Thursday, April 30, 2009

NHỮNG TUYÊN BỐ CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH PHỦ VNCH

Giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn
Tiến sĩ sử học HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ
30-04-2009 00:01:50 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/can-canh/view.aspx?news_id=251710
Đúng 0 giờ ngày 29-4-1975, các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn. Sáng ngày 30-4, một mũi thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm thành phố. 11 giờ 30, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập.
Báo Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã về giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ông là giáo sư sử địa Trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức (Đại học Sư phạm Sài Gòn), chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa - Đại học Sư phạm Sài Gòn (các tựa nhỏ của tòa soạn).

Tôi đã có lần hỏi ông Dương Trung Quốc(1) rằng liệu chúng ta có thể soạn bộ sử thực lục như người xưa đã từng soạn được không. Ông Quốc trả lời là hiện nay rất khó.
Có thể hiện nay ta chưa có cơ chế của một quốc sử quán như thời xưa, trong đó tập trung những người chuyên môn viết sử. Hoặc chưa có thể tập trung tất cả văn bản đã được phép giải mật để các nhà viết sử sử dụng. Ta cũng chưa có luật giải mật các tư liệu.

Sự kiện lịch sử xảy ra vào ngày 30-4-1975 mới hơn 30 năm, nhiều nhân chứng vẫn còn sống mà việc chép sử vẫn có khác biệt. Một trong cách viết sử thực lục là phải đi tìm sử liệu, nhân chứng lịch sử có thẩm quyền về sự xác thực. Đó phải là tư liệu gốc, văn bản hay nhân chứng thực sự có mặt đang lúc xảy ra sự kiện chứ không phải chỉ nghe nói hay kể lại.
Với trách nhiệm của nhà sử học, tôi thử đi tìm các văn bản, hồi ký, nhân chứng có mặt hay có thẩm quyền nói lên sự thực...

Một nhân chứng tôi trích dẫn dưới đây là nhà báo Tây Đức Borries Gallasch. Nhà báo này đã tường thuật về tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trong cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh, mục Sài Gòn 30-4-1975 (NXB Rowhlt Verlag, 1975) như sau:

Tường thuật của nhà báo Đức
...Chiếc tăng đầu tiên húc cánh cổng lăn xích lên bãi cỏ nhắm hướng dinh lao tới. Hai chiếc còn lại vòng qua hai bên trái và phải, rồi tất cả đều dừng trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20 tới 30 phát súng khác được bắn lên.
Gallasch chạy ra ban công chụp ảnh. Thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi người chỉ huy của chiếc tăng dẫn đầu với khẩu súng bên tay trái và lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang, suýt xô ngã Gallasch...
... Người chỉ huy xe tăng đứng ngay trước mặt Gallasch, hét đi hét lại mà Gallasch không hiểu. Hà Huy Đỉnh(2) hét giải thích cho Gallasch là mở cửa ra ban công. Gallasch mở cánh cửa kính ra vào. Người này lướt qua kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại...
... Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, Phạm Xuân Thệ, chỉ huy trung đoàn bộ binh 66 của quân đội giải phóng, phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”.

Nhưng ông Minh đã không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính cách mạng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả...
“Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện...
... Sau một vài phút, ông Minh, ông Mẫu (giáo sư Vũ Văn Mẫu, thủ tướng) và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây...
... Chỉ có hai chiếc xe của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy... đi qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác đến một khu phụ của đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một...
... Cuối cùng, mọi người đã sẵn sàng nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: Ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên, ông Minh chần chừ bởi vì ông được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng”.

Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh đã phải nói: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”...
... Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy và rồi chúng tôi đi vào tòa nhà phụ nhỏ vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay phía trước micro và bật băng của ba bài phát biểu... Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to.
Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Người chính ủy đã cám ơn tôi và nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại cho tôi. Tôi đã được ông cám ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep...
... Tại dinh, tôi đã nhảy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của chính ủy Tùng giấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: “Danke!” (Cám ơn!) .

Cuộn băng thu âm lại

Tác giả bài viết này đã ghi âm được ba lời phát biểu trên đài phát thanh Sài Gòn trưa 30-4-1975 lịch sử ấy (xin xem ô phía dưới).
Khi ấy tác giả trực tiếp bật máy radio-cassette Hitachi thu tiếng từ radio khi đang tản cư ở trường học bên cạnh nhà thờ Tân Định. Chính nhờ vậy, toàn văn tuyên bố và diễn tiến phát thanh trên đài phát thanh được ghi lại chính xác 100%.
Các lời tuyên bố ấy cứ được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là tiếng nhạc cải lương, nhạc cách mạng, tiếng người bàn nói với nhau, có cả tiếng Anh người nước ngoài (phóng viên Tây Đức Borries Gallasch) và tiếng của anh Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, trao đổi trước khi tự phát biểu mộc mạc, không được sửa soạn trước.
Sau đó, anh Nguyễn Hữu Thái lần lượt giới thiệu từng người phát biểu trên đài. Có đại diện các giới nhà báo (Kỳ Nhân), chuyên viên đài phát thanh (Trần Văn Bảng), nghệ sĩ (Hữu Đức), lực lượng cách mạng Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn (Huỳnh Văn Tòng), công nhân (Nguyễn Văn Quang)...
Những tiếng nói quen thuộc đối với dân Sài Gòn kêu gọi bình tĩnh, cuộc sống trở lại bình thường, về mặt tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân ở Sài Gòn và cả miền Nam lúc bấy giờ...

---------------------------------------------

Lời của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi - giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

(Ghi theo băng thu âm của tác giả)

Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã và cuộn băng thu âm lại tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Ảnh: QUỲNH TRANG
http://www.phapluattp.vn/img/29-04-2009/12-chot.jpg


No comments: