Wednesday, December 21, 2016

TẠI SAO NGƯỜI MỸ CẦN VIỆT NAM & NGƯỜI VIỆT CẦN HỌ ? (Christopher Goscha - History News Network)




(Why Do the Americans Still Need Vietnam and the Vietnamese Need Them?)
Christopher Goscha  -  History News Network
Bình Yên Đông lược dịch
21/12/2016

Chuyến công du Việt Nam rất được nhiều người biết đến của Tổng thống (TT) Obama vào tháng 5/2016 nhắc cho chúng ta vai trò quan trọng mà quốc gia nhỏ bé này tiếp tục nắm giữ trong địa chính trị toàn cầu. Vì người Trung Hoa (người Hoa) trực tiếp thách thức ưu thế của hải quân Mỹ trên Thái Bình và Ấn Độ Dương, các chiến lược gia Việt và Mỹ đã càng ngày càng bỏ qua những khác biệt trong quá khứ để chú trọng vào việc làm thế nào đối phó với những luận điệu gây hấn ngày càng tăng của Trung Hoa đối với vùng biển, nhiều hòn đảo, và thủy đạo.

Nhiều quan sát viên, nhất là những người chống đối sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam vào giữa thế kỷ 20, có khuynh hướng xem nhẹ tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam. Mỹ không có quyền can dự vào Việt Nam ngay từ lúc đầu. “Thuyết domino” nổi tiếng biện minh cho sự can thiệp của Mỹ là sai lầm. Ngay từ đầu, đe dọa cộng sản đã được thổi phồng quá đáng. Nhưng người ta không cần phải tin vào “thuyết domino”, đứng về phía đó, hay chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam để nhận ra rằng Việt Nam vẫn là một trong những vùng đất thèm thuồng từ ngàn xưa của thế giới mà nhiều đế quốc muốn đặt chân đến.

Người Hoa Kỳ (người Mỹ) không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng can thiệp vào Việt Nam vì lý do địa chính trị. Vì sự nối kết đất liền với Đông Nam Á và hàng hải mở ra Thái Bình và Ấn Độ Dương, Việt Nam luôn luôn quyến rũ sự can thiệp của các thế lực lớn hơn. Đế quốc Trung Hoa cai trị bắc Việt Nam gần 1.000 năm bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa. Vào lúc đó, Việt Nam, như một tỉnh cực nam của đế quốc, là cửa thông thương thương mại của Trung Hoa với các thị trường Ấn Độ Dương, kéo dài đến Ấn Độ và Trung Đông. Thật vậy, nếu Con đường Tơ lụa kéo đế quốc Trung Hoa vào nội địa Âu Á (Eurasia) thì các thị trường Ấn Độ Dương kéo nó vào phía nam. Thương mại của người Hoa với đế quốc lớn khác của thế giới vào lúc đó, La Mã, đi qua Con đường Tơ lụa và Ấn Độ Dương. Không phải tự nhiên mà ngày nay những đồng tiền La Mã được tìm thấy ở miền nam Việt Nam.

Đường thương mại của Trung Hoa ngày xưa

Người Việt Nam (người Việt) giành lại độc lập vào năm 939, nhưng một lần nữa, lại rơi vào tay người Hoa trong một thời gian ngắn vào đầu thế kỷ 15 khi triều đại nhà Minh (1368-1644) tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa như là một phần của sự bành trướng đế quốc rộng lớn hơn, đưa các hạm đội Trung Hoa xuyên Ấn Độ Dương đến tận đông Phi Châu và Hồng Hải. Người Mông Cổ cũng đã cố gắng đi ngang Việt Nam trong thế kỷ 13 để kiểm soát Quần đảo Gia vị (Spice Islands) mà nay là Indonesia. Người Việt đẩy lui họ trên đất liền trong khi người Nhật Bản (người Nhật) và Java đẩy lui họ trên biển. Và dù người Việt đã lấy lại nền độc lập từ người Hoa nhà Minh vào năm 1427, chúng ta thường quên rằng họ mở rộng đế quốc của chính họ về phía nam để được lợi trong việc thương mại với thế giới Ấn Độ Dương mà người Chăm và Khmer chiếm ưu thế.

Sau khi Trung Hoa triệu hồi hải quân khỏi vùng biển quốc tế vào năm 1434, một tập họp mới của các thế lưc đế quốc Âu Châu bành trướng vào vùng này qua Thái Bình và Ấn Độ Dương, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và sau đó người Anh, Pháp và Hòa Lan. Các thế lực đế quốc Tây Phương này càng ngày càng chọn những chính sách xâm lăng đối với Á Châu trong thế kỷ 19 khi người Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa và người Anh tịch thu Singapore, Burma, và Malaya. Cùng lúc đó, người Mỹ băng qua Thái Bình Dương để lấy Philippines từ người Tây Ban Nha trong khi người Nhật chĩa tầm ngắm thuộc địa của họ vào Triều Tiên và Đài Loan. Người Mỹ là một phần của cuộc đột kích thuộc địa rộng lớn hơn vào Á Châu vào thế kỷ 19.

Người Pháp biết tầm quan trọng chiến lược của thuộc địa Việt Nam trong việc tranh giành thuộc địa rộng hơn này. Vào đầu thế kỷ 20, họ hoàn tất việc xây cất cảng nước sâu ở Vịnh Cam Ranh trên bờ biển tây nam của Việt Nam. Các chiến hạm Nga phát xuất từ Baltic, để ngăn chặn sự bành trướng thuộc địa của người Nhật vào Trung Hoa và Triều Tiên, đã tập họp ở đó trước khi bị người Nhật đánh bại ở Tsushima vào năm 1905. Sau khi người Nhật xâm chiếm Trung Hoa năm 1937, TT Franklin Roosevelt theo dõi sát những hành động của người Nhật ở vùng ven biển Trung Hoa và cấm vận Tokyo vì quân đội thiên hoàng Nhật bắt đầu chiếm đóng Việt Nam vào năm 1940. Những mối lo sợ của ông về một cuộc tấn công mạnh của người Nhật vào Ấn Độ Dương qua ngã Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Đầu năm 1942, chỉ vài tuần sau khi tấn công Trân Châu Cảng, người Nhật hoàn toàn chiếm đóng Việt Nam và rồi tập trung chiến hạm của họ ở Vịnh Cam Ranh trước khi tấn công Đông Nam Á và tập kích xa đến Quần đảo Andaman và Nicobar. Cùng năm đó, ở Australia, Hạm đội 7 của Mỹ tấn công và bắt đầu đẩy lui đế quốc Nhật cho đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8/1945. Hải quân Mỹ thay thế hải quân Nhật để kiểm soát Thái Bình và Ấn Độ Dương từ đó cho đến nay.

Khi người Pháp rút khỏi cuộc chiến tranh với Hồ Chí Minh và đồng ý chia Việt Nam, giống như Triều Tiên, thành một miền Bắc cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và một miền Nam không cộng sản, người Mỹ chấp nhận nhưng chuyển sự ủng hộ vào lãnh tụ chống cộng của miền Nam là Ngô Đình Diệm. Chừng nào mà nhân vật này không làm phương hại đến mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của người Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản Âu Á, mọi việc có thể tiếp tục như họ có được với người Pháp. Nhưng họ không có và khi những chính sách khắc nghiệt [?] của ông Diệm ở nông thôn (cải cách điền địa, ấp chiến lược, và trấn áp) dường như giúp cho những tay cộng sản, người Mỹ ủng hộ việc lật đổ ông vào năm 1963. Tuy nhiên, khi sự ổn định vẫn chưa được thực hiện, TT Lyndon Johnson phải quyết định rút khỏi Việt Nam vĩnh viễn hay can thiệp trực tiếp. Ông đã gởi bộ binh Hoa Kỳ vào đầu năm 1965 trong khi hải quân Mỹ dồn phần lớn lực lượng ở Vịnh Cam Ranh.

Mỉa mai thay, sự rút lui của Mỹ ra khỏi quốc gia này vào tháng 4/1975 hoàn toàn không làm suy giảm tầm quan trọng địa chính trị của nó vì một tập hợp của “các thế lực lớn” đang tranh nhau ảnh hưởng trên thế giới – Liên Xô và Trung Hoa. Tách khỏi Liên Xô một cách mạnh mẽ từ thập niên 1960, người Hoa lo ngại rằng đồng chí của họ ở Hà Nội sẽ giúp Liên Xô bao vây họ từ phía nam (quân đội Liên Xô xâm chiếm Afghanistan năm 1979 và gia tăng sự bành trướng hải quân vào Thái Bình Dương qua Vladivostok). Người Hoa hỗ trợ Khmer Đỏ diệt chủng ở Cambodia, với cấp lãnh đạo – cộng sản hay không cộng sản – chống lại người Việt một cách độc ác. Người Việt quay sang Liên Xô, ký một hiệp ước an ninh năm 1978, gồm một hợp đồng cho Liên Xô thuê Vịnh Cam Ranh, trước khi lật đổ Khmer Đỏ vào cuối năm đó. Lãnh tụ Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình, công du sang Hoa Kỳ với mục đích tìm sự ủng hộ của Mỹ cho dự án dạy Việt Nam một bài học cho “sự phản bội” này. Đầu năm 1979, người Hoa đưa bộ binh vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh đầu tiên giữa những người cộng sản trong lịch sử thế giới. Điều đáng chú ý, nhờ có Vịnh Cam Ranh, Liên Xô – lần đầu tiên trong lịch sử thế giới – đã cắm lực lượng hải quân của họ vào Đông Nam Á.

Sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô và chư hầu của nó ở Âu Châu vào năm 1991 đã thay đổi sâu đậm hệ thống địa chính trị, nhưng không thay đổi tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam. Không còn Liên Xô và hải quân của nó, lần đầu tiên kể từ khi người Hoa triệu hồi hạm đội vào năm 1434, họ bắt đầu tái khẳng định ảnh hưởng của họ ở Ấn Độ Dương, chiếm đóng, mạo nhận, và cả việc xây dựng trên các hòn đảo. Qua đó, chiến tranh giữa những người cộng sản Á Châu vào cuối thập niên 1970 đã chấm dứt cái khái niệm về một khối cộng sản khăng khít hay đồng minh, người cộng sản Việt nay phải thương thảo với người Mỹ, Nhật, Âu Châu và bất cứ ai khác có thể giúp họ đối phó với sự hồi sinh của lực lượng hải quân Trung Hoa, dù vẫn phụ thuộc vào những mô hình cộng sản của họ trong việc đổi mới kinh tế và tiếp tục cai trị độc đảng.

Người Mỹ chia sẻ lòng khát khao của người Việt để ngăn chặn sự bành trướng của hải quân Trung Hoa vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và đây là lý do tại sao TT Obama, giống như các TT Bill Clinton và George W. Bush trước đây, công du sang Việt Nam. Người Mỹ vẫn “cần” Việt Nam và người Việt cần họ. Tại sao? Tại vì Việt Nam nằm giữa khu vực nơi mà việc kiểm soát Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Mỹ từ Thế chiến II đã gia tăng để đối lại với lục địa Âu Á và một đế quốc Trung Hoa càng ngày càng sẵn sàng để thách thức việc kiểm soát các vùng biển Á Châu của hải quân Mỹ. Việt Nam tiếp tục tự thấy mình đứng chót vót trên một trong những đường nứt địa chất (fault lines) địa chính trị nguy hiểm nhất trên trái đất.

C.G.
__________

Sơ lược về tác giả
Christopher Goscha là phó giáo sư lịch sử tại Đại học Québec ở Montréal, Canada. Tác giả và chủ bút của nhiều quyển sách về Việt Nam, Đông Nam Á, và bang giao quốc tế bằng Anh và Pháp ngữ. Ông sống ở Montréal, Canada. Sách mới nhất có tựa đề Vietnam: A New History (Basic Books, 2016).





No comments: