24.05.2016
Cách đây 6 năm, vào năm 2010, trong các bài trả lời
phỏng vấn “TS
Cù Huy Hà Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng”
và “TS
Cù Huy Hà Vũ: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại” lần
lượt đăng trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tôi đã vạch trần tham vọng bành trướng
lãnh thổ bằng vũ lực của Trung quốc ở Đông Á nói chung, biển Đông nói riêng mà
Bắc Kinh đã hoạch định cho thế kỷ 21 và trên cơ sở đó tôi đã là người đầu tiên
công khai kêu gọi Mỹ quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương để cùng các nước
trong khu vực lập liên minh quân sự chống lại tham vọng đó của Trung Quốc. Vì vậy
về nguyên tắc, mọi sự xích lại gần nhau về quân sự giữa Việt Nam và Mỹ đối với
tôi là rất đáng hoan nghênh, đồng nghĩa với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với
Việt Nam - được áp đặt sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào
30/4/1975 - là cần thiết nhưng phải có điều kiện.
Trước hết cần khẳng định rằng mục tiêu chính của Mỹ
trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là dân chủ hóa Việt Nam
nên trong 21 năm quan hệ song phương đã có 20 cuộc đối thoại về nhân quyền ở Việt
Nam do Mỹ chủ động yêu cầu để khởi động tiến trình này. Cũng nhằm mục đích đó
mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000 và Tổng thống George W. Bush vào năm
2006 đã thăm Việt Nam và kêu gọi mở rộng dân chủ và nhân quyền tại quốc gia
này. Điều này có nghĩa nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục là nhân tố chi phối
chuyến thăm Việt Nam từ 23 đến 25/5 tới của Tổng thống Barack Obama.
Để nói, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn tùy thuộc
vào việc cải thiện nhân quyền từ phía nhà cầm quyền Việt Nam mà việc trả tự do
vô điều kiện cho những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị cầm
tù luôn được Mỹ coi là bằng chứng quan trọng nhất. Trên thực tế, dưới áp lực mạnh
mẽ từ người Việt Nam trong nước và ngoài nước và từ cộng đồng dân chủ thế giới,
đặc biệt là Mỹ, chính quyền Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 đã phải trả tự
do trước thời hạn một số tù nhân lương tâm nhiều chưa từng thấy là hơn chục người
trong đó có người viết bài này. Kết quả là ngày 3/10/2014 Washington đã quyết định
dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Thế nhưng việc chính quyền Việt Nam trả tự do cho một
số tù nhân lương tâm không thể hiện chính quyền này thực tâm cải thiện nhân quyền
như cách thức duy nhất để hội nhập với các giá trị tự do của nhân loại. Ngược lại
là đằng khác.
Thực vậy, mục tiêu cốt lõi của chính quyền Việt Nam
hiện nay là giữ cho được độc quyền cai trị đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam
để có thể phóng tay cướp bóc tài sản của người dân và của quốc gia. Do đó, để cứu
vãn bản thân khỏi sụp đổ bởi kinh tế quốc gia đến hồi phá sản do tham nhũng và
các cuộc nổi dậy tiềm tàng từ quảng đại nhân dân trước thảm họa mất nước vào
tay Trung Quốc, chính quyền Việt Nam buộc phải cầu viện Mỹ và các nước phương
Tây khác cả về kinh tế lẫn quân sự. Chính trong tình thế đó chính quyền Việt
Nam đã tìm thấy ở tù nhân lương tâm một món hàng có giá trị để đổi lấy sự cứu
giúp của các nước yêu chuộng dân chủ này, dẫn đến việc nhà tù Việt Nam biến
thành kho hàng chỉ đầy thêm chứ không vơi những người bất đồng chính kiến. Từ
đó nảy sinh nghịch lý là phương Tây càng đòi Hà Nội chấm dứt đàn áp nhân quyền
thì đàn áp nhân quyền lại càng tăng!
Thực tế cho thấy kể từ cam kết “tiếp tục ủng hộ việc
thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” mà Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng đã long trọng đưa ra trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa
kỳ công bố sau khi hội kiến với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc trong chuyến
thăm Mỹ của nhân vật này vào tháng 7 năm ngoái, số lượng những người thực hiện
các quyền con người cơ bản do chính Hiến pháp Việt Nam quy định bị bắt giam, bị
bỏ tù, bị ngăn chặn thực hiện các quyền này đã gia tăng đến chóng mặt.
Chỉ trong tuần cuối của tháng 3 vừa qua, đã có 7
công dân Việt Nam bị chính quyền Việt Nam kết án tù chỉ vì họ thực hiện các quyền
tự do ngôn luận và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam quy định tại Điều 25.
Đó là ông Nguyễn
Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm nổi tiếng, bị án năm năm tù và người cộng
sự của ông, Nguyễn Thị Minh Thúy, bị án 3 năm tù về “Tội lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” quy định tại điều 258 Bộ luật
hình sự; ông Đinh Tất Thắng, một nhà hoạt động chống tham nhũng bị án
hơn bảy tháng tù cũng theo tội danh này; ông Nguyễn Đình Ngọc, một blogger
khác với bút danh Nguyễn Ngọc Già bị án bốn năm tù; các bà Ngô Thị Minh
Ước, Nguyễn Thị Bé Hai và Nguyễn Thị Trí lần lượt bị bốn năm, ba năm và ba
năm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều
88 Bộ Luật hình sự. Ngoài ra, hàng chục người bất đồng chính kiến khác đã bị
chính quyền bắt giam nhưng chưa đưa ra xét xử trong đó có cựu trung tá quân đội
Trần Anh Kim, luật sư Nguyễn Văn Đài là những người trước đó đã bị tù về “Tội
hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự.
Điều 14 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Quyền con người,
quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần
thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức
xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nghĩa là một khi công dân được Hiến pháp, pháp
luật quy định thụ hưởng một quyền nào đó thì quyền này là bất khả xâm phạm,
không ai có thể tước bỏ nó trừ trường hợp quyền này bị hạn chế bởi quy định của
luật”. Thế nhưng toàn bộ gần 150 người
đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội thực hiện quyền tự ứng cử
vào Quốc Hội được Hiến pháp quy định tại Điều 27 đã bị chính quyền loại
bỏ khỏi danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội khóa 14 một cách độc
đoán bằng cái gọi là “hội nghị hiệp thương” được tổ chức bởi Mặt trận Tổ Quốc
do Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát cho dù họ không thuộc các trường hợp bị Luật
bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấm ứng cử vào cơ quan lập
pháp.
Quyền biểu tình cũng bị dẹp bỏ trắng trợn và hơn thế
nữa, một cách tàn bạo. Ngày mồng 8/5 vừa qua, chính quyền đã dùng vũ lực giải
tán hàng ngàn người biểu tình đòi bạch hóa nguyên nhân làm cá chết hàng loạt ở
các tỉnh miền Trung. Hàng trăm người biểu tình đã bị đánh đập dã man và bị bắt
giam. Bên cạnh đó, công an, luôn bằng vũ lực, ngăn cản tất cả những người có tiếng
đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội ra khỏi nhà họ để tham gia biểu
tình.
Vẫn theo Hiến pháp Việt Nam thì “mọi người không bị
tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm
phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20). Năm 2014 Việt
Nam cũng đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn. Thế nhưng số người
chết do bị công an tra tấn cả về tinh thần lẫn thể xác gia tăng đến chóng mặt.
Chỉ tính trong 6 tháng cuối năm 2015 đã có cả chục trường hợp người bị bắt tử
vong tại đồn công an trong khi họ hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt. Tra tấn
còn được chuyển ra ngoài đồn công an với hàng chục nhà đấu tranh cho dân chủ,
nhân quyền và tiến bộ xã hội như ông Nguyễn Chí Tuyến, cô Phạm Đoan Trang, luật
sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Trần Thu Nam, luật sư Lê Văn Luân... bị công an cả sắc
phục lẫn thường phục cùng du đãng do công an chỉ huy đánh đến đổ máu, gãy chân!
Trong bối cảnh nhân quyền bị chính quyền Việt Nam
đàn áp tàn bạo đến như vậy thì việc dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp cấm vận vũ khí đối
với Việt Nam rõ ràng là đi ngược lại chính lợi ích cốt lõi của Mỹ trong quan hệ
với Việt Nam là buộc chính quyền Việt Nam thực thi nhân quyền để dân chủ hóa chế
độ.
Mặc dầu vậy, cũng cần giải tỏa những lý do được đưa
ra để Tổng thống Obama dỡ bỏ hẳn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Bộ trưởng Quốc
phòng Ash Carter và Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng
viện, đều cho rằng một hành động như vậy sẽ tăng cường khả năng của Việt Nam chống
lại một Trung Quốc hiếu chiến ở biển Đông. Một bài báo của Trung tâm nghiên cứu
chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington kết luận rằng việc
Mỹ duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam quá lâu có thể hạn chế
phạm vi hợp tác an ninh song phương Mỹ - Việt Nam, khiến Việt Nam có thể rời xa
Mỹ.
Những lý do trên chỉ có thể đứng vững nếu chính quyền
Việt Nam đã sẵn sàng cho một cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Thế nhưng
đáng tiếc là không phải như vậy. Theo quan điểm của tôi, việc chính quyền Việt
Nam yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí là không thực chất hay nói thẳng
ra, chỉ là đòn tâm lý chiến, cốt làm Trung Quốc tin rằng một khi Mỹ đáp ứng thì
đó sẽ là bằng chứng Mỹ ủng hộ Việt Nam về quân sự trong trường hợp bị
Trung Quốc xâm lược trong tương lai. Tóm lại, chính quyền Việt Nam dùng Mỹ để
hù dọa Trung Quốc hòng làm nước này chùn bước trong kế hoạch đánh chiếm nốt phần
còn lại của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau khi đã đánh chiếm một phần quần
đảo này vào năm 1988 và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng của Việt Nam vào năm
1974, chứ không hề coi Mỹ là đối tác quân sự để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Có những sự việc sau đây chứng minh nhận định này của
tôi.
Thứ nhất, chính quyền Việt Nam khăng khăng theo đuổi
chính sách quốc phòng “Ba Không” (không tham gia các liên minh quân sự, không
là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ
quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
Thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi Nga ngày
16/5, tức ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, cốt để bảo đảm
với Nga rằng Việt Nam vẫn sẽ mua vũ khí của Nga chứ không mua vũ khí của Mỹ
cũng như sẽ không liên minh quân sự với Mỹ trong bối cảnh có khả năng Mỹ dỡ bỏ
hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhằm tránh đẩy cựu thủ lĩnh cộng sản
thế giới này ngả về phía Trung Quốc trong xung đột Trung – Việt ở biển Đông.
Cũng cần nói thêm rằng chính quyền Việt Nam là chính
quyền tham nhũng bậc nhất thế giới, luôn tìm cách trục lợi trong các thương vụ
với nước ngoài. Cụ thể là việc mua vũ khí của Nga chắc chắn sẽ được “lại quả”
hay nhận được những khoản hoa hồng lớn bất bình thường khi tính đến Nga là một
trong những quốc gia thiếu minh bạch nhất thế giới trong khi điều này là không
thể có nếu mua vũ khí của Mỹ. Điều này giải thích vì sao hơn 90% vũ khí mà
quân đội Việt Nam đang sử dụng đến từ Nga.
Thứ ba, Việt Nam đã không có đơn đặt hàng nào kể từ
khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí vào tháng 10 năm ngoái.
Đến đây có thể kết luận rằng việc chính quyền Việt
Nam yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận vũ khí không gì khác hơn là “câu giờ”, trì hoãn sự ủng
hộ của Mỹ đối với dân chủ hóa Việt Nam hòng kéo dài sự tồn tại của bản thân được
lúc nào hay lúc ấy.
Chiến lược “Tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”
của Tổng thống Obama nhằm ngăn chặn thành công tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng
vũ lực của Trung Quốc,, đặc biệt ở biển Đông chỉ có thể thành công nếu Mỹ có Việt
Nam là đồng minh quân sự và điều này chỉ có thể xảy ra một khi cách biệt về chế
độ chính trị giữa hai nước được xóa bỏ, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải có một
chế độ dân chủ - đa đảng.
Với nhãn quan như vậy, chắc chắn trong chuyến thăm Việt Nam Tổng thống Obama sẽ không tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí để đổi lấy thành tích nhân quyền tồi tệ của chính quyền cộng sản sở tại. Ngược lại, chuyến công du Việt Nam của người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2009 phải là một “Chuyến đi Nhân quyền” mà trọng tâm là thúc đẩy chính quyền Việt Nam loại bỏ mọi điều luật hình sự hóa quyền con người được chính Hiến pháp Việt Nam quy định, trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm cũng như đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền con người được chính Hiến pháp Việt Nam thừa nhận.
Với nhãn quan như vậy, chắc chắn trong chuyến thăm Việt Nam Tổng thống Obama sẽ không tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí để đổi lấy thành tích nhân quyền tồi tệ của chính quyền cộng sản sở tại. Ngược lại, chuyến công du Việt Nam của người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2009 phải là một “Chuyến đi Nhân quyền” mà trọng tâm là thúc đẩy chính quyền Việt Nam loại bỏ mọi điều luật hình sự hóa quyền con người được chính Hiến pháp Việt Nam quy định, trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm cũng như đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền con người được chính Hiến pháp Việt Nam thừa nhận.
Tài
liệu tham khảo
- TS Cù Huy Hà Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng, VOA, 9/4/2010.
- Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại, VOA, 26/7/2010.
- Chính quyền loại những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử khỏi danh sách ứng cử ĐBQH là vi hiến, VOA, 23/4/2016.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài
VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-----------------------
Monday, May 23, 2016
No comments:
Post a Comment