Friday, November 24, 2017

15 TỔ CHỨC QUỐC TẾ YÊU CẦU NHÀ CẦM QUYỀN VN TRẢ TỰ DO CHO NGUYỄN BẮC TRUYỂN (Thục Quyên)



Thục Quyên
24/11/2017

Một tuần lễ trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU, 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế đang sẵn sàng hành động nếu không được nhà cầm quyền Việt Nam phúc đáp thỏa đáng thư chung của họ gửi tới Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc ngày 8/11/2017 đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho luật gia Nguyễn Bắc Truyển, một nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ cách ly và độc đoán.

Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU là một sự kiện mới đây được đại sứ Liên minh châu Âu Bruno Angelet nhấn mạnh là có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần làm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ của hai bên trong thời gian tới, giúp triển khai việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.

Theo thông cáo báo chí của Liên minh châu Âu ngày 9/12/2016 tại Bruxelles, sau phiên họp Đối thoại Nhân quyền lần thứ sáu, cả hai bên coi nhân quyền là một thành tố quan trọng trong quan hệ song phương, như đã được ghi nhận trong PCA:

” Đối thoại đem đến cơ hội trao đổi nhiều thông tin mang tính xây dựng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đồng thời mở ra những thảo luận về kinh nghiệm tốt nhất và sự hỗ trợ của EU dành cho các nỗ lực cải cách. Các cuộc thảo luận tập trung vào cải cách pháp lý và  tư pháp tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do hội họp một cách ôn hoà và tự do lập hội, quyền lao động, thúc đẩy pháp quyền và tiến trình thực thi pháp quyền một cách phù hợp, chống tra tấn và ngược đãi, giam giữ tuỳ tiện, án tử hình, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam và tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, và sự tham gia trong khuôn khổ của Liên hiệp Quốc.

Liên minh châu Âu đề xuất sẽ tiếp tục sự hỗ trợ của mình, trong đó có  việc thực thi Công ước của LHQ về chống Tra tấn,  cũng như chia sẻ các thực tiễn tốt trong các quá trình rà soát pháp lý. EU cũng chia sẻ kinh nghiệm về cuộc chiến chống buôn bán người.

Chuyến thăm sắp tới của Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu trong năm 2017 là một cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác liên nghị viện về nhân quyền“.

Trong năm 2017 Đại sứ Bruno Angelet đã nhiều lần tuyên bố “Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam, và làm việc với chính quyền để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước”.


Thục Quyên
—————————

Ngày 8 tháng 11 năm 2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
01 Hoàng Hoa Thám
Quận Ba Đình
Hà Nội
CHXHCN Việt Nam

Thư Chung
V/v: Các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi trả tự do ông Nguyễn Bắc Truyển ngay lập tức và vô điều kiện

Thưa Thủ Tướng,

Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi về việc bắt giữ người bảo vệ nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển và việc giam giữ cách ly và độc đoán ông ấy từ cuối tháng 7 năm 2017, cũng như để yêu cầu trả tự do cho ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện.
Người ta nhìn thấy ông Nguyễn Bắc Truyển lần cuối vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, khi ông đang đợi vợ ở gần nơi làm việc tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, thành phố Hồ Chí Minh. Trong cùng ngày sau đó, trang mạng của Bộ Công An (BCA) cho biết ông đã bị bắt cùng với ba người bảo vệ nhân quyền khác và bị chính quyền cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam (BLHSVN). Họ còn bị cáo buộc có liên quan đến trường hợp luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và người trợ lý Lê Thu Hà là hai người đang bị giam giữ không xét xử từ tháng 12 năm 2015 đến nay.

Ông Nguyễn Bắc Truyển, sinh năm 1968, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ông là doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam tự nguyện áp dụng những tiêu chuẩn về an sinh xã hội và bình đẳng giới tính vào năm 2004 tại hai công ty của mình. Ông bị bắt lần đầu vào năm 2006 và sau đó bị kết án ba năm rưỡi tù giam cộng thêm hai năm quản chế tại gia vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHSVN. Chính quyền đã dựa vào những bài viết và hoạt động cho dân chủ để kết tội ông.

Sau khi được phóng thích vào năm 2010, ông Truyển đã tham gia Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam, một tổ chức chuyên giúp đỡ các tù nhân nghèo khó và gia đình của họ. Là một chuyên gia pháp lý, ông đã tư vấn pháp lý miễn phí cho gia đình của các tù nhân chính trị, nạn nhân của nạn cưỡng chiếm đất và những cộng đồng tôn giáo bị đàn áp tại miền Nam Việt Nam. Từ năm 2014 cho đến lần bị bắt gần đây nhất, ông là người điều phối chương trình giúp các thương phế binh của Văn Phòng Công Lý và Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 2011 tổ chức Human Rights Watch đã trao giải Hellman/Hammett cho ông Nguyễn Bắc Truyền để vinh danh những hoạt động nhân quyền của ông.

Năm 2013 ông Nguyễn Bắc Truyển kết hôn và sau đó về sống chung với vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng ở tỉnh Đồng Tháp để cùng nhau bênh vực cho nhân quyền của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp ở đó. Ngày 9 tháng 2 năm 2014, ông bị bắt, tạm giữ một ngày và trục xuất khỏi nhà. Vài ngày sau, vì không chịu nổi những đe dọa, bà Bùi Thị Kim Phượng cũng phải bỏ trốn ra khỏi nhà để lên sống cùng chồng tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó họ không thể nào trở về lại Đồng Tháp nữa.

Hoàn cảnh bắt giam ông Truyển hiện vẫn chưa rõ ràng. Gần ba tuần sau khi bị bắt, một thông báo của BCA đề ngày 14 tháng 8 năm 2017 và được gửi bưu điện đếnbốn ngày sau, mới cho gia đình biết rằng ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam B14 ở Hà Nội, cách thành phố Hồ Chí Minh 1600 km. Kể từ khi bị bắt, vợ và các luật sư của ông không được phép thăm viếng hoặc liên lạc với ông. Nhân viên trại B14 đã nhiều lần bác đơn xin thăm gặp của bà Phượng. Ngày 30 tháng 8 năm 2017, Cơ quan An Ninh Điều Tra của BCA cũng bác đơn xin gặp mặt của luật sư. Xét rằng ông Truyển không nhận được bất cứ sự bảo vệ nào theo luật tố tụng, chúng tôi xem việc bắt và giam giữ ông vào ngày 30 tháng 7 năm 2017 là độc đoán và đi ngược lại những nghĩa vụ của Việt Nam với luật quốc tế, như được qui định bởi Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) và các chuẩn mực được Tổ Công Tác về Giam Giữ Độc Đoán của Liên Hiệp Quốc thông qua.

Từ khi ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt, chúng tôi thường nhận được các báo cáo về việc công an liên tục sách nhiễu bạn bè và người thân của ông. Công an đã triệu tập nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để tra hỏi về mối quan hệ với ông Truyển. Công an cũng răn đe bạn bè ông không được giúp đỡ bà Bùi Thị Kim Phượng dưới mọi hình thức và không được giúp đỡ bà trong những chuyến đi ra Hà Nội để cung cấp thực phẩm và thuốc men cho ông. Dù cho phép gửi thực phẩm nhưng giám thị trại B14 đã không chịu cung cấp cho bà chữ ký nhận quà của chồng bà. Cho đến thời điểm viết thư này, các nhân viên quản giáo vẫn chưa cho phép ông Truyển gọi điện thoại cho vợ.

Việt Nam là quốc gia thành viên của ICCPR và Công Ước Chống Tra Tấn và Cách Đối Xử hoặc Trừng Phạt Dã Man, Vô Nhân Đạo hay Hạ Thấp Nhân Phẩm (CAT) nên có nghĩa vụ phải bảo đảm các quyền của tất cả những người bị tước mất tự do, bao gồm quyền sớm được gặp một thẩm phán và quyền được có tư vấn pháp lý, quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm, và quyền không bị tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo cũng như hạ thấp nhân phẩm (hay hành hạ). Những quyền này bị vi phạm khi ông Truyển vẫn tiếp tục bị giam giữ cách ly. Hơn thế nữa, bất cứ người bị giam giữ nào cũng phải có quyền tiến hành thủ tục tố tụng với một cơ quan tư pháp để thẩm định việc giam giữ có theo đúng quy định pháp luật không, thí dụ bằng cách yêu cầu tòa ra án lệnh trả tự do (habeas corpus) hoặc bằng các thủ tục tương tự khác.

Việc giam giữ cách ly ông Nguyễn Bắc Truyển đã kéo dài gần ba tháng. Nó cấu thành hành vi vi phạm quyền không bị tra tấn và hành hạ theo điều 7 của ICCPR và CAT, cũng như theo điều 10 của ICCPR về quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của người bị tước tự do. Dù điều 58 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam có quy định về việc tạm hoãn cho luật sư tham gia vào các trường hợp liên quan đến tội xâm phạm an ninh quốc gia cho đến khi cuộc điều tra được kết thúc, thì điều này cũng vi phạm quyền được có luật sư theo công pháp quốc tế và không thể được sử dụng để biện minh cho các hành vi tra tấn hoặc hành hạ khác. Việc cấm tra tấn hoặc hành hạ là tuyệt đối.

Ngoài những vi phạm nêu trên, chúng tôi còn lo ngại rằng việc giam giữ ông Truyển theo điều 79 BLHS tự nó đã vi phạm một số quyền được bảo đảm bởi ICCPR, bao gồm cả điều 9 về việc cấm tước đoạt tự do một cách độc đoán.

Chúng tôi cũng lo ngại rằng việc bắt giữ này có thể nhằm mục đích đối phó với việc ông Truyển – trong vai trò một người bảo vệ nhân quyền – thực hiện các quyền được luật quốc tế bảo vệ, bao gồm điều 18 ICCPR quy định về quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, và điều 19 ICCPR về quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi xin nhắc rằng theo Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền và Trách Nhiệm của Cá Nhân, Nhóm và Tổ Chức Xã Hội Hoạt Động Nhằm Thúc Đẩy và Bảo Vệ Nhân Quyền cùng các Tự Do Căn Bản được Công Nhận Phổ Quát“ (gọi tắt là Tuyên Ngôn về các Nhà Bảo Vệ Nhân Quyền) thì Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ và tạo điều kiện cho những hoạt động của các nhà bảo vệ nhân quyền, chứ không thể hạn chế chúng.

Ông Truyền là một người bảo vệ nhân quyền ôn hòa thực hiện quyền tự do ngôn luận để bênh vực quyền lợi của người khác, và đã bị bắt giữ chỉ vì niềm tin của mình và vì đã ôn hòa thực hiện những quyền được bảo vệ bởi các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ông Nguyễn Bắc Truyển ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như cho tất cả những người đang bị giam giữ một cách độc đoán và chấm dứt việc sách nhiễu gia đình, các đồng nghiệp và các nhà hoạt động thân hữu của ông.

Trân trọng kính chào,

Amnesty International

ASEAN Parliamentarians for Human Rights

Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-Asia)

Boat People SOS

Christian Solidarity Worldwide

Civil Rights Defenders

Front Line Defenders

Human Rights Watch

Human Rights Without Frontiers International

International Commission of Jurists

International Federation for Human Rights (FIDH), within the framework of the Observatory for the Protection of Human Rights Defenders

Stefanus Alliance International

VETO! Human Rights Defenders’ Network

Vietnam Committee on Human Rights

World Organization Against Torture (OMCT), within the framework of the Observatory for the Protection of Human Rights Defenders










No comments: