Thursday, April 30, 2009

THAM VỌNG QUYỀN LỰC CỦA GIỚI LÃNH ĐẠO : NỖI BẤT HẠNH CỦA DÂN TỘC

Tham vọng quyền lực của giới lãnh đạo: nỗi bất hạnh của dân tộc
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 29/04/2009 lúc 18:24:15 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3723
Giữa thế kỷ 19 Hoa Kỳ đã lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, suýt đưa đất nước đến bờ vực của sự đổ vỡ toàn diện. Nhưng khi chiến tranh kết thúc (9/4/1865) nhân dân Mỹ quên đi hận thù, cùng bắt tay vào việc trùng tu đất nước. Ba thập niên sau, HK trở thành một nước đại tư bản hùng mạnh. Năm 1898, hải quân HK đánh bại Tây Ban Nha ở Cuba và Puerto Rico. Đây là hai thuộc địa cuối cùng của Âu Châu ở Tân thế giới. HK đã hoàn thành chính sách “Châu Mỹ của người Mỹ” do TT James Monroe đề ra năm 1823: “Từ nay trở đi không một cường quốc Âu Châu nào có thể đặt ách thuộc địa lên đại lục Châu Mỹ này”.

Với sức mạnh quân sự, HK đã góp phần đắc lực trong việc kết thúc hai trận đại chiến lớn nhất trong lịch sử loài người (1914-1918 và 1939-1945). Với sức mạnh về kinh tế, HK đã giúp các nước bại trận Đức, Ý, Nhật vươn lên từ đống tro tàn đổ nát vì chiến tranh, trở nên những thế lực hùng mạnh. Ba mươi năm sau khi Thế chiến II chấm dứt, họ đã đứng ngang hàng với các nước từng đánh bại họ, hợp thành khối thất cường, bảy nước kỹ nghệ có nền kinh tế giàu mạnh nhất của thế giới trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.

Đúng một thế kỷ sau khi nội chiến chấm dứt, HK trực tiếp can dự vào chiến tranh VN. Cuộc chiến ở đây đã kéo dài từ khi TC II vừa kết thúc. Chiến tranh khiến đất nước bị chia đôi, sau đó CS tái phát động chiến tranh để thống nhất đất nước. Hậu quả là chiến tranh triền miên, nhiều triệu đồng bào đã chết vì bom đạn, đất nước bị tàn phá nặng nề. Nhưng không có một chỉ dấu nào cho thấy cuộc chiến sẽ được kết thúc trong êm đẹp. Một bên muốn thống nhất đất nước và áp đặt chế độ độc tài CS lên toàn thể dân tộc. Một bên được sự ủng hộ của HK chiến đấu bảo vệ nền dân chủ tự do. Trước thảm hoạ đó, ngày 7/4/1965 tại Đại học John Hopkins, TT Johnson kêu gọi Cộng sản Bắc Việt đến bàn đàm phán giải quyết chiến tranh bằng con đường hoà bình. Mục tiêu của HK là “nền độc lập của Nam VN được bảo đảm vững chắc để họ có thể hoạch định mối liên hệ riêng của họ đối với các nước khác mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nơi đây không phải là căn cứ quân sự cho nước nào và không liên minh với nước nào”.

Dùng hai gọng kềm: oanh tạc miền Bắc và đưa quân vào miền Nam, HK mới áp lực được Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh bằng một hiệp định hoà bình với nội dung chính là hoà giải hoà hợp dân tộc, xoá bỏ hận thù và tôn trọng quyền tự quyết dân tộc. Hiệp định đáp ứng trọn vẹn những nguyện vọng của người dân VN là: độc lập, thống nhất, tự do dân chủ. HK còn dự trù một ngân khoản gần 5 tỉ đô la để giúp VN tái thiết đất nước thời hậu chiến. Đáng lẽ VN đã trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, giàu mạnh…Nhưng trái với kỳ vọng của mọi người, sau chiến tranh, thế giới lại để mắt đến VN qua “thảm cảnh thuyền nhân”, qua sự vi phạm chà đạp nhân quyền, qua sự nghèo nàn cơ cực chưa từng có. Đau đớn hơn là các diễn đàn chính trị thế giới, các cơ quan tuyên truyền khắp năm châu phát ra những tiếng nói vô cùng nhục nhã: “Việt Nam: kẻ cướp quốc tế”, “VN: Quân Phổ ở Á Đông”, “VN: vong bội nghĩa”, “VN: tráo trở lật lọng”, “VN: ngoại giao đi ăn mày”. Sau chiến tranh, VN là nơi tập trung những gì xấu xa nhất trên thế gian, thậm chí người ta còn khinh miệt VN như là những thứ tội phạm ghê gớm cần phải “dạy cho bài học” và “sẵn sàng dạy thêm bài học thứ hai”, cô lập và trừng phạt VN chảy máu cho đến chết.

Trước 1975, Nam VN là một quốc gia đang trên đường tư bản hoá, mức độ kinh tế phát triển tương đương với Mã Lai, Ấn Độ, Thái Lan…Nhưng năm 1992 tụt hậu sau Thái Lan đến 20 năm. Lợi tức đầu người của VN chỉ vỏn vẹn 205 đô la bằng phân nửa cái mức 410 đô la được Ngân hàng Thế giới dùng để định nghĩa thế nào là một nước nghèo. Ngày 27/6/1991, trong cuộc họp báo sau khi Đại hội VII Đảng CSVN kết thúc, Tổng bí thư Đỗ Mười thừa nhận: “VN quá nghèo nàn lạc hậu, cần sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới”. Từ đó CSVN mời gọi tư bản nước ngoài vào đầu tư, giúp họ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi gia nhập cộng đồng thế giới, CSVN lại bán rẻ tự ái quốc gia và danh dự dân tộc. Trong bài viết “Việt Nam 1992: Đầu tư và phát triển”, Giáo sư PKV đã viết “Khi giao dịch với ngoại quốc, bọn lãnh đạo CSVN dùng sự gian trá và lường gạt. Và nêu gương để dân chúng phát triển sự ăn cắp, lường gạt, mở mang kỹ nghệ mãi dâm”. Ông trích dẫn một nhận định ô nhục nhất cho dân tộc VN được đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 22/6/1992:
“Điều kinh hoàng nhất cho dân tộc VN là sự sụp đổ đạo đức của người dân. Ăn cắp của công hay của người khác nay đã thông thường quá cho nên không ai còn cảm thấy mặc cảm có tội nữa vì họ không còn cách nào khác để sống”. (1)

Ba mươi năm sau khi nội chiến chấm dứt (1975-2005) VN vẫn còn là một trong vài ba nước nghèo nàn, độc tài và tham nhũng nhất thế giới. HK từng lâm vào cảnh nội chiến, nhưng ba thập niên sau họ trở thành một nước dân chủ tự do hùng mạnh. Sự tương phản đó có phải do cách hành xử khác nhau của hai dân tộc? Tại Mỹ
ngày 9/4/1865 tướng Lee Tư lệnh Quân đội Liên hiệp miền Nam tuyên bố đầu hàng, những người lính chiến thắng chào những người lính bại trận như những anh hùng. Họ bày tỏ sự kính trọng của những người Mỹ đối với những người Mỹ: kẻ thắng người bại đều được tôn trọng. Sĩ quan quân đội miền Nam được trở về quê hương cùng với binh sĩ của họ; lực lượng kỵ binh được phép giữ ngựa là tài sản riêng của họ. Tinh thần mã thượng của người chiến binh đã xoá tan mọi hận thù. Trái lại ngày 30/4/1975 đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, sau đó gần nửa triệu quân nhân và viên chức chế độ miền Nam bị CS lưu đày trong các trại tập trung cải tạo phần lớn ở vùng rừng núi miền Bắc.

Những người CS có thể phản bác: chiến tranh VN không phải là nội chiến. Nhưng khi Nixon thực hiện VN hoá chiến tranh, giới lãnh đạo CS ở Hà Nội đã không lường trước bước ngoặt này. Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động VN (tháng Giêng 1970) tiết lộ: Bộ Chính trị đã “sửng sốt” khi HK quyết định rút quân khỏi Nam VN. Đảng sẽ dùng chiêu bài gì để biện minh cho cuộc chiến chống “Đế quốc Mỹ xâm lược”? Họ phải giải thích như thế nào trước đề nghị hoà bình của Mỹ: quân đội ngoại nhập rút khỏi MN để nhân dân ở đây tư quyết định vận mạng của họ? Sau 6 tháng “mò mẫm” BV đã tìm được cách đối phó. Họ lên án Việt hoá chiến tranh là âm mưu thâm độc của Nixon “thay màu da cho xác chết”: dùng thanh niên miền Nam VN chết thay cho binh sĩ Mỹ. Nhưng HK cũng không muốn làm việc này, họ muốn hoà bình nên từ sau 1973 họ đã giảm dần quân viện cho đồng minh của họ, để thanh niên miền Nam khỏi chết một cách vô ích vì đã có hiệp định ngưng bắn. Chiến tranh sẽ được kết thúc bằng con đường hoà giải dân tộc, xoá bỏ hận thù.

Đối với người CS lấy giai cấp đấu tranh, lấy hận thù dân tộc làm đường hướng chỉ đạo thì làm gì có việc hoà hợp hoà giải, xoá bỏ hận thù? Họ phải theo đúng con đường do Liên Xô vạch ra. Những gì Lenin thực hiện tại Nga từ năm 1917 đều được CSVN thực hiện từ năm 1975. CS Nga thực hiện việc quốc hữu hoá các xí nghiệp lớn nhỏ, trưng thu lương thực, cưỡng bách lao động. Chính sách này làm nông dân bất mãn không chịu sản xuất. Sản lượng vụ mùa 1921 chưa bằng phân nửa so với những năm trước, trong khi mức sản xuất kỹ nghệ sụt xuống chỉ còn 1/7 so với năm 1913. Để cứu vãn nền kinh tế suy sụp, Lenin chấp nhận “một sự rút lui” áp dụng chính sách kinh tế mới (New Economic Policy) từ 1921. Ông cho phép chủ nghĩa tư bản được phục hồi nhằm lợi dụng kinh tế tư bản để phát triển sản xuất. Từ 1928 Stalin bắt đầu thực hiện việc kỹ nghệ hoá xã hội chủ nghĩa. Còn tại VN, sau thời gian “tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, nền kinh tế quốc doanh gần như bị đình trệ vì thiếu nguyên liệu trầm trọng, cả nước thiếu gạo phải ăn độn bo bo. Đảng CSVN phải đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường. Từ giữa năm 1991, CSVN thực hiện chủ nghĩa xã hội theo quan điểm đổi mới của tân Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Chủ nghĩa tư bản do đảng CS lãnh đạo”. Đây là một hình thức của các chế độ phát xít trước đây.

Cả hai nước đều gặp khó khăn như nhau sau khi giành được quyền lực… Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao, chỉ sau hai thập niên (1917-1937) Liên Xô trở thành cường quốc kỹ nghệ thứ ba thế giới chỉ đứng sau Mỹ và Đức. Còn CSVN 30 năm sau (1975-2005) vẫn còn là một nước nghèo so với các lân bang ở Đông Nam Á?

Vì LX từng là một đế quốc, nên sau Cách mạng tháng 10 (1917) Lenin còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới để hình thành một hình thức đế quốc mới: đế quốc CS. Năm 1919 ông thành lập Quốc tế III, đưa ra khẩu hiệu “đoàn kết quốc tế giữa giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa”. Lenin coi việc giải phóng các nước thuộc địa là một bộ phận chủ yếu của Cách mạng vô sản thế giới. Vì thế cùng với việc phát triển kinh tế, Stalin còn gấp rút xây dựng nền kỹ nghệ quân sự khổng lồ có thể cung cấp đầy đủ cho một bộ máy chiến tranh lớn nhất hoàn cầu trước Thế chiến II. Tham vọng của Stalin là giải phóng tất cả các thuộc địa của các cường quốc Tây phương và đặt vào quĩ đạo Quốc tế CS.

Còn nhà nước CSVN chỉ là một chư hầu, nên sau 30/4/1975 phải tùng phục vào Đế quốc LX. Ngoài chuyên chính vô sản, LX là chỗ dựa vững chắc nhất để duy trì và bảo vệ lâu dài vị trí độc tôn lãnh đạo của đảng CS. Năm 1956 Khruschev đã đưa xe tăng vào Budapest đàn áp người dân Hung đòi tự do. Năm 1968 Brezhnev đưa chiến xa vào Prague uy hiếp người dân Tiệp Khắc khi họ đòi dân chủ. Năm 1978 Brezhnev đưa quân vào Afghanistan khi thấy chính quyền CS ở Kabul có nguy cơ sụp đổ. Tham vọng bảo vệ quyền lực của giới lãnh đạo CSVN đã tạo ra thảm hoạ lớn cho cả dân tộc từ sau 1975 sẽ được đề cập ở phần sau.

Chủ nghĩa Mác Lê du nhập vào VN xuất phát từ tham vọng khát khao quyền lực của vị sáng lập đảng CSVN: ông Hồ Chí Minh. Năm 1911 khi vừa đặt chân đến Pháp ông đã làm đơn xin vào học ở trường thuộc địa (École Coloniale) -nơi đào tạo các quan cai trị ở các thuộc địa. Ước mơ làm quan cho thực dân bất thành, đơn xin học bị bác vì không hội đủ điều kiện, ông phải tìm đến Mạc Tư Khoa tìm sự hậu thuẫn của QTCS -nơi đang chiêu dụ những người dân thuộc địa vừa có lòng yêu nước vừa có tham vọng lớn. Ông HCM đến Pháp cùng thời với cụ Phan Châu Trinh, và nhờ bức thư gởi gấm của thân sinh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bạn tù Côn Đảo của cụ Phan, nên ông Hồ được hoạt động trong nhóm Ngũ Long của cụ Phan Châu Trinh (ngoài cụ Phan và HCM còn có các thanh niên Tây học yêu nước như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh).

Năm 1919, ông HCM nhân danh những người VN yêu nước ký tên Nguyễn Ái Quốc trong bản yêu sách 8 điểm do nhóm cụ Phan soạn thảo, gởi đến các nước Đồng minh đang nhóm họp tại Versailles. Nội dung bản thỉnh nguyện yêu cầu Hội Quốc Liên can thiệp buộc Pháp sửa đổi chính sách thuộc địa ở VN. Từ đó tên tuổi Nguyễn Ái Quốc nổi bật nhất trong số các kiều bào VN ở Pháp.

Nhờ sự giới thiệu của Nguyễn Thế Truyền -một kỹ sư hoá học nổi tiếng thiên tả, nên ông HCM được gia nhập đảng Xã hội Pháp (Quốc tế II) và quen biết nhiều nhân vật cánh tả Pháp như Leon Blum, Marius Moutet, Marcel Cachin…Khi Lenin thành lập Quốc tế III, HCM cùng một số đảng viên Xã hội cánh tả tham dự Đại hội Tours 1920 bỏ phiếu tán thành Đệ Tam quốc tế đưa đến việc thành lập Đảng CS Pháp. Lúc đó ông HCM vẫn chưa hiểu rõ thế nào là Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba. Do đó ông đặt câu hỏi: “Quốc tế nào đứng về phía các dân tộc thuộc địa?” Ông được trả lời là Quốc tế thứ ba. (2) Đó là động cơ thúc đẩy ông HCM đứng hẳn về Quốc tế CS của Lenin chỉ vì tổ chức này chủ trương ủng hộ việc giải phóng thuộc địa. Từ đó ông HCM có dịp nghiên cứu bản Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đọc xong tác phẩm này ông mừng rở thét lên “Đây là cái cần thiết cho ta! Đây là con đường của ta” (3) Bản Luận cương của Lenin được HCM coi như là “quyển cẩm nang thần kỳ” giúp ông thực hiên hoài bảo cứu nước. Và Lenin cũng đã chiêu dụ được một người học trò nhiệt tình nhất để bành trướng chủ nghĩa CS qua con đường giải phóng dân tộc.

Mùa hè 1923, với tư cách đại biểu các nước thuộc địa, HCM được đảng CS Pháp gởi đến Mạc Tư Khoa tham dự Đại hội Nông dân Quôc tế và các Đại hội lần III và lần V của QTCS và được cử vào Ban chấp hành Trung ương. Ông ở lại Nga một năm và được bồi dưỡng nghiệp vụ tại trường Đại học Công nhân Đông phương. Từ đây ông HCM đã tìm được chỗ dựa quốc tế vững chắc vì QTCS coi phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận khắng khít của cách mạng vô sản thế giới mà giai cấp vô sản quốc tế (LX) có nhiệm vụ phải giúp đỡ và ủng hộ để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc.

Sau khi có điểm tựa là LX, ông HCM dựa vào những nguyện vọng thiết tha của nhân dân về độc lập tự do để hô hào họ làm cách mạng. LX không giúp CSVN giành được quyền lực như các nước CS Đông Âu…Nhưng khi giành được chính quyền, ông HCM dùng bạo lực của nền chuyên chính vô sản để củng cố quyền lực và phục vụ QTCS.

Nhạc sĩ Tô Hải, một đảng viên CS đã tham dự ngày ông HCM giành được chính quyền hồi tháng 8/1945, ghi lại ngày lịch sử này trong quyển Hồi ký của một thằng hèn như sau: “Đúng ngày 17/8/1945 chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bụt diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xoá bỏ gông xiềng…Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản ứng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét! Cuộc khởi nghĩa thành công như thế đó! Sau này loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành tự do, dộc lập cho đất nước”. (Việt Luận, Thứ Ba 21/04/2009)

Giành được chính quyền ông HCM đứng ra tiếp đón quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng thay mặt Đồng Minh đến giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Do sự dàn xếp của Trung Hoa, chính phủ liên hiệp Quốc Cộng ra đời. Đến tháng 3/1946 quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc thay quân quân Trung Hoa, theo hiệp ước Pháp Hoa ký kết tại Trùng Khánh ngày 28/2/1946. Jean Sainteny được Cao uỷ Pháp ở Đông Dương cử đến Hà Nội thương thảo với Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà về việc thay thế quân Trung Hoa và tương lai chính trị VN. Ông HCM và Sainteny đã ký Hiệp ước sơ bộ mùng 6/3/1946 trước sự chứng kiến của đại diện bộ Tư lệnh Trung Hoa, lãnh sự quán Anh và phái bộ Hoa Kỳ. Nội dung gồm ba điều khoản sau:
- Pháp công nhận nước VNDCCH là một nước tự do, có chính phủ nghị viện quân đội và tài chính riêng và là một thành phần của Liên bang Động Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Riêng Nam bộ tạm thời do Pháp quản lý để chờ cuộc trưng cầu dân ý của dân chúng Nam Bộ, Pháp hứa sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý này.
- Chính phủ VNDCCH phải lấy tình thân thiện mà đón tiếp quân Pháp, chiếu theo thoả hiệp quốc tế vào thay quân Trung Hoa.
- Sau khi hai bên đã ký, thì phải thi hành ngay những điều đã qui định và mỗi bên phải tìm cách đình chỉ các cuộc xung đột. Quân đội hai bên ở nguyên tại chỗ, tạo không khí hoà hoãn để mở cuộc thương thuyết theo tinh thần thân thiện và chân thật.

Quân TH là chỗ dựa của các đảng phái Quốc gia tham gia Chính phủ liên hiệp Quốc Cộng. Sau khi TH rút khỏi miền Bắc, ông HCM thương thuyết với Pháp, thay vì hợp tác chân thành với các đảng phái chính trị để đấu tranh với Pháp, HCM lại sát hại những người quốc gia đối lập. Giữa năm 1946 khi đến Paris thương thảo với chính phủ Pháp về nền độc lập nước nhà, một đảng viên CS thuộc hệ phái Trotsky chất vấn HCM về việc lãnh tụ nhóm Đệ tứ VN là Tạ Thu Thâu bị Việt Minh sát hại. Ông trả lời: “Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn và chúng tôi rất buồn khi hay tin ông chết…Song tất cả những ai đi sai con đường do tôi đã vạch đều phải bị tiêu diệt” (4)

Trước khi ông HCM đi Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng CS Đông Dương (dù tuyên bố giải tán để phù họp với tình thế) ra chỉ thị: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không ngừng nghỉ một phút công việc sửa soạn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”. (5) Cuối năm 1946, ông Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến phát động chiến tranh chống thực dân Pháp. Chủ trương này hoàn toàn phục vụ cho mưu đồ chiến lược của Stalin vì lúc bấy giờ QTCS đang hình thành hệ thống XHCN thế giới để đương đầu với khối tư bản do HK lãnh đạo. Hậu quả lả là chín năm chiến tranh tàn khốc, đất nước bị chia đôi.

Để phát động chiến tranh giải phóng miền Nam, Đảng CSVN lên án “Đế quốc Mỹ và tay sai âm mưu chia cắt đất nước, hầu nô dịch lâu dài nhân dân miền Nam”. Ông HCM dùng những lời lẽ mị dân rất kêu để khơi động lòng ái quốc nồng nhiệt của đồng bào: “Miền Nam là máu của máu VN, là da thịt của da thịt VN”, nào là “Đất nước VN là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Cuối cùng đi đến kết luận toàn dân “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” vì “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Do đó, máu của thanh niên miền Bắc đã nhuộm đỏ chiến trường ba nước Đông Dương.

Bốn năm sau khi HCM qua đời, tình hình thế giới thay đổi lớn lao. HK tìm cách nâng cao uy tín của Bắc Kinh: Năm 1971 họ không dùng quyền phủ quyết, giúp Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa gia nhập LHQ, trở thành hội viên thường trực HĐBA ngang hàng với LX và HK. Năm 1972 đích thân TT Nixon đến Bắc Kinh hội kiến với Mao Trạch Đông, coi ông ta như là lãnh tụ Thế giới thứ ba để bàn thảo những vấn đề lớn của thế giới: sự xung đột giữa Thế giới Tự do và các nước XHCN. Nhờ đó TC đã hậu thuẫn HK kết thúc chiến tranh VN bằng HĐ Paris. Sau này khi trao gắn Huân chương Danh Dự của Quốc Hội, để tưởng thưởng công lao của Thượng sĩ Roy P. Benaridez trong cuộc chiến VN, TT Ronald Reagan tuyên bố: “Các anh chiến đấu trở về không mang theo chiến thắng, không phải vì các anh bị đánh bại mà vì nguời ta không muốn các anh chiến thắng”. Chiến tranh VN kết thúc chỉ có nhân dân miền Nam là kẻ chiến thắng duy nhất, họ sẽ quyết định tương lai miền Nam, chớ không bị một cường lực nào bên ngoài áp đặt…Nhưng các thế lực cầm quyền VNCH lẫn CSVN do tham quyền cố vị, chỉ muốn làm tay sai cho ngoại bang để giữ vững ngôi vị lãnh đạo lâu dài, họ không chấp nhận các cuộc bầu cử dân chủ tự do có giám sát quốc tế.

Khi HK giảm quân viện, TT Thiệu ra lệnh rút bỏ Vùng Chiến Thuật I và II, ông tuyên bố: “Viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Rõ ràng là cung cách của một tên lính đánh thuê. Trong diễn văn từ chức, TT Nguyễn văn Thiệu chỉ trích HK:
“Các ông bắt chúng tôi làm một việc mà các ông đã không làm nổi với nửa triệu binh hùng tướng mạnh và chi phí cả 300 tỉ mỹ kim trong sáu năm trời. Nếu tôi không nói rằng các ông đã bị Cộng sản đánh bại ở Việt Nam thì tôi cũng xin thưa rằng các ông cũng không thắng được họ. Nhưng các ông đã tìm một lối tháo lui trong danh dự. Và bây giờ,khi quân đội chúng tôi thiếu súng ống, đạn dược, trực thăng, phi cơ, và B-52… Các ông để các chiến sĩ của chúng tôi chết đuối dưới làn mưa đạn của địch. Đó là hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo”.
Ông Thiệu quên rằng khi Đại tá Nguyễn Huy Lợi, Cố vấn quân sự phái đoàn VNCH vừa đến Paris tham dự hoà đàm, Đại sứ Cyrus Vance (sau này là Ngoại trưởng Mỹ thời TT Carter) đích thân đến tiếp ông. Đ/s Vance rất lịch sự và đi thẳng vào vấn đề: Đại tá nghĩ thế nào về hoà đàm này? Ông Lợi trả lời: “Tôi không thể trả lời khác hơn lập trường chính thức của chính phủ là VNCH sẽ thắng trong cuộc chiến này. Vấn đề là cần thời gian vì quân đội đang trong thời kỳ cải tổ và gia tăng quân số. Mình đến hoà đàm là để tỏ thiện chí hoà bình”. Ông Vance trả lời ngay: “Đại tá nhầm rồi. Vì mình không thắng được trong cuộc chiến này, nên mình mới phải tới đây tìm một thoả hiệp”. (6)

Khi mất hết quyền lực ông Thiệu không còn bình tĩnh, ông càng lộ rõ mình là tay sai của Mỹ. Hà Nội tố cáo Việt hoá chiến tranh là âm mưu thâm độc của Mỹ “thay màu da cho xác chết”. Nhưng HK không bao giờ bắt VNCH làm một việc mà người Mỹ không làm nổi. Ông Thiệu đã “tự nguyện” làm việc đó để duy trì quyền lực của mình. Và việc làm đó là “hành động vô nhân đạo của một vị tổng tư lệnh vô nhân đạo”. Ông có một câu nói để đời: “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm!”. Sở dĩ đồng bào không nghe lời ông, vì họ nhìn kỹ những việc ông làm: “Ông dung túng tham nhũng và cho phép gia đình và bà con lạm dụng chức vụ của mình. Ông đã dung túng sự tham nhũng trong chính phủ trung ương để đổi lấy lòng trung thành. Ông nghĩ rằng lạm dụng quyền thế là một hệ thống đã có từ lâu, và ông không tin là có thể thay đổi được giữa chiến tranh”. Đó là nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, và ông kết luận: “Ông (Thiệu) đã lầm khi cho rằng phải chấp nhận tham nhũng để tiến hành cuộc chiến tranh chống Cộng. Vấn đề tham nhũng đã bôi xấu hình ảnh chính trị của ông, của chính phủ, và làm giảm khả năng của VNCH” (7)

HK thấy rõ chính phủ VNCH không thể nào thắng CS được bằng biện pháp quân sự, vì Hà Nội đã dự liệu một cuộc chiến tranh trường kỳ, họ sẵn sàng hi sinh đến người VN cuối cùng để giải phóng miền Nam. VNCH chỉ thắng được bằng chính nghĩa tự do. HĐ Paris là phương tiện để người dân miền Nam chấm dứt chiến tranh và chiến thắng CS. Càng quân viện, Thiệu và bè đảng càng tham nhũng, CS càng mạnh, thanh niên chết càng nhiều. HK không dại gì để Thiệu tiếp tục bòn rút trong cuộc chiến nhất định thua, nên phải chuyển sang thế trận khác. Ông Thiệu và những người trung thành của ông mất hết quyền lực càng lên án Mỹ phản bội.

Trong lúc người Quốc gia lên án Mỹ, những người CS lên án đàn anh TC phản bội. Hà Nội công bố Bạch thư
Sự thật quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong 30 năm qua, tố cáo Bắc Kinh trong cuộc chiến VN vừa qua đã ba lần phản bội Cách mạng VN, mà “lần sau càng độc ác, bẩn thỉu hơn lần trước”. Họ tố cáo Bắc Kinh nào là “thực hiện chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền”, nào là “lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện”. Hà Nội tiết lộ: “Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông nam châu Á”. Thâm độc hơn nữa, họ tìm cách lôi kéo nhiều tướng tá và quan chức ngụy quyền Sài Gòn hợp tác với họ, thậm chí cho người thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn, để tiếp tục chống lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền nam Việt Nam”. (8)

Vì nguyên do trên, sau khi thống nhất đất nước, Hà Nội đứng hẳn về phía LX, cam kết sẽ “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ”, nhằm chủ đích dựa vào LX để bảo vệ nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. (9) Ngoài ra để bảo vệ miền Nam vừa được “giải phóng” (CS hoá) Hà Nội đưa ra chiêu bài tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương” để cột chặt Miên Lào vào VN. Chủ tâm của CSVN là kiểm soát toàn cỏi Đông Dương, họ sợ những lực lượng kháng chiến VNCH dùng lãnh thổ Miên Lào làm bàn đạp để phục quốc. Điều mà họ đã làm trong hơn một thập niên qua để thôn tính MN. Từ đó tạo ra cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba giữa Khmer Đỏ và CSVN.

Mối hiềm khích giữa Bắc Kinh và Hà Nội bắt đầu bùng nổ lớn khi TC nêu ra vấn đề “nạn kiều”, tố cáo chính quyền CSVN xua đuổi, bài xích và khủng bố người Hoa. TC kêu gọi Hoa Kiều ở VN trở về nước. Cuối năm 1977, Hà Nội bắt đầu cưỡng bách người Hoa ở vùng biên giới mà không chịu nhận là công dân VN phải trở về TQ hoặc dồn sâu vào nội địa VN. Bắc Kinh coi đó là sự phản bội tình hữu nghị Việt Hoa do sự thúc đẩy của Mạc Tư Khoa. Do đó từ mùa Hè 1978 TC bắt đầu chiến dịch cô lập VN. Vì sự đe doạ này, Tổng bí thư Lê Duẩn đến Mạc Tư Khoa cùng Brezhnev ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô Việt ngày 3/11/1978. Dựa vào LX, cuối năm 1978 Hà Nội đưa quân sang Cam Bốt, lật đổ Chính phủ Kampuchia Dân chủ (Pol Pot) được Bắc Kinh hậu thuẫn. Với hành động này, Hà Nội không những gây chiến và khiêu khích TC mà còn đào sâu thêm mối hận thù năm 1975 khi họ bức tử Chính phủ Dương Văn Minh, phá bĩnh thế chiến lược của TC. Ngày 17/2/1979 Đặng Tiểu Bình điều động mấy chục vạn quân mở cuộc tấn công qui mô vào VN trên tuyến biên giới dài hơn 1000 cây số, để “dạy cho VN một bài học”.

Tháng 6/1980, khi đến LX nhận lãnh giải thưởng Quốc tế Lenin, Lê Duẩn đề cao: “Liên Xô là người bạn hùng mạnh của VN trong giai đoạn VN phải đương đầu với bọn bành trướng Trung Quốc” Nhưng sau đó, ông Duẩn thú nhận: “Đứng ở tuyến đầu chống đế quốc và phản động quốc tế, VN phải đối phó với một kẻ thù rất độc ác và phải vượt qua rất nhiều khó khăn”. (10) Từ khi xâm lược Cam Bốt, Hà Nội bị Bắc Kinh đe doạ trừng phạt “làm cho VN đổ máu đến chết”. Mặt khác TC hứa chi viện cho Pol Pot chiến đấu đến cùng nhằm làm cho CSVN bị sa lầy ở Campuchia và kiệt quệ vì cuộc chiến này. (11) Song ông Lê Duẩn tin tưởng: “Sự giúp đỡ quí báu của Liên Xô là điều kiện không thể thiếu được để tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. (12) Nhưng không may là chỗ dựa vững chắc LX sụp đổ năm 1991. Lenin -người mà HCM ca tụng như là “người thầy, người cha, là ngôi sao sáng” hướng dẫn ông đến chủ nghĩa xã hội- bị chính những người lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CSLX đạp đổ, bảo tàng viện chất chứa những di tích của ông bị đóng cửa, thành phố mang tên ông bị xoá tên, thi hài ông bị đề nghị mang ra khỏi Công trường Đỏ.

LX sụp đổ nhưng mối thù của TC vẫn còn đè nặng…Song để bảo vệ quyền lực, giới lãnh đạo CSVN xin nối lại bang giao với Bắc Kinh, cam kết hợp tác chặt chẻ với TC chống đế quốc Mỹ, bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Lại cũng chiêu bài chống đế quốc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa…Nhưng từ sau 1975 “Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu ‘bốn hiện đại hoá”. Đó là nhận xét của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN Trần Quang Cơ. Bắc Kinh còn nói rõ họ coi quan hệ với Việt Nam sau này chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa hai nước láng giềng… Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không thể làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại”. Trong quyển
Hồi ức và suy nghĩ (2003), ông Trần Quang Cơ, người đã đại diện Hà Nội trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh tại Thành Đô nhận xét: “Cuộc hội đàm Thành Đô là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì nôn nóng cải thiện với TQ, đoàn ta đã hành động một cách sai nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh, nhưng việc bình thường hoá với TQ làm cho uy tín quốc tế của ta bị hoen ố. TQ một mặt bác bỏ những đề nghị của ta nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta”.

Hơn 10 thế kỷ qua, trải qua các triều đại từ Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn đến thời Pháp thuộc, đất nước ta ngày càng mở rộng…Nhưng từ khi hợp tác toàn diện với TQ, chỉ trong vòng 10 năm, một phần lãnh thổ và lãnh hải lần lượt lọt vào tay ngoại bang. Nếu không vì tham vọng quyền lực, đặt phúc lợi nhân dân lên trên hết, Hà Nội theo gương Bắc Kinh “đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ và phương Tây” thì mối quan hệ TC và CSVN ngày nay có thể phát triển tốt hơn? Còn tham vọng củng cố quyền lực, duy trì chế độ chuyên chính, các lãnh tụ CSVN còn phải nhượng bộ nhiều trước những đòi hỏi của Bắc Kinh. Điều này khiến lòng dân than oán. Sợ rằng một ngày nào đó “thiên triều” hạ độc kế trừng phạt kẻ phản bội để lấy lòng dân VN xây dựng mối hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Trung.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà toàn dân hân hoan đón nhận hồi năm 1945, chỉ có trên giấy tờ. Những thứ đó chỉ để lừa dối đồng bào, không bao giờ có. Trong buổi thuyết trình về đề tài “Nga Xô: hiện tại và tương lai” (Russia: Today and the Future) do tổ chức Harriman Institute bảo trợ, diễn ra tại trường Columbia University vào ngày 02/01/2007, trước hàng ngàn cử toạ, thuộc nhiều thành phần và chủng tộc, ông Mikhail Gorbachev cựu TT Liên Xô kiêm Tổng bí thư Đảng CSLX đã nói: “Chế độ CS mà tôi đã mang cả đời ra phục vụ, chỉ toàn là sự tuyên truyền và các cán bộ đảng (trong đó có tôi) chỉ điều hành quốc gia bằng sự gian dối”. (Việt Luận, 16/01/ 2007)

Chỉ có con đường giúp đất nước thoát qua thảm hoạ là giới lãnh đạo phải từ bỏ tham vọng quyền lực, bàn giao cho thế hệ trẻ điều hành đất nước. Giới trẻ không bị quá khứ và định kiến chính trị chi phối, họ học rộng hiểu nhiều và khôn ngoan hơn những người đi trước. Đó là điều khẳng định vì thảm trạng đất nước từ 1945 đến nay, đã chứng minh khả năng của các thế hệ trước.
Lê Quế Lâm

(1) Phạm Kim Vinh, “Việt Nam 1992: Huyền thoại đầu tư & phát triển”, Việt Luận Xuân Quý Dậu, Úc Châu, 1993.
(2) Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr. 288.
(3) Neil Sheehan, A bright Shinning Lie. Picador, London, 1990, p. 157.
(4) Cao Văn Luận, Bên Dòng Lịch Sử: Hồi ký 1940-1965. Nxb Đại Nam, Sài Gòn, 1966, tr. 97.
(5) Đề cương bài giảng lịch sử Đảng CSVN. Nxb Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980, tr. 163/64.
(6) Nhật báo Người Việt Úc Châu số 462 Thứ Bảy 26/10/2002 (Trích báo Ngày Nay Hoa Kỳ)
(7) Nguyễn Tiến Hưng và J. L. Schecter, Bí Mật Dinh Độc Lập. C& K Promotions, Los Angeles, 1987, tr. 432-433.
(8) Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr. 70
(9) Lê Duẩn, Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của đảng ta. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 112.
(10) Như trên, tr. 209-210
(11) Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc..., Sđd, tr. 90 + 84.
(12) Học Viện Quan hệ Quốc tế, Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta. Nxb Sự Thật, Hà Nôi, 1985, tr.55.
© Thông Luận 2009

No comments: