Thursday, April 30, 2009

GIỚI THIỆU TẬP THƠ "THUYỀN NHÂN KHÚC CHO BA"

Tháng Tư đọc “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba”
Vũ Ðình Trọng/Người Việt
Wednesday, April 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94161&z=191
Nếu không có biến cố 30 Tháng Tư, 1975 thì sẽ không có những người chết trên Biển Ðông, hay dọc đường biên giới với những nấm mộ lạnh lẽo, uất hận ngàn năm.
Và sẽ không có những người vợ một mình vượt cạn trên vùng kinh tế mới khi người chồng đang lầm lũi trong trại cải tạo. Sẽ không có những đứa trẻ sinh ra không cha bên cạnh, và sẽ không có những ước mơ vỡ vụn của tuổi mới lớn...
Cái “được” duy nhất của những đứa trẻ này, có lẽ là sự trải nghiệm trong nỗi xót xa, cay đắng khi bị những ánh mắt cay độc xói nhìn.

Trangđài Trầnguyễn
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94161-medium_NVHN-090429-Trangdai-01.jpg

Bìa tập thơ “Song For A Boat Father - Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” của Trangđài Trầnguyễn.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94161-medium_NVHN-090429-Trangdai-02.jpg

Ðọc “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” của Trangđài Trần Nguyễn, độc giả không chỉ nhìn thấy một bức tranh riêng của cô. Cô đã vẽ được một bức tranh chung với những gam xám xịt của những đứa trẻ sinh ra ngay trong lúc lịch sử sang trang, một trang sử u tối. Trangđài tâm sự:
“Ba là một hình ảnh xa xôi trong tâm thức khi Trangđài lớn lên. Có một tấm ảnh mẹ đưa Trangđài đi chụp khi còn tí tẹo, mắt mở tròn to ngơ ngác. Phía sau, mẹ có ghi, 'Trần Ngọc Trang Ðài, bốn tháng mong ba.' Ðôi khi, Trangđài cũng thắc mắc, không biết những đứa trẻ được sinh ra mà ba vắng nhà, thì họ có những suy tư tâm tình nào về một người cha vắng bóng.”
Có lẽ, cô không được cảm giác vỡ òa niềm vui khi lần đầu tiên được gặp ba lúc ông ra khỏi nhà tù, bởi từ nhà tù nhỏ, ông bước ra nhà tù lớn với lệnh quản thúc tại nhà và buộc phải lao động khổ công cho chính quyền sở tại trước khi bị đe dọa phải cải tạo lại.

Nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi sống với ba, cô viết:
sau mấy năm trời cải tạo
Ba được về ở nhà, ở với tụi con
tuy phải đào mương, gánh đất, làm đường
lao động khổ công cho chính quyền, nhà nước
những câu chuyện ngàn lẻ một đêm Ba kể hoài hổng hết
nhưng Ba không may như hoàng hậu trong truyện
vẫn bị đe dọa án tử hình
khi chính quyền báo rằng, Ba phải cải tạo them
và điểm báo những ngày không còn Ba nữa
Ba bắt đầu phải trốn chui, Ba phải trốn nhủi
giả dạng, canh chừng, canh cánh sợ công an
Ba phải ra đi, Ba dứt ruột bỏ quê mình
dẫu 75 Ba không chịu lên máy bay
dẫu sau khi cải tạo Ba không màng vượt biển
(Trích “những ngày có Ba - days with Daddy”)

“Sau mười ba lần trầy vi tróc vẩy, Ba đã đi thoát và đến trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. Ba ở trại, vẫn gửi hình và viết thư cho gia đình. Ba vẫn dặn dò giáo dục các con qua những bức thư xa. Cuối cùng thì ba cũng đến Mỹ, và mãi đến khi Trangđài đã thành thiếu nữ thì mới được gặp lại ba ở Westminster, California.”
Ba Trangđài phải vượt biên mười ba lần mới thoát. Riêng cô, và tôi chắc không ít bạn bè cùng cảnh ngộ với cô đã cùng cha “vượt biển” từng ngày ngay trên đất liền:
con đi học
bạn bè tránh xa, xì sầm:
“Ba nó Mỹ Ngụy
vượt biên, phản quốc”
tụi nó liếc xéo
rỉ tai nhau những lời cay độc
vài đứa bạn cùng lớp
thỉnh thoảng lại nghỉ học cả tháng
khi đi học lại, đầu bị cạo nhẵn láng
vì đi vượt biên không thành
ở tù mấy tuần mới được tha
...
con vượt biển cùng Ba
trên mặt đất
má sóng lòng vỗ thấu
tiếng ngàn khơi
(trích “vượt biển trên đất liền, những năm học cấp hai - sea escapes on land, junior high years”)

Những lá thư từ trại tị nạn, hay những món quà của người cha gởi về từ Mỹ có lẽ là những kỷ niệm không thể quên. Sợi dây nối kết tình cha con vẫn luôn là người mẹ. Trangđài kể:
“Tuy ba không có mặt trong thời gian Trangđài khôn lớn, nhưng lúc nào mẹ cũng nhắc nhở các con về ba, thúc giục các con viết thư cho ba. Và những lần ba gửi đồ về, mẹ luôn để dành tất cả những gì ngon nhất cho các con thưởng thức - thay vì đem bán giá cao lấy tiền.”

mùa tựu trường lớp Ba
ở quê hương
cả nhà
nhận được quà
Ba gửi lần đầu tiên từ Mỹ
mọi thứ mang một mùi thơm rất lạ
như thực trạng
vẫn còn quá ngỡ ngàng, rằng
Ba đang ở thật xa
con nhớ mang máng
Ba kể nhận được số tiền X đô la
từ chính phủ
rồi Ba ra bưu điện, hỏi giá gửi đồ về Việt Nam
biết cước phí tốn đâu chừng X1
Ba đã đi mua đúng (X-X1) tiền quà
để gửi về
cho vợ cho con
...
quê mình nghèo, nên áo vừa chật
là đã có người xin, tuy nó đã bạc, sờn
áo lạnh hồng
chắc ấm thân đứa trẻ khác
vẫn ấm lòng con
khi trở gió, thay mùa
(trích “áo lạnh hồng - the pink sweater”)

Có những câu thơ rất thật, thật như cuộc đời, thật như những gì Trangđài và gia đình đã trải qua trong những ngày vắng bóng người cha thân yêu. Những điều thật đó, cô không dám kể cho ba nghe trong những lá thư gởi đến Mỹ. Ðọc để thấy rằng, trong cái xót xa của cô chính là cái xót xa của những người vợ tù cải tạo:

thơ cho Ba
cũng có điều con không kể
những bữa trời mưa nước ngập đến mất chân
nỗi uất giận như tâm can bị dần
khi Mẹ phải tiền “dân” cho tổ trưởng
cái ấm ức
khi những người đàn ông vô liêm sỉ
tới tán tỉnh Mẹ, dù biết rõ chẳng được gì
cái thắt ruột
khi Mẹ đi giữa trời dông gió bão
phơi mình ngoài trời
kiếm cá, kiếm rau
(trích “viết thơ cho Ba - letter for Dad”)
...

“X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” là một tập thơ song ngữ được Trangđài viết riêng tặng cha, nhưng hình ảnh của người mẹ lại hiện diện rất rõ. Ðiều đơn giản vì mẹ cô đã đóng thêm vai trò người cha trong suốt hai mươi năm đầu đời của Trangđài, trước khi được gặp ba trên đất Mỹ.
Trangđài cho biết, những bài thơ trong tuyển tập này được viết từ năm 2002 đến 2003, tám năm sau khi gia đình cô đoàn tụ tại Mỹ. Cô nói:
“Trong suốt tám năm ấy, tôi đáp lại tiếng gọi thúc bách từ đáy lòng để viết về tình mẹ. Tôi đã mất, và cần từng ấy năm để thấu hiểu kinh nghiệm lớn lên không cha ở Việt Nam, để cảm nhận mối quan hệ phụ tử trong khung cảnh gia đình. Truy gọi ‘Cha tôi, thuyền nhân’ giúp chúng ta thông cảm với cái kinh hoàng của đại dương và chia sớt cái bi kịch của đất liền.”

Với tên tập thơ “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba”, người đọc như nhìn thấy một mệnh đề toán học. Tìm ra ý nghĩa của X-X1, chính là tìm được cái vuông tròn của tình gia đình gắn bó. Tuyển tập thơ như một dấu nối để những thế hệ người Việt di dân và sinh trưởng tại Hoa Kỳ hiểu nhau hơn trong tâm thức tìm về nguồn cội.
Hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả.

Quý độc giả quan tâm đến tác phẩm “X-X1: Thuyền Nhân Khúc cho Ba,” xin liên lạc về:
Trangđài Trầnguyễn
9334 #H Redwood Dr., La Jolla CA 92037.
Email:
vietamproj@gmail.com.
Ấn phí: $15.
Bưu phí: $3.


No comments: