24.05.2016
Một
nhà báo tự do ở Việt Nam cho biết an ninh trong nước thách thức bà đâm đơn kiện
sau khi “chặn” bà tới gặp Tổng thống Barack Obama, đồng thời, theo lời bà, nói
rằng người đứng đầu Nhà Trắng “nói dối”.
Blogger Phạm Đoan
Trang.
Blogger Đoan Trang cho biết, sau hơn một ngày bị giữ,
bà được thả chiều 24/5, ít lâu sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp với
một số thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Bà Trang kể lại rằng một số người mặc thường phục, tự
xưng là từ "Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, Tổng cục an ninh của Bộ Công
an", đã giữ bà lại tại một nhà khách ở tỉnh Ninh Bình trong khi bà đang
trên đường từ Sài Gòn trở về Hà Nội để tới gặp Tổng thống Mỹ.
Bà nói tiếp: “Mọi người đều hiểu bắt để chặn đi gặp
ông Obama, nhưng mà họ không muốn nói như thế. Họ bảo là bắt để làm việc, liên
quan tới các tài liệu ở trên Facebook. Họ giữ rõ ràng là vì mục đích khác,
nhưng họ lại cứ nói theo kiểu là không phải vì chuyện ông Obama mà chuyện trên
Facebook. Lúc mình nói rằng chúng ta không cần phải diễn kịch với nhau như thế
này, và tôi nghĩ rằng việc chặn một người đi gặp tổng thống một nước khác là
chuyện không đúng về mặt ngoại giao và nó không đàng hoàng. Họ nói rằng ‘chúng
tôi không giữ chị vì việc của Obama, mà vì Facebook’. Chị muốn kiện tụng thì cứ
việc kiện. Họ có nói thêm rằng thực ra cuộc gặp của ông Obama và khối xã hội
dân sự độc lập là một sự dối trá của Obama bởi vì theo như nguồn tin của phía họ,
thì trong lịch trình hoạt động thực sự của Obama ở Việt Nam thì không có màn
nào là màn gặp các đại diện của xã hội dân sự độc lập cả, nghĩa là Obama nói dối.”
Theo đoạn video đăng tải trên trang web của Nhà Trắng,
chỉ có một số nhà hoạt động ở Việt Nam tham gia cuộc gặp với ông Obama tại một
khách sạn ở Hà Nội. Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho báo giới hay rằng “một số
nhà hoạt động đã bị ngăn không cho tới gặp ông”.
Nhà Trắng chưa đưa ra phản ứng sau các cáo buộc của
phía an ninh Việt Nam, như theo lời của blogger Đoan Trang. Bộ Ngoại giao Việt
Nam cũng chưa lên tiếng về tuyên bố của Tổng thống Obama.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc với cơ quan
công an mà bà Trang nêu ra để phỏng vấn.
Tiến sĩ Nguyễn
Quang A chuẩn bị đi gặp Tổng thống Obama. Ông post trên trang Facbook của mình:
Có thể bị chặn, bị bắt. Báo trước để bà con được rõ. Khổ các bạn an ninh thức
thâu đêm (23 giờ hôm qua cả chục cậu ngồi bên nhà đối diện).
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết, ông
“không có duyên với ông Obama”, sau khi sáng nay, 24/5, bị các nhân viên an
ninh Việt Nam “quăng lên xe” rồi đưa ra khỏi Hà Nội cho tới khi Tổng thống Hoa
Kỳ rời thủ đô của Việt Nam để vào TP HCM.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở
Hà Nội hôm 24/5, Tổng thống Obama cũng nhắc tới vấn đề mà Việt Nam và Mỹ vẫn
còn khác biệt, đó là nhân quyền.
Ông Obama cho rằng việc cho phép người dân tự do bày
tỏ ý kiến, và tiếp cận thông tin chỉ làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Ông nói thêm: “Các quốc gia thường thành công hơn
khi người dân được tự do bày tỏ suy nghĩ, được phép hội họp mà không sợ bị trấn
áp, hay có thể tiếp cận Internet và mạng xã hội. Bảo đảm các quyền đó không đe
dọa tới ổn định mà thực ra còn củng cố ổn định, và là nền tảng cho phát triển.”
Phát biểu của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi
nhà lãnh đạo Mỹ công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam.
Quyết định này sau đó vấp phải sự chỉ trích của một
số tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch. Ông Phil Robertson, giám
đốc phụ trách châu Á của cơ quan thúc đẩy nhân quyền này, nói với đài VOA rằng
Hoa Kỳ đã “tặng thưởng” Việt Nam ngay cả khi chính quyền Hà Nội chưa thực hiện
điều gì nổi bật về nhân quyền.
Trong khi đó, blogger Đoan Trang cho biết bà ủng hộ
việc dỡ bỏ lệnh cấm vận:
“Thông điệp mình muốn nói với ông Obama nó không phải
xấu như họ nghĩ. Nó có lợi chung cho lợi ích quốc gia. Họ không cần biết mình
nói gì thì đã chặn rồi. Trước hết, mình hoan nghênh dỡ bỏ việc cấm vận vũ khí với
Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên biển Đông, thì bắt
buộc Việt Nam phải tăng cường vũ khí, càng hiện đại càng tốt, tốt nhất là từ Mỹ.
Do vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là cần thiết. Việc đó độc lập với chuyện
cải thiện nhân quyền. Nó không phải là việc loại trừ nhau, anh chỉ được chọn một
trong hai. Về vấn đề nhân quyền, mình muốn 4 quyền sau đây được thực hiện, một
là quyền tự do ngôn luận; hai là quyền tự do lập hội và tụ tập ôn hòa; ba là
quyền tự do tham gia vào chính trị, và vấn đề thứ tư mà mình muốn đề nghị đó là
thúc đẩy quyền được xét xử công bằng ở Việt Nam.”
Ngoài ra, blogger này cho biết bà cũng tính sẽ kêu gọi
chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp điều tra vụ cá chết hàng loạt ở
miền Trung.
Vừa qua, có hơn 100.000 người đã gửi kiến nghị lên
Nhà Trắng, đề nghị Tổng thống Mỹ nêu vấn đề cá chết và thảm họa tự nhiên ở miền
Trung trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam.
Hiện chưa rõ là trong các cuộc trao đổi kín, ông
Obama nêu lên vấn đề như theo lời kêu gọi của người Việt hay không.
Cập
nhật: Chính phủ Mỹ mới cho biết đã lên tiếng phản đối Việt
Nam ‘ngăn cản’ các nhà hoạt động gặp ông Obama ở Hà Nội. Phó Cố vấn an ninh quốc
gia của Nhà Trắng, ông Ben Rhodes, hôm nay nói rằng chính quyền của ông Obama
và đích thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu vấn đề này với phía Việt Nam.
Quan chức thân cận với Tổng thống Obama nói rằng vụ việc cho thấy cuộc gặp là
“nguồn cơn gây khó chịu” cho chính phủ Việt Nam. Ông Rhodes cho biết thêm rằng
ông sẽ tiếp tục theo dõi để bảo đảm rằng các nhà hoạt động được tự do và không
bị trừng phạt.
No comments:
Post a Comment