Wednesday, April 29, 2009

MỘT NỀN VĂN HOÁ TÂY NGUYÊN ĐANG CHẾT DẦN

Một nền văn hoá Tây Nguyên đang chết dần
Phan Văn Song
Tháng Tư 28, 2009
http://ledienduc.wordpress.com/2009/04/28/m%E1%BB%99t-n%E1%BB%81n-van-hoa-tay-nguyen-dang-ch%E1%BA%BFt/
Viết theo phóng sự của Jean-Matthieu Gauthier (Tổ Chức Les Enfants du Mékong)

Sáng sớm tinh sương, cây cỏ mờ hơi sương. Hàng cây thẳng tắp bên lề đường trông như những bức họa đồ của kiến trúc sư, từng hàng sọc thẳng tắp đen trắng. Những hàng cây đen tạo những hàng sọc, trong màu sương sửa đục lẫn lộn xa xa nét chấm phá của vài đám người đang đục, khoét, thâu gom những giọt sửa đục quý giá của mủ cao su - “Vàng trắng”.
Hình ảnh tuy thoáng thoáng ẩn hiện trong buổi sáng mờ sương hôm ấy với tôi thật là hình ảnh đầy cảm xúc.

Rừng cao su Việt nam - Ảnh: Veloasia.com
http://ledienduc.files.wordpress.com/2009/04/rubber_trees.jpg?w=300&h=205

“Rubber tree, rubber tree” (Cây cao su) anh bạn Aong gào lên giới thiệu để át tiếng nổ của chiếc xe mô tô chở hai chúng tôi đang vùn vụt lao dưới dước cơn mưa đầu mùa.
‘But it was the jungle before”, và anh bạn người Jarai thêm một câu thòng “a long time ago …” (Nhưng đây trước kia là rừng già, trước kia. .. xưa lắm) cùng trong một giọng nói ấy, nhưng tôi cảm như một tiếng nức nở nghẹn ngào .
Rừng già ư? Không tin được. Trên đoạn đường dài, như cuốn phim đang chiếu và như người bị cà lăm, những hình ảnh đang trải dài, tiếp nối nhau, giống hệt y nhau, lặp lại nhau, trải dài trên hàng cây số, những hàng cây cao su thẳng tắp, gạch sọc, tiếp nối nhau vùn vụt chạy dọc theo nhau bên lề đường. Và thỉnh thoảng những đồn điền cây cao su, nhường cho vài hàng café của những đồn diền cà phê, …
Nhưng rừng già đâu? Không có, và không thể tin là có được.. .

Một nền Văn hóa đang diệt vong

Chỉ cần có 30 năm là đủ để hủy hoại toàn bộ “khu rừng muôn vạn thánh” (la forêt des mille génies ).
“Cuộc tàn phá bắt đầu ngay vào những ngày đầu những ngày Thống Nhất đất nước Việt Nam năm 1975″. Tiến sĩ Matthieu Guérin, giáo sư Trưởng khoa Sử Hiện đại của Viện Đại Học Caen và chuyên viên nghiên cứu nền Văn hóa dân tộc Jarai tiếp tục nhấn mạnh để gây sự chú ý của các thính giả trong buổi nói chuyện tuần vừa qua ở thính phòng Đại học Sorbonne (Paris, Phap) về cuộc tàn phá rừng già và cướp đất ở Tây nguyên Việt Nam.
Hiện tượng một nền nông nghiệp lương thực (của người dân tộc Jarai ) được biến thành một nền nông nghiệp công nghệ và thương mại dài hạn ngày nay đã lên đến một mức độ trầm trọng có nguy cơ đến tương lai của người Jarai.
“Trước hoàn cảnh bị cướp đất có kế hoạch, người dân Jarai trước chỉ biết lùi sâu vào vùng rừng già. Nhưng ngày nay, gần như không còn rừng già nữa, và họ đang bị đưa vào bẫy sập. Không biết làm sao hơn, hoặc là chấp nhận số phận, bị đồng hóa vào dân tộc Kinh, hoặc là kêu gọi mở ra một cuộc đấu tranh đầy tuyệt vọng”.

Người Tây Nguyên và một nền văn hoá đang chết dần - Ảnh: Travelltovietnam.cc
http://ledienduc.files.wordpress.com/2009/04/taynguyen.jpg?w=300&h=225

Thật vậy, đây là một nền văn hóa đang bị hủy hoại. Cách đây không bao lâu, người dân tộc Jarai di săn cọp trong những khu rừng già (của họ), câu cá trên những giòng nước chảy siết, hái hoa, hái trái, đốt rừng làm rẫy…
Dân tộc Jarai, những đứa con của rừng lớn lên, sinh tồn, sống và sinh hoạt trong rừng, với rừng. Và còn hơn thế nữa, dân tộc Jarai có mối liên hệ đặc biệt và mật thiết với rừng. Họ với rừng mà một, như những tài liệu nghiên cứu của nhà truyền giáo, nhân chủng học Jacques Dournes đã chứng minh.
Nhưng, … ngày nay, “Hãy tưởng tượng rằng trong vòng chỉ 30 năm ngắn ngủi, quý bạn đang nhìn thấy gia tài văn hóa của quý bạn đang bị tiêu hủy và trên đường sụp đổ” - Tiến sĩ Matthieu Guérin nói tiếp - “Đó là những gì hiện đang xảy ra với dân tộc Jarai. Nếu họ không hòa đồng, nếu họ không chấp nhận lối sống của người Kinh, và nếu họ không chấp nhận lối sống định cư, họ sẽ không còn nơi cư ngụ. Và để kết luận chúng tôi gọi đây là một loại diệt (nhân) chủng (ethnocide)”.

Sự khan hiếm đất đai

Cũng bắt đầu vào những năm 1990, với những chính sách “Đổi mới”, với sự tăng vụt của thị trường Cà phê, với những luật lệ mới về địền địa… cuộc sống của người dân tộc Jarai bắt đầu đi vào ngõ cụt.
Cũng bởi chính sách ‘Đổi mới”, người Kinh mới có ý thức tiềm năng của đất đai màu mỡ, giàu có nhưng kém sử dụng của Tây nguyên. Nhiều vùng họ có cảm tưởng còn “bị bỏ hoang” và cứ thế mạnh ai nấy đỗ xô vào xâm chiếm.
Luật điền địa 1993 cũng không giúp đỡ gì cho dân tộc địa phương Jarai. Với luật nầy, nông dân Jarai về mặt pháp lý là sở hữu chủ của mảnh đất mình, nhưng nhà nước quản lý việc sủ dụng và khai thác. Và sự thật là, Nhà nước chỉ cho phép nông dân chủ nhân ông quyền khai thác có hạn định theo mùa màng, hằng năm hay vĩnh viễn cũng tùy theo loại ngũ cốc hay hoa mầu.

Khốn nạn thay cho dân tộc Jarai, là họ canh tác theo kiểu Jarai là kiểu du mục, đốt rừng làm rẫy, năm nay làm ở đây, năm sau đi chỗ khác, để cho nương cũ, rẫy cũ nghỉ mệt. Họ canh tác với những loại ngũ cốc lương thực, kém giá trị kinh tế và đau đớn hơn là trong tay họ không có một tấm giấy chứng minh những mảnh đất ấy là gia sản của họ… Và cứ thế là đất đai của họ lần lần bị lấn chiếm.

Đồng thời gian ấy, khi những đồn điền cà phê vùng Tây nguyên Trung phần đưa Việt Nam lên hàng số hai thế giới về mức xuất cảng cà phê, thì những đồn điền cao su cũng tăng nhanh vượt bực mức sản xuất, đem về cho Việt nam trên 15 tỷ đồng hằng năm (khoảng 700 triệu €). Tiến sĩ Matthieu Guérin kết luận rằng: “Cà phê đã biến thành Vàng đen, cao su là Vàng trắng, và một cuộc di dân khổng lồ bắt đầu được tổ chức để đem người Kinh miền dưới xâm nhập vùng Cao nguyên Trung phần”.

Ngày nay tại thành phố Pleiku, thủ phủ Tỉnh Gia Rai, có 200 ngàn người Việt gốc Kinh và 40 ngàn người dân tộc Jarai. Để so sánh, trước Đệ nhị Thế chiến, tỷ số dân Thượng (*) ở Tây nguyên Trung Phần Việt nam là 93 %.

Ngày nay nếu ta đến viếng Pleiku, “phố núi cao, của các em Pleiku mà đỏ môi hồng”, đi giữa thành phố, ta không còn “đi năm phút quay về chốn cũ” nữa, mà sẽ thấy một thị xã tân thời, đầy những cao ốc, với nạn kẹt xe, bụi bặm, ồn ào bởi những tiếng động cơ xe gắn máy. Chúng ta chỉ tìm thấy bóng người Thượng, người dân tộc Jarai ở tụ tập (bị vất) bên ven bờ thành phố, trong những nhà tôn, vách ván trên nền đất nện tạo thành những khu nhà bình dân (bidonville - slum) điêu tàn, dơ dáy…

Anh bạn Aong vừa cười vừa nói: “Anh tìm xem có hàng cây nào không?”. Thật vậy, những nhà sàn truyền thống trên vùng Gia Rai phải tìm đỏ con mắt mới thấy, và rừng già phải còn lâu mới nhìn thấy. Trái lại trong khu bình dân ấy, trong những căn nhà ván mái tôn ấy, đêm như ngày, ngày như đem, đen tối không một ánh sáng, bẩn thỉu, hoang trống, ít bàn ít ghế, chỉ những sạp ngủ, vài hình ảnh lẫn lộn được trưng lên bàn thờ, hình Hồ chí Minh bắt buộc, hình Đức mẹ, thánh giá Thiên Chúa. Trong một căn nhà kia, trên chiếc bàn xiêu vẹo, một gà-mên móp méo chứa vài thức ăn thừa: vài muỗng cơm nguội, ba quả bắp “Bữa cơm trưa còn lại và đó cũng là phần cơm chiều” - Aong cắt nghĩa sau khi đã hỏi bà chủ nhà.

Đừng nghĩ rằng tình trạng kinh tế của dân tộc Jarai khá hơn lúc trước vì nhờ nến kinh tế vùng Tây Nguyên đã phát triển. Rất ít gia đình người dân tộc có điện vào nhà, và rất hiếm nhà người dân tộc có TV, ta có thể kết luận nhà người dân tộc Jarai sống cũng giống như giấc mơ của họ: tí ti, tạm sống qua ngày.

Giấc mơ thực sự của họ ư? Họ mong Nhà nước Việt Nam trả đất lại cho họ. Trả đất của tổ tiên họ cho họ. Và có thể cho phép họ được tự do thờ phượng, như Hiến Pháp nước Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đã quy định. Họ có xin quyền Tự chủ không? “Thật sự mà nói, cũng có vài người có nghĩ đến, nhưng đó là một chuyện khác” - Aong trả lời.

Trước những tình trạng đói khổ và những đòi hỏi về nhân quyền nầy, rất dễ đưa đến xung đột: một cuộc cưỡng chiếm đất của Nhà nước để quy hoạch cho công nghệ, một chuyện ép giá của một chủ xí nghiệp tư để mua đất, v.v… và còn nhiều chuyện không được các cơ quan cầm quyền địa phương xử lý công bằng, đã tạo nên cuộc nổi dậy và bị đàn áp dữ dội, đổ máu vào năm 2001.

Ngày nay, tình hình có vẻ tương đối lắng dịu, nhưng vẫn còn lai rai,vài tuần một lần, những cuộc xuống đường nho nhỏ đòi hỏi công bằng, công lý trong những giải quyết một vài hồ sơ đất đai.

Sau nhiều giờ lội bộ len lỏi, trên một lối đường mòn mà trận mưa rào đêm trước đã biến thành những vũng lầy trơn trợt, chúng tôi đến một khoảng trống trong rừng. Buổi thánh lễ diễn trong một nhà kho biến thành một Nhà Thờ bao bọc chung quanh bởi những hàng cây cao su thẳng tắp như lập một giàn chào đứng nghiêm che chở, vừa tan.

Làng Buon Don - Ảnh: Enjoytravelvietnam.com
http://ledienduc.files.wordpress.com/2009/04/buondonvillage.jpg?w=180&h=147

Màn đêm sửa soạn xuống, từng giọt nắng cuối cùng cố xuyên qua tàng cây cao su, cố tranh thủ với ánh đêm đang bắt đầu lấn áp. Tôi có cảm tưởng gặp lại một hình ảnh quen thuộc của buổi tan lễ ở làng chúng tôi, bên Pháp. Cũng những câu chào nhau, cũng những câu chuyện bắt đầu nhưng không dứt được vì vợ con hối thúc phải về nhanh, cũng những cái vẫy tay, cũng những bắt tay vội vã, cũng những câu trao đổi tiếp tục, nhưng ở đây là chung quanh các gốc cây cao su. Đây là một nhóm người Jarai đặc biệt, ngoài cái họ cùng gia đình tôn giáo với đa số dân Jarai - 90 % người Jarai là người đạo Thờ Chúa (Tin lành hay thuộc Thiên Chúa Giáo La mã) - họ là chủ nhân của các cao su chung quanh nhà Thờ nầy.

Đây là một thí dụ để các người Jarai khác noi gương theo. Nên hay không nên. Chuyện ấy là việc riêng anh em người Jarai. Nhưng phải nhìn nhận là một số người vẫn sống dễ dàng và “thành công” với chế độ, nhưng chúng ta cũng phải tự hạn chế cái nhìn: theo thống kê chính thức có 8.000 công nhân gốc người Thượng trên toàn bộ 20.000 công nhân công nghiệp cao su của Tỉnh Gia Rai. Aong và các bạn bè anh vừa cười vừa nói: “Đó là con số được thổi phồng, cho chúng ta và người ngoại quốc… Nếu thực sự có nhiều công nhân Jarai làm việc cho các đồn điền cao su thì đâu có cảnh người Jarai thất nghiệp như ngày hôm nay”…

Bổn phận người làm Anh đối với người Em

Đây là một lý thuyết chính trị đã được áp dụng trong chính sách của Đảng Cộng sản Việt nam và Nhà nước Việt Nam đối với 54 dân tộc thiểu số của đất nước Việt Nam. Matthieu Giérin không ngần ngại gọi đây là một “hảo tâm”. “Nó phát xuất từ cái sơ đồ quan niệm chính trị của Staline, khi Staline tuyên bố rằng ngưới Nga (dân tộc Nga) phải giúp đở các dân tộc thiểu số khác phát triển”. Và Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng người Kinh Việt Nam phải giúp người Thượng đi vào văn minh. Một chuyện làm càng nực cười hơn, khi trong khoảng thời gian gần đây, người Kinh muốn người Thượng theo học Khổng Giáo.

Để kết luận, đối với một số đông người Việt, “giúp đỡ” người Thượng là giúp đỡ kinh tế, và xa hơn nữa giúp đỡ kinh tế và văn hóa nhưng phải biết tôn trọng dị biệt văn hóa người Thượng - nhưng hãy cẩn thận đừng để Vùng Tây nguyên biến thành những “khu biệt lập người Da đỏ” (Réserves d’ Indiens ) kiểu Mỹ, chuyên biểu diễn Múa Vũ Văn Hóa cho các đoàn du khách đến thăm viếng.

Hiện nay, mặc dù có những khó khăn, thiếu thốn nhưng giới trẻ Jarai đã nắm và rút kinh nghiệm của các thế hệ trước. Sau một thời gian khúm núm trước nhà cầm quyền Trung ương người Kinh, người Dân tộc Jarai không quên họ là một bộ phận của gia đình đa dân tộc Việt. Họ không quên rằng vào thế kỷ thứ 19, không xa lắm, các Hoàng Đế Triều đình Huế đã tiếp các potaos, các Vua Jarai, như những vị Vua đồng minh trong việc giữ nước và mở mang bờ cõi. Họ hiểu rằng họ có một vai trò quan trọng trong Đại Gia đình đa dân tộc Việt trong việc cứu nước và giữ nước Việt Nam.

Ngày nay hiểm họa Trung Quốc bành trướng đang mỗi ngày mỗi lớn. Di dân Trung Hoa cộng sản đang tràn ngập trên lãnh thổ Việt nam. Những công trường, nông trường, xí nghiệp nếu chẳng may cho nhà thầu Trung Hoa trúng tuyển, thì công trường, nông trường, xí nghiệp ấy là cửa ngõ để công nhân Trung Quốc hay quân đội Trung Quốc trá hình đột nhập.

Với chế độ đãi ngộ đặc biệt dễ dãi với công dân Trung Quốc cộng sản, người Hoa có quốc tịch Trung Hoa cộng sản có hộ chiếu được nhập vào Việt nam không chiếu khán, đi lại tự do, làm việc tự do trên đất Việt Nam.

Hiện nay vì nạn thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế, các xí nghiệp Tàu phải chuyển sang Việt nam, công nhân Tàu cũng phải di cư sang Việt Nam. Việc ký cho nhà thầu Trung Hoa cộng sản mở mang khai thác quặng nhôm trên vùng Tây nguyên sẽ là một vấn nạn lớn cho Việt nam.

Thoạt đầu, một vấn nạn hủy hoại môi sinh, sau là vấn nạn kinh tế. Khai thác quặng nhôm sẽ làm chai đá đất đai mầu mỡ của Tây Nguyên, phá hoại tiềm năng nông nghiệp cao su và cà phê của đất Tây Nguyên. Đúng là thả mồi bắt bóng. Và cuối cùng đem 10 ngàn công nhân Trung Quốc vào Tây Nguyên cạnh tranh với người công nhân Việt Nam Kinh và Thượng, đặt biệt Thượng, là một mối họa diệt Văn hóa, diệt chủng (ethnocide) người thiểu số địa phương.

Chế độ chính trị thiếu công bằng, bất công hiện nay của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã gây nhiều bất mãn cho dân tộc thiểu số ngưới Thượng. Buộc người Thượng bỏ nền Văn hóa truyền thống để hội nhập vào nền văn hóa Kinh là coi khinh người Thượng. Với một chế độ chính trị nhưng vậy rất dễ đẩy người Thượng đi theo người Tàu. Chỉ cần Trung quốc hứa giúp đở người Thượng giữ quyền tự chủ và viện trợ dài hạn để độc lập kinh tế với Trung ương Việt Nam là người Thượng có thể sẽ ra khỏi gia đình dân tộc Việt ngay. Người Tàu chỉ cần nói họ trọng người dân tộc thiểu số Thượng và họ bảo đảm người dân tộc thiệu Thượng giữ một bản sắc của mình, là người thiểu số Thượng sẽ theo Trung Quốc ngay. Vả lại khi Trung Quốc kiểm soát Lào và Campuchia, vùng tự trị Tây Nguyên Việt Nam sẽ là vùng chiến lược số một vì là nóc nhà của Việt Nam.

Nhà cầm quyền Việt Nam, hãy mau mau tỉnh ngộ!
Hãy coi chừng vùng Tây Nguyên, cột xuơng sống Trường Sơn của đất nước Việt Nam có thể bị bẻ gãy nếu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục đi từ sai trái nầy đến sai trái khác.

21 tháng 4 năm 2009

--------------------------
Chú thích:
(*): Người Thượng: một từ ngữ mới được cầu chứng tại Tòa. Lúc xưa người miền xuôi thường gọi người Thượng là Mọi. Người Thượng thực sự là từ chung để gọi toàn thể các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên Trung phần Việt nam : Jarai, Bahnar, Rhadé, Sédang, Koho, Bru, Pacoh, Katu, Sré ..Tất cả là 40 dân tộc khác nhau gọi chung theo một từ chung (cấm ) là Degar, từ ngôn ngữ có nghĩa là « những người con của rừng núi ». Tổng dân số vào khoảng 400 ngàn, trong ấy có 100 ngàn người Jarai.

Bài do tác gỉa gửi cho
http://ledienduc.wordpress.com


No comments: