Hồ Bạch Thảo
31/05/2016
Về phương diện lịch sử, thoát Trung còn có nghĩa là
thoát khỏi ách xâm lược của Trung Quốc. Tạm không đề cập đến “Một ngàn năm
nô lệ giặc Tàu” (1) thời xa xưa, chỉ ôn lại cuộc đô hộ của nhà Minh cách
đây hơn 600 năm; kể từ năm 1406 khi Trương Phụ hành quân đến Kỳ La, Hà Tĩnh, bắt
cha con Hồ Quí Ly đưa về Kim Lăng [Nam Kinh, Trung Quốc]; cho đến năm 1427, sau
khi Liễu Thăng tử trận tại Chi Lăng, Vương Thông phải điều đình xin dẫn quân từ
thành Đông Đô [Hà Nội] trở về nước. Suốt 21 năm đô hộ, chính quyền Trung Quốc
cai trị nước ta, mối ân oán như thế nào; người dân Việt chúng ta, nhất là các bạn
trẻ cần hiểu rõ. Để khỏi mang tiếng là vu cáo cho người, tư liệu chúng tôi sừ dụng
phần lớn lấy từ hai bộ sử lớn Trung Quốc: Minh thực lục [明實錄] vàThiên hạ
quận quốc lợi bệnh thư [天下郡國利病書] của Cố Viêm Vũ. Sau đây xin nêu lên những việc làm chính của nhà
Minh:
1. Đổi
tên nước và các đơn vị hành chánh
Bắt đầu việc cai trị, nhà Minh cho đổi tên tại nước
ta hàng loạt. Về quốc hiệu, kể từ thời vua Lý Thánh Tông [1054] nước ta có tên
là Đại Việt; nhà Tống [Trung Quốc] đặt tên là An Nam; nhưng đến đời Minh đô hộ
tên nước Đại Việt không được dùng, ngay cả tên An Nam cũng cấm; chỉ được phép
dùng tên Giao Chỉ thời ngàn năm đô hộ.
Thành phố Thăng Long [Hà Nội] do vua Lý Thái Tổ dời
đô và đặt tên vào năm 1010, lúc bấy giờ bị đổi tên là thành Giao Chỉ.
Lại đổi thêm mấy chục tên phủ, huyện; phần lớn những
tên này hàm nghĩa đề cao chủ quyền quốc gia. Như đổi phủ Quốc Oai thành Oai
Man; từ nghĩa oai quyền quốc gia, thành nghĩa ra oai với dân man di, v.v.
Thời Trần, Hồ đất nước ta chia thành lộ, trấn; lúc bấy
giờ đổi ra thành 15 phủ, các phủ gồm: Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam
Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Trấn Man, Lạng Sơn,
Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa. Mỗi phủ lại chia thành châu và huyện;
như phủ Thanh Hóa bị chia thành 3 châu: Thanh Hóa, Ái, Cửu Chân, và
19 huyện.
2. Đặt
các vệ, sở, ty tuần kiểm để cai trị và trấn áp
Về mặt quân sự nhà Minh bố quân khắp các phủ huyện để
sẵn sàng đánh dẹp các cuộc nỗi dậy, cứ tỉnh lớn đóng 1 vệ, tương đương với lữ
đoàn; tỉnh nhỏ đóng 1 sở, tương đương với trung đoàn. Ngoài ra khắp nước đặt
trên 100 ty tuần kiểm để kiểm soát dân chúng; cho đóng tại các nơi quan trọng để
kiểm tra sự đi lại, hàng hoá, lương thực. Dọc theo bờ biển, các cửa sông đều đặt
ty tuần kiểm; ví như tại 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay, cho đặt tại các
cửa sông Bạch Đằng, Cửa Cấm, Đồ Sơn, Văn Úc, Thái Bình, v.v.
3.
Dùng các tôn giáo học thuyết, để mê hoặc và kiểm soát dân chúng
Lập ty Tăng cang, Tăng đạo để thu hút tín đồ Phật
giáo; ty Đạo kỷ thu hút người tin Lão Tử, lập ty Nho học để lôi kéo người tin
Khổng Tử; ty Âm dương để lôi kéo người theo thuyết Âm dương...
4.
Khai mỏ khoáng
Nhà Minh lấy đất của dân lập đồn điền, bắt lính chia
phiên canh tác. Về khoáng sản khai thác đủ các loại; riêng về vàng lập cục khai
mỏ tại 7 trấn, văn bản trong Minh thực lụcchép như sau:
Ngày
19 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 6 [15/2/1408]
Lập cục khai mỏ vàng tại 7 trấn: Thái Nguyên, Gia
Hưng, Quảng Oai, Thiên Quan, Vọng Giang, Lâm An, Tân Ninh; đặt Đại sứ 2 viên,
Phó sứ 4 viên; lại tuyển Tri châu, Tri huyện 21 viên; mỗi trấn 3 viên Đề đốc Áp
biện; lại dùng 2 viên Tổng đốc tại phủ. Sai bộ Lễ đúc ấn ban cấp (Minh Thực
Lục q.11, tr. 1032; Thái Tông q. 75, tr. 2b)
Riêng về công trường muối được thiết lập khắp nơi,
nhưng tại cửa Đan Thai tức cửa Hội thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày
nay, tổ chức có vẻ qui mô hơn:
Ngày
14 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [23/10/1417]
Thiết lập tại phủ Nghệ An, Giao Chỉ kho Quảng Tích.
Tại cửa biển Đan Thai, huyện Nha Nghi [Nghi Xuân] lập ty Tuần kiểm; ty Đề cử muối,
gồm 5 kho muối: Bác Tế, Quảng Tế, Viễn Tế, An Tế, Diễn Tế; cùng 3 công trường
muối: Nam Giới, Chân Phúc, Thiên Đông (Minh thực lục q. 13, tr
2028; Thái Tông q. 192, tr. 4b).
Trong khi dân địa phương không có muối ăn, thì số lượng
muối sản xuất, đưa về Trung Quốc, hoặc chuyển sang Lão Qua để đổi lấy vàng.
5. Lập
thêm tuyến đường giao thông về Trung Quốc
Với của cải bóc lột vơ vét nhiều, con đường từ thành
Đông Đô [Hà Nội] lên biên giới phía Bắc, theo sông Tả Giang đến Nam Ninh, Quảng
Tây, vận chuyển không xuể. Tổng binh Trương Phụ bèn xin thiết lập tuyến giao
thông mới, đại để từ Quảng Tây đến châu Khâm, Trung Quốc, rồi qua lãnh thổ nước
ta. Khi vào lãnh hải, chạy dọc theo ven biển tỉnh Quảng Ninh, rồi vào sông Bạch
Đằng, rẽ qua sông Kinh Thầy; theo sông Đuống đến huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh,
cuối cùng đến thành Đông Đô [Hà Nội].
Nguyên văn về việc lập tuyến giao thông mới, ghi lại
trong Minh thực lục như sau:
NGÀY
19 THÁNG 5 NĂM VĨNH LẠC THỨ 14 [14/6/1416]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu
rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ
đến Thông Luân, Phí Đào theo ngã huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường
thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm. Đường cũ bắc Khâu Ôn [tỉnh Lạng Sơn] gần Thất Dịch;
nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.
……Rồi cho lập 2 trạm đường thủy tại Phòng Thành và
Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt,
Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập 2 trạm mã dịch tại Long Môn, An
Viễn huyện Linh Sơn, lập 2 sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc.
Tại huyện Đồng Yên [Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh], châu
Tĩnh An, Giao Chỉ, lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập
trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm
Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên
[huyệnTiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [huyện Yên Hưng, Quảng
Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều [Quảng Ninh]; lập trạm dịch đường thủy
cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch
đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh] (Minh thực lục q.13,
tr. 1927; Thái Tông q. 176, tr. 3a)
6.
Đàn áp dã man các phong trào chống đối
Không đi sâu chi tiết về bọn thuộc hạ, riêng viên tổng
chỉ huy quân Minh là Anh Quốc Công Trương Phụ đã gây những tội ác lớn.
Trong khi đàn áp cuộc nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại
xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều [Hải Phòng]; Trương Phụ ra lệnh
chém hơn 2000 người bị bắt, xây xác lên gọi là “kinh quan” tạo thành mồ tập thể,
nhắm răn đe dân chúng:
NGÀY 9 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 8 [12/2/1410]
…. Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã
Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc
thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều; bắt sống ngụy Giám Môn
Tướng quân Phạm Chi, ngụy Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, ngụy Trấn Phủ
sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên, bèn chém xây xác chôn thành mồ kinh quan để thị
chúng (僞 監 門 衞 將 軍 范 支, 僞 羽 林 衞 將 軍 陳 原 卿, 僞 鎮 撫 使 阮 人 柱 等 二 千 餘 人, 皆 斬 之 斂 其 屍 爲 京 觀 焉) (Minh thực lục q.
100, t .1303)
Lại kể thêm tội ác lớn của bọn Trương Phụ, trong cuộc
đánh phá tàn quân của vua Trùng Quang tại huyện Chính Hòa, phủ Tân Bình; địa điểm
tương đương với huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Trong cuộc giao
tranh, Nguyễn Cảnh Dị bị thương, quân Minh bắt được, bèn đem róc thịt cho đến
chết. Riêng anh em Đặng Dung bị bắt đem về Trung Quốc xử chém.
NGÀY 17 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 12 [7/2/1912]
…… Giặc chống không nổi, tên bắn liên tiếp
trúng, Cảnh Dị bị thương tại sườn, bắt được. Đặng Dung trốn, Phương Chính mang
quân truy lùng bắt cùng với em là Đặng Nhuệ; lại bắt hết bọn giặc Lê Thiềm, tịch
thu ấn ngụy của Cảnh Dị. Cảnh Dị bị thương nặng, bị róc thịt, mang thủ
cấp áp giải cùng anh em Đặng Dung đến kinh đô; tất cả đều bị xử chém để làm răn (景 異 傷 甚,剮 之, 函 首 及 鎔 兄 弟 送 京 師, 悉 斬 狥 ) (Minh thực lục q. 147, t. 1727-1728 )
*
Là một dân tộc quả cảm, dân Việt đã vùng lên với 64
cuộc nổi dậy, khởi đầu liên tiếp từ năm 1407 cho đến năm 1424. Tư liệu về 64 cuộc
nổi dậy, được Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường Giáo sư đại học Đài Loan lập biểu liệt
kê trong tác phẩm nghiên cứu chiến tranh Hoa-Việt dưới thời nhà Minh, nhan đề: Chinh
chiến dữ khí thủ: Minh đại Trung Việt [quan hệ] nghiên cứu (Đánh, bỏ
cuộc, hay giữ: nghiên cứu Trung Việt thời Minh). Sáu mươi tư cuộc khởi nghĩa là
bằng chứng hùng hồn nhất về nỗ lực “Thoát Trung” của dân tộc ta.
H.B.T.
Chú
thích:
1. Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu: trích từ
bài hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn.
2. Trịnh Vĩnh Thường, Chinh chiến dữ khí thủ:
Minh đại Trung Việt [quan hệ] nghiên cứu 征 戰 與 棄 守: 明 代 中 越 關係 研 究 , Đài Loan thị: Quốc lập Thành Công Đại học xuất bản, 1998.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:39
--------------------------
XEM THÊM :
Giáp
Văn Dương - November 3, 2011
.
Phạm Hồng Sơn - 12:01:am 17/08/11
.
BS Hồ Hải
-
Friday, June 28, 2013 - 50 comments
.
BS Hồ Hải
-
Monday, July 15, 2013 - 28
comments
.
BS Hồ Hải
-
Tuesday, July 16, 2013 - 67 commets
.
BS Hồ Hải
-
Wednesday, January 14, 2015
- 2 comments
No comments:
Post a Comment