Wednesday, April 29, 2009

VIỆT NAM CỘNG HOÀ 10 NGÀY CUỐI CÙNG

VIỆT NAM CỘNG HÒA 10 NGÀY CUỐI CÙNG
Trần Đông Phong


trích từ trang 027 đến trang 036

***


Từ Mạc Tư Khoa:
Gia Tăng Viện Trợ Gấp 4 lần


Trong khi hai đại diện của Trung Ương Cục Miên Nam đang vận động cho kế hoạch tấn công tỉnh Phước Long trong tháng 12 năm 1974 thì ngày 18 tháng, phiên họp khoáng đại kỳ thứ 23 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam đã khai mạc để thảo luận về các kế hoạch quân sự tại miến Nam trong năm 1975. Một nhân vật ngoại quốc bất ngờ xuất hiện trong phiên họp khoáng đại nầy, đó là Đại Tướng Victro Kulikove, Thứ Trưởng Bộ quốc Phòng kiêm Tư Lịnh Hồng Quân Liên Bang Xô Viết mới từ Mạc Tư Khoa đến Hà Nội.
Như đã nói ở trên, Vào giữ năm 1974, sau khi lên làm ngoại trưởng, ông Kissinger đã thực hiện lời hứa hẹn với Liên Xô hồi năm 1972, đã vận động với Quốc Hội Mỹ cho Liên Xô được hưởng “tối huệ quốc” (mosr-favored nation) và dự luật nầy đa được Hạ Viện thông qua. Nhưng khi bản dự luật nầy được đưa lên Thượng Viện vào mùa Thu năm 1974 thì Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson thuộc đảng Dân Chủ tiểu bang Washington, một nghị sĩ thuộc phe “diều hâu” tức là phe ủng hộ VNCH, nhưhg ông nầy lại không ưa tiến sĩ Henry Kissinger, ông là một trong những nghị sĩ đang hy vọng ra ứng cử tổng thống vào năm 1976 cho nên vì muốn chiếm được cảm tình của cử tri cũng như khối tài phiệt Do Thái, đã kèm vào dự luật nầy một tu chính án (amendment) liên kết việc thông qua dự luật với điều kiện Liên Xô phải có một chính sách cởi mở hơn trong việc cho phép công dân Liên Xô gốc Do Thái được di dân sang Tây Phương và cứu xét vấn đề nầy một cách dễ dãi hơn. Dự luật nầy về sau được gọi là “tu chính an Vanix-Jackson” và trong thập niên 1990, chính cộng đồng người Việt hải ngoại đã vận động quốc hội Mỹ áp để dụng chính án nầy nhằm chống đối việc bãi bỏ cấm vận cũng như là ký kết thương ướ`c giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam.
Cũng trong thời gian đó, nhiều nghị sĩ khác đã kèm theo nhiều tu chính khác vào bản Hiệp Ước Thương Mại 1974 (the Trade Act of 1974) với Liên Bang Xô Viết nhằm giới hạn việc cho Liên Xô vay nhiều món nợ khác nếu không dành sự dễ dãi cho người Nga gốc Do Thái trong việc di dân sang nước Do Thái. Mạc Tư Khoa kịch liệt phản đối và Ngoại Trưởng Kissinger đã nhiều lần cảnh cáo rằng nếu quốc hội thêm vào những tu chính như vậy thì sẽ bị Liên Xô xem là can thiệp vào nội tình của quốc gia họ và sẽ gây ra không có lợi cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên cho đến tháng 12 năm 1974 thì quốc hội cũng không nhượng bộ những sự vận động từ phía hành pháp và dự luật về thương mại có kèm theo nhiều tu chính bất lợi cho Liên Xô đã được đa số trong cả Hạ lẫn Thượng nghị viện thông qua.
Sự can thiệp của quốc hội vào việc thi hành chính sách đối ngoại đã trở thành một trong những mối quan ngại của Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford vì ông Ford biết rằng những sự hạn chế của quốc hội sẽ làm cho Liên Xô bất bình và vì thế có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực trong các lãnh vực khác.
Trong bản Thông Điệp Về Tình Trạng Liên Bang (State of the Union) đọc được trước quốc hội vào tháng Giêng năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford đã có đề cập đến những trở ngại và khó khăn trong lãnh vực đối ngoại do những biện pháp của quốc hội gây ra: “Chúng ta đang gặp phải những khó khăn vô cùng nghiêm trọng mà muốn giải quyết thì cần phải có sự cộng tác giữa tổng thống và quốc hội. Theo Hiến Pháp và cũng theo truyền thống chính trị của Hoa Kỳ thì việc thi hành các chính sách và đường lối về đối ngoại là trách nhiệm của tổng thống.
Nếu muốn cho chính sách đối ngoại được thành công, chúng ta không nên dùng những đạo luật để giới hạn một cách quá cứng rắn những khả năng mà tổng thống có thể hành động. Việc theo đuổi những sự thương thuyết sẽ không thích hợp nếu có những sự hạn chế như vậy. Những giới hạn bởi các luật tu chính dù rằng được nhắm vào những mục đích và mục tiêu tốt đẹp nhất cũng có thể đi đến những hậu quả rất xấu như trong trường hợp mà chúng ta được chứng kiến gần đây trong lãnh vực giao thương với Liên Bang Xô viết” (ghi chú: President Gerald R. Ford: Address before a Joint Sesion of Congress on the State of the Union, Washington D.C. January 15,1975)
Dù rằng cho đến ngày 3 tháng 1 năm 1975 bản dự luật nầy mới được Tổng Thống Gerald Ford ban hành nhưng về phía Liên Xô thì họ biểu lộ cho thấy họ không thể chấp nhận được việc các nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ đã can thiệp vào việc nội chính của Liên Bang xô Viết, do đó giới lãnh dạo Liên Xô đã nổi giận và tìm cách trả đủa bằng cách “phá” Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Liên xô phản đối mạnh mẽ đạo luật nầy, họ nói rằng sự “liên kết” (likage) giữa thương mại với vấn đề di dân của người Nga gốc Do Thái là đã vi phạm những sự hứa hẹn của Tiến sĩ Kissinger. Hãng thông tấn xã Tass của Liên Xô lên tiếng cảnh cáo rằng người Nga sẽ có sự “trả đũa”, họ không nói trả đũa như thế nào, nhưng một tuần sau đó thì đại sứ Liên xô tại Washington đã bị triệu hồi về nước để “tham khảo”, đồng thời Đại Tướng Viktor Kulikov cũng bất thần được Diện Cẩm Linh phái sang Bắc Việt.
Tướng Viktoe Kulikov đến Hà Nội vào tháng 12 năm 1974, trên danh nghĩa là tư cách đại diện cho Hồng Quân Xô Viết tham dự lễ Kỷ Niệm 30 Nam Ngày Thành Lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam, tuy nhiên sau đó đã tham dự phiên họp Khoáng Đại kỳ thứ 33 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam. Căn cứ vào sự phân tích của cơ quan tình báo KGB và cơ quan quân báo GRU về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ sau khi Tổng Thống Richard Nixon bị áp lực phải từ chức, Tướng Kulikov nói với các lãnh đạo đảng Cộng sản và quân đội Bắc Việt rằng quốc Hội Hoa Kỳ sẽ sẽ không chấp thuận thêm viện trợ kinh tế cũng như là quân sự cho miền Nam Việt Nam nữa, như vậy đây là lúc thuận lợi nhất để mở cuộc tấn công đại quy mô tại Miền Nam và Liên Xô cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch tấn công nầy bằng cách tích cực gia tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt.
Sauk hi Kulikov trở về Mạc Tư Khoa, Liên Xô đã thực hiện lời hứa của Kulikov và viện trợ quân sự cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng giêng, hai và ba năm 1975. Tướng Việt Cộng Trần Văn Trà cho biết rằng “Do quyết tâm giành thắng lợi lớn hơn của năm nay tạo điều kiện sắp tới nên các anh có điều chỉnh kế hoạch chi viện. Đã đồng ý cho ta (miền Nam) năm 75 đúng như tax in là 27,000 tấn chứ không phải 11,000 tấn như đã thông báo trước đây” (ghi chú: Trần Văn Trà: sđd, trang 180)
Trong khi đó, vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, các đơn vị quân đội của VNCH lại lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, phương tiện và nhất làphu5 tùng cho các loại chiến xa, xe vận tãi, máy bay và tàu bè v.v … Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng quân đội đã áp dụng những biện pháp tiết kiệm, chẳng hạn như trong toàn quốc, không quân chỉ xử dụng từ 4 đến 8 chiếc phi cơ C-130 trong tổng số 32 chiếc mỗi ngày, các hoạt động của hải quân bị cắt giảm chỉ còn 28 phần trăm, 600 giang thuyền bị giải tán, khoảng 4,000 xe vận tải không xử dụng được vì thiếu đồ phụ tùng và riêng số đạn dược thì phải giảm từ 73,356 tấn hang tháng vào năm 1973 nay chỉ còn khoảng 19,808 tấn hang tháng trong 8 tháng đầu tài khóa 1975 (từ tháng 7 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975), tức là giảm đến mức hai phần ba.
Không những chỉ gia tăng viện trợ vũ khí dna95 dược, Liên Xô còn cung cấp những tin tức tình báo bằng vệ tinh cho quân đội Cộng Sản tại miền Nam. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Liên Xô phóng vệ tinh từ căn cứ Plessetsk với phương giác (góc độ) 65 độ và 8 ngày sau đó lại phóng thêm một vệ tinh thứ 2 với phương giác 80 độ và cả hai vệ tinh nầy đã quan sát được mọi hoạt động trên toàn cỏi Việt Nam. Đây là loại vệ tinh mới nhất của Liên xô có đủ khả năng chụp được những bức không ảnh với hình ảnh nhưng xe cộ và chiến xa rất rõ ràng. Từ Mạc Tư Khoa, những bức không ảnh nầy được chuyển sang Hà Nội trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó và Hà Nội lại chuyển vào Nam cho Tướng Văn Tiếng Dũng, nhờ đó Cộng sản Bắc Việt biết rõ họ đang phải đối đầu với quân số và đơn vị ở cấp nào trên chiến trường tại miền Nam Việt Nam.
Sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov cũng không tránh được sự quan sát của các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Wolfgang Lehmann, Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Ký tại Sài Gòn đã đánh một công điện “mật” về Hoa Thịnh Đốn tường trình vụ nầy. Ngoài việc báo cáo sự hiện diện của Tướng Viktor Kulikov tại Hà Nội mà ông Lehmann nói rằng ông tướng hồng quân Liên Xô nầy không phải sang Hà Nội để chúc mừng Giáng Sinh. Bức điên văn của ông Lehmann còn lưu ý và nhắc nhở một sự trùng hợp tương tự về sự hiện diện của Nicolai Pogorny, Chủ Tịch Nhà Nước và Pavel Batitsky, Thứ Trưởng Quốc Phòng Liên Xô tại Hà Nội vào cuối năm 1971 và sau đó Liên Xô đã gia tăng viện trợ quân sự cho Hà Nội để mở các cuộc tấn công vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tuy nhiên tại Hoa Thịnh Đốn lúc đó, không có ai chú ý đến bức điện văn nầy của viên Xử Lý Thường Vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam gửi về từ Sài Gòn.
Ngoài điện văn của ông Lehmann, Trưởng Văn Phòng CIA ở Sài Gòn là Thomas Polga và phụ tá của ông là Frank Nepp cũng gửi một điện văn báo động về việc nầy với CIA ở Washington. Frank Nepp cho biết điện văn nầy lưu ý đến việc các nhân vật trọng yếu Liên Xô viếng thăm Hà Nội vào cuối năm 1971 đã đưa đến việc Cộng sản mở cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972 và báo động vớiWashington rằng sự viếng thăm nầy cũng có thể đưa đến những diễn tiến tương tự như hồi 1972.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng có biết đến cuộc viếng thăm nầy và ông cũng ghi lại như sau:
“Sự quyết tâm của Hà Nội trong nổ lực gia tăng áp lực quân sựtại miền Nam lại được một sự hậu thuẩn bất ngờ do ở sự thay đổi chính sách hiển nhiên của Liên Xô. Vào cuối năm 1974, lần đầu tiên sau ngày Hiệp Định Paris được ký kết, một nhân vật cao cấp của Liên Xô bất thần đến viếng thăm Hà Nội. Cuộc viếng thăm nầy không phải là một cuộc viếng thăm xã giao thường lệ. Tướng Viktor Kulikov, Tổng Tham Mưu Trưởng Hồng Quân Liên Xô đã đích thân đến tham dựnhu74ng cuộc thảo luận về chiến lược của Bộ Chính Trị Đảng Lao Dộng Việt Nam, cũng như lần trước đây, một phái đoàn như vậy đã đến thăm Hà Nội vào năm 1971 trước khi Bắc Việt mở các cuộc tổng tấn công vào mùa Hè 1972.
“Chúng ta không thể nào biết rõ được Liên Xô đã cố vấn cho Hà Nội như thế nào, nhưng mà sau đó dường nhưro4 ràng là Liên Xô đã bãi bỏ một số hạn chế trước đây: viện trợ về vũ khí chiến cụ cho Bắc Việt đã gia tăng gấp 4 lần trong những tháng kế tiếp. Cho đến khi nào mà văn khố Liên Xô được giải mật thì chúng ta cũng không thể nào rõ được mục tiêu của Liên Xô lúc đó là gì? Có phải chăng họ đã hành động như vậy để trả đũa những sự công kích của quốc Hội Hoa Kỳ qua tu-chính-án Jackson và Thỏa Ước Vladivosstok mà Tổng Thống Geral Ford vừa ký kết với Tổng Bí Thư Brezhhnev, hay là việc đó chỉ là chính sách chiến lược của Liên Xô ủng hộ cho Bắc Việt?
“Dù câu trả lời thế nào đi chăng nữa thì đó là một điều vô cùng rõ ràng là Liên Xô đang khuyến khích Hà Nội gây hấn tại Miền Nam Việt Nam” (ghi chú: Henry Kissinger: Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, New York 2003, trang 500-501)

Từ Washington: Cắt Giảm Viện Trợ Cho VNCH


Thực ra thì chẳng cần phải nhờ tới cơ quan tình báo KGB mới biết được chiều hướng chính trị đang trên đà giải kết tức là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trong bộ sách The Vietnam Experience, cuốn “The Fall of the South”, các tác giả bộ sách nầy đã nói rằng:
“Các cấp lãnh đạo Cộng sản chỉ cần đọc báo chí Tây Phương cũng đủ biết rõ về sự suy giảm trong vấn đề viện trợ cho Miền Nam Việt Nam, cả về số tiền viện trợ cũng như là thăm dò dư luận. Ngày 22 tháng 5 năm 1974, Hạ Viện biểu quyết không được tăng số tiền viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa trong tài khóa 1974-1975 quá mức 1,126 triệu mỹ kim dù rằng Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện đã đề nghị 400 triệu. Sau đó, đến ngày 22 và 23 tháng 9 năm 1974, cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ lại biểu quyết cắt bớt thêm nữa và chỉ cấp cho VNCH có 700 triệu mỹ kim mà thôi (tính luôn cả kinh phí dành cho việc chuyên chở từ Hoa Kỳ sang Việt Nam) vì công luận Hoa Kỳ không muốn nghe nói đến chiến tranh Việt Nam nữa. sự sút giảm về viện trợ nầy đã đưa đến ảnh hưởng vô cùng sâu đậm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì nếu tính thêm vào sự mất giá của dồng mỹ kim sau khi Tổng Thống Richard Nixon “thả nổi” đồng dollar và giá nhiên liệu, cũng như là tất cả các hàng hóa khác trên thị trường thế giới gia tăng sau cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm 1973 thì con số viện trợ khiêm tốn nầy chẳng còn bao nhiêu” (ghi chú: The Vietnam Experience: The Fall of The South, trang 11)
Người biết rõ nhất về vấn đề viện trợ quân sự (military aids) cho quân đội của miền Nam Việt Nam không ai khác hơn là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt từ năm 1965 cho đến tháng 4 năm 1975. Vào đầu năm 1974, chính ông đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị phải bay sang Washington để trình bày về tình hình quân sự đang nguy ngập vì những cuộc tấn công quân sự của cộng sản Bắc Việt và vận động với các viên chức trong Ngũ Giác Đài để họ ủng hộ và vận động với quốc hội Hoa Kỳ nhằm gia tăng hay ít ra là duy trì mức quân viện cho VNCH, tuy nhiên sứ mạng nầy đã không thành công.
Trong chương 4 của cuốn The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã dành hầu hết một chương để trình bày rất rõ về “Sự Giảm Thiểu quân Viện của Hoa Kỳ” và những hậu quả vô cùng trầm trọng đối với các hoạt động của QLVNCH trong năm 1974 và những tháng đầu của năm 1975. Tướng Cao Văn Viên cho biết rõ ràng hơn về sự giảm thiểu quân sự quá nhiều nầy:
“Quốc Hội Hoa Kỳ phủ quyết tất cả ngân sách phụ trội và trong tài khóa 1975 họ chỉ cho 1 tỷ mỹ kim, nhưng sau đó con số 1 tỷ chỉ còn 700 triệu. Ngân khoản 700 triệu nầy là kể luôn chi phí dành cho các hoạt động của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO). Con số chính thức về quân viện làm cho quân đội và dân chúng miền Nam hốt hoảng. Sự cách biệt giữa quân viên yêu cầu và con số được chi viện cách nhau quá xa. Không có một sự tiết kiệm, giảm thiểu chi phí hay quản trị ngân quỷ nào có thể lấp đầy được khoảng cách dị biệt đó.
“Ngày 2 tháng 1 năm 1975, Bộ quốc Phòng Hoa Kỳ xin Quốc Hội một ngân khoàn phụ trội là 300 triệu mỹ kim và ngân khoản nầy đã được TT Ford nâng lên 722 triệu khi đề nghị nầy được đưa sang Quốc Hội ngày 11 tháng 4 năm 1975. Quốc Hội đã bác bỏ đề nghị nầy. Khi ngân khoản nầy bị quốc hội phủ quyết thì tình hình đã tuyệt vọng. Vận mệnh quốc gia đã được quyết định.
“Với ngân khoản viện trợ là 700 triệu, trừ đi ngân khoản trả lương cho quân nhân Hoa Kỳ thuộc văn phòng DAO thì chỉ còn 654 triệu mỹ kim, tức chỉ còn 51 phần trăm nhu cầu cần thiết. Hậu quả là hơn 200 phi cơ các loại tức khoảng 50 phần trăm của Không quân bị đặt trong tình trạng bất khiển dụng, Hải Quân cũng bị giảm hơn 50 phần trăm và 600 giang thuyền bị “nằm ụ”, về phụ tùng quân cụ và súng đạn thì chỉ còn thay thế khoảng 27 phần trăm, hơn 4,000 quân xa do quân đội Hoa Kỳ chuyển giao lại sau 1975 thì không xử dụng được vì thiếu phụ tùng, nhiên liệu thì bị thiếu thốn và đến tháng 5 năm 1975, nếu không được viện trợ thêm thì quân đội sẽ không còn đủ nhiên liệu nữa. Về phía đạn dược thì từ tháng 7 năm 1974 cho đến tháng 2 năm 1975, quân đội chỉ xài khoảng 19,808 tấn đạn đủ loại, tức là chỉ có 27 phần trăm so với mức tiêu thụ đạn dược trước đây là 73,356 tấn mỗi tháng. Vào khoảng tháng 2 năm 1975, số đạn dược tồn kho của quân đội chỉ còn có khoảng 30 ngày, có nghĩa là nếu không được tăng viện thì cho đến hết tháng 3 năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn một viên đạn.
Đến giữa tháng 4 năm 1975, chúng ta đã xài hết quân dụng, vũ khí tồn kho vào việc tái trang bị cho các đơn vị di tản từ Vùng I và II. Đến giờ phút muộn màng đó, dù chúng ta có nhận được 300 trăm triệu mỹ kim viện trợ quân sự bổ túc đi nữa thì tình hình cũng đã quá trễ”
Tướng Cao Văn Viên nhận xét thêm: “Tin tức về việc Quốc Hội Hoa Kỳ bàn cãi, mức độ viện trợ, số tiền viện trợ thực sự được loan truyền rộng rãi và công khai trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Với tin tức đó ta và địch biết được những khó khăn và trở ngại nào sẽ đến trong tương lai. Những tin tức đó đối với chúng ta là những lo âu, nhưng đối với quân thù thì lại là một cơ hội tốt vô cùng” [ghi chú:Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Cùng Của VNCH, Nguyễn Kỳ Phong dịch từ nguyên tác “The Final Collapse” (1983) VietnamBibliography, Virginia 2003, trang 83-93]
Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford và Ngoại Trưởng Kissinger cũng rất quan tâm đến ảnh hưởng cũa sự cắt giảm viện trợ đối với tinh thần của các quân nhân tong Quân Lự Vệt Nam Cộng Hòa. Trong một phiên họp của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung vào ngày 12 tháng 9 năm 1974, TT Ford đã nói rằng:
“Tôi có thảo luận về vấn đề quốc hội cắt giảm viện trợ cách đây vài ngày. Thông thường thì khi đi tuần tiểu, mỗi người quân nhân (Việt Nam) mang theo 8 trái lựu đạn. Bây giờ thì anh ta chỉ còn mang được 2 quả. Điêu nầy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của anh như thế nào? Tinh thần của họ dĩ nhiên là xuống giốc và điều đó ít nhất cũng đã làm cho tình hình tại Việt Nam càng ngày càng trở nên bất ổn hơn”

Nguồn :

TRÁCH NHIỆM Online
Khu Hội Cựu TNCT Việt-nam Nam-Cali chủ trương
http://www.trachnhiemonline.com/bienkhao-TDPhong-027-036.htm


No comments: