Monday, May 23, 2016

ĐƯỜNG LỐI LẨM CẨM (Bùi Tín)





24.05.2016

Không biết ai là người đề ra cái sáng kiến đường lối chính trị dở hơi này. Đó là ‘’tách xa bành trướng đôi chút nhưng không dứt xa, nghĩa là vẫn gắn chặt với bành trướng’’ và ‘’xích lại gần Hoa Kỳ và phương Tây một chút nhưng không kết bạn chiến lược’’.

Đường lối của bọn con buôn gian xảo, có tính toán tâm lý chi ly.

Nhìn kỹ ra đó là tư duy của anh bần nông thiển cận, nhìn không quá lũy tre làng, không xa hơn cái ao nhà, tính tóan bủn xỉn thiệt hơn, để rồi mất sạch vì không có nhãn quan xa rộng, khoa học. Đó là lập trường ba phải, lơ lửng con cá vàng. Họ giả vờ lên án bọn bành trướng có khi với những lý lẽ lâm ly, mỉa mai, xúc động, nhưng vẫn không sao dứt tình nổi vì trót quá gắn bó thề thốt mất rồi, vì sợi dây trói Thành Đô quá chặt, Mật ước Thành Đô chứa quá nhiều chất mật ngọt. Họ liếc mắt đưa tình với các đại diện của Hoa Kỳ, cố bắt tay có vẻ chặt, nụ cười làm ra vẻ tươi nhưng thật ra lại sợ bọn bành trướng nhăn mặt quở phạt nên không dám mon men leo lên mối ‘’quan hệ chiến lược’’ mà phía Mỹ chân thành chìa tay mời mọc.
  
Không có sự lầm lạc nào giống sự lầm lạc nào. Lầm lạc đi vào con đường cộng sản ở Đại hội Tours/ 1920, rồi lầm lạc chui đầu vào cái cũi Thành Đô/1990, 26 năm nay, đến nay vẫn không bừng tỉnh nổi. Lẽ ra khi Liên Bang Xô Viết và Đảng CS Liên xô tan tành cuối năm 1991, lãnh đạo CS VN thay vì phải giật mình thức tỉnh, tự chặt cái đuôi CS cồng kềnh để đi vào con đường dân chủ văn minh thì họ lại chui vào cái thòng lọng Thành Đô, tự nguyện biến thành con tốt đen của bọn bành trướng trơ trọi, là cái đuôi nhỏ xíu của thoái trào cộng sản đang rẫy chết không sao tránh khỏi.

Có thể nói lần này Bộ Chính trị lại từ chối sự cấp cứu quý báu nhiệt tình của thế giới văn minh, một sự cấp cứu hệ trọng, đúng lúc, toàn diện, được chính đích thân nhà lãnh đạo cao nhất của Thế giới phương Tây mang đến do có lợi lớn cho cả hai bên, theo Win – Win Strategy.

Thế là lại đi đứt một dịp may hiếm có của dân tộc, của nhân dân, không biết đến bao giờ mới vĩnh biệt cái của nợ XHCN vang bóng một thời, nay chỉ còn là cái bóng ma lờ mờ hư ảo.

Lầm lẫn lần này khác hẳn với các lầm lẫn cũ là nhân dân không còn ù lỳ phó mặc cho đảng cộng sản muốn dắt dẫn đi đâu thì đi. Không thể thế được nữa rồi. Nhân dân đã thức tỉnh. Trí thức đã tỉnh ngộ. Thanh niên đã trưởng thành nhanh với các công cụ lợi hại, internet, blog cá nhân, facebook, điện thoại cầm tay..., vẫy gọi nhau xuống đường đòi tự do dân chủ, đòi nhân quyền, chất vấn lãnh đạo, gây sức ép xã hội, quyết không buông mặc cho số phận trôi nổi bất định.

Cuộc bầu cử ‘’đảng chọn dân bầu‘’ lặp đi lập lại lần thứ 14 là quá đáng, quá quắt quá rồi. Trên thế gian này không đâu có nền dân chủ trong đó duy nhất một đảng ra tranh cử, chia ghế với nhau, quay lưng lại với nhân dân, lại còn đàn áp, đầy đọa các chiến sỹ yêu nước thương dân, yêu dân chủ và nhân quyền.

Cần phải đặt lại vấn đề giá trị của cái Quốc hội độc đảng, cái quái thai giữa thế giới dân chủ văn minh, đặt lại vấn đề tính chính đáng của một Quốc hội độc đảng, tính hợp hiến và hợp pháp của một chính phủ độc đảng tham nhũng quan liêu tự nguyện làm tay sai cho bành trướng, nhượng hết biển đảo, quặng, rừng, của chìm của nổi cho chúng, cho bọn Tàu chiếm đóng khắp nơi.

Một Tòa án Dân tộc, một Hội đồng Cứu nguy Dân tộc cần được đặt ra trong chương trình làm việc của nhân dân, của mọi tổ chức yêu nước trong và ngòai nước trong thời gian trước mắt, vì tình hình đã xấu đến cùng cực trên mọi mặt, từ kinh tế, tài chính đến quốc phòng, an ninh và xã hội, trật tự trị an đến văn hóa đạo đức, vượt quá sự chịu đựng và kiên nhẫn của toàn dân.

Lối thoát nào cho đất nước, cho nhân dân phải là suy tư của mọi người dân yêu nước lúc này. Ắt tìm, ắt thấy, còn đường nô lệ, Bắc thuộc, giáo điều, lụn bại, diệt vong không thể là định mệnh cho dân tộc VN ta trong thế kỷ XXI này.

-------------------------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ





No comments: