Thursday, April 30, 2009

TRUNG QUỐC : BẠN hay THÙ

The Wall Street Journal
Trung Quốc, Bạn hay Thù?
ANDREW BROWNE và GORDON FAIRCLOUGH
Ngày 18-4-2009
http://online.wsj.com/article/SB124001124687130799.html#mod=rss_asia_whats_news
Một khối hang động phức hợp mở toang ra ở miền bờ biển toàn núi đá của tỉnh đảo Hải Nam thuộc phía nam Trung Quốc là nơi trú ẩn của một trong những thứ vũ khí giết người mới nhất và tiềm tàng nhất trong kho vũ khí của Bắc Kinh: một chiếc tàu ngầm sản xuất trong nước được thiết kế để phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân *.
Vì thế, khi chiếc USNS Impeccable, một tàu khảo sát của Hoa Kỳ, đang điều tra vùng biển này vào tháng trước, Trung Quốc liền đặt một cái bẫy. Năm chiếc tàu của Trung Quốc đã vây bọc quanh chiếc tàu Hoa Kỳ. Các thành viên trong thủy thủ đoàn [Trung Quốc] đã ném những mảnh gỗ vào lối di chuyển của tàu Impeccable và sử dụng những câu liêm dài để kéo các thiết bị âm thanh của tàu. Khi các thủy thủ Hoa Kỳ dùng vòi cứu hỏa xịt nước vào những kẻ tấn công họ, đám thủy thủ có khuôn mặt vô cảm người Trung Quốc ở trên boong của một trong những con tàu đó đã cởi hết quần áo, chỉ mặc đồ lót rồi tiến tới gần trong phạm vi 8 mét, Ngũ Giác Đài cho biết.
Cuộc chạm trán tại vùng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi, có khuynh hướng gửi đi một thông điệp rõ ràng. Phía Trung Quốc cho rằng chiếc Impeccable đang vị phạm luật pháp quốc tế qua việc điều khiển các hoạt động giám sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. (Trái lại) Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác coi hành động đó là hợp pháp.
Khi những chiếc tàu khảo sát của Hoa Kỳ thăm viếng khu vực này trong tương lai, thì theo ông Su Hao, giám đốc Trung tâm Quản lý Chiến lược và Xung đột thuộc trường Đại học Quan hệ Quốc tế của Trung Quốc, nói “Họ sẽ phải thận trọng hơn.”
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xem Trung Quốc như là một quốc gia, mà tại thời điểm nào đó, chắc chắn sẽ đạt được khả năng để thách thức quân đội Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu.
Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã thay đổi để gia tăng các lực lượng quân sự của mình tại Thái Bình Dương và đã khuyến khích người đồng minh Nhật Bản thực hiện hành động tương tự.
Washington và Tokyo đang làm việc cùng nhau để đẩy mạnh hệ thống phòng thủ chống tên lửa, nhằm chống lại những mối đe doạ từ cả Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc. Và một số nhân vật trong Bộ Quốc phòng đã đề cao “mối đe doạ Trung Quốc” để thanh minh cho mức chi tiêu lớn hơn cho những hệ thống vũ khí mới.

Vào tuần này, Đô đốc Wu Shengli, viên sĩ quan cao cấp nhất của hải quân Trung Quốc — được biết chính thức như là Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân — đã cho biết rằng binh chủng này sẽ hành động nhanh hơn để hiện đại hóa kho chứa vũ khí của mình và xây dựng những chiến hạm lớn hơn và có nhiều khả năng hơn “để gia tăng khả năng chiến đấu cho các cuộc thủy chiến trong khu vực” bằng cách sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc vào trước lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân vào tuần tới, ông cũng nói rằng hải quân sẽ cải thiện khả năng hành quân của mình trên các đại dương.
Các quan chức khác trong những tháng gần đây đã nói về công việc xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tăng thêm các mối quan ngại của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc muốn tạo một hình ảnh gây ấn tượng cho sức mạnh của họ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát, thuộc cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã nói rằng nỗi lo sợ về Trung Quốc bị phóng đại. Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc hiện vẫn không phải là đối thủ đối với hỏa lực của Hoa Kỳ trên biển, trên đất liền hay trên không trung. Nhiều nhà phân tích - bao gồm các cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội - đã không tin rằng Trung Quốc có ý định làm cho Hoa Kỳ hoảng hốt, như là Liên Xô cũ đã từng làm. Vì hiện nay, quân đội Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào một sự hòa trộn giữa các loại vũ khí công nghệ cao, ví như những chiếc tàu ngầm mang hoả tiễn hạt nhân thế hệ Jin, với những món đồ đánh cắp có công nghệ thấp và các món đồ thủ công nhằm dọa dẫm kẻ khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng sự thăng tiến của nền kinh tế nước họ mang tính chất hòa bình.
Tuy nhiên, có nhiều lần nó được đi kèm theo bởi một thứ chủ nghĩa dân tộc rất ồn ào - một ước muốn khao khát phục hồi những gì mà nhiều người ở nước này coi như là vị thế đúng đắn của Trung Quốc trên toàn cầu, vị thế này đã bị chiếm đoạt bởi những đế quốc phương Tây trong thế kỷ 19 và quân phiệt Nhật trong thế kỷ 20.
Sự gây hấn của Trung Quốc hướng tới Đài Loan và bí mật quân sự của họ làm cho các thế lực diều hâu từ Washington cho tới New Delhi dễ dàng vẽ nên một bức tranh về một Trung Quốc đầy hận thù đang mưu tính cho con đường quay trở lại của họ.
Cú phóng bị thất bại của một phi đạn giống như loại tên lửa của Bắc Triều Tiên vào ngày 5 tháng Tư đã làm phức tạp thêm tình hình này. Việc này chắc chắn thúc đẩy Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự của mình và đầu tư nhiều hơn vào những nỗ lực phòng thủ tên lửa, mà giờ đây Nhật đang được hợp tác với Hoa Kỳ. Điều đó có thể làm tăng thêm mối căng thẳng với Trung Quốc, nước vốn đã coi liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản như là một mối quan hệ đối tác được thiết lập để chế ngự sức mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc khao khát cho sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại rằng nếu như Bắc Tiều Tiên sụp đổ, thì một làn sóng tị nạn sẽ tràn qua các vùng biên giới của mình, và sẽ kết thúc bằng tình trạng mặt đối mặt với quân đội Hoa Kỳ đang được trú đóng tại miền Nam.

Theo chính phủ Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của nước này cho năm 2008 là 60 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 18% so với một năm trước. Ngũ Giác Đài tin là các số liệu chính thức của Trung Quốc thực chất không đúng với chi tiêu quốc phòng trên thực tế. Họ ước đoán rằng năm ngoái Trung Quốc đã chi từ 105 đến 150 tỉ đô la cho những phí tổn liên quan tới quân sự, vì quân đội của Trung Quốc tự chuyển đổi từ một đội quân đông đảo có công nghệ thấp kém được dành để giao tranh trong một cuộc chiến làm tiêu hao sinh lực chống lại những kẻ xâm lăng sang một lực lượng tinh vi, nhanh nhạy hơn có khả năng phóng hỏa lực vượt quá biên giới Trung Quốc.

Việc tập trung chính yếu của Trung Quốc vào hiện đại hóa quân đội của mình trong vài thập niên qua đã và đang ngăn chặn Đài Loan khỏi việc thiết lập một nền độc lập chính thức và chặn đứng mọi nỗ lực của Hoa Kỳ đến trợ giúp hòn đảo này trong một cuộc khủng hoảng.
Hiện nay, một số sĩ quan hải quân Trung Quốc đang nói về cái ngày tuần tiễu ra xa tới Ấn Độ Dương, để nhớ lại những hình ảnh từ đế chế Trung Hoa cách đây 600 năm trước, khi một hạm đội gồm những con tàu chất cao ngất châu báu được chỉ huy bởi Đô đốc hoạn quan Hồi giáo Zheng He, hay còn gọi là Trịnh Hòa, của Trung Quốc dong buồm qua những vùng biển này trên đường tới đông Phi.
Bất chấp những phản đối rằng lực lượng hải quân có năng lực hơn của mình sẽ không gây nên hồi chuông cảnh báo trong số các quốc gia láng giềng hay với Washington, các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đã và đang tiến ra xa khơi hơn nữa. Trong ít nhất là vài trường hợp họ đã kiểm tra khả năng phòng thủ của các quốc gia khác và gửi tín hiệu về những ý định của hải quân Trung Quốc sẽ là một tay chơi trên các đại dương.

Một số nhà phân tích quân sự Hoa Kỳ giờ đây nhìn thấy mối đe doạ rộng lớn hơn đối với ưu thế của Mỹ trên biển, đã liên kết sự mở rộng ảnh hưởng thương mại và kinh tế của Trung Quốc trên khắp toàn cầu. Nếu như Trung Quốc có thể thách thức một con tàu giám sát của Hoa Kỳ ngoài xa bờ biển của họ, thì họ đang hỏi rằng, liệu siêu cường kinh tế Á châu đang lớn dậy này trong tương lai có xông pha tuần tiễu trên những tuyến hải hành thương mại của mình tại Eo biển Malacca (qua những nơi mà hầu hết nguồn cung cấp dầu lửa thiết yếu của Trung Quốc phải đi qua), hay thậm chí cả Vịnh Ba Tư hay không? Quan niệm bi quan này đề cập nhiều về những mối lo ngại của siêu cường duy nhất trên thế giới (ý nói Mỹ) cũng ngang bằng như khi họ nói về những khả năng của Trung Quốc.

Về phương diện lịch sử, phương Tây đã thể hiện cả những niềm hy vọng to lớn lẫn những mối lo ngại u ám về Trung Quốc. Sự thay đổi tình cảm giữa hai thái cực này từ lâu đã gây bối rối cho các mối quan hệ của phương Tây với gã khổng lồ châu Á này. Một động lực có tính mâu thuẫn giờ đây đang tác động lên các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây là một mối quan hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trong khi những động lực kinh tế đang kéo hai nước lại gần nhau hơn (Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ), thì các mối quan hệ quân sự lại ngưng trệ.

Các tướng lĩnh và đô đốc tại Ngũ Giác Đài đã phản đối sự thách thức của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế, nơi mà Hải quân của họ đã hoạt động hơn nửa thế kỷ qua - thậm chí cả khi những vùng biển này nằm ngay trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. Trong bản thuyết minh của ông ta trước uỷ ban quân lực của Thượng viện, Đô đốc Timothy Keating, vị sĩ quan đảm trách lực lượng vũ trang Mỹ tại Á châu, đã cho biết rằng hành động ngăn chận tàu Impeccable ngoài biển Đảo Hải Nam cho thấy rằng người Trung Quốc “không sẵn sàng chấp thuận những tiêu chuẩn ứng xử có thể chấp nhận được.”

Ông Su thuộc trường đại học China Foreign Affairs University cho rằng thế giới đã hiểu sai về cơ bản những ý định của Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc lục địa, ông nói, quan tâm về việc giữ gìn những vùng biên giới của mình và dùng ước muốn của mình dành cho an ninh quốc nội và đoàn kết trong nước. Đối với những ai coi mối đe doạ trong việc bành trướng ra biển của Trung Quốc, ông đưa ra lời khuyên này: “Hãy nghĩ ngơi.”

Bản báo cáo thường niên mới đây nhất của Ngũ Giác Đài về quân đội Trung Quốc, được công bố vào cuối tháng trước, đã bị chỉ trích rộng rãi ở Trung Quốc như là biểu hiện thành kiến và gieo hoang mang. Bản báo cáo nói rằng “khả năng của Trung Quốc duy trì sức mạnh quân sự ở các nơi cách xa Trung Quốc vẫn còn hạn chế,” song bản báo cáo nầy ghi nhận rằng: lực lượng vũ trang của Trung Quốc tiếp tục “phát triển và đưa ra những công nghệ quân sự mang tính đột phá” đang làm “thay đổi thế cân bằng quân sự trong vùng này và có những ý định vượt quá vùng châu Á-Thái Bình Dương.” Báo cáo này cũng đánh giá: “Nhiều điều không rõ ràng bao quanh diễn tiến tương lai của Trung Quốc.”

Ông Yuan Peng, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện các Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng: bản báo cáo của Hoa Kỳ “phóng đại sức mạnh quân sự của Trung Quốc” bằng cách đánh giá quá cao khả năng của đất nước này đối với việc hướng sức mạnh đi xa khỏi vùng lãnh thổ của nó. “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn ở cấp độ của một quốc gia đang phát triển. Nó thua xa so với Hoa Kỳ, Nga và thậm chí Nhật Bản và Ấn Độ trong một số ý nghĩa nào đó.”

Theo quan điểm của ông Yuan, mối lo của Mỹ - sau các cú đòn đánh vào tâm lý quốc gia nầy từ những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001 và tình trạng suy sụp tài chính hiện đang diễn ra - đã vượt quá xa về sự tiến bộ quân sự của Trung Quốc. “Những gì làm cho dân chúng phải lo sợ là không phải với thực chất về lực lượng quân sự của chúng tôi, mà là sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và kiểu mẫu chính trị của người Trung Quốc,” Ông nói. “Trung Quốc đang lớn dậy rất nhanh chóng, dân số quá đông và hệ thống xã hội quá khác biệt” điều đó làm cho nó kích động tâm lý không yên.

Tuy nhiên, tầm cỡ quá lớn của Trung Quốc - kích cỡ lục địa của nó và dân số quá đông - đã phủ bóng lên châu Á, và việc hiện đại hóa quân đội của nước này đe doạ một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Nhật Bản, nước phụ thuộc nặng nề vào dầu thô và nguyên liệu từ Trung Đông và Úc, đang lo ngại rằng một ngày nào đó họ có thể sẽ đụng phải một lực lượng hải quân Trung Quốc trên cùng những tuyến đường biển, tuyến đường nuôi dưỡng mức tăng trưởng nhanh chóng cho Trung Quốc.

Một vài chiến lược gia Ấn Độ lo rằng Trung Quốc đang giành được một khả năng phá vỡ hoạt động thương mại trên biển của nước này (Ấn Độ Dương), và đang bao vây Ấn Độ qua những mối liên kết ngoại giao và quân sự với các quốc gia láng giềng từ Myanmar cho tới Pakistan.

Trong số những mối lo lớn nhất đối với Hoa Kỳ là đội tàu ngầm được cải thiện của Trung Quốc, đội tàu nầy có thể gây trì hoãn hoặc cản trở những nhóm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong việc đáp ứng tới một cuộc khủng hoảng bên trong và quanh Đài Loan, quốc đảo mà Bắc Kinh đã thề là sẽ bắt phục tùng sự cai quản của mình, bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.

Trung Quốc đang chĩa hơn 1.000 tên lửa về phía Đài Loan nhằm làm nhụt chí bất cứ nỗ lực nào từ các nhà lãnh đạo đảo này muốn thiết lật quyền độc lập chính thức. Trung Quốc cũng đã kiếm được tám chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ dầu cặn (diesel) của Nga, là thứ rất khó bị phát hiện khi lặn xuống đáy biển, và Trung Quốc đang đóng những chiếc tàu ngầm tấn công của riêng họ.

Một số trong những tàu chiến và tàu ngầm mới hơn trong đội tàu của Trung Quốc được trang bị những tên lửa đối-hạm tầm thấp do Nga sản xuất có thể bay với vận tốc siêu âm. Những tên lửa Sizzler này, và một tên lửa đạn đạo đối-hạm đang được phát triển, có vẻ như để nhắm vào việc giúp cho Trung Quốc có khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, theo các sĩ quan hải quân Mỹ đánh giá. Các hàng không mẫu hạm đã và đang là trụ cột chính của sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.

Trong lúc Trung Quốc chưa có riêng chiếc hàng không mẫu hạm nào, các quan chức nước này đã bắt đầu nhắc đi nhắc lại công khai về việc họ sẽ bổ sung thêm một chiếc vào đội tàu của riêng mình. Các xưởng đóng tàu của Trung Quốc có vẻ ít có khó khăn trong việc xây dựng một loại tàu sân bay cỡ trung bình mà hầu hết các chuyên gia nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cho hạ thủy. Song việc nắm vững các hoạt động của một đơn vị đặc biệt bảo vệ tàu sân bay và những chiếc phi cơ của tàu nầy sẽ cần đến rất nhiều năm, các chuyên gia đánh giá.
Các sĩ quan hải quân Trung Quốc tin rằng lực lượng của họ phải có khả năng mở rộng ra ngoài giới hạn của một chuỗi các hòn đảo quan trọng nhất - chạy từ Nhật Bản ở phía nam và vòng quanh sang phía đông của Đài Loan – Các chuỗi đảo nầy nằm giữa Trung Quốc và một dải rộng của Thái Bình Dương. Để có thể di chuyển những chiến hạm và tàu ngầm vào trong Thái Bình Dương sẽ là điều mang ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự tiếp cận của các tàu chiến Hoa Kỳ tới Đài Loan hay đại lục.

Các đội tàu của Trung Quốc đã và đang mở rộng hoạt động ra xa hơn bờ biển của mình. Vào tháng 10 năm ngoái, một đội tàu nhỏ thuộc bốn chiến hạm hải quân Trung Quốc, bao gồm một chiếc khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển và hai khu trục hạm loại nhỏ tân tiến nhất của nước này, đã băng ngang qua Eo biển Tsugaru chật hẹp giữa những quần đảo chính của Nhật Bản là Honshu và Hokkaido và tiến vào vùng biển Thái Bình Dương. Người Nhật coi vụ này như là một cuộc biểu dương sức mạnh đang lớn dần của Trung Quốc.

Các tàu ngầm của Trung Quốc cũng đã bị phát hiện một số lần đang sục sạo quanh các vùng biển của Nhật Bản. Năm 2004, một tàu ngầm Trung Quốc lặn ngang qua một eo biển hẹp khác trong một vụ mà người Nhật coi là một sự vi phạm vào luật biển quốc tế. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn dịch hành động này như là một nỗ lực có lẻ nhằm vẽ bản đồ và thu thập tình báo về những tuyến giao thông từ Biển Đông Trung Quốc cho tới Thái Bình Dương.

Căn cứ hải quân mới ở [đảo] Hải Nam, nơi xem ra đủ lớn để cung cấp nơi trú đóng cho các chiến hạm cũng như các tàu ngầm tấn công và mang tên lửa đạn đạo, đem đến cho hải quân Trung Quốc cửa ngõ xâm nhập trực tiếp vào các tuyến đường biển quốc tế có ý nghĩa sống còn. Nó có thể cho phép các tàu ngầm lén lút triển khai vào những vùng biển nước sâu của Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa], Ngũ Giác Đài đánh giá.

Các nhà phân tích từ Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, những người đã nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ Hải Nam cho biết căn cứ này dường như cũng có một tòa nhà theo kiểu đã được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để khử từ tính của các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân trước khi chúng được triển khai, nhằm làm cho chúng khó bị phát hiện hơn. Nếu như điều đó là đúng, thì cho thấy mục đích của Trung Quốc sử dụng những tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của mình như là một phần trong hệ thống vũ khí nguyên tử của mình. Cơ quan liên bang cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân từng tiến hành một cuộc tuần tra đơn phương mang tính ngăn chặn.
Bộ Quốc phòng đã từ chối bình luận. Cuốn sách trắng về phòng thủ gần đây nhất nói rằng một trong những nhiệm vụ của hải quân là “khả năng phản công bằng vũ khí hạt nhân.”

Bất chấp cuộc chạy đua hiện đại hóa của Trung Quốc, nhiều điểm yếu kém vẫn còn tồn tại trong kho vũ khí của nước này. Những đánh giá riêng của các sĩ quan quân đội Trung Quốc về các khả năng của họ, chứa đựng trong các nhật ký và trên phương tiện truyền thông quân đội, cho thấy rằng họ đã không đạt được các mục tiêu của mình trong việc có thể chiến đấu và chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ bằng công nghệ cao.
Những hạn chế này đã được thể hiện một cách đau đớn trong suốt thời gian diễn ra trận động đất vào tháng Năm năm ngoái - một hoạt động diễn ra trong thời bình trên lãnh thổ riêng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã huy động hơn 114.000 binh lính để tham gia vào những nỗ lực trợ giúp sau thảm họa.
Thế nhưng căn cứ vào tình trạng thiếu khả năng lập cầu không vận của quân đội, chỉ có một lực lượng nhỏ là có thể tới được khu vực bị động đất tàn phá bằng phi cơ trong ngày đầu tiên hoặc thậm chí sau khi động đất đã nổ ra. Một đơn vị thủy quân lục chiến đã trải qua nhiều ngày lái xe từ căn cứ của họ ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam. Công việc cứu tế cũng cho thấy tình trạng thiếu thốn phi cơ trực thăng rất nghiêm trọng.

Dai Xu, một đại tá trong lực lượng không quân Trung Quốc, đã nói rằng các cuộc hành quân của quân đội trong trận động đất cho thấy rằng lòng yêu nước và tinh thần can đảm không thể “che đậy được những yếu kém trong khả năng trang bị và công nghệ của quân đội.” Đại tá Dai, viết trong một tập san về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, cho rằng “một quân đội mà không có khả năng cơ giới hóa đường không thì không thể đủ tiêu chuẩn để nói về tin học hóa,” một cách ám chỉ tới cuộc chiến tranh công nghệ cao.
Theo những ước tính của riêng Ngũ Giác Đài, khả năng hạn chế của Trung Quốc trong việc di chuyển và duy trì các binh lính ra xa ngoài lãnh thổ của mình đã không được cải thiện đáng kể từ năm 2000. Ngũ Giác Đài cũng ước tính rằng bất chấp việc mua sắm thoải mái các trang thiết bị mới, chỉ có 20% hệ thống vũ khí mà không lực Trung Quốc sử dụng là “hiện đại”, cùng với 40% tàu ngầm của hải quân và chừng 30% các loại tàu nổi khác.

Vấn đề nghiêm trọng là Trung Quốc không có kinh nghiệm trong việc giao tranh trong một cuộc chiến hiện đại. Cuộc xung đột quan trọng gần đây của nước này là một cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam. Mặt khác, quân đội Hoa Kỳ, đã gần như phải dính líu triền miên vào những cuộc xung đột kể từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1990.
Để bù trừ cho những khiếm khuyết của mình, quân đội Trung Quốc đã đi theo một chiến lược đáng ngạc nhiên và bí mật để làm cho các lực lượng Mỹ không đề phòng. Họ gọi chiến lược này là “chiếc gậy của thích khách,” một ám chỉ tới cây kiếm hoặc chiếc dùi cui được che giấu. Trong phương cách này, giới quân sự tin là, lực lượng quân sự có năng lực thấp về kỹ thuật có thể giành được lợi thế trước một đối phương có trình độ công nghệ cao.
Những hành động lén lút của Trung Quốc càng làm tăng thêm những mối nghi ngờ của Hoa Kỳ. Vụ ngăn chặn chiếc tàu Impeccable đã gợi lại một màn tương tự trong khu vực vào năm 2001 khi một chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc va chạm với một phi cơ do thám EP-3 của Hoa Kỳ. Viên phi công Hoa Kỳ đã cố bảo toàn cho chiếc phi cơ bị hư hỏng của mình để thực hiện một cú hạ cánh xuống [đảo] Hải Nam, nơi phi hành đoàn 24 người của anh ta đã bị giam giữ trong 11 ngày. Chiếc phi cơ của Trung Quốc đã đâm xuống đất làm viên phi công tử nạn. Năm 2007, Trung Quốc đã gây sốc cho toàn thế giới qua việc cho nổ tung một trong những vệ tinh theo dõi thời tiết quá cũ của họ bằng một tên lửa đạn đạo, trút các mảnh vỡ vào trong không gian.

Không lực và Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về một nước Trung Quốc tham chiến qua những đề nghị có thêm những chiếc chiến đấu cơ F-22 và các phi cơ ném bom tầm xa, cũng như việc kín đáo sản xuất một thế hệ khu trục hạm mới mang tên lửa có điều khiển, được biết tới với cái tên Zumwalt. Tuy nhiên, vào tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cho biết ông đã lên kế hoạch dừng các cuộc mua sắm thêm phi cơ F-22 này và chấm dứt chương trình Zumwalt như là một phần của một sự xem xét lại toàn bộ những ưu tiên về vũ khí để định hướng lại quân đội Hoa Kỳ hướng tới việc chiến thắng những cuộc xung đột không theo qui ước như cuộc chiến ở Afghanistan tốt hơn là giao tranh với Trung Quốc, Nga hoặc các cường quốc lớn khác.

Tại Trung Quốc, một lực lượng có tiếng nói trọng lượng trong công chúng đang gây sức ép đòi có một lực lượng quân sự quả quyết hơn. Bai Jieming, người điều hành một cửa hàng ở thành phố cảng miền nam Shenzhen chuyên bán các kiểu mẫu tàu chiến Trung Quốc, nói rằng những bản sao của một trong những khu trục hạm đã được gửi đi từ tháng 12 để tuần tra chống cướp biển trên Vịnh Aden, loại “168″, đã được bán hết. Ông ta nói rằng người dân Trung Quốc ước ao có một khu trục hạm. “Tôi thậm chí còn muốn quyên cúng tiền để giúp đóng chiến hạm,” ông Bai nói.

Vụ tàu Impeccable đã làm bùng lên những nỗi lo sợ về những rủi ro từ việc tính toán sai lầm. Năm 2007, một chiếc tàu ngầm Trung Quốc đã nổi lên khỏi mặt nước trong phạm vi tầm bắn của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Kitty Hawk trong thời gian cuộc diễn tập đang diễn ra gần Philippines. Viên chỉ huy vào thời điểm đó trên Thái Bình Dương, Đô đốc William Fallon, cho biết biến cố nầy có thể “leo thang trở thành một điều gì đó không thể tiên đoán trước.”

Thêm vào những mối nguy hiểm, theo như lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, là những đường dây liên lạc không rõ ràng giữa quân đội Trung Quốc và các bộ phận khác của chính phủ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra “ngạc nhiên, sốc và bối rối” trước những phản đối kịch liệt từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, như Nga, sau khi quân đội của Trung Quốc bắn hạ chiếc vệ tinh thời tiết, ông nói. Điều này có thể tránh được nếu như họ nhận được lời khuyên tốt hơn từ các nguồn phi quân sự.”Có một quá trình học hỏi để trở thành một cường quốc,” ông nói.

Trung Quốc đã gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn về tham vọng của mình đối với quyền lực và ảnh hưởng trên thế giới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và thúc bách để có tiếng nói có trọng lượng hơn tại các cơ quan tài chính quốc tế để phù hợp với tình trạng của mình, song họ lại liên tục làm cho người ta nhớ lại rằng về mặt thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tương đối nghèo. Phần lớn trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc, bao gồm những chi phí cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đã không xuất hiện trong các số liệu chính thức của chi tiêu quốc phòng.

Những định giá vừa qua đã không coi Trung Quốc như là một siêu cường điện tử. Trung Quốc có thể đem khả năng thành thạo về điện tử của mình phát triển những chiếc máy tính chạy nhanh chưa từng thấy và những trang thiết bị liên lạc tốc độ cao cho những người tiêu dùng Mỹ thành những loại vũ khí trên không gian ảo. Thậm chí vì vậy, sẽ vẫn còn một thời gian dài trước khi Trung Quốc trở thành một lực lượng quân sự ghê gớm có lẽ có ý nghĩa nào đó mà một số người ở Hoa Kỳ có thể chứng kiến.

Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Đăng bởi hoangtran204 on 30/04/2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/04/30/146-trung-qu%e1%bb%91c-b%e1%ba%a1n-hay-thu/

* Mời đọc thêm các bài:
Những bí mật của Hải quân Trung Quốc (tr.248/basam.tk); Bên trong Màu xanh thẳm Bao la (tr.294/basam.tk)

——————

THE WALL STREET JOURNAL
China, Friend or Foe?
By ANDREW BROWNE and GORDON FAIRCLOUGH
APRIL 18, 2009
http://online.wsj.com/article/SB124001124687130799.html#mod=rss_asia_whats_news

No comments: