Tuesday, April 14, 2009

PHONG TRÀO 8406 KỶ NIỆM 3 NĂM THÀNH LẬP

VOA
Phong trào 8406 kỷ niệm 3 năm thành lập
13/04/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-04-13-voa17.cfm
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain mới đây đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thực thi cải cách chính trị và cải thiện nhân quyền. Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ này đã kêu gọi như thế trong lúc nói chuyện với các sinh viên của Học viện Ngoại giao ở Hà nội vào ngày 7 tháng 4 – một ngày trước dịp kỷ niệm 3 năm thành lập phong trào dân chủ 8406 ở Việt Nam. Các nhà tranh đấu dân chủ Việt Nam đã hoan nghênh phát biểu của ông McCain và cam kết tiếp tục tranh đấu bất chấp sự trấn áp của chính phủ ở Hà nội. Họ cũng tìm cách nối kết cuộc đấu tranh dân chủ với những nỗ lực chống lại điều mà họ cho những hành vi và mưu toan xâm lấn của Trung quốc. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Thượng nghị sĩ John McCain trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 7/4/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/images/ap-vietnam-john_mccain_210.jpg

Hôm thứ ba vừa qua, Thượng nghị sĩ John McCain của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam thực thi cải cách chính trị và cải thiện nhân quyền. Trong bài nói chuyện tại Học viện Ngoại giao ở Hà nội, ông McCain nói rằng Việt Nam nên có những thay đổi mà ông gọi là có tầm vóc lịch sử trong lãnh vực tự do chính trị - 'bao gồm việc nới rộng các quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho những người bị cầm tù vì bày tỏ chính kiến một cách hòa bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị'.

Bà Sophie Richardson, Phó Giám đốc Phân bộ Á châu của tổ chức Human Rights Watch đã hoan nghênh phát biểu của thượng nghị sĩ McCain tại Hà nội.
Bà Richardson nói: "Tôi mong là sẽ có thêm những thành viên quốc hội Mỹ tới thăm Việt Nam làm những việc mà thượng nghị sĩ McCain đã làm. Ông ấy là người từng mạnh mẽ ủng hộ cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tranh luận với nhau về vấn đề là việc cải thiện quan hệ có thực sự giúp cho nhân quyền ở Việt Nam được bảo vệ tốt hơn hay không. Tôi nghĩ rằng tình hình thực tế không phải là như vậy. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ông McCain có nói rõ rằng nhân quyền là một vấn đề quan trọng đối với Hoa kỳ và là một vấn đề ưu tiên trong mối quan hệ giữa Hoa kỳ với Việt Nam."
Bà Richardson cũng kêu gọi Hà nội trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, và luật sư Lê Thị Công Nhân của khối 8406.

Bà Sophie Richardson, Phó Giám đốc Phân bộ Á châu của tổ chức Human Rights Watch
http://www.voanews.com/vietnamese/images/voa_richardson_210.jpg

Bà Richardson nói thêm: "Sự kiện các nhân vật lãnh đạo của phong trào này - như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, và luật sư Lê Thị Công Nhân, tới nay vẫn còn bị giam cầm cho mọi người thấy rõ mức độ trấn áp của chính phủ nhằm bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng. Tôi nghĩ rằng điều này càng nổi bật hơn vào thời điểm này vì Việt Nam đang chuẩn bị ra trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng 5 ở Geneve trong khuôn khổ của cuộc Thẩm nghị Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review). Tôi tin là khi đó chính phủ Việt Nam sẽ đứng lên nói rằng Việt Nam là nước cai trị theo luật pháp và không có ai bị bắt vì lý do chính trị. Họ chỉ bị cầm tù vì vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ có cơ hội để nói về một số luật lệ rất đỗi mơ hồ ở Việt Nam mà chính phủ đang dùng để đàn áp những người chỉ trích chứ không phải để bảo vệ trật tự công cộng hay an ninh quốc gia."

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người từng bị giới hữu trách Việt Nam tuyên án 20 năm tù vì đã thành lập Cao trào Nhân bản để tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với tuyên bố của thượng nghị sĩ McCain. Từ Chợ Lớn, nơi ông đang bị giam lỏng, Bác sĩ Quế cũng đã có nhận định như sau về phong trào dân chủ 8406.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: “Ngày này ba năm về trước Khối 8406 đã xuất hiện một cách ngoạn mục. Lúc đầu chỉ có 118 người ký tên. Sau đó số người tham gia trong và ngoài nước tăng rất nhanh. Chủ quyền Hà nội đã vì lo sợ mà thẳng tay đàn áp, nhất là trong năm 2008. Một số anh em đi tù như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân…Những anh em còn ở ngoài, như kỹ sư Đỗ Nam Hải, cựu chiến binh Trần Anh Kim, linh mục Phan Văn Lợi, vân vân … đã bị sách nhiễu triền miên. Nhưng các anh em vẫn kiên trì hoạt động và phong trào vẫn tiềm tàng phát triển. Sở dĩ được như vậy, theo ý chúng tôi, chính sách đổi mới của Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại. Lạm phát cao, vật giá leo thang, thất nghiệp tăng, tăng trưởng xuống thấp… Lòng dân đang vô cùng khao khát một sự thay đổi lớn lao theo hướng dân chủ và Khối 8406 đã đáp ứng đúng nguyện vọng và quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế dù cho công an có đàn áp cho đến đâu chăng nữa Khối 8406 sẽ tiếp tục mạnh bước cùng với dân tộc. Đó là một điều chắc chắn.”

Trong lúc tham gia Khối 8406 hoặc hoạt động song song với phong trào này để đòi dân chủ cho Việt Nam, nhiều nhà hoạt động tích cực hồi gần đây đã tìm cách nối kết cuộc tranh đấu cho tự do chính trị với những nỗ lực chống lại điều mà họ gọi là những hành vi hoặc mưu toan của Trung quốc nhằm xâm lấn Việt Nam – được nêu bật qua vụ tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và dự án khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên.
Theo bản tin hôm mồng 2 tháng tư của hãng thông tấn Pháp, Hòa thượng Thích Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm cho phép công nhân Trung quốc đến khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vị tu sĩ nhiều lần được đề cử lãnh giải Nobel Hòa bình này cũng kêu gọi dân chúng chuẩn bị tiến hành 'một tháng biểu tình tại gia và bất tuân dân sự' trong tháng 5 tới đây để đòi dân chủ và bảo vệ quyền lợi dân tộc.

Trong khi đó, một trong những người xướng xuất phong trào 8406, linh mục Phan Văn Lợi, cũng có một nỗ lực tương tự. Trong lá thư được đọc hôm 20 tháng 3 tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Ủy ban Yểm trợ Khối 8406 Montreal (Canada), vị linh mục đang sống ở Huế này nói rằng 'cuộc đấu tranh giữa các nhà dân chủ đối kháng và đồng bào khao khát tự do nhân quyền với ác đảng độc tài Cộng Sản ngày càng khốc liệt. Khốc liệt chẳng những vì ác đảng này đang áp bức bóc lột nhân dân, mà còn vì chúng câu kết và đồng lõa với ngoại bang, nhất là với lân bang Trung Cộng, để gây tổn hại cho an ninh đất nước và sự tồn vong của giống nòi'.
Khi được hỏi về phát biểu này của linh mục Phan Văn Lợi, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tranh đấu dân chủ đang sống lưu vong ở Mỹ, đã cho biết ý kiến như sau.

Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, nhà tranh đấu dân chủ đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ
http://www.voanews.com/vietnamese/images/doan_viet_hoat_210.jpg

Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt: Chúng tôi thấy nếu nói chữ khốc liệt ở đây thì nó có nghĩa là đây là quyền lợi của cả dân tộc chứ không riêng là vấn đề dân chủ hoá chế độ. Vấn đề dân tộc là vấn đề mà cá nhân chúng tôi cũng như nhiều người khác đã nêu ra từ nhiều năm nay. Chúng ta phải gắn liền cuộc vận động vào cuộc vận động phục hưng dân tộc. Bởi vì dân tộc chúng ta đang đứng trước một thời kỳ mới. Hiểm họa của Trung quốc là một hiểm họa có tính chất lịch sử mà cũng có tính chất thời đại. Bởi vì Trung quốc càng ngày càng phát triển mạnh, trở thành một nước hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, và đó là một mối đe dọa. Đặc biệt là đối với Việt Nam, ở Biển Đông – nơi mà chúng ta có những quyền lợi về địa lý mà cả tài nguyên nữa. Chúng tôi nghĩ rằng chữ khốc liệt ở đây phải hiểu theo nghĩa đây là quyền lợi của cả dân tộc và vì vậy nó rất quan trọng. Bởi vì sang năm, năm 2010, là một năm quan trọng. Đó là năm 1000 năm lịch sử của Thăng Long, thủ đô đầu tiên độc lập của chúng ta sau 1000 năm Bắc Thuộc. Do đó kỷ niệm 1000 năm vào năm tới phải trở thành kỷ niệm cho toàn dân tộc chứ không phải chỉ riêng cho chế độ Cộng Sản hay Đảng Cộng Sản. Vì vậy, để có thể tạo được một sức mạnh dân tộc như vậy thì cần có sự thúc đẩy cho dân chủ hoá, cho tự do của toàn dân như những lời kêu gọi mà chúng ta đã nghe thấy. Tôi nghĩ rằng cuộc vận động sang giai đoạn này nó gắn liền dân chủ và dân tộc theo cái nghĩa như vậy. Và nó khốc liệt với ý nghĩa là nếu không thì dân tộc chúng ta sẽ mất tất cả những quyền lợi mà cha ông đã để lại, cả về đất đai cũng như vị thế quốc tế của chúng ta.

Thưa quí vị, phần phát biểu vừa rồi của giáo sư Đoàn Viết Hoạt về công cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đã chấm dứt tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này. Duy Ái xin kính chào quí vị và xin hẹn gặp lại trong tiết mục tuần sau.

No comments: