Tuesday, April 14, 2009

CÁI ĐỒNG HỒ CỦA LINCOLN VÀ QUAN TÀI TRỊNH CÔNG SƠN

Cái đồng hồ của Lincoln và quan tài Trịnh công sơn
Đinh Từ Thức
14.04.2009
http://damau.org/archives/5315
Từ đầu tháng Tư, bài viết của Trịnh Cung (TC) về “tham vọng chính trị” của Trịnh Công Sơn (TCS), cùng hàng loạt bài phản bác đã gây sôi nổi dư luận, cả trong và ngoài nước.
Dư luận ngoài nước, có kẻ bênh người chê TC, và đa số được trình bầy một cách ôn hòa. Đó là điều đáng mừng. Dư luận trong nước, không đăng bài TC, nhưng hầu hết đều đánh TC không nương tay. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì đó là đường lối thông tin một chiều do Đảng chỉ huy.

Theo tác giả TC, vốn là bạn thân của TCS trong nhiều năm, mục đích bài viết là cung cấp trọn vẹn sự thật về cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh. Nhưng lại có những phản bác cho rằng nhiều điều họa sĩ họ Trịnh nêu ra không phải là sự thật.
Việc tìm sự thật giữa họa sĩ và nhạc sĩ họ Trịnh khiến người viết liên tưởng tới câu truyện chung quanh cái đồng hồ của Tổng Thống Lincoln. Câu truyện khởi đầu từ gần 150 năm trước, năm 1861, và mới kết thúc vào tháng rồi, ngày 10 tháng 3, 2009. Đầu đuôi như sau:

(Smithsonian Institution/AP)
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/CinghcaLincolnvquantiTrnhcngsn_F2DA/clip_image001_thumb.jpg

Thập niên 70 thế kỷ trước, Luật sư Douglas Stiles tại bang Illinois lần đầu tiên được nghe kể câu chuyện về người ông 5 đời là Jonathan Dillon, vốn là một di dân từ Ái Nhĩ Lan (Ireland) làm nghề sửa đồng hồ, đã khắc một “thông điệp bí mật” bên trong cái đồng hồ của Tổng Thống Abraham Lincoln, vào thời bùng nổ cuộc nội chiến Nam Bắc, tháng 4 năm 1861. Năm ngoái, một người họ hàng bên Ái Nhĩ Lan lại viết thư cho ông Stiles, nói rằng gia đình mới tìm được một lá thư của ông Dillon viết về chuyện thông điệp khắc trong đồng hồ. Thế là ông bắt đầu tìm kiếm trên internet.

Kết quả cho biết: Ngoài những lời truyền tụng trong dòng họ, sự kiện rõ rệt hơn cả, là 103 năm trước, tháng 4 năm 1906, tờ The New York Times đã đăng bài báo cho biết, theo lời kể của ông Jonathan Dillon, lúc đó đã 84 tuổi, thì ông từng làm việc cho công ty M.W. Galt & Company, có cửa tiệm tại Pennsylvania Avenue ở Washington, D.C. Theo lời kể, vào năm 1861, khi ông đang làm việc, thì ông chủ Galt hớt hải chạy lên lầu cho biết: “Chiến tranh đã khởi sự; phát súng đầu tiên đã nổ.”
Ông Dillon kể tiếp: “Vào lúc ấy, tôi có trong tay cái đồng hồ của Abraham Lincoln đang sửa.” Và để đánh dấu biến cố trọng đại này, ông Dillon đã khắc tên của chính mình trên ổ máy trong chiếc đồng hồ quả quýt bằng vàng của ông Lincoln, cùng với “thông điệp” nguyên văn:
The first gun is fired. Slavery is dead. Thank God we have a President who at least will try. (Tạm dịch: “Súng đã nổ. Nạn nô lệ đã cáo chung. Cám ơn Chúa chúng ta có một Tổng Thống ít nhất sẽ cố gắng.”)
Ông Dillon còn nói rằng về sau ông được biết đó là cái đồng hồ đầu tiên của Tổng Thống Lincoln, và rằng ông (Dillon) là người duy nhất trong tiệm có cảm tình với phía Liên Bang (Union). Sau khi khắc chữ, đồng hồ được đóng lại, gửi trả Bạch ốc. Tổng Thống Lincoln bị ám sát năm 1865, ông Dillon qua đời năm 1907.
Cái đồng hồ của Lincoln mà ông Dillon đã đề cập trên tờ New York Times năm 1906, nửa thế kỷ sau được một người cháu 4 đời của ông Lincoln viết di chúc để lại cho Viện Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Hoa Kỳ (National Museum of American History) vào năm 1958.

Luật sư Stiles đã tiếp cận Ban Giám đốc Viện Bảo tàng. Ở đây cho biết cái đồng hồ thỉnh thoảng được trưng bầy cho công chúng coi, phần lớn giữ trong kho vì chỉ là một di vật nhỏ, và không ai được biết hay từng nghe đồn về chuyện có thông điệp bí mật khắc trong đó. Ông Giám đốc Brent Glass đồng ý cho mời một chuyên viên đồng hồ là ông George Thomas ở Maryland tới mở đồng hồ, để tìm hiểu sự thật. Lúc đầu, người ta định mở trong vòng kín đáo, nhưng vì đây là chuyện liên hệ tới lịch sử, nên đã quyết định cho mở công khai.
Ngày 10 tháng 3, 2009, khoảng 40 người gồm giới truyền thông và quan chức viện bảo tàng, quy tụ trong một phòng họp để theo dõi việc truy tìm sự thật. Sau một chút khó khăn ban đầu mở cái đồng hồ cũ trên 150 năm, mọi người nín thở vào giờ phút ông Thomas vừa mở mặt sau đồng hồ, vừa nói: “Giờ lịch sử đã điểm. Có hay không có ghi khắc?”
Rồi ông loan báo: “Có những chữ khắc!”
Mọi người thở phào. Nhưng thông điệp bí mật không hoàn toàn giống với lời kể của ông Dillon hơn trăm năm trước. Khắp trên mặt sau ổ máy mỏng dính là những chữ khắc nhỏ li ti:
Jonathan Dillon April 13-1861. Fort Sumpter was attacked by the rebels on the above date. J Dillon. (Jonathan Dillon 13 tháng Tư 1861. Đồn Sumpter đã bị loạn quân tấn công vào ngày trên. J Dillon.)
Phía dưới bên trái nằm thẳng góc với những chữ này lại có khắc thêm:
April 13- 1861 Washington thank God we have a government John Dillon. (13 tháng Tư 1861 Washington cảm tạ Chúa chúng ta có một chính quyền John Dillon.)
Nằm ở góc giữa hai hàng chữ trên, có khắc mấy chữ: “LE Grofs Sept 1864 Wash DC,” và dưới cùng, trên cái đai vắt qua một bánh xe răng cưa, là hai chữ “Jeff Davis.” Người ta đoán, có thể đây là chữ do một thợ sửa đồng hồ khác khắc thêm sau này, và là người ủng hộ miền Nam, nên khắc tên của Tổng thống phe ly khai là Jeff Davis.
Ngoài tên họ của mình, ông Dillon chỉ khắc có 24 chữ, nhưng đã có nhiều chỗ sai. Bên cạnh sai sót về đánh vần (Sumpter thừa chữ p), còn sai về ngày. Nội chiến bùng nổ ngày 12 tháng 4 khi quân ly khai tấn công đồn Sumter tại South Carolina, nhưng ông Dillon khắc là 13 tháng Tư. Sai lầm đáng chú ý hơn cả là chữ khắc trên đồng hồ đã khác với lời kể của chính ông.

Người viết không trực tiếp quan sát vụ mở đồng hồ, mà đọc trên báo. Muốn chắc ăn, đã so sánh bài tường thuật trên hai nhật báo uy tín nhất nước Mỹ là New York Times với Washington Post. Về thứ tự các chữ khắc trên đồng hồ, hai báo tường thuật khác nhau. So sánh với hình chụp, New York Times mô tả gần với thực tế hơn (như đã trình bầy), trong khi theo Washington Post thì những chữ khắc của ông Dillon được xếp đặt như sau:
Jonathan Dillon April 13-1861. Fort Sumpter [sic] was attacked by the rebels on the above date thank God we have a government. [He added “Washington” and his name again.] (Jonathan Dillon 13 tháng Tư 1861. Đồn Sumpter đã bị loạn quân tấn công vào ngày trên cảm tạ Chúa chúng ta có một chính quyền.’ [Ông ấy ghi xuống chữ “Washington” và tên ông ấy một lần nữa.])

(ảnh của Smithsonian Institution/Associated Press)
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/CinghcaLincolnvquantiTrnhcngsn_F2DA/clip_image002_thumb.jpg

Từ kinh nghiệm cái đồng hồ của ông Lincoln, khó ai có thể nói chắc có bao nhiêu phần trăm sự thật trong bài viết của ông TC, cũng như những lời phản bác về bài này. Chính tay ông Dillon đã khắc mấy chục chữ do ông là tác giả vào đồng hồ, nhưng lời kể lại của ông đã không giống hoàn toàn những gì ông khắc. Vậy, cho dù ông TC không chủ tâm nói sai, đã chắc gì ông nói đúng. Nhất là những sự việc ông không chứng kiến, mà chỉ nghe người khác nói lại. Như ông Dillon được nghe tin chiến tranh bùng nổ vào ngày 13 tháng 4, ông vội khắc trên đồng hồ súng bắt đầu nổ hôm ấy, nhưng thực ra chiến tranh khởi sự vào hôm trước.

Ngay cả những lời lẽ và thái độ phản bác ông TC, ai biết chắc có bao nhiêu sự thực? Ví dụ, có ông kể rằng, vì giận thái độ “phản bạn” của TC, ông đã gỡ bức tranh do họa sĩ này vẽ vẫn trân quý treo trong phòng khách nhà mình, mang đến cho một chủ tiệm ăn, ông này tuy biết lai lịch bức tranh quý, nhưng vừa được nghe truyện xấu về người vẽ, đã dẫy nẩy ném trả tranh, giận dữ văng tục xua đi như đuổi tà. Không hiểu ông chủ tranh và ông chủ quán đạo đức cùng mình này có biết ngày nay nước Đức vẫn gìn giữ tranh của Hitler trong viện bảo tàng? Cuối cùng, ông chủ tranh đã phải vất tranh xuống một bến Cảng, còn mỉa mai sợ tranh do kẻ phản bạn vẽ làm ô nhiễm nước biển! Có bao nhiêu sự thật trong câu chuyện này?

Dầu sao, trước những sự thật khó kiểm chứng, có một điều ai cũng thấy: TCS là “sản phẩm” của miền Nam vĩ tuyến 17. Chính dưới cái chế độ miền Bắc từng miệt thị gọi là “Ngụy” này, tài năng TCS đã có điều kiện phát triển tới cao độ. Rồi từ khi sống dưới chế độ cộng sản, với những người tự nhận mình là “Đỉnh cao trí tuệ,” TCS bắt đầu thui chột. Cộng sản không chỉ làm hại một mình TCS, mà đã làm hư đi những tài năng của nhiều thế hệ. Khởi đầu là những Phạm Quỳnh, Khái Hưng… bị thủ tiêu, rồi tới những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo bị tàn lụi; chưa kể những tài năng khác bị làm cho thân bại danh liệt như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán… của nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm.

Giả tỉ như bài viết của TC có những điểm không đúng với sự thật làm phương hại tới thân thế TCS, thì có thấm gì với những biện pháp tàn ác đảng Cộng sản đã và đang áp đặt lên những tài năng của đất nước. Báo Thanh Niên kết tội TC “ngậm máu phun người,” trong khi ký giả lớn của mình là Nguyễn Việt Chiến bị chế độ phun nọc độc, và bắt bỏ tù. Sao không dũng cảm bảo vệ đồng nghiệp, mà đổ xô đi đánh TC? Phải chăng vì “hắn” vốn là một “Sỹ quan Ngụy”? Có thể đánh Ngụy dễ dàng như đấm bị bông, còn nói xa gần tới Đảng thì quá rét!

Thử tưởng tượng, TCS và TC là đôi bạn thân sống tại miền Bắc trước năm 1975: TC là một sỹ quan QĐND, biết rõ những liên lạc thầm kín của TCS với những người hoạt động cho phía bên kia. TC có bổn phận báo an ninh bắt TCS, và phải báo để khỏi liên lụy không? May mắn cả hai người đã sống tại miền Nam, nơi chẳng phải cái gì cũng tốt đẹp, nhưng ít nhất tình bạn được coi trọng hơn tình đảng, nên TCS chẳng những không bị bắt, còn được che chở để tự do sáng tác.

Hàng loạt báo chí trong nước hùa nhau lên án TC là kẻ phản bạn, viết bài nói xấu bạn vào ngày giỗ. Dưới chế độ cộng sản, bạn bè — nhất là bạn đồng nghiệp trong giới văn học nghệ thuật — thường đánh nhau ngay khi còn sống, đánh theo lệnh Đảng để bảo vệ quyền lợi của mình. Không đợi chết rồi mới đánh, mà đánh cho chết, hoặc không ngóc đầu lên nổi.
Ngày nay, ai cũng có thể dễ dàng lên mạng talawas bộ cũ, đọc hàng trăm bài của những “bạn văn nghệ” đánh nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm dữ dội và bẩn thỉu như thế nào. Sao không thấy nhà đạo đức nào trong nước lên tiếng? Hay người ta cần bảo vệ TCS như là một “Anh hùng dân tộc”? Có vị anh hùng dân tộc nào khi xưa sáng chói cầm quân, được thế giới kính nể, rồi bị Đảng làm nhục bằng cách cho “cầm quần chị em” như Tướng Giáp? Có bao nhiêu người đã đứng lên bảo vệ ông?

Báo trong nước còn lên án TC không tôn trọng sự thật. Cứ làm như Lăng ông Hồ ở khu Ba Đình là đền thờ Thần Sự Thật! Có bao nhiêu sự thật qua lời tuyên bố của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đối thoại trực tuyến với dân chúng vào ngày 9 tháng 2, 2007 rằng: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.” Và cũng vào dịp này, ông Dũng đã tuyên bố, ông cấm tư nhân hóa báo chí, là “đúng theo ý chí nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân ta.” Có dân nước nào tuyệt đại đa số muốn được bịt miệng như thế? Hay chính vì “tuyệt đại đa số nhân dân ta” như thế, nên đã coi nhẹ sự thiếu thành thật của ông Dũng, và coi nặng sự thiếu thành thật của TC? Có bao nhiêu người coi trọng sự thật ở trong nước cảm thấy ngứa ngáy, khi hàng ngày sống chung với chuyện bịa (anh hùng Lê Văn Tám); nhất là khi có con học tại trường, hoặc chính mình cư ngụ tại đường mang tên anh hùng tí hon này?

Có người sống tại miền Nam trước kia, căn cứ vào bài của TC mà nói “I told you so!” Đã nói rồi mà! Đó là “thằng làm lợi cho cộng sản, đâm sau lưng chiến sĩ!” Thay vì nói như vậy, quý vị này nên hãnh diện. Còn gì đẹp bằng một cuộc chiến đấu không phải chỉ để bảo vệ xóm làng bà con mình, mà còn bảo vệ cả những kẻ có thể đâm sau lưng mình! Hãy so sánh với hoàn cảnh của những người từng cầm súng ở phía bên kia. Họ chiến đấu không phải để bảo vệ cả những người có thế bất đồng ý kiến hay có thể đâm sau lưng họ. Họ chiến đấu mà không thể bảo vệ được chính bản thân và gia đình họ. Họ chết, họ phải hy sinh theo lệnh để bảo vệ những kẻ lập kế hoạch giết ông bà cha mẹ họ hàng bạn bè họ, trước khi giết hoặc hành hạ chính họ. Trong khi báo chí quốc doanh cộng sản “vơ vào,” tung hô TCS tận trời xanh, mà quý vị kiên trì lên án TCS, chẳng khác gì người có kim cương trong túi, mà dùng để đuổi gà, ném chó.

Người ta đã có thể mở nắp đồng hồ của ông Lincoln để biết rõ đâu là sự thật. Nhưng người ta không thể mở nắp quan tài TCS để kiểm chứng lời nói của TC. Khi không thể biết chắc đâu là sự thật, thì nên chọn thái độ biết tới đâu, hay tới đó, thay vì ai cũng nghĩ rằng mình nắm trong tay sự thật tuyệt đối, và có quyền buộc tội kẻ khác.

------------------------------------------

bài đã đăng của Đinh Từ Thức:
Cái đồng hồ của Lincoln và quan tài Trịnh công sơn - 14.04.2009
Tiếng nói của nghệ thuật, tiếng nói của hành động - 24.02.2009
On visiting, on returning: reading Beyond the sea - 14.02.2009
Chuyện Đi, Về – Đọc Nếu Đi Hết Biển - 13.02.2009
60 năm Hoàn vũ nhân quyền - 10.12.2008
22 tháng 11 - 21.11.2008
thông điệp obama - 11.11.2008


No comments: