Chuyến công du của Tổng thống Hoa Kỳ Obama được dư
luận Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung cộng đặc biệt chú ý, nhất là người Việt trong và
ngoài nước từ các đối tượng doanh nhân, giới chính trị, những người tranh đấu
cho nhân quyền ở Việt Nam. Sau đây là những ghi nhận khái quát từ truyền thông
trong và ngoài nước.
1.
Từ phía Hoa Kỳ:
Có thể nói đây là chuyến công du quan trọng và rất tốn
kém, được sắp đặt kỹ lưỡng từ Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ. Họ mang theo
800 người, nhiều xe cộ, trực thăng, kỹ thuật để bảo vệ yếu nhân và bốn chiến hạm
ngoài Biển Đông để sẵn sàng nếu có trở ngại ngoài chiếc Air Force One sang trọng
bậc nhất thế giới. Tổng thống và đoàn tùy tùng ở trong những khách sạn siêu
sang quốc tế tại Việt Nam. Với người Mỹ thì việc nầy không lạ, vì từ ngày nhậm
chức đến nay, riêng khoản chi phí đi đánh golf chơi thôi thì người chịu thuế ở
Mỹ đã mất 70 triệu đô la. Riêng Đệ Nhất Phu Nhân Michelle sử dụng trên 20 người
giúp việc, trong khi các bà Laura Bush, Nancy Reagan, Hillary Clinton chỉ cần
có một hoặc hai người.
Chuyến đi của Tổng thống đem theo nhiều ước mơ của
dân Việt, nhất là những người muốn thay đổi cuộc sống, muốn có cuộc sống đầy
nhân văn và hưởng được phẩm giá con người như mọi người trên hành tinh này. Họ
cảm nhận được gì sau bốn ngày Obama ở, làm việc tại Việt Nam:
Ông Obama sang Việt Nam để van nài người cộng sản
tham dự vào kế hoạch chuyển trục sang Châu Á của Hoa Kỳ mà vị trí địa lý của Việt
Nam góp phần thuận lợi cho họ. Kẻ đi cầu cạnh thì còn dám nói gì cho chính
nghĩa, mặc dù họ oang oang dùng những khái niệm dân chủ, nhân quyền là lý tưởng
của thế giới mà họ ra sức quảng bá, và chỉ xử dụng khi họ cần chớ không phải
khi người Việt Nam cần. Vì vậy trong những ngày ở Hà Nội Obama chỉ dám nhắc tới
một cách qua loa những vấn đề như tự do báo chí; ứng cử, bầu cử công bằng và tự
do; tự do tôn giáo và tự do hội họp và ông cho rằng duy trì những quyền này củng
cố sự ổn định và là 'nền tảng của tiến bộ'.
Ông Obama cũng khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ về tự
do di chuyển trên không và trên biển ở Biển Đông. Đây là điểm chính mà ông muốn
nói. Ông không đá động lấy một lời với những người tù lương tâm như nhiều người
nghĩ. Thậm chí khi ông mời những cá nhân thuộc nhóm xã hội dân sự đến gặp mặt,
Hà Nội ngăn cản công khai những khuôn mặt tranh đấu như Tiến sĩ Nguyễn Quang A,
ông Obama cũng không có thái độ nào coi ra khí phách của lãnh tụ một cường quốc
chuyên đi rao giảng về nhân quyền. Ngược lại ông còn biện hộ cho bọn vi phạm bằng
những vi phạm nhân quyền ở Hoa Kỳ như kỳ thị màu da, kỳ thị về lương bổng của
nam và nữ công nhân và tuyên bố rằng không có nước nào hoàn hảo trong vấn đề
nhân quyền khi ông gặp dân chúng tại thành Hồ.
Ông đi cho chiến lược chuyển trục và đi bán máy bay
cho hãng Boeing, hãng sản xuất dụng cụ quốc phòng của Mỹ, vì vậy đừng thất vọng
về những việc ông làm. Thêm vào đó “con vịt què” chỉ còn có mấy tháng nữa thôi
và trong tình huống Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đang do phe Cộng Hòa kiểm soát.
Obama khi mới nhậm chức Tổng Thống nhiệm kỳ một,
chưa làm nên tích sự gì đã được Viện Hàm Lâm Thụy Điển dán cho cái nhãn Khôi
Nguyên về Hoà Bình, thì ông còn dám nói gì về tranh đấu của người bị áp bức tại
Việt Nam.
Ông Obama chỉ phục vụ quyền lợi cho Hoa Kỳ.
Nói gì thì nói, ông cũng được dân chúng, nhiều người
trẻ đón tiếp như một anh chàng kịch sĩ khéo mồm miệng, chớ không phải là một
chính trị gia lỗi lạc như cố Tổng Thống Reagan, người đã giựt sập chế độ cộng sản
ở Đông Âu. Người mình có thói quen hễ thấy cái gì lạ là ùa ra xem, vậy thôi!
2.
Với nhà cầm quyền Hà Nội:
Họ biết mục đích của Obama, kèm theo nỗi run sợ giặc
Tàu, nên ngậm miệng ăn tiền cho chắc. Nhưng không thể không nói gì, sợ Thiên Tử
nghi ngờ bụng dạ, sự trung thành của Thái Thú nên Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã
tuyên bố không tìm cách tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
“Việt Nam không tăng cường quân sự nhưng Việt Nam cần
phải bảo vệ chủ quyền, trước tiên là bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao và
thậm chí là pháp lý”. (Nguyễn Xuân Phúc). Không tăng cường quân sự thì
van nài Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương để làm gì? Để giết dân oan, giết những
người bị cướp nhà, cướp đất chăng? Đúng là bọn “hèn với giặc, ác với dân”.
Bảo vệ chủ quyền bằng giải pháp hòa bình, ngoại giao nên biển đảo càng ngày
càng thu hẹp. Ngư dân không dám đi xa bờ đánh bắt. Vì bảo vệ chủ quyền bằng hèn
nhát giả danh hoà bình nên năm 1979 giặc Tàu mới tràn qua biên giới giết hại
dân lành, đốt phá làng xóm. Năm 1988 cũng với giải pháp hoà bình, tên Lê Khả
Phiêu ra lệnh không được nổ súng chống giặc, khiến 63 binh sĩ làm bia cho giặc
bắn. Được đà năm 2014, giặc ngang nhiên đem giàn khoan đặt trong lãnh thổ chủ
quyền Việt Nam. Bọn họ vẫn không dám hở môi, chịu không nổi quốc nhục dân Việt
Nam đứng lên. Một lần nữa giặc Tàu kinh hồn, bạc vía ùa nhau, chen lấn chạy về
nước bằng mọi cách...
3.
Với giặc Tàu:
Hôm thứ Hai, với gịọng giả nhân, giả nghĩa bọn Bắc
Kinh chúc mừng việc bình thường hoá giữa Mỹ- Việt. Tuy nhiên, họ không giấu nổi
sự phẫn nộ của việc hủy bỏ cấm vận vũ khí sát thương mà Việt Nam có thể dùng để
bảo vệ chủ quyền đất nước và giúp Hoa Kỳ ngăn chận kế hoạch ăn cướp 80% Biển
Đông mà kẻ cướp cả đời, cả dân tộc họ mơ ước.
Tờ China Daily cảnh cáo Mỹ rằng mọi hành động lôi
kéo Việt Nam trong việc kềm chế Trung cộng là điềm báo xấu cho việc hoà bình, ổn
định trong khu vực và làm tình hình phức tạp thêm, châm thêm mồi lửa cho sự
xung đột.
Vẫn cái mồm ong óng của cộng sản Tàu, dù ông Obama
cho biết việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương không nhắm vào Trung cộng. Nhưng
mồm Tàu Global Times vẫn lu loa rằng sự láo khoét của Mỹ để lộ sự thật gia tăng
mối thù nghịch giữa Mỹ và Trung cộng. Và họ không quên răn đe Việt cộng đừng để
Mỹ lợi dụng mối quan hệ Việt-Mỹ để tạo thêm sự xung đột ở Biển Đông.
Ngày thứ Ba, mồm Global Times cho biết từ trước Việt
Nam sử dụng vũ khí của Liên Xô, nhưng đột nhiên chuyển đổi sang vũ khí Hoa Kỳ.
Đó là dấu hiệu quan trọng về sự tin tưởng của hai cựu thù. Tờ báo cho biết thêm
là Mỹ có thể bán cho Việt Nam những vũ khí sát hại để phòng thủ biển trong
tương lai gần, với âm mưu áp đảo trật tự, an ninh trong vùng.
Cùng ngày, tờ báo South China Morning Post từ Hồng
Kông, có những bình luận từ các chuyên viên cho rằng Việt Nam đang tìm kiếm những
kỹ thuật cảnh báo (rada), hệ thống truyền tin, thiết bị tình báo tối tân hơn từ
Hoa Kỳ, kể cả những máy bay không người lái, máy bay do thám.
Tờ Global Times kể lể rằng liên minh Việt-Mỹ là liên
minh khác ý thức hệ, nên Việt Nam phải cẩn trọng đừng để việc đó chống lại với
liên minh Trung-Việt. Và đảng cộng sản Việt Nam đừng quên công ơn của người anh
lớn láng giềng đã từng giúp Việt Nam ổn định và thịnh vượng. Họ cũng nhắc rằng
Việt Nam chưa bao giờ phản đối họ trong việc chiếm đóng những hòn đảo trong Biển
Đông gần đây.
Một viện sĩ thuộc hàn lâm viện khoa học Tàu, Xu
Liping tuyên bố việc hủy bỏ cấm vận làm cho Việt Nam bạo gan hơn trong việc chống
Tàu đòi những hòn đảo do Tàu chiếm, và điều đó sẽ vô ích trong việc hoá giải những
xung đột.
4.
Trước tình thế đó, chúng ta những người con Việt Nam phải làm gì?
Những dòng nầy viết cho người con dân Việt còn tha
thiết với vận mạng dân tộc, với tiền đồ xứ sở. Từ ngày Obama là tổng thống, uy
tín Mỹ sa sút trầm trọng, những quốc gia côn đồ không còn nể nang nước Mỹ nữa.
Nhưng Tổng Thống Obama chỉ còn vỏn vẹn 6 tháng nữa. Nước Mỹ đang trong mùa bầu
cử, xin được đề nghị:
a. Với những công dân Mỹ gốc Việt hãy ủng hộ những ứng
cử viên Tổng Thống, Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu nào có đường lối đối ngoại phù hợp
với nhu cầu dân chủ hoá, tôn trọng nhân quyền cho người Việt Nam. Nếu họ thắng
cử thì họ có thể có những đóng góp thuận lợi cho mục đích của chúng ta. Chúng
ta dùng lá phiếu trong việc nầy. Dồn phiếu cho những người nầy.
b. Củng cố Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở khắp nơi
có sinh hoạt cộng đồng để giữ lửa đấu tranh, để xây dựng lớp trẻ thừa kế cho cuộc
tranh đấu.
c. Khuyến khích người trẻ đi vào dòng chính để dùng
nghị trường tranh đấu cho Việt Nam. Phương pháp nầy sẽ phù hợp và có thể có nhiều
hiệu quả.
d. Tích cực ủng hộ những nhà tranh đấu trong nước bằng
bất cứ hình thức nào có thể có được trong tinh thần trách nhiệm của người dân,
với lương tri của con người. Người tranh đấu trong nước chấp nhận tù đày, đánh
đập, hành hạ, tra tấn, triệt hạ nguồn kinh tế, chúng ta không được làm ngơ.
e. Chia sẻ trách nhiệm vật chất với người tranh đấu
bị hại trong tinh thần “con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.
Không có chế độ bạo tàn nào tồn tại mãi mãi. Nhưng
muốn chấm dứt sự bạo tàn bao giờ cũng có cái giá phải trả. Chúng ta trả giá hôm
nay để xây dựng tượng lai con cháu ngày mai. Mọi cá nhân cùng trả giá để quốc
gia được trường tồn. Không mất dần mòn vào tay giặc Hán để giữ mảnh đất hình chữ
S nầy cho con cháu muôn đời sau.
No comments:
Post a Comment