NHNN quy định về Quỹ Tín dụng Nhân dân“.

TS Chu Mộng Long viết: “Tui thấy hàng xóm của tui có thằng cha suốt ngày rượu chè, cờ bạc, gái gú dẫn đến nợ nần chồng chất. Hậu quả, đáo hạn nợ, các chủ nợ đến xiếc nhà, xiếc tài sản, xiếc luôn cả ban thờ tổ tông. Rốt cuộc, những đứa con phải có trách nhiệm è cổ ra làm việc và gom góp tiền vàng, trả nợ cho thằng cha đó. Chúng ta có học tập được không?


Việt Nam trong Hồ sơ Paradise
Báo VN Finance có bài: Ông Don Lam và ông Dominic cùng xuất hiện trong Hồ sơ Paradise. Bài báo viết: Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố một loạt cái tên liên quan đến Việt Nam trong Hồ sơ Paradise, bao gồm 22 cá nhân và 13 tổ chức. Trong danh sách 22 cá nhân thì có 2 người được giới đầu tư Việt Nam quen mặt là “ông Don Lam (Lam – Don Di), người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital và ông Dominic Scriven (Scriven – Dominic Timothy Charles), Tổng Giám đốc Dragon Capital“.

Ông Don Lam (trái) và ông Dominic (phải) cùng xuất hiện trong Hồ sơ Paradise. Ảnh: VNF

Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật “lớn nhất trong lịch sử, thậm chí lớn hơn vụ tiết lộ của WikiLeaks năm 2010 vì phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới“.


Về ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11
Facebooker Chu Mộng Long có bài: Tuyên bố hậu 20/11. Tác giả viết: “Việc nhân ngày này, quan chức giáo dục cấp dưới lấy tiền quỹ cơ quan mua quà, bỏ phong bì biếu tặng quan chức giáo dục cấp trên, các phụ huynh học sinh cho đến sinh viên, học sinh các cấp đua nhau ‘đi thầy’ bằng đủ các loại hiện vật, phong bì phong bao, kể cả hoa quả là trái với cả 15 điều trong bản Hiến chương của Nhà giáo“.

Tác giả cho rằng: “Sự thực, hủ tục Ngày Nhà giáo đang làm cho nhân cách người Việt, đặc biệt là trẻ em, bị lệch lạc một cách nghiêm trọng! Điều mà xã hội đang cần là nhà nước có chính sách tôn trọng nhà giáo bằng chính giá trị của công việc và đồng lương chứ không phải đẩy mọi người vào tình thế đãi bôi trong dịp lễ. Nếu còn giữ gì đó ở ngày lễ này, đề nghị chỉ tổ chức nghi thức kỉ niệm chung theo đúng tinh thần bản Hiến chương và cùng nhau cam kết thực hiện đúng Hiến chương. Đó đã là tôn sư trọng đạo. Còn quà tặng chỉ là hủ tục thổ dân, cần phải loại trừ để vươn đến văn minh“.

Facebooker Phạm Lê Vương Các có bài: “Chữ thầy trả lại cho thầy”? Tác giả viết lại quan điểm của một số thầy cô giáo đã phát biểu, như câu, “xã hội này luôn luôn đa nguyên, không bao giờ là thuần nhất, vì vậy hãy tôn trọng sự khác biệt… Thằng nào nói hay muốn làm cho xã hội là thuần nhất, thì tôi cho đó là những thằng ngu… Tôi thà sống với mấy thằng ác chứ còn hơn sống với mấy thằng ngu… Khi tiếp cận thông tin, vấn đề không nằm ở chỗ thông tin chính thống hay phi chính thống mà vấn đề là nằm ở sự thật và khoa học. Vì vậy các em cũng không nên tự nhốt mình vào các nguồn tin chính thống. Hãy tiếp thu có chọn lọc từ các nguồn thông tin không chính thống…”

Lại là chủ nghĩa lý lịch
Báo PLTP có bài: Bị công an xã phê xấu lý lịch, dân tắc lối mưu sinh. Vụ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An khốn khổ với lời phê của trưởng công an xã vì họ cho rằng “gia đình chưa chấp hành tốt nghĩa vụ của địa phương”, đã làm ảnh hưởng đến “kết quả xin việc làm và xuất khẩu lao động của các con ông Hùng“.

Cụ thể, do công an xã phê vào lý lịch nội dung “nhưng chưa chấp hành tốt các quy định của địa phương” đã làm anh Nguyễn Văn Bắc, con trai ông Hùng, “bị công ty từ chối tiếp nhận làm việc”. Sau đó, anh Bắc làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động “cũng bị lời phê tương tự và bị từ chối hồ sơ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài“. Còn con trai thứ của ông Hùng là Nguyễn Đình Trung, cũng bị từ chối đi xuất khẩu lao động, cũng bởi lời phê tương tự như của người anh.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Phê xấu lý lịch vì nợ hơn 7 triệu của xã là đúng thực tế? Bài báo cho biết, lý do các con của ông Hùng bị UBND xã Hùng Tiến phê xấu vào trong lý lịch là vì gia đình ông “còn nợ hơn 7,4 triệu đồng, tức là chưa chấp hành quy định của địa phương“.

Lời phê xấu của ông Trần Xuân Quyết, Trưởng Công an xã Hùng Tiến. Ảnh: báo PLTP


Gây oan sai, chỉ bị kiểm điểm
Báo VnExpress có bài: 12 cán bộ gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén bị kiểm điểm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết, Ban thường vụ tỉnh này vừa thành lập tổ công tác “kiểm điểm các cán bộ đảng viên trong việc điều tra, truy tố, xét xử gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén“.

Mặc dù ông Nén đã đề nghị Cục điều tra Viện KSND Tối cao “khởi tố những người đã gây oan sai cho ông, trong đó có điều tra viên Cao Văn Hùng (người bị ông Nén tố cáo ép cung, bức cung). Tuy nhiên, đến nay không có cán bộ nào bị khởi tố“. Được biết, trong tháng 5/2017, sau nhiều lần thương lượng, ông Nén và gia đình được TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai hơn 10 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Nén là “người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang hai án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cáo buộc dùng dây thừng giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn hai năm sau, ông bị TAND Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là chung thân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ tiếp tục bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong ‘kỳ án vườn điều’ xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau cơ quan điều tra phải minh oan cho họ và bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết“.

Dựng tượng Hồ Chí Minh ở Nhật
Việt Nam thiết lập mối quan hệ hữu nghị với một thành phố “tí hon” Mimasaka ở Nhật: Một thành phố Nhật đặt tượng Hồ Chí Minh. BBC cho biết: “Chính phủ Việt Nam tặng tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thành phố Mimasaka nhằm thúc đẩy mối quan hệ hai nước. Mimasaka là thành phố nằm ở phía Bắc của tỉnh Okayama với dân số gần 30.000 người”.

Xuất khẩu Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng CS dựng tượng Hồ Chí Minh ở nước ngoài. BBC dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết, “đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở khoảng 20 nước”.

Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
Liên quan sắc lệnh cấm du hành: Tòa Bạch Ốc yêu cầu Tòa Tối cao cho thi hành lệnh cấm nhập cảnh. VOA cho biết, hồ sơ kháng cáo mà chính quyền Tổng thống Trump đệ lên Tòa án Tối cao, lập luận rằng, “lệnh cấm du hành mới nhất khác với các lệnh cấm trước cả về quy trình lẫn nội dung và sự khác biệt này cho thấy, lệnh cấm dựa trên các mục tiêu an ninh quốc gia và đối ngoại, không phải do động cơ tôn giáo”.

Về vấn đề di dân: California chặn sắc lệnh của Trump về các thành phố bảo vệ người nhập cư. VOA dẫn lời Thẩm phán William Orrick, viết trong phán quyết: “Các quận hạt đã chứng minh rằng Sắc Lệnh Hành pháp của Tổng thống đã làm họ bị tổn thương về mặt hiến pháp, vi phạm quy tắc tam quyền phân lập, và tước đi các quyền được ghi trong Tu chính án thứ 10 và thứ 5”.

Bất đồng bên trong Bộ Ngoại giao: Ngoại trưởng Mỹ bị cáo buộc vi phạm luật liên quan tới trẻ em cầm súng. VOA dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, một nhóm hơn mười viên chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức buộc tội Ngoại trưởng Rex Tillerson vi phạm luật liên bang về việc “ông quyết định đưa Iraq, Myanmar và Afghanistan ra khỏi danh sách những nước vi phạm luật cấm tuyển mộ trẻ em. Trong khi Bộ Ngoại giao công khai thừa nhận là những quốc gia vừa nêu tên có bắt trẻ em cầm súng”.

Thu nhập của giới ca sĩ: Diva nào thu nhập nhiều nhất năm qua? VOA dẫn nguồn sự bình chọn của tạp chí Forbes về người phụ nữ kiếm tiền nhiều nhất trong lĩnh vực âm nhạc: nữ ca sĩ Beyonce. “Trong thời gian một năm tính từ tháng 6/2016 đến tháng 6 năm nay, nữ ca sĩ này thu được 105 triệu đô la”.

Trung Quốc
VOA có bài: Luật sư nhân quyền TQ bị tuyên 2 năm tù. Tin cho biết, “Một tòa án tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đã kết án luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) hai năm tù giam với cáo buộc là kích động để lật đổ chính quyền”. Bà Kim Biến Linh, vợ của ông Giang, tuyên bố: “Người Trung Quốc có câu ‘Giết gà dọa khỉ’. Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng vụ án ông Giang để răn đe các luật sư nhân quyền khác, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả tương tự như ông Giang”. Trung Quốc: Một luật sư nhân quyền bị kết án 2 năm tù (RFI).

Liên quan tới tranh chấp biên giới: Tổng thống Ấn ‘chọc giận’ Trung Quốc. VOA cho biết, “Trung Quốc ngày 20/11 chỉ trích Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind vì ghé thăm bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc tuyên bố cũng có chủ quyền”.

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA có bài: Hàn Quốc lo Triều Tiên sẽ phóng tiếp phi đạn. Các nhà lập pháp nói với các phóng viên sau khi được cơ quan tình báo thuyết trình trong một phiên họp kín, cho biết: “Cơ quan đang theo dõi chặt chẽ sự kiện này vì có khả năng là Triều Tiên có thể bắn một loạt các phi đạn đạn đạo trong năm nay dưới danh nghĩa là phóng vệ tinh và phát triển hòa bình không gian, nhưng trên thực tế là tăng cường đe dọa nước Mỹ”.

BBC cho biết, Trump tuyên bố Bắc Hàn ‘tài trợ khủng bố’. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc họp nội các, nói rằng việc tái chỉ định Bắc Hàn là nhà nước tài trợ khủng bố, sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt rất lớn và sẽ được thông báo vào thứ Ba.

RFI có bài: Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un loại bỏ nhân vật số 2 trong quân đội? Dẫn nguồn từ AP, một dân biểu Nam Hàn, cho biết, “cả hai nhân vật đứng đầu Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Bắc Triều Tiên vừa bị kỷ luật là chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong So và phó chủ nhiệm Kim Won Hong”.

Tổng Cục Chính Trị Quân Đội là cơ quan giám sát sự trung thành của các sĩ quan quân đội và chủ nhiệm tổng cục Hwang Pyong So được coi là nhân vật quyền lực số 2 ở Bắc Hàn, chỉ đứng sau lãnh đạo Kim Jong Un.

BBC có bài viết về tình cảnh nữ quân nhân Bắc Hàn: ‘Bị hãm hiếp’ trong quân đội Bắc Hàn.


Các nước châu Á khác
BBC có bài: Nhóm người Uighur trốn khỏi nhà tù Thái Lan. Dẫn nguồn Reuters cho biết, “Khoảng 20 người Hồi giáo Uighur từ Trung Quốc đang chạy trốn sau khi trốn khỏi một nhà tù ở tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan”. Các nhà hoạt động nói rằng “người Uighur đã bị nhà chức trách trấn áp về kinh tế, văn hóa và tôn giáo trong nhiều thập kỷ qua, đó là chưa kể họ bị tịch thu hộ chiếu”.

RFI có bài: Miến Điện và Bangladesh bàn về hồi hương người Rohingya. Dẫn nguồn từ Reuters, hai ngoại trưởng Miến Điện và Bangladesh sẽ đàm phán trong hai ngày 22 và 23/11 bên lề cuộc họp diễn đàn Á-Âu, gọi tắt là ASEM, đang diễn ra tại thủ đô Naypyitaw. Cố vấn nhà nước Miến Điện, kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi, cho biết “bà hy vọng các cuộc đàm phán với Bangladesh trong tuần này sẽ thành công và đi đến việc ký kết một bản ghi nhớ về việc ‘hồi hương an toàn và tự nguyện’ người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh từ 3 tháng nay”.

RFI có bài phân tích tình hình chính trường Campuchia: Sau khi đảng đối lập bị giải thể, Cam Bốt sẽ ra sao? Bài báo kết luận qua lời của cô Monovithya Kem, con gái của lãnh tụ đối lập Kem Sokha, hiện đang bị giam giữ, nói: “Xét cho cùng, tác nhân có ảnh hưởng nhất trong tất cả những vụ việc này chính là người dân Campuchia. Tất cả phụ thuộc vào việc người dân chấp nhận nguyên trạng hoặc chống lại nó”.

Chính trường Zimbabwe
Khủng hoảng chính trị Zimbabwe sắp kết thức: Zimbabwe: Mugabe từ chức, kết thúc bốn thập kỷ nắm quyền. VOA dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: “Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ chức hôm thứ Ba 21/11, một tuần sau khi quân đội và các đồng minh chính trị của ông hành động chống lại ông, kết thúc chế độ cai trị kéo dài bốn thập kỷ của người từng được xem như một anh hùng độc lập trở thành một lãnh tụ đầy quyền lực tiêu biểu ở châu Phi”.

Tổng thống bị truất phế Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: Getty Images


Tình hình Trung Đông
VOA có bài: TT Putin gặp lãnh tụ Syria, điện đàm với TT Trump. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, “cuộc họp sẽ giúp đảm bảo tính khả thi của các thỏa thuận mà Nga có thể đạt được với các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Iran”. Được biết, “ông Putin sẽ tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một cuộc họp thượng đỉnh ngày thứ Tư 22/11 tại thành phố Sochi”.

RFI đưa tin: Afghanistan: Mỹ đổi chiến lược triệt nguồn thu của Taliban. Tướng John Nicholson, chỉ huy NATO ở Afghanistan đưa tin trong buổi họp báo ngày 20/11/2017: “Một ‘chiến lược mới’ chống nạn buôn bán ma túy (heroin) được áp dụng tại Afghanistan để tận diệt nguồn thu của quân Taliban”.

Tướng Nicholson cho biết về cuộc tấn công bằng B-52 đã được tiến hành vào hôm qua: “Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ nhắm vào các khu bào chế. Tổng cộng có 8 phòng chế biến thuốc phiện thành ma túy bị phá hủy tại tỉnh Helmand, nằm ở phía nam Afghanistan, nơi cung cấp đến một nửa lượng hoa anh túc của nước này”.

Các tin quốc tế khác
Về vụ chiếc tàu ngầm mất tích của quân đội Argentina: Tàu ngầm mất tích từng báo cáo trục trặc kỹ thuật. VOA dẫn nguồn từ một phát ngôn viên hải quân, ngày 20/11, cho biết, “Chiếc tàu ngầm của quân đội Argentina mất tích vào tuần trước ở Nam Đại Tây Dương từng báo cáo bị trục trặc kỹ thuật và biến mất dạng trên đường trở về căn cứ”.

Khủng hoảng chính trị tại Đức: Thủ tướng Merkel nói các đối thủ: ủng hộ tôi, bằng không thì bầu cử lại. Sau thất bại thành lập chính phủ liên minh, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong các cuộc phỏng vấn trên các đài truyền hình rằng, “bà sẵn sàng đối diện lại với cử tri để phá bế tắc chính trị, với sự tự tin rằng dân Đức sẽ không đổ lỗi cho bà đã thất bại trong việc đàm phán với các chính đảng để thành lập chính phủ liên minh”.

VOA có bài: Mỹ cáo buộc cựu quan chức Hồng Kông và Senegal về tội hối lộ. Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc ông Cheikh Gadio, từng là Ngoại trưởng Senegal và ông Chi Ping Patrick Ho, Cựu Bộ trưởng Nội vụ Hong Kong, “đã tham gia một kế hoạch kéo dài nhiều năm để hối lộ Tổng Thống Chad và Ngoại Trưởng Uganda hầu đổi lấy lợi thế kinh doanh nhiều tỉ đôla cho một công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và tài chính”.

BBC có bài viết về khái niệm “thám hiểm”: Hiểu lầm quanh vụ người Anh thăm bộ lạc Yaifo. Trích bài viết: “Chuyện dùng khái niệm ‘thám hiểm’ vào những năm này của Thế kỷ 21 để nói về một tỉnh của Papua New Guinea, nơi người dân sống trong làng xã, có địa phận hành chính bình thường, cũng thu hút sự chỉ trích về một thứ ‘hội chứng thực dân da trắng’.”


------------------------------------------

Bài Mới Nhất
22/11/2017
22/11/2017
22/11/2017
22/11/2017
22/11/2017
21/11/2017
21/11/2017
21/11/2017
21/11/2017
21/11/2017








No comments: