Ngô Nhân Dụng
November
21, 2017
Trong tương lai Mỹ và Trung Cộng sẽ xung đột, đối đầu
hơn, hay hòa hoãn, cộng tác hơn? Dự đoán này ảnh hưởng tới chính sách ngoại
giao của Việt Nam. Nếu trong vòng 10 năm đến 30 năm nữa, hai nước đó chỉ lo thỏa
hiệp, trao đổi kinh tế đúng quy luật thị trường, cùng chia đôi thiên hạ, thì nước
Việt Nam có thể đi dây, giao hảo với cả hai và mượn thế lực nước này để buộc nước
kia nhượng bộ. Nhưng nếu trong vòng một thế hệ nữa Mỹ và Trung Cộng sẽ xung đột
nhiều hơn, thì người Việt phải chọn đường khác. Câu hỏi là: Trong hai nước đó,
nước nào cần tránh vì sẽ làm thiệt hại mình hơn?
Trông bên ngoài thì hiện nay bang giao Mỹ-Trung có vẻ
tốt đẹp. Donald Trump hết lời ngợi khen uy quyền tột đỉnh của Tập Cận Bình, và
Tập làm đủ mọi cách ve vuốt chiều chuộng khi tiếp đón Trump.
Nhưng quyền lợi hai nước vẫn xung khắc, đối nghịch
nhau, trong ngắn hạn cũng như lâu dài.
Ngắn hạn, mối xung khắc căn bản giữa Trump và Tập là
số khiếm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Những cử tri nhiệt liệt nhất của ông
Trump, các công nhân ngành thép, mới làm kiến nghị giục ông tổng thống: Đánh
thuế trên thép nhập cảng từ Trung Quốc, như lời ông hứa khi tranh cử.
Theo tin của báo Wall Street Journal, một
tháng trước khi ông Trump qua Tàu, Bắc Kinh đã đề nghị hai ông Trump-Tập sẽ
đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh bằng nghi thức long trọng công bố quyết định
Trung Quốc mở rộng thị trường tài chánh cho Mỹ vô. Chính phủ Mỹ trả lời: Không
cần thiết. Trước khi Tập Cận Bình tiếp Trump ở Đại Sảnh Nhân Dân, quan chức Tàu
nhắc lại ý kiến đó, nhưng phía Mỹ vẫn không đồng ý.
Cuối cùng, sau khi ông Trump bay về rồi, Bắc Kinh
đơn phương công bố quyết định mở cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư Mỹ vô nước
Tàu. Nhưng Mỹ vẫn còn chê: Trễ quá, ít quá! (To little, too late!) Bởi vì họ biết
rằng Bắc Kinh trước sau đằng nào cũng cần mở cửa thị trường vốn để bắt buộc các
ngân hàng quốc doanh phải cải tổ. Nếu không thì kinh tế lục địa sẽ tiếp tục trì
trệ lâu dài. Nhưng họ chỉ mở cửa rất chậm chạp; cho nên không có lý nào Mỹ lại
giúp họ làm rùm beng lên như là nhượng bộ ghê gớm lắm!
Câu chuyện trên chỉ là một thí dụ về những mâu thuẫn
giữa hai nước. Sau khi kết án các nhà xuất cảng bên Tàu phá giá, bán dưới giá
thành, Mỹ đánh thuế 160% trên hàng nhôm Tàu bán, 194% trên ván ép. Chính phủ Mỹ
đang trù tính sẽ viện lý do an ninh quốc gia để tăng thuế nhập cảng nhôm từ nước
Tàu. Họ sẽ kết luận Trung Quốc chưa là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Với
nhãn hiệu đó, sẽ đánh thuế nặng, cao hơn quy định của WTO. Những món hàng đầu
tiên sẽ lãnh đạn là máy giặt, bàn điện mặt trời (solar panels) đang ào ạt chở
quan Mỹ. Lý do vì các doanh nghiệp nhà nước bên Tàu được chính quyền giúp đỡ,
nên cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp tư ở Mỹ.
Mặc dầu các ông Trump-Tập họp thượng đỉnh biểu diễn
vái lẫn nhau, tranh chấp kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn.
Ông Trump có thể lấy cớ đang bận lo chuyện cải tổ thuế khóa, hay chuyện Bắc
Hàn, vân vân, để khoan ra tay đánh thuế hàng Tàu; nhưng vấn đề vẫn nằm đó, trước
sau cũng đụng chạm.
Nhưng đụng chạm thương mại là chuyện nhỏ. Mỗi bên cứ
lấn một bước rồi lui một bước, thăm dò nhau; vì không bên nào muốn gây “chiến
tranh mậu dịch” có thể sập tiệm.
Mối xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc khó tránh bùng nổ,
vì những quyền lợi sâu xa hơn. Từ năm 1990, Mỹ là cường quốc đóng vai trùm thế
giới, nhưng từ năm 2012 thì Tập Cận Bình muốn nước Tàu phải đứng ngang hàng với
Mỹ, trên khắp mọi mặt.
Trong lịch sử, khi một quốc gia từ địa vị yếu vươn
lên, thấy mình mạnh không thua nước đang đóng vai bá chủ, thì thế nào cũng xung
đột, có thể chiến tranh. Khi nước Tần mạnh lên thì sẽ có ngày phải đánh Tề,
đánh Sở. Nửa đầu thế kỷ 20, khi nước Đức vươn lên ở Châu Âu mà nước Anh đanh
đóng vai ông trùm, chiến tranh đã xảy ra. Ở Hy Lạp thời cổ cũng vậy, Athens
đang đóng vai bá chủ thì Sparta bắt đầu hùng cường, thế là gây chiến.
Ông Tập Cận Bình đã nhắc tới bài học Hy Lạp, khi tới
thăm nước Mỹ, Tháng Chín năm 2015. Ông nói, ở Seattle, rằng: “Không có cái gọi
là Cái Bẫy của Thucydides trên thế giới bây giờ. Nhưng nếu các quốc gia lớn sai
lầm trong chiến lược, họ sẽ tự tạo ra cái bẫy sập mà rớt xuống.” Ông Tập nhắc tới
tên sử gia Hy Lạp Thucydides, người kể lại cuộc chiến tranh gọi là
“Peloponnesian” giữa Athens và Sparta, từ 431 đến 404 Trước Công Nguyên.
Từ đầu thế kỷ 20, nước Mỹ khám phá ra vai trò đặc biệt
của họ trên thế giới. Sau năm 1945, người Mỹ bắt đầu nghĩ họ có “trách nhiệm” đối
với cả loài người, mà không quốc gia nào so sánh được. Sau khi Liên Xô sụp đổ,
Mỹ đóng vai ông trùm luôn.
Trung Quốc có lịch sử “bình thiên hạ” trong hơn hai
ngàn năm. Họ cảm thấy nhục nhã khi mất vai trò đó vì bị thua các nước Tây
Phương. Đặng Tiểu Bình vẫn còn khuyên đàn em “thao quang dưỡng hối,” đừng có ngẩng
đầu lên cho thế giới đỡ sợ mình. Nhưng Tập Cận Bình đã ngẩng đầu, và hơn một tỷ
con người nhiệt liệt đồng ý. Chất “bá chủ” vẫn chảy mạnh trong giòng máu, trong
DNA của Hán tộc.
Nhiều người lạc quan nghĩ rằng sau khi dân Trung Hoa
tư bản hóa để thành giàu có, họ sẽ khao khát dân chủ tự do, chế độ Cộng Sản sẽ
tự “diễn tiến” dần dần và họ sẽ sống theo quy luật của một thế giới tôn trọng
các giá trị chung, như quyền làm người, tinh thần trọng pháp, tự do, dân chủ,
vân vân.
Ông Lý Quang Diệu đã cảnh tỉnh mà nhiều người không
nghe. Ông nhắc nhở rằng “Trung Quốc không muốn xin gia nhập câu lạc bộ các nước
Tây phương, dù được mời làm hội viên danh dự! Một trật tự Mỹ đặt ra để hiệu lệnh
các nước khác làm theo.”
Khi hai nước lớn cùng nghĩ mình có “thiên mệnh” đứng
đầu thế giới, họ không có cách nào tránh xung khắc quyền lợi. Do đó, sẽ chạy
đua, đối đầu, xung đột và nếu không khéo thì kéo nhau rơi vào cái Bẫy của
Thucydides. Ông Tập Cận Bình nói rằng cái bẫy đó khó xuất hiện, trừ khi các cường
quốc sai lầm. Trong quá khứ đã nhiều lần cái Bẫy của Thucydides có thật rồi.
Tương lai có tránh được hay không, chúng ta ước mong loài người khôn ngoan hơn,
sẽ tránh. Nhưng không nên đem cả gia tài của mình đánh cá vào niềm hy vọng đó.
Cái Bẫy sập của Thucydides, trong thế kỷ 21, có thể
nằm ngay bên cạnh nước ta, trong vùng Biển Đông Nam Á.
Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign
Affairs, Robert Manning và James Przystup nhận xét rằng trong khi Trung Quốc
có “quyền lợi cốt lõi” (hạch tâm quyền lợi) ở vùng biển Đông Nam Á, nước Mỹ thì
không nhất thiết như vậy. Và, hai ông nói, “Bắc Kinh biết điều đó!” Để kết
luận: Câu hỏi chiến lược của Mỹ bây giờ là: Chúng ta chấp nhận nước Trung Hoa
đóng vai trò nào trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương?
Lý luận trên đây nghe rất hay. Quả thật, “quyền lợi
cốt lõi” của nước Mỹ nằm ở Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh, quan trọng hơn vùng Đông
Nam Á, Châu Phi, hay vùng Trung Á. Nhưng “quyền lợi cốt lõi” của Mỹ ở bán đảo
Cao Ly còn nhỏ hơn ở vùng Đông Nam Á, là nơi một phần ba số hàng hóa chở đường
biển trên thế giới đi qua vùng biển đó! Từ năm 1950 đến giờ, có bao giờ thấy một
chính phủ Mỹ nào tuyên bố họ mặc kệ cho dân Cao Ly sống theo miền Bắc hay miền
Nam hay không?
Cho nên, Biển Đông nước ta sẽ là nơi diễn ra xung đột
mạnh nhất giữa Mỹ và Trung Cộng trong một vài thế hệ nữa.
Vì nước Mỹ sẽ phải đối đầu với Trung Cộng, không phải
chỉ trong vùng Đông Nam Á mà còn khắp thế giới, bắt đầu từ Á Châu,
Năm 2013, Tập Cận Bình bắt đầu công bố chương trình
“Nhất Đới Nhất Lộ” thì cũng là năm Trung Cộng bắt đầu xây dựng các hòn đảo nhân
tạo trong “Đường Lưỡi Bò.” Gần hai năm sau, đầu năm 2015, nhờ hình ảnh vệ tinh
chụp của các viện nghiên cứu chiến lược ở Mỹ, thế giới mới chú ý tới những hòn
đảo nhân tạo của Trung Cộng, lúc đó chúng đã bắt đầu được quân sự hóa.
“Nhất Đới Nhất Lộ” lập vòng đai trên lục địa nối các
nước Trung Á với nước Tàu, dẫn sang tới Trung Đông và Châu Âu. Trên biển, sẽ lập
con Đường Tơ Lụa Biển thế kỷ 21, từ Hàng Châu, Quảng Châu, qua Đông Nam Á, Nam
Á, sang tới Châu Phi và Châu Âu. Đây là một kế hoạch dài hàng thế kỷ, Tập Cận
Bình đang nỗ lực thực hiện. Hiển nhiên, Đường Tơ Lụa Biển không thể nhích một
bước, nếu không chinh phục được các nước Đông Nam Á. Vì vậy, các hòn đảo nhân tạo
của Trung Cộng trong Biển Đông trở thành quyền lợi cốt lõi của nước Tàu.
Nếu Mỹ muốn đối phó với kế hoạch thế kỷ 21 của Trung Cộng, họ sẽ không thể mặc
cho Tập Cận Bình thao túng, gậm nhấm rồi khuất phục các nước Đông Nam Á.
Khi thấy ông Donald Trump xé bỏ thỏa ước TPP, nhiều
người nghĩ rằng ông ta sẽ bỏ rơi Á Châu. Nhất là khi thấy ông bắt tay Tập Cận
Bình rất chặt. Nhưng giới lãnh đạo nước Mỹ sẽ không quên quyền lợi quốc gia họ.
Người đứng đầu bảo vệ quyền lợi ngoại thương trong
chính phủ Mỹ, ông Robert Lighthizer đã mở cuộc điều tra về chính sách mua bán của
Trung Cộng, bắt đầu với vấn đề vi phạm quyền sở hữu tri thức. Trong lúc Trung Cộng
tuyên bố mở hé cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư của Mỹ vào lục địa thì hai
viện Quốc Hội Mỹ đang đưa ra các dự luật hạn chế đầu tư ngoại quốc trong các
lãnh vực kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, và an ninh, quốc phòng. Ông Lighthizer
coi mục tiêu chính của Mỹ là giảm bớt khiếm hụt mậu dịch (từ 210 tỷ Mỹ kim năm
2010 lên 350 tỷ năm ngoái). Ông tin rằng nếu xảy ra chiến tranh thương mại thì
có tai hại cho Mỹ cũng không tai hại hơn cảnh cán cân thương mại khiếm hụt.
Lighthizer nói thẳng rằng chiến tranh thương mại sẽ hại cho nước Tàu nhiều gấp
bội cái hại cho nước Mỹ!
Nhìn vào thái độ và lập luận của ông Lighthizer,
chúng ta có thể thấy, ngay trong một vấn đề nhỏ như khiếm hụt mậu dịch, quyền lợi
hai cường quốc xung khắc tận gốc rễ. Nhìn vào lịch sử của hai quốc gia, chúng
ta còn thấy những xung đột tiềm tàng lâu dài hơn nữa.
Khi biết hai nước đó sẽ phải đối đầu, giành giựt, đấu
võ với nhau nhiều hơn là thỏa hiệp, cộng tác, nước Việt Nam sẽ phải chọn. Mỹ và
Trung Cộng nước nào có thể giúp Việt Nam hơn là làm hại Việt Nam? Câu trả lời
giản dị, ai cũng biết. Cho nên phải lựa chọn ngay bây giờ. Bởi vì cuộc chạy đua
giữa hai nước lớn sẽ diễn ra ở Biển Đông, ngay bên cạnh nước mình! (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment