Wednesday, April 29, 2009

CÔNG TY MỸ BỎ DỰ ÁN BÔ-XÍT NHÂN CƠ

Công ty Mỹ bỏ dự án Nhân Cơ
Cập nhật: 05:58 GMT - thứ tư, 29 tháng 4, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090429_alcoa_bauxite.shtml

Tin cho hay trước khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận về việc không cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dự án khai thác bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), tập đoàn Alcoa của Hoa Kỳ đã quyết định rút lui khỏi dự án thứ hai.

Liên doanh Alcoa World Alumina & Chemicals (AWAC), trong đó Alcoa đóng góp 60% và tập đoàn Alumina Ltd. của Úc đóng góp phần còn lại, đã ký một thỏa thuận hợp tác hồi tháng Sáu năm ngoái để tham gia dự án sản xuất alumina Nhân Cơ, cùng một dự án khác tại Gia Nghĩa, Daklak.

Theo thỏa thuận này, AWAC có quyền mua tới 40% cổ phần của dự án Nhân Cơ, nếu chủ đầu tư là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam được thành lập công ty cổ phần.

Nay người phát ngôn của Alcoa, ông Kevin Lowry, cho hay sau khi khảo sát thực tế, công ty này đã báo cho đối tác Việt Nam rằng họ không tham gia dự án Nhân Cơ, nhưng vẫn theo đuổi dự án Gia Nghĩa.

Như vậy, dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ, với công suất dự kiến 600.000 tấn/năm, cần vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn khác.

Tự đầu tư
Trong kết luận mới đây, dường như Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thay vì kêu gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài, mà gần nhất là Trung Quốc, Việt Nam sẽ tự đầu tư phát triển mỏ Nhân Cơ.

Bài phân tích đăng trong số tạp chí The Economist ra tuần trước bình luận rằng "Việt Nam cần đầu tư của Trung Quốc hơn bao giờ hết". Toàn bộ tổng thể quy hoạch khai thác bauxite và sản xuất alumin của Việt Nam từ nay tới năm 2015 cần 15 tỷ đôla hoặc hơn.

Tuy nhiên, dưới áp lực của xã hội và quan ngại về an ninh quốc gia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đưa ra lựa chọn khó khăn.

Dự án Nhân Cơ nay được nhiều nhà quan sát cho là sẽ gặp chậm trễ, nhất là sau khi kết luận của Bộ Chính trị viết : "Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện".

Kế hoạch phát triển bauxite Tây Nguyên đã thu hút dư luận chưa từng thấy từ trước tới nay.

Nhiều nhân vật từ giới cựu quan chức, tướng lĩnh cao cấp tới các nhà khoa học hàng đầu, đấ lên tiếng phản đối các dự án mà họ cho là "chưa được cân nhắc kỹ" và có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng về cả môi trường, xã hội và an ninh quốc gia.


Công ty Mỹ Alcoa bỏ dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ
Tuesday, April 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94125&z=2
LONDON (NV) - Alcoa, một công ty khai thác và sản xuất nhôm nổi tiếng của Hoa Kỳ, vừa loan báo không còn ý định tham gia liên doanh vào dự án luyện bột nhôm sơ chế (alumina) ở Nhân Cơ (tỉnh Ðắc Nông), Tây Nguyên, theo nguồn tin từ hãng tin tài chính Dow Jones hôm Thứ Ba 28 Tháng Tư, 2009.
Ông Kevin Lowry, phát ngôn viên của Alcoa, cho hay Alcoa vẫn giữ quyết định tham gia khảo cứu khả thi cho một dự án khai thác bauxite khác ở Gia Nghĩa, hợp tác với Tập Ðoàn Than, Khoáng Sản Quốc Doanh CSVN (TKV). Ông không cho biết tại sao Alcoa bỏ ý định hoạt động tại Nhân Cơ.
Alcoa có 60% cổ phần trong công ty Alcoa World Alumina & Chemicals (AWAC) và công ty con này dự phần vào dự án khảo cứu tại Gia Nghĩa.
Lời loan báo của Alcoa đưa ra vào lúc dư luận quần chúng ở trong và bên ngoài Việt Nam chống đối mạnh mẽ kế hoạch khai thác bauxite tại Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng.
Nhiều bản nghiên cứu của các nhà khoa học, của một số tướng lãnh CSVN từng đưa ra kết luận rằng sự khai thác sẽ vô cùng tai hại mọi mặt cho dân tộc và đất nước nếu cứ tiến hành các kế hoạch như nhà cầm quyền Hà Nội đang thi hành. Thế nhưng nhà cầm quyền trung ương cũng như Bộ Chính Trị CSVN đều cả quyết tiến hành các dự án mặc dù ra vẻ nhượng bộ đôi chút.
Sự nhượng bộ này chỉ thấy đề cập tới dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ mà không hề đề cập tới các dự án khác, đặc biệt là dự án tại Tân Rai, Ðồng Nai.
TKV đã ký thỏa thuận với nhà thầu Trung Quốc, và nhà thầu Trung Quốc cũng đã đặt mua hai nhà máy sơ chế alumina của một công ty Nhật Bản. Các trang bị khác và dụng cụ khai thác bauxite được mang từ Trung Quốc sang.
Hàng ngàn công nhân Trung Quốc cũng đã sang làm lậu ở Việt Nam, chuẩn bị khai thác bauxite, cũng như ở các dự án khác từ Nam chí Bắc, gây phẫn nộ cho quần chúng vào lúc thất nghiệp lên cao vì suy thoái kinh tế.
Ðiều lo lắng nhất của dư luận là nhà thầu Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ lạc hậu và đổ chất thải độc hại (bùn đỏ, hóa chất) bừa bãi ra môi trường, biến một phần lớn diện tích tỉnh Ðắc Nông và tỉnh Ðồng Nai thành những sa mạc chết. Chưa hết, hóa chất độc hại, bùn đỏ sẽ theo nguồn nước xuôi xuống các tỉnh phía Nam và các tỉnh của Cam Bốt với các hậu quả không sao lường hết cho con người và môi trường, cả hiện tại và cho các thế hệ tương lai.
Công ty Chinalco của Trung Quốc được nhượng quyền thầu khai thác bauxite ở Tây nguyên và Ðồng Nai hiện đang thua lỗ và phải đóng cửa một số mỏ bauxite ở Trung Quốc vì môi trường sống bị phá hủy nghiêm trọng. Một số nhà khoa học hoài nghi là nhà thầu Trung Quốc nếu không lươn lẹo bằng cách đem các công nghệ lạc hậu đó sang Việt Nam thì họ không thể có lời trong tình hình giá cả khai thác nhôm trên thế giới xuống dốc.
Nhiều phần vì dự án Nhân Cơ đụng vào một khu vực nhậy cảm, được coi như “nóc nhà (khống chế) Ðông Dương” về mặt quân sự, Alcoa đưa tin tránh né để có thể tránh cho mình những chống đối trong và ngoài Việt Nam mà nhà thầu Trung Quốc đang đối diện.
AWAC do công ty Úc Alumina Ltd., làm chủ 40%, ký một thỏa thuận hợp tác với TKV vào Tháng Sáu năm ngoái để khai triển dự án lập nhà máy luyện bột nhôm sơ chế (alumina) ở Nhân Cơ và dự án Gia Nghĩa.
Thỏa thuận cho phép công ty mua 40% cổ phần của công ty cổ phần mỏ bauxite Nhân Cơ (quốc doanh) và nhà máy luyện bột nhôm 600,000 tấn sau khi hoàn tất các khảo cứu cần thiết hồi năm ngoái.
Lowry cho hay Alcoa đã thông báo cho TKV từ năm ngoái là họ không muốn dự phần vào dự án Nhân Cơ trong khi vẫn tiếp tục tiến hành các nghiên cứu khả thi về mọi mặt cho dự án tại Gia Nghĩa về xã hội, môi trường và trữ lượng mỏ, theo lời ông Lowry.
“Hiện dự án Gia Nghĩa đang còn trong giai đoạn lượng giá khả thi,” ông nói. Trước đây, Alcoa từng cho rằng nhà máy luyện bột nhôm sơ chế (alumina) tại Gia Nghĩa có thể sản xuất giữa 1 triệu tấn đến 1.5 triệu tấn hàng năm ở giai đoạn đầu.
Việt Nam ước tính có trữ lượng khoảng 5% bauxite của thế giới. Bauxite được khai thác, sơ chế thành alumina rồi tinh luyện thành nhôm (aluminum).
Mới đây, Bộ Chính Trị CSVN gửi chỉ thị tới nhà cầm quyền nói rằng sẽ cấm TKV bán cổ phần của các công ty khai thác bauxite và luyện alumina ở Nhân Cơ cho nước ngoài.

No comments: