Tuesday, April 28, 2009

HUYỀN THOẠI VỀ TRỊNH CÔNG SƠN (bổ sung II)

Huyền thoại về Trịnh Công Sơn như một nhạc sĩ có tấm lòng đầy ắp tình người [bổ sung II]
Nguyễn Tôn Hiệt
28.04.2009
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=84BFED964FB7B7BC1D3253180D8587EB?action=viewArtwork&artworkId=8587

[Trả lời
Mai Anh Vũ]

Tôi không hề đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải có thái độ phản kháng lại chính quyền. Tôi không hề đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải công khai xót thương những người phải bỏ xứ, bị lùa đi kinh tế mới, bị đói khổ, bất công. Tôi không hề đòi hỏi Trịnh Công Sơn phải cho ra đời một tập ca khúc nói lên tiếng nói của “vô số gia đình có những người cha, người chồng, người con bị bắt bớ, giam cầm, hành hạ, thủ tiêu”.

Nếu Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ thật sự có tấm lòng đầy ắp tình người, thì ông ta phải tự đòi hỏi mình làm những điều như thế.

Nếu Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ thật sự có tấm lòng đầy ắp tình người, nhưng không thể công khai nói ra vì sự áp bức của chế độ, thì ông ta có thể sáng tác “ngoài luồng” như hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam khác, những người còn bị ngộp thở hơn ông ta gấp vạn lần.

Thử lấy một ví dụ. Sau năm 1975, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, bị giam giữ trong nhiều trại tù: Long Giao (1975-1976), Yên Bái (1976-1977), Lào Cai (1977-1978), K2 Tân Lập (1978-1980), và K5 Tân Lập (1980-1982). Trong tù, ông vẫn làm thơ, và không một câu thơ nào hèn yếu. Ông viết và ký tên Trần Kha.

Từ năm 1983, khi những bài thơ trong tập Thơ ở đâu xa của Trần Kha được chuyền tay và bắt đầu lọt ra đến hải ngoại, độc giả vô cùng ngưỡng mộ và xúc động vì cái tài và cái dũng của thi sĩ / tù nhân Trần Kha, nhưng không mấy ai biết Trần Kha chính là Thanh Tâm Tuyền. Cho đến sau khi Cung Tiến phổ nhạc 12 bài của Trần Kha thành tập ca khúc Vang vang trời vào xuân và cho trình diễn lần đầu tại Washington năm 1985, thì độc giả mới dần dần biết rằng Trần Kha chính là Thanh Tâm Tuyền. Nhân đây, kính mời độc giả đọc lại thi phẩm
Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền [đã được phổ biến trên Talawas].

Trịnh Công Sơn có quyền chọn con đường xu nịnh theo chế độ để kiếm tiền và lập danh như hàng ngàn nhạc sĩ và văn công khác. Có rất nhiều nhạc sĩ và văn công đã được Đảng và Nhà nước trao những giải thưởng lớn và phong cho đủ thứ tước hiệu, nổi danh như cồn, nhưng tôi không bao giờ phải mất công nói về họ.

Tôi phải mất công nói về Trịnh Công Sơn, vì quá nhiều người đã bắt chước nhau một cách mù loà để thần tượng hoá Trịnh Công Sơn quá trớn về mọi phương diện. Trong đó, phương diện lố bịch nhất là “tình người”.

Mai Anh Vũ viết:
Tất cả mọi người dân (miền Bắc từ sau 1954 và cả nước từ sau 1975) đều không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài việc thoả hiệp với thể chế, với chính quyền.

Viết như vậy là tự hạ nhục mình và hạ nhục đồng bào của mình. Tại sao “tất cả mọi người dân” lại “không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài việc thoả hiệp với thể chế, với chính quyền”?

Tôi tin tưởng rằng có hàng chục triệu đồng bào Việt Nam vẫn sống dưới chế độ độc tài ấy, nhưng không hề thoả hiệp với nó.

Sau năm 1975, bạn bè tôi, gia đình tôi, và chính tôi, chưa bao giờ phải thoả hiệp với chế độ. Chúng tôi âm thầm sống cho qua ngày. Người thì âm thầm sáng tác. Người thì âm thầm tổ chức vượt biển, liều chết ra đi để tìm tự do. Người thì mất hộ khẩu, sống lang thang trên vỉa hè. Người thì bị bắt giam, đánh đập, hành hạ. Người thì bị lùa lên vùng kinh tế mới... Nhưng chúng tôi không bao giờ thoả hiệp với chế độ. Chúng tôi vẫn âm thầm nuôi hy vọng cho chính mình và cho nhau. Chúng tôi lựa chọn thà sống trong đau đớn hay thà chết trên biển Đông còn hơn thoả hiệp với sự nhục nhã và phản bội.

Mai Anh Vũ viết:
Người dân đen còn như vậy, huống hồ là các văn nghệ sĩ, những người của công chúng. Chỉ cần họ phát ngôn vu vơ ở đâu đó một điều nào đó không được hợp nhĩ các “lãnh đạo” là cũng đủ lôi thôi rồi. Nếu điều này lại được viết thành văn bản, được công bố trên một phương tiện thông tin đại chúng thì nó sẽ trở thành một tội tày trời. Và nếu như nó còn được đưa vào một tác phẩm nghệ thuật, dù chỉ là một hình tượng ẩn dụ, một chi tiết nhỏ, thì ôi thôi, chắc chắn kết cục sẽ là một thảm hoạ đối với người nghệ sĩ.

Nếu Trịnh Công Sơn là một trong những văn nghệ sĩ như thế — những kẻ vừa run sợ, lại vừa muốn mua danh, làm tiền, nên sẵn sàng làm con vẹt hót hay cho một chế độ chống lại quyền tự do của con người — thì tất nhiên chẳng có gì để nói, nhưng, đã thế, thì làm ơn xoá hết những thứ huyền thoại giả mạo về ông ta như một nhạc sĩ có tấm lòng đầy ắp tình người.

Và hãy thẳng thắn xác định:
Trong nghệ thuật, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ có tài. Trong đời sống, Trịnh Công Sơn là một kẻ cũng hèn yếu, xu nịnh, ích kỷ và tầm thường như rất nhiều kẻ khác.

--------------

Bài liên hệ:
27.04.2009
Sự thiếu tình người của Trịnh Công Sơn (góp ý với Nguyễn Tôn Hiệt) - Mai Anh Vũ
[ÂM NHẠC] ... Trong bối cảnh như vậy, anh đòi hỏi Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ nổi tiếng trong “chế độ cũ”, phải có thái độ phản kháng lại chính quyền ư? Anh muốn ông phải công khai xót thương những người phải bỏ xứ, bị lùa đi kinh tế mới, bị đói khổ, bất công ư?...
(...)

---------------

Nghe :
Vang vang trời vào xuân (Cung Tiến - Thanh Tâm Tuyền)
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=lMu09fIKc-

Xem thêm các bài hát liên quan đến "Vang vang trời vào xuân (Cung Tiến - Thanh Tâm Tuyền)">>>
http://www.nhaccuatui.com/tim_nang_cao?key=Vang+vang+tr%e1%bb%9di+v%c3%a0o+xu%c3%a2n+(Cung+Ti%e1%ba%bfn+-+Thanh+T%c3%a2m+Tuy%e1%bb%81n)





No comments: