Trần
Dương -
LỀ TRÁI
19-12-2016
Tám năm qua, với một tổng thống ôn hòa và có lẽ quá
cẩn trọng trong những vấn đề về quan hệ quốc tế, dường như ảnh hưởng của Hoa Kỳ
đối với thế giới đã phần nào suy giảm. Vì thế mà dân Mỹ và những tầng lớp người
thân Mỹ trên thế giới đã hy vọng có một tổng thống Mỹ mạnh mẽ và quyết đoán
hơn. Với cá tính khá đặc biệt, Donald Trump có vẻ như hứa hẹn về một sự thay đổi
ấn tượng theo hướng mà người ta đang trông chờ.
Nhưng hãy thử tiên lượng xem Trump có thể làm được
gì trong một vài vấn đề quốc tế cụ thể.
Trước hết, là quan hệ Mỹ-Nga. Có thể thấy gần như chắc
chắn rằng trong thời gian Trump làm tổng thống Mỹ, mối quan hệ này sẽ thực sự
“nồng ấm”. Chưa cần bàn đến việc có đúng là Putin đã hỗ trợ Trump thông qua đội
ngũ hackers để ông ta đắc cử tổng thống hay không, đã có thể đoán như vậy từ
cách đây mấy tháng, khi hai nhân vật (đều có những điểm thô lậu) này lên tiếng
ca ngợi lẫn nhau. Đến nay, với việc Trump chọn Rex Tillerson, chủ tịch tập đoàn
dầu khí Exxon Mobil, một người có quan hệ cá nhân chặt chẽ với Putin, đã từng gặp
và làm việc với Putin hơn một lần tại Kreml, làm người hoạch định, và trực tiếp
thực thi chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, thì đã quá rõ là mối quan
hệ Trump-Putin không chỉ đơn thuần là giữa hai nguyên thủ. (Ngoại trưởng Mỹ,
secretary of state, không chỉ thực thi mà gần như toàn quyền về đối ngoại.) Đó
là đôi bạn “hẩu”, và quan hệ giữa họ dựa trên quyền lợi sát sườn về kinh tế. Mối
quan hệ cá nhân này sẽ chi phối quan hệ giữa hai quốc gia. Chính quyền Trump sẽ
nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga và sẽ để Putin mặc sức o ép các
nước từng là đàn em trong Liên Bang Soviet và giúp chính quyền Assad củng cố
quyền thống trị ở Syria.
Tiếp theo là quan hệ Mỹ-Trung. Trump hiện rất ghét
Trung Quốc. Có lẽ lý do chính không phải vấn đề về chế độ chính trị, mà vẫn đơn
thuần là kinh tế. Về chính trị, Nga tuy về hình thức là đa đảng, phi cộng sản,
nhưng lối cai trị của Putin không khác mấy so với một thể chế độc đảng. Nếu
Trump có thể thân Nga thì cũng không khó gì để ông ta thân Tàu bất chấp chế độ
chính trị, đặc biệt khi Tàu và Nga lại đang rất thân nhau (vì quyền lợi trước mắt).
Lý do chính để Trump ghét Tàu Cộng là vì ông ta từng mấy lần bị chính quyền nước
này gây khó khăn trong kinh doanh ở Trung Quốc. Việc ông ta đến kinh doanh ở nước
này cũng cho thấy ông ta không mấy quan tâm đến chính trị. Bây giờ giả dụ chính
quyền của họ Tập cho người bí mật tiếp xúc với Trump và hứa hẹn về những cơ hội
làm ăn béo bở tạo riêng cho ông ta, chắc chắn rằng con người chỉ quan tâm nhiều
đến tiền và tiền hậu bất nhất này sẽ thay đổi thái độ với Tàu Cộng. Khi đó,
quan hệ với Đài Loan cũng không còn là cản trở đối với ông ta trong việc ngả
vào lòng Tàu Cộng nữa. Và việc từ bỏ chính sách “Một Trung Hoa” cũng sẽ được
ông ta xem xét lại.(Cái cách nói năng và cư xử tiền hậu bất nhất của Trump thì
đã nhiều lần được chứng minh bởi chính ông ta, trong đó có việc ông ta quay ngoắt
lại ca ngợi Obamacare sau nhiều tháng chửi bới.) Chắc rồi Trump cũng sẽ ca ngợi
Tập như một trong vài ba nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất của thế giới.
Từ vấn đề về quan hệ Mỹ-Trung dễ dàng suy ra thái độ
của Trump đối với vấn đề biển Đông. Trump hiện đang lên án Tàu Cộng rất hăng
trong vấn đề này, nhưng rồi cũng sẽ thay đổi. Tất nhiên, Trump vẫn sẽ đòi có tự
do hàng hải ở khu vực này, nhưng có thể đàm phán để Tàu Cộng không cản trở tàu
bè Mỹ tự do đi lại, còn Mỹ thì sẽ không tấn công Tàu Cộng trên biển chỉ vì những
hành động lấn chiếm và tôn tạo của Tàu như họ đã làm trong những năm qua.
Trong vấn đề Trung Đông, hiển nhiên Trump sẽ thắt chặt
trở lại quan hệ với nhà nước Do Thái và vứt vào sọt rác những thỏa thuận đã đạt
được giữa chính quyền Obama và nhóm P5+1 với Iran, nghĩa là sẽ quay trở lại thời
kỳ thù địch với quốc gia Hồi giáo này. Có nhiều lý do cho một thái độ như vậy.
Thứ nhất là ảnh hưởng ghê gớm của giới tài phiệt người Do Thái ở Mỹ. Thứ hai là
để có một chính sách hoàn toàn khác với chính quyền Obama. Thứ ba là vì Trump
có một anh con rể người Do Thái, đẹp trai, thông minh sắc sảo và từng là trợ thủ
đắc lực cho bố vợ để có chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Cuối cùng là quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Đây sẽ là một
giai đoạn mà mối quan hệ này xuống cấp nghiêm trọng. Trong những ngày qua,
Trump đã một vài lần nói về mối quan hệ này. Ông ta cho rằng Mỹ không có lý do
gì để phải đóng góp quá nhiều kinh phí cho NATO. Cho dù đến lúc nào đó Trump có
nhận ra tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ này đối với an ninh của chính
nước Mỹ, nhưng vì quan hệ với Putin và do tư duy gần như thuần túy kinh tế, ông
ta cũng sẽ không làm cho mối quan hệ này giữ được ở tầm mức như mấy thập niên
qua.
Mặc dù có thể Donald Trump đột xuất có thái độ
nghiêm túc trong việc vận hành chính phủ cho ra dáng một chính khách, nhưng ở
cái tuổi ngoại thất tuần mới bước chân vào một lĩnh vực hoạt động mới, liệu một
nhiệm kỳ 4 năm có đủ để ông ta làm quen với công việc và xác định được việc nào
thực sự cần cho nước Mỹ? Với một chính phủ hầu hết là doanh nhân thì mấy người
có khả năng làm cố vấn thực sự am hiểu cho ông ta? Và liệu một người già như vậy
có còn khả năng nghe theo những lời khuyên thông minh hay không?
No comments:
Post a Comment