Tuesday, April 14, 2009

GIẢI HOẶC MỘT HUYỀN THOẠI VỀ VĂN CAO

“Giải hoặc” một huyền thoại về Văn Cao
Nguyễn Tôn Hiệt
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=C08E18C47C76B735CA234D952FFC3BBD?action=viewArtwork&artworkId=8520

Nhân dịp ông Võ Văn Nam đang lai rai
“giải hoặc Trịnh Công Sơn”, tôi thấy có hứng để “giải hoặc” một huyền thoại về Văn Cao mà lâu nay tôi chưa có dịp nói ra.

Khi Văn Cao còn tại thế, báo Thế Giới Mới số 40, phát hành tháng 10-1993, có đăng bài viết “Văn Cao: nghệ sĩ đa tài” của Phanxipăng. Trong đó có đoạn:
Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, trước khi phi thuyền Apollo phóng vào không gian, các phi hành gia được nghe một ít nhạc phẩm chọn lọc, trong đó có “Thiên thai” của Văn Cao:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên song
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên
Kìa nguồn hương duyên...


Nếu người Mỹ đọc được đoạn này chắc họ tưởng là truyện khôi hài. NASA chu đáo quá! Trước khi phóng phi thuyền Apollo lên mặt trăng, họ cho các phi hành gia nghe “Thiên thai” của Văn Cao để... lấy hứng!
Nhưng ở Việt Nam thì đó là một bài viết rất mực nghiêm túc, vì đó là bài viết để mừng sinh nhật 70 của Văn Cao.
Sau đó, không thấy Văn Cao nói gì. Có lẽ ông chưa hề đọc bài đó. Hai năm sau, Văn Cao qua đời, và dần dần cái chuyện phi thuyền Apollo ấy càng ngày càng “có thật” hơn, với nhiều chi tiết ly kỳ hơn.

Trong bài
“Tản mạn về người viết Quốc ca Việt Nam (Nhân 60 năm ngày nhạc sĩ Văn Cao viết Tiến quân Ca)” đăng trên Talawas ngày 2.12.2004, ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng bài hát Thiên Thai đã “được chọn đưa vào băng nhạc để các phi hành gia Mỹ đem vào vũ trụ trên tầu Apollo.”
Ái chà! Từ chuyện phi hành gia được nghe “Thiên thai” trước khi bay lên cung trăng bây giờ phát triển thành chuyện Apollo mang “Thiên thai” vào vũ trụ!

Trong bài
“Văn Cao - Nghệ sĩ của tương lai” đăng trên báo Thanh Niên, đăng lại trên vietbao.vn ngày 9.7.2005, nhà thơ Thanh Thảo viết: “... cách đây hơn 30 năm người Mỹ đã đưa bản nhạc Thiên thai của Văn Cao lên vũ trụ...”
Ô là la! Chuyện càng ngày càng có “thật” rồi đây!

Trong bài
“Văn Cao Một Nhân Cách Lớn” đăng trên web Lương Sơn Bạc ngày 4.7.2006, tác giả Lạc Long viết:
“... Văn Cao, các tác phẩm của ông nếu tách riêng ra những tác phẩm đó hoàn toàn tự đững vững và sáng chói trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam và Quốc tế. Đó mới là những tác phẩm vì nghệ thuật đich thực, những tác phẩm trong sáng không mưu cầu lợi danh tầm thường. (Điều này được minh chứng khi NASA đã gom góp tất cả những gì được coi là tiêu biểu của nền văn minh trái đất để làm thông điệp phát vào khoảng không vũ trụ nhằm tìm kiếm những phản hồi của một nền văn minh khác trong vũ trụ. Trong thông điệp này, giai điệu và nét nhạc của Văn Cao đã được chọn, cùng với các tác phẩm kinh điển khác của Bettoven, Moza, ...những thiên tài trên khắp thế giới. Ca khúc Thiên Thai đã được chắt lọc lại, và Việt Nam vinh dự đã góp phần nhỏ bé trong bức thông điệp được gửi từ trái đất đến những nền văn minh khác (nếu có) ngoài vũ trụ bao la).”
Đọc mà sướng từng khúc ruột! Văn Cao sánh vai với các thiên tài Bettoven, Moza... (hai ông này là ai? có phải là Beethoven và Mozart?) để gửi thông điệp âm nhạc “từ trái đất đến những nền văn minh khác (nếu có) ngoài vũ trụ bao la”!

Trong bài phỏng vấn
“Văn Cao hào hùng và Văn Cao lãng mạn” do báo Tổ Quốc thực hiện ngày 10.7.2007 nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói: “Nhờ sức bay bổng của giai điệu, ‘Thiên Thai’ đã được tấu lên bằng dàn nhạc và được các phi công vũ trụ mang theo khi rời trái đất.”
À há! Té ra bài “Thiên thai” không phải được hát bằng một ca sĩ người Việt Nam, mà được “tấu lên bằng dàn nhạc” (cho nó sang? hay vì sợ các hành tinh khác không hiểu tiếng Việt?).
Vân vân và vân vân.

Nhưng sự thật là thế nào?

Sự thật là hồi tháng 7.1969 phi hành gia Neil Armstrong đã mang theo lên phi thuyền Apollo 11 một cái cassette thu lại đĩa nhạc Music Out of the Moon (Nhạc từ mặt trăng) của Samuel Hoffman, trong đó Hoffman chơi những bản nhạc ông tự sáng tác năm 1947 trên cây đàn điện tử theremin, gồm các bài “Lunar Rhapsody”, “Moon Moods”, “Lunette”, “Celestial Nocturne”, “Mist O' the Moon” và “Radar Blues”. Ông cũng mang theo cái cassette thu bản giao hưởng New World Symphony của Dvorak. Nhưng Neil Armstrong đem nhạc theo chỉ để sử dụng cho cá nhân ông chứ không phải để phát ra ngoài vũ trụ. Trong cuốn hồi ký First on the Moon, Neil Armstrong nói ông thích những bản nhạc này, vì âm thanh của đàn theremin nghe rất khác thường, giống như âm thanh từ một hành tinh khác. Trên đường về trái đất, ông đã cho phát một chút nhạc từ cuốn băng này qua đường truyền sóng xuống trái đất như một thông điệp gửi riêng cho bà Jane, vợ của ông. Khi nghe dòng âm thanh khác thường đó, một số nhân viên điều khiển đường bay đã bối rối, tưởng có gì trục trặc, nhưng bà Jane biết ngay đó là thông điệp của ông chồng yêu quý.

Còn về việc đem âm nhạc vào vũ trụ, thì lại là nhiệm vụ của hai chiếc phi thuyền không người lái Voyager I và II. Hai phi thuyền này được phóng vào vũ trụ ngày 16.6.1977 và 20.8.1977, theo kiểu “hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”, sẽ bay mãi mãi vào vũ trụ không bao giờ trở về trái đất. Mỗi chiếc có mang theo một cái đĩa bọc vàng, chứa đựng một thông điệp của Tổng thống Jimmy Carter, cùng những lời chào hỏi của nhân loại bằng 55 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt Nam), những âm thanh tiêu biểu của thiên nhiên, con người, cầm thú, và cơ giới. Ngoài ra, còn có 90 phút âm nhạc tiêu biểu của nhân loại.

Đĩa vàng Voyager và hộp đựng đĩa
http://www.tienve.org/home/images/voyagergr.jpg

Trong 90 phút âm nhạc đó, ta thấy 3 bài của J.S. Bach, 2 bài của Beethoven, vậy nước Đức có 5 bài. Nước Mỹ thì có 4 bài: gồm 1 bài nhạc rock của Chuck Berry, 1 bài nhạc jazz của Louis Armstrong và ban Hot Seven, 1 bài dân ca da đỏ Navajo, và 1 bài nhạc blues của Blind Willie Johnson. Nước Nga có 1 bài nhạc cổ điển đương đại của Stravinsky (tuy lúc đó ông đã mang quốc tịch Mỹ). Nước Áo có 1 bài nhạc cổ điển của Mozart. Nước Mexico có 1 ca khúc đại chúng của Lorenzo Barcelata. Nước Anh có 1 bài cổ nhạc của Anthony Holborne. Úc có 2 bài hát thổ dân, Peru có 2 bài dân ca, Trung Quốc có bài cổ nhạc “Lưu Thuỷ”, Indonesia có bài nhạc cung đình hoà tấu bằng dàn nhạc gamelan, và các nước còn lại là Senegal, Zaire, New Guinea, Nhật, Georgia, Azerbaijan, Bulgaria, Solomon Islands và Ấn Độ, thì mỗi nước có 1 bài dân ca. Đáng lẽ ra ban The Beatles được chọn bài “Here Comes the Sun”, nhưng hãng đĩa EMI lại không đồng ý.

(Muốn biết thêm chi tiết, xin xem ở trang:
http://en.wikipedia.org/wiki/Voyager_Golden_Record)

Vậy mà bây giờ ở Việt Nam lại nổi lên cái huyền thoại bài “Thiên thai” của Văn Cao bay vào vũ trụ! Oan cho Văn Cao, ông mất đi rồi thì mặc tình mà đám văn công bồi bút ra sức bơm ông lên để rêu rao cái đường lối “Chân dép lốp bay vào vũ trụ”!


No comments: