Monday, April 27, 2009

NHỮNG VÕ SĨ BAUXITE

Những võ sĩ bauxite
Economists .
Đăng ngày 27-4-2009
http://danchimviet.com/articles/1069/1/Nhng-vo-s-bauxite/Page1.html
Chính phủ đặt tăng trưởng kinh tế lên trên không khí bài ngoại và giữ cho môi trường xanh trong lành.

Trong một quốc gia độc đảng nơi mà dân chúng thường bị bỏ tù vì chỉ trích chính sách của cầm quyền, việc bày tỏ ý kiến trung thực của mình là một chuyện hiếm có, không kể những người dũng cảm hoặc là kẻ điên rồ nhất. Thế nhưng một kế hoạch chính phủ cho phép một công ty Trung Quốc bắt đầu khai thác một trong những nguồn dự trữ bauxite to lớn nằm dưới lòng đất vùng Cao nguyên Trung phần xanh tươi đã kích động một làn sóng phản ứng dữ dội chưa từng thấy từ một tập hợp sâu rộng của những người chỉ trích không ngờ được. Trong số họ có vị tướng oanh liệt ở tuổi chín mươi, Võ Nguyên Giáp, một nhà sư bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ, và một nhóm đông đảo các nhà khoa học tiếng tăm cùng những nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường.

Việt Nam được ưu đãi với những nguồn dự trữ bauxite lớn thứ ba thế giới, nguyên liệu để sản xuất ra nhôm, và chính quyền cộng sản thiết tha muốn thu hoạch những nguồn lợi này. Theo một kế hoạch mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi là “một chính sách lớn của đảng và nhà nước”, chính phủ đang tìm cách thu hút 15 tỉ đô la hoặc cao hơn từ nguồn đầu tư để phát triển việc khai thác bauxite và các dự án luyện nhôm vào năm 2025. Họ đã ký một hợp đồng với một công ty con của hãng Chinalco, một tổ hợp khai khoáng của nhà nước Trung Quốc, để xây dựng một khu mỏ và đã thỏa thuận với Alcoa, một tập đoàn nhôm của Mỹ, để thực hiện một nghiên cứu khả thi cho khu mỏ khác.

"Tuy nhiên, dù cho có động cơ nào đi nữa, thì chính phủ Việt Nam cũng đang phải lo lắng về những chỉ trích của công chúng đối với Trung Quốc."

Những người chống đối nói rằng sự có mặt của hoạt động khai mỏ bauxite với tầm quy mô to tát tại một khu vực mà hiện thời được trồng cà phê và những trồng trọt nông nghiệp khác có thể gây nên những thiệt hại cho môi trường không thể cứu vãn được, cũng như chuyện tản cư các sắc dân thiểu số vẫn sống trên vùng Tây Nguyên trước giờ. Bauxite thường được khai thác từ những khu mỏ lộ thiên, để lại những vết sẹo lớn trên mặt đất. Quy trình xử lý tinh chế cũng sản sinh ra một thứ “bùn đỏ” độc hại, có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng nếu như nó chảy thấm xuống các sông ngòi trong vùng.

Không những thế, sự dính líu của một công ty Trung Quốc tại một dự án gây nhiều tranh cãi như vậy đã khơi dậy tinh thần chống Trung Quốc âm ỉ tiềm tàng tại Việt Nam, một đất nước đã là thuộc địa của người láng giềng khổng lồ mạnh hơn trong suốt 1.000 năm, và một trận chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979. Ông Thích Quảng Độ, một nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nằm ngoài vòng pháp luật, đã quả quyết rằng Việt Nam hiện đang “bị mối đe doạ xâm lược” do “những làng xóm có toàn công nhân Trung Quốc đã mọc lên như nấm trên vùng cao nguyên, và 10.000 người định cư Trung Quốc sẽ đến trong năm tới.” Những nhận xét của ông đã được hưởng ứng bởi các đội quân blogger hăng hái ở Việt Nam, và một nhóm chống lại việc khai thác bauxite đã thiết lập một trang Facebook, một trang web mạng xã hội phổ biến, thu hút gần 700 thành viên. Có vẻ như các blogger Trung Quốc không phải là lực lượng duy nhất huy động tinh thần bài ngoại cháy bỏng. Mặc dầu có nhiều thái độ chống đối được lôi cuốn bởi tình cảm đó, song cũng có những mối quan ngại chính đáng về những thành tích khai thác môi trường tồi tệ của nhiều công ty khai mỏ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có vì động cơ nào đi nữa, thì chính phủ Việt Nam cũng đang phải lo lắng về những chỉ trích của công chúng đối với Trung Quốc. Mới đây họ đã đình bản một tờ bán nguyệt san có tên là Du Lịch trong ba tháng do đã cho đăng một loạt bài về những tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Nhà nước viện lẽ rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng đang có một mức thâm thủng ngoại thương lớn với người láng giềng của mình và đã và đang thúc giục chính phủ Trung Quốc đầu tư hơn nữa vào nước mình để bù lại những thậm chi. Với việc sút giảm 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái - và đa số các quốc gia giàu đều lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt - giờ đây

Việt Nam đang cần tiền của Trung Quốc hơn bao giờ hết.
"Thế nhưng thực tế cho thấy rằng trong thời buổi kinh tế túng quẫn, những kẻ đi xin xỏ không thể là những tay có quyền kén chọn."

Bất kể sự bực dọc của các nhóm hành lang vận động chống Trung Quốc, ông Dũng, thủ tướng Việt Nam, đã bỏ một tuần trong tháng này để thực hiện chuyến công du Trung Quốc, cố gắng kêu gọi hoạt động đầu tư và cam kết sẽ giúp cho các công ty Trung Quốc hoạt động dễ dàng hơn tại đất nước ông. Tiếp theo sau một cuộc họp mặt với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, ông Dũng nói rằng hai nước sẽ nỗ lực mở rộng mâu dịch song phương từ 20 tỉ đô la Mỹ năm 2008 lên 25 tỉ năm 2010 và cố gắng xử lý vấn đề cân bằng thương mại.

Ông Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng Việt Nam, mới đây đã tuyên bố trong một cuộc họp báo với các nhà khoa học đang quan ngại về tình trạng phá huỷ môi trường rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi kế hoạch khai mỏ “với bất cứ giá nào”. Thế nhưng thực tế cho thấy rằng trong thời buổi kinh tế túng quẫn, những kẻ đi xin xỏ không thể là những tay có quyền kén chọn.

-------------------------------------

Đọc bản tiếng Anh:
Bauxite Bashers. Nguồn: economist.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

No comments: