Saturday, April 25, 2009

BỔ SUNG BÀI "HUYỀN THOẠI VỀ TRỊNH CÔNG SƠN ..."

Huyền thoại về Trịnh Công Sơn như một nhạc sĩ có tấm lòng đầy ắp tình người [phần bổ sung]
Nguyễn Tôn Hiệt
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=68476A9E5038045A20A0515A4E123421?action=viewArtwork&artworkId=8567

Để bổ sung cho bài
“Huyền thoại về Trịnh Công Sơn như một nhạc sĩ có tấm lòng đầy ắp tình người”, tôi xin trích lại đây một vài câu chuyện có thật về Trịnh Công Sơn do chính ông ta và những người thân thiết, ngưỡng mộ ông ta, kể lại.

1. Về hai bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Theo lời tường thuật của Nguyễn Quang Sáng* (bạn thân của Trịnh Công Sơn sau 1975), thì Trịnh Công Sơn đã viết hai bài hát này để phục vụ cho ý muốn của ông Võ Văn Kiệt, trong thời gian ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bài “Anh Sáu Dân với Trịnh Công Sơn”, in trong cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ (nhà xuất bản Trẻ, 2004, trang 173-175), Nguyễn Quang Sáng viết:
Có một lần anh Sáu tâm sự với Sơn “Anh em trí thức ở thành phố mình bỏ đi nhiều quá. Mỗi người mỗi cương vị, làm sao giữ anh em lại, cùng xây dựng đất nước”. Sau đó Trịnh Công Sơn viết ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”. Lần thứ hai, anh Sáu nói với Sơn “Trong lúc khó khăn này, làm sao mọi người đều có niềm tin, niềm vui, vượt lên khó khăn để xây dựng Thành phố...” Sau đó, Trịnh Công Sơn cho ra bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Bài viết của Nguyễn Quang Sáng còn cho thấy rằng, sau này, khi ông Võ Văn Kiệt càng ngày càng giữ những chức vụ quan trọng hơn, thì Trịnh Công Sơn luôn bám sát theo ông Võ Văn Kiệt mỗi khi có cơ hội:
Sau này anh Sáu về Trung Ương, ở cương vị Phó Thủ Tướng, Thủ Tướng, Cố Vấn BCH Trung Ương Đảng, dù ở cương vị nào, mỗi lần về SàiGòn, ngoài công việc, anh hay gặp gỡ lại bạn bè. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, thường có Trịnh Công Sơn. Những cuộc gặp ấy bao giờ Trịnh Công Sơn cũng ngồi gần anh Sáu, như không thể cách xa nhau.

2. Về bài hát “Em ở nông trường em ra biên giới”

Trong cuốn Trịnh Công Sơn, có một thời như thế của Nguyễn Đắc Xuân (nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003), ở trang 186-188, có in lại bài tuỳ bút ngắn của Trịnh Công Sơn dưới nhan đề “Thuở ấy Nhị Xuân, em ở nông trường, em ra biên giới” (bài tuỳ bút ngắn này đã được đăng trên báo Nhân Dân ngày 27/9/1999).
Trong bài tuỳ bút ngắn này, Trịnh Công Sơn kể rằng ông ta đã cùng Phạm Trọng Cầu và Trần Long Ẩn xuống nông trường Nhị Xuân để làm công tác văn nghệ cổ động cho Thanh niên Xung phong ở đó. Sau một đêm sinh hoạt văn nghệ, các ông nhạc sĩ đã được thưởng thức những bát cháo gà do một cô gái Thanh niên Xung phong bưng lên mời. [Ai đã từng bị bắt đi Thanh niên Xung phong thời ấy đều biết rằng cháo gà là một món ăn vô cùng đặc biệt, không dễ gì được thưởng thức.]
Sau khi ăn cháo gà xong là đã một giờ khuya, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu và Trần Long Ẩn lên xe giã từ nông trường Nhị Xuân. Và:
Quá giờ giới nghiêm, xe dừng lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái Thanh niên Xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam.
Được tin hai mươi cô gái Thanh niên Xung phong đều chết ở biên giới Tây Nam, Trịnh Công Sơn viết bài “Em ở nông trường em ra biên giới” (1981) với lời hát mượt mà và âm điệu reo vui, và bài hát này đã trở thành một bài hát cổ động cho hàng ngàn nam nữ Thanh niên Xung phong khác tiếp tục hăng hái rời nông trường để ra biên giới. Như mọi người đều biết, bốn năm sau đó, năm 1985, Trịnh Công Sơn đem bài hát “Em ở nông trường, em ra biên giới” đi dự cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh”. Và ông ta đã được Đảng và Nhà nước trao Giải Nhất.
Mười bốn năm sau, năm 1999, Trịnh Công Sơn viết bài tuỳ bút ngắn “Thuở ấy Nhị Xuân, em ở nông trường, em ra biên giới” để kể lại câu chuyện đã làm sinh ra bài hát “Em ở nông trường em ra biên giới”. Và câu cuối cùng của bài tuỳ bút này là một câu văn rất khéo:
Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đưa xuôi chèo thuận lái.
Có lẽ câu này được viết trong giây phút thành thật nhất của Trịnh Công Sơn.

Trong bài hát “Em ở nông trường em ra biên giới”, ông ta đã mô tả cái chết của hai mươi cô gái Thanh niên Xung phong bằng “những dòng chữ óng mượt”:

Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ, quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi hồng.

Xa nông trường ra biên giới
Có đôi khi đi không trở lại
Nhưng trong lòng nghe tiếng nói
Những gian nan sẽ đo lòng người.

Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời
Bàn tay làm nên những mùa vui
Từ trên đất này, những con người mới
Mọc lên, tựa tia nắng giữa chân trời

Qua bao mùa em đã lớn
Để cho em trái tim nồng nàn
Yêu con người nên lo lắng
Muốn nghiêng vai gánh thêm nhọc nhằn.

Khi qua rừng, khi qua suối
Thấy vui theo bước chân đồng đội
Trong những ngày gian nguy ấy
Biết bao nhiêu những câu chuyện đời.

Cái chết bi thảm của hai mươi cô gái Thanh niên Xung phong biến thành “những dòng chữ óng mượt”. Rồi “những dòng chữ óng mượt” ấy đã được Trịnh Công Sơn đem vào bài hát bằng “những sắp xếp tinh khôn”, có cả cái ý tưởng ca ngợi hình ảnh “con người mới xã hội chủ nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV. Và, với “những cân nhắc đong đưa xuôi chèo thuận lái”, ông ta đã sử dụng bài hát ấy để đáp ứng chiến dịch xua Thanh niên Xung phong ra biên giới một cách tài tình, giúp cho chiến dịch ấy đạt hiệu quả mà Đảng và Nhà nước mong muốn; và nhờ đó, ông ta đã được Đảng và Nhà nước trọng thưởng xứng đáng!

----------------------------

Chú thích:


· Theo
vi.wikipedia.org, Nguyễn Quang Sáng (bút danh Nguyễn Sáng) là một nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Ông là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

--------------

Bài liên hệ:

25.04.2009
Góp ý với Nguyễn Tôn Hiệt - Nguyễn Austin
[ÂM NHẠC] ... Tôi đọc đi đọc lại bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” của TCS nhiều lần để cố gắng hiểu được những điều mà Nguyễn Tôn Hiệt cũng như nhiều người khác đã phê phán; nào là: “Bài hát của ông đưa ra những hình ảnh hoàn toàn dối trá. Những hình ảnh lãng mạn thơ mộng đó là những hình ảnh của Sài Gòn trước 1975, chứ hoàn toàn không phải là của thành phố Hồ Chí Minh sau 1975”...
(...)

24.04.2009
Về một tấm ảnh bị bóp nặn “lịch sử” - Thận Nhiên
[VĂN HOÁ] ... Không, Nguyễn Đắc Xuân không ngây ngô chút nào khi lập luận một cách khiên cưỡng như vậy. Đúng ra, ông ta rất ác. Không chỉ ác mà còn thiếu lương thiện. Thiếu lương thiện vì xuyên tạc nội dung tấm ảnh một cách gán ghép và không trung thực...
(...)

20.04.2009
Huyền thoại về Trịnh Công Sơn như một nhạc sĩ có tấm lòng đầy ắp tình người - Nguyễn Tôn Hiệt
[ÂM NHẠC] ... Bài hát “Em ở nông trường, em ra biên giới” của Trịnh Công Sơn, Giải Nhất cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh”, chính là đỉnh cao của nền văn nghệ tuyên truyền trước khi chính sách “đổi mới” ra đời. Từ năm 1986 trở đi, Trịnh Công Sơn bắt đầu được phép quay trở lại với cái mùi lãng đãng trước 1975, và ông ta có 15 năm còn lại để tô điểm cho cái hình ảnh một nhạc sĩ với tấm lòng đầy ắp tình người...
(...)

No comments: