Wednesday, May 25, 2016

TỰ CÔ LẬP hay CAN THIỆP QUỐC TẾ ? (Nguyễn Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, May 23, 2016 6:00:09 PM

Ðộng lực hợp lý nhưng đôi khi vô đạo của ngoại giao Hoa Kỳ

Trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay lại Hoa Kỳ, hai ứng cử viên dẫn đầu của hai đảng chính là Hillary Cliton bên Dân Chủ và Donaltd Trump bên Cộng Hòa có một khác biệt lớn về lập trường đối ngoại. Hillary có chủ trương thiên về khuynh hướng can thiệp quốc tế không chỉ vì đã từng là ngoại trưởng mà vì thuộc về dòng chính lưu của đảng Dân Chủ. Tỷ phú Donald Trump có vẻ - có vẻ thôi - như nằm trong một nhánh thiểu số có ảnh hưởng bên Cộng Hòa là dành ưu tiên cho nước Mỹ mà tránh can thiệp vào thiên hạ sự, thường được gọi là chủ trương tự cô lập, isolanionist.

Thật ra, lối phân biệt ấy vẫn phiến diện, diễn nôm là nông cạn, và một cách giải thích đơn giản chính là nhìn vào trường hợp của hai tổng thống cuối cùng là George W. Bush và Barack Obama.

Khi tranh cử năm 2000, Thống Ðốc Bush của tiểu bang Texas nêu rõ chủ trương tránh can thiệp vào nội tình xứ khác để giúp người ta xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ theo những giá trị truyền thống của nước Mỹ. Ông còn đả kích Tổng Thống Bill Clinton là can thiệp vào Kosovo thuộc Liên Bang Nam Tư cũ để xây dựng một trật tự theo quan điểm của nước Mỹ. So sánh với ứng cử viên bên Dân Chủ năm đó là Phó Tổng Thống Al Gore, ông Bush thiên về xu hướng tự cô lập và ưu tiên giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của nước Mỹ. Sau khi đắc cử, ông Bush là một tổng thống can thiệp nhiều nhất vào chuyện quốc tế với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

Chủ yếu thì chính là vì việc can thiệp mở rộng của ông Bush trước sự mệt mỏi của dân Mỹ mà Nghị Sĩ Barack Obama đã đắc cử tổng thống năm 2008 sau khi chiến thắng Nghị Sĩ Hillary Clinton một cách bất ngờ trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ.

Không chỉ nói đến việc cải tạo nước Mỹ, ứng cử viên Obama còn hứa hẹn triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan và không áp đặt những giá trị tinh thần rất đáng ngờ của nước Mỹ cho các xứ khác. So với Hillary thì ông gần với khuynh hướng tự cô lập, chẳng khác gì ông Bush năm 2000. Sau khi đắc cử và qua hai nhiệm kỳ, ông Obama đang trở thành một tổng thống có hành động can thiệp dữ dội nhất, chẳng kém gì ông Bush.

Việc triệt thoái khỏi hai chiến trường kia vẫn chưa xong, Hoa Kỳ còn can thiệp vào Libya và lao vào một cuộc chiến chưa có ngày tàn với các lực lượng quá khích Hồi Giáo xưng danh “Thánh Chiến” tại Trung Ðông. Ông cũng chủ trương “chuyển trục” về Ðông Á từ năm năm trước và đem lại hy vọng cho các nước trong khu vực trước đà bành trướng của Trung Cộng.
Và y như Bush là người đòi phát huy dân chủ để bảo vệ nhân quyền rồi ngồi với lãnh tụ Cộng Sản Hà Nội dưới bức tượng của Hồ Chí Minh, Obama cũng nói đến nhân quyền cho Việt Nam nhưng quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí cho Hà Nội. Nhiều người bèn kết luận rằng Obama vẫn chỉ là một sao bản của Bush.

Nhìn từ bên ngoài thì các nghịch lý trên của Hoa Kỳ khiến chúng ta nên tìm hiểu sâu xa hơn về hai trào lưu đối ngoại tưởng như tiêu biểu của nước Mỹ, tự cô lập và can thiệp quốc tế. Sự thể lại không trắng đen rõ rệt như vậy mà có khi chỉ là hai chiến lược của cùng một triết lý chính trị là “Nước Mỹ Trên Hết.” Nếu không hiểu ra điều này, người ta sẽ lại thất vọng nữa.

Nói về quá khứ thì từ trăm năm nay, Hoa Kỳ có vẻ như đong đưa giữa hai chủ trương đối ngoại kể trên. Thí dụ như có nên tham gia vào Hội Quốc Liên (League of Nations) hoặc can thiệp vào Âu Châu hay không là hai chọn lựa. Phe tự cô lập thì cho là nên tránh để bị lôi vào các tranh chấp ngoại giao, khủng hoảng hoặc chiến tranh ở nơi khác. Phe can thiệp quốc tế thì lý luận rằng nếu không dính vào thiên hạ sự thì Hoa Kỳ sẽ mất ảnh hưởng và rốt cuộc thì thiên hạ sự lại đe dọa an ninh của nước Mỹ. Từ khác biệt quan điểm ấy, người ta thấy Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến I khá trễ, ba năm sau khi chiến cuộc bùng nổ tại Âu Châu, và cũng khá trễ trong Thế Chiến II, sau khi bị Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941.

Sự thật lại quái đản hơn vậy.

Giới lãnh đạo Hoa Kỳ có thể tranh luận về việc có nên góp phần làm thay đổi trật tự tại Âu Châu không - như chủ trương của Donald Trump ngày nay là “không nên” - nhưng cùng lúc đó, xu hướng tự cô lập không hề can gián việc tích cực liên hệ đến Trung Quốc, tới độ gửi pháo hạm và viện trợ quân sự cho Trung Hoa Dân Quốc. Chẳng hóa ra Mỹ tránh chuyện Âu Châu mà lao vào Châu Á? Sự thật thì lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ phân vân giữa hai chiến lược bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ là nên can thiệp nhiều hay ít và theo hướng nào mà thôi.

Sự thật còn không đơn giản khi chúng ta châm thêm yếu tố đạo lý.

Hiến Pháp Hoa Kỳ nêu rõ tự do dân chủ là giá trị tinh thần của nước Mỹ và giá trị ấy mới là kim chỉ nam soi sáng đường lối đối ngoại. Vì vậy, nhiều quốc gia vẫn coi Hoa Kỳ là lãnh đạo trào lưu dân chủ toàn cầu và nhiều đời tổng thống đã viện dẫn điều ấy, người sau cùng là Tổng Thống Obama. Nhưng trong lịch sử và ngay hiện tại, Hoa Kỳ vẫn có thể khắng khít hợp tác với các chế độ độc tài và vô đạo để chiến thắng một chế độ vô đạo hơn. Liên Bang Xô Viết là điển hình trong Thế Chiến II để thắng Ðức Quốc Xã. Trung Cộng là trường hợp kia vào cuối thời Chiến Tranh Lạnh để đánh gục Liên Xô.

Và Việt Nam Cộng Sản là một ví dụ mới nhất, nhưng để làm gì thì ta còn phân vân!

Trong việc nối giáo cho giặc, xu hướng can thiệp quốc tế có thể phản bác chủ trương tự cô lập vì “không can thiệp để ngăn ngừa tội ác thì cũng là đồng lõa với tội ác.” Việc chính quyền Obama nhảy vào cuộc nội chiến tại Libya là tiêu biểu cho chiến lược phát huy giá trị luân lý của nước Mỹ. Nó chẳng có nhiều khác biệt so với lý luận “Tân Bảo Thủ” bên đảng Cộng Hòa dưới thời Bush. Việc Obama vừa xả cảng cho chế độ Cộng Sản Hà Nội có thể khiến những ai yêu chuộng dân chủ phải nhíu mày, nhưng chiến lược đối ngoại ấy lại có một lý do hay lý cớ là giúp Hà Nội có thêm phương tiện tự vệ, trước đà bành trướng của Trung Cộng, một đối tác chiến lược của nước Mỹ.

Vì thế, luân lý của nước Mỹ có thể là chuyện co giãn. Nhưng quyền lợi tối thượng của Hoa Kỳ là cái gì đó không dời đổi. Xứ nào hiểu lầm thì ráng chịu!



No comments: