Thursday, April 30, 2009

PHẢI CHĂNG ĐÃ ĐẾN HỒI BĨ CỰC ?

Phải chăng đã đến hồi bĩ cực?
Trần Lâm
Đăng ngày 30/04/2009 lúc 03:07:49 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3727
19/8/45 Cách mạng tháng 8 bùng nổ, người người lớp lớp hô vang: “Thà chết không chịu làm nô lệ!”
Đến nay, sau gần 70 năm, sự nhún nhường đến mức quỵ luỵ của lãnh đạo nước ta trước Trung Quốc; Trung Quốc mạnh lên một cách bất ngờ; các sự kiện: Biển Đông, khai thác bô xit ở Tây Nguyên, sự hiện diện của người Trung Quốc ở ngã ba Đông Dương làm nhiều người bàng hoàng như thấy nguy cơ mất nước đã cận kề.
Thế là khẩu hiệu giải phóng dân tộc như một lúc làm lu mờ mục tiêu dân chủ và phát triển. “Lịch sử cho nhiều bài học mà người đương thời bỏ qua”. Những người lái con thuyền quốc gia là người trực tiếp thúc đẩy tiến trình lịch sử, đúng là người đầu tiên “không thuộc bài”

Lịch sử như “Cài số lùi”

Sau 30/4/1975, kể cả những người bất đồng chinh kiến ở Miền Nam cũng hồ hởi đón nhận sự lãnh đạo của Đảng, đất nước như nở hoa, như thăng tiến trên con đường phát triển. Thế mà, sau bao nhiêu năm hy sinh, ước vọng là hoàn toàn chính đáng, khả năng là hoàn toàn rõ ràng, thế mà lịch sử như đùa cợt với dân tộc ta.
Khoa học thông tin phát triển, mọi sự che giấu đều dần hé lộ: Từ sau kháng chiến Chống Pháp đến gần đây, ta bị các nước lớn chi phối và lợi dụng. Ta non kém và cả tin. Ta lại du nhập và thực hiện học thuyết sai lầm: Vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, lãnh đạo tập thể; lại có luật đất đai là sở hữu của toàn dân, kinh tế quốc doanh là chủ lực. Nạn tham nhũng tràn lan. Tất cả như nhấn chìm chúng ta xuống bùn đen không ngóc đầu lên được.
Một nền ngoại giao mạnh là có hậu thuẫn của toàn dân, có các nhà ngoại giao kiên cường và thông minh. Ngoại giao bằng sự quỵ luỵ là tự đánh mất mình. Ngoại giao bằng cách đu dây giữa các nước lớn, họ đi đêm với nhau, họ loại ta ra rìa, họ cắn xé ta.

Một dân tộc đi lên, từ cổ chí kim đều gắn liền với vai trò của một cá nhân kiệt xuất. Ai là thần tượng, ai là người sáng suốt nhất có thể thúc đẩy được toàn dân trong lúc này ?

Tình hình ngày hôm nay, ta suy thoái mọi mặt, ta thiếu tự chủ, phải chăng ta thiếu tất cả các điều kiện để tồn tại và phát triển?

Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển quy định ngày 13/5/2009 là ngày khoá sổ để các nước tuyên bố chủ quyền trên biển, Trung Quốc đã làm việc này từ nhiều năm. Đối với ta, chỉ còn vài ngày là hết hạn. Thật là một ngày định mệnh: Ta tuyên bố thì sự tức giận của Trung Quốc sẽ lên đến tột đỉnh, không biết sẽ xảy ra sự việc gì, và sự việc đi đến đâu. Ta im lặng thì tức là ta thừa nhận Biển Đông là của Trung Quốc. Thế là Biển Đông của chúng ta chỉ còn là một cái lạch nước chạy từ Bắc chí Nam. Nhân dân sẽ âm ỉ chống lại những người cầm quyền, rồi bột phát chống đối, phá phách... Sự hỗn loạn tất xảy ra.
Trung Quốc chuẩn bị nhiều năm nay: Thành lập khu hành chính Tam Sa, thành lập căn cứ hải quân, xây dựng lực lượng hải quân to lớn, tiến hành một quốc sách bành trướng như là chỉ tiến không lùi. Giới cầm quyền nước ta nếu im lặng và chịu trận thì đúng là chấp nhận một hành vi bán nước mà quy mô tính chất chưa hề có trong lịch sử.

Kết cục, tuyên bố chủ quyền thì không biết sự việc xảy ra như thế nào nhưng khả năng tuy ít nhưng Đảng vẫn còn tồn tại, đất nước còn giữ vững. Im lặng là mất Đảng, mất nước.
Tuyên bố chủ quyền toàn vẹn Biển Đông thì Đảng vẫn còn, dân sẽ một lòng ứng phó với sự tức giận của Trung Quốc, gian khổ hy sinh nhưng sự tồn tại là không gì lay chuyển.
Hãy có một sự lựa chọn đau đớn để có một tương lai lâu dài.

*

Từ nhiều năm nay, nhiều người đều đinh ninh toàn trị sẽ bị thay đổi thành đa nguyên đa đảng. Có người gọi chế độ hiện hành là ”Cộng sản tàn dư ”.

Thay đổi là tất yếu, trước đây thì cho là còn xa, đến nay thì thấy đã đến gần, bởi lẽ các biến cố trong quan hệ Việt Trung, sự sa sút nhanh chóng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hỗ trợ quốc tế bị giảm sút, đe doạ sự tồn tại của Việt Nam.

Cũng từ nhiều năm nay, có người đưa ra một kết luận dựa trên thực tiễn nhiều hơn là một phân tích khoa học: Đảng là toàn trị, người dân âm thầm đấu tranh, cuối cùng “Dân thắng Đảng thua”. Đó là “Khoán hộ” của ông Kim Ngọc, đó là việc chống ngăn sông cấm chợ, đòi tự do sản xuất kinh doanh, đó là tiền đề của cái gọi là “Đổi mới”. Ngày hôm nay có người phụ họa: Dồn điền đổi thửa đang rầm rộ, tập trung ruộng đất đang tiến hành, một thời gian nữa còn đâu là “tứ cận” thì “luật đất đai là sở hữu của toàn dân” lại do Nhà nước quản lý, nguồn gốc của tham nhũng, sẽ thành mảnh giấy lộn. Nhiều người nông dân góp tiền tự mua máy móc nông nghiệp, tự tổ chức lưu thông sản phẩm, có huyện năng động đã hỗ trợ nông dân Tổ chức sản xuất lớn, tổ chức được kinh doanh như là một lời chế giễu những cái: Đánh bắt xa bờ, hỗ trợ chăn nuôi bò sữa, kinh tế quốc doanh. Ông Thuế là người tiến bộ nhất, ông chăng băng biển khắp nước: “Thuế là tiền của dân đóng, là tiền để nuôi bộ máy Nhà nước, để Nhà nước phục vụ cho dân”. Thế là ông đã kêu gào thay bực đổi ngôi, từ quan là cha mẹ dân thành quan là đầy tớ của dân.

Việc xảy ra trươc mắt: Đưa Trung Quốc vào khai thác Bô xit ở Tây Nguyên, các nhà khoa học, các vị lão thành cùng nhân dân đã có cuộc ra quân ngoạn mục, đã bước đầu ngăn chặn chủ trương lớn nguy hại đến vận mệnh dân tộc. Đây là cuộc cọ sát gay gắt chưa từng có giữa lòng dân và ý đảng. Trong cuộc đấu tranh giữa Đảng và dân, dân thắng Đảng thua. Dân chủ với những bước đi “rón rén” thế mà vững chãi, đúng hướng, chỉ tiến không lùi, chậm mà chắc... Dân làm chủ coi như một kết cục không gì cản được.

Thế mà hầu như chưa ai đề cập sự chuyển biến sẽ diễn ra như thế nào, Đảng “tự vỡ”, vỡ như thế nào là điều chưa ai đề cập tới.
Chọn lựa chỉ được tiến hành khi có nhiều cái để mà chọn lựa. Nếu đói dài, hết tiền, hết gạo thì củ khoai hà cũng là một bữa tiệc.
Ở ta hiện nay chưa thể hình dung nước nào có thể xâm chiếm Việt Nam để có một người anh hùng đuổi được giặc ngoại xâm rồi đứng lên làm vua. Phong trào dân chủ hiện nay thì nhỏ bé và yếu ớt không thể làm được khuynh đảo quốc gia. Đảng cộng sản thì thiếu những ngời cầm đầu tài giỏi, không có ngọn cờ thì không tự điều chỉnh được.
Nếu ta công khai lên tiếng đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ tức giận, sẽ gây sự, lãnh đạo của ta rồi cũng đến “ bỏ của chạy lấy người”. Thế là đất nước lâm nguy, trống quyền lực và hỗn lọạn.

Như thế chỉ còn một con đường là tách đảng cộng sản thành hai đảng, tạo điều kiện cho một đảng tiến bộ tiếp cận được với dân chủ, có đủ sức mạnh khống chế bộ phận đang tiếp tay cho ngoại bang.
Chúng ta hãy đi sâu vào điều này.

Tách ra hai đảng thực chất là thế nào?

Trên cơ sở tình hình thực tiễn, để tiến lên, sau khi rà soát các hình thức chỉ còn đọng lại là tách đảng cộng sản ra làm hai. Làm như thế thì có thể bề ngoài giữ được ổn định, bề trong thì âm thầm cải tiến, có thể gạt bỏ dần những quan điểm sai lầm, những lề lối lạc hậu và có thể phá tan được mối quan hệ nhân sự đồi bại của các liên minh ma quỷ.
Cho nên cần phải có những biện pháp phù hợp, vì một ý tưởng dù tốt đến mấy nhưng việc thực thi không đầy đủ cũng không thể có kết quả.

Tách ra không phải bày ra quân xanh quân đỏ, ngày thì tranh cãi, tối thì bàn nhau chia chác.
Tách ra không phải giữ nguyên những con người ăn bám, gánh nặng của toàn dân.
Tách ra chưa phải mọi sự sẽ xuôn sẻ chỉ tạo ra một đột phá chấm dứt độc đoán toàn trị, tiếp cận dần với dân chủ, công khai.
Từ tình hình này tạo ra sự sàng lọc, vai trò cá nhân đợc đề cao nhân tài được xuất hiện. Một nền dân chủ phôi thai để dần dần đợc hoàn thiện.
Tách ra là một biện pháp một chủ trơng táo bạo nhưng giữ đợc ổn định xã hội. Luật pháp giữ nguyên, bộ máy giữ nguyên, mọi hoạt động vẫn bình thường, sự thay đổi sẽ từ từ theo một chiến lược rõ ràng từ toàn trị sang đa nguyên đa đảng là một sự tiệm tiến lấy nâng cao dân trí làm gốc .

Lề lối và biện pháp cụ thể trong việc tách đảng

Trong tình hình thực tiễn không thể có sự thống nhất thực sự trong bộ phận lãnh đạo của Đảng. Bao giờ cũng có hai quan điểm, hai lề lối, bình thường có thể nhân nhượng có thể thoả hiệp, nhưng những trưòng hợp khẩn trơng một mất một còn, tất yếu xảy ra khác biệt, mâu thuẫn, tranh chấp, lọai bỏ nhau.
Vì thế cho nên lúc này là lúc có thể tách Đảng ra làm hai.
Việc đầu tiên là phải tổ chức kết nạp lại đảng viên. Lúc này những người cơ hội sẽ rời Đảng, những ngời có tâm huyết có tài năng có vị trí để cống hiến. Những người ngoài đảng có tài có trí sẽ có dịp phục vụ đất nước.
Không nên quá bận tâm về các bản tuyên ngôn, điều lệ, lời hiệu triệu; cốt lõi là làm sao chọn được người tốt, cái tốt là vì dân vì đất nước.
Hai đảng đều mở rộng kết nạp đảng viên để tiếp nhận những tinh hoa mới.
Chia làm hai đảng suy cho cùng cũng chỉ là một biện pháp tình thế, trước mắt để phá vỡ tình hình lỗi thời, chứa đựng nhiều nguy hiểm, hòng thoát hồi bĩ cực, để tạo ra một tình hình mới có thể chống được những khó khăn trong và ngoài, tạo ra một lối thoát đặng tiến tới một tiền đồ thái lai.

22/4/2009
Trần Lâm
© Thông Luận 2009

No comments: