Tuesday, April 14, 2009

CẪM VẬN, PHONG TOẢ ?

Cấm vận, phong tỏa?
Trần Khải
Đăng ngày 14/04/2009 lúc 02:10:05 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3687
Có nên cấm vận các nước như Việt Nam, Miến Điện, Bắc Hàn, Cuba nữa hay không? Có nên kêu gọi ngăn sông cấm chợ tạị các nước hung thần nhân quyền này hay không? Hay là nên kêu gọi du khách quốc tế đổ bộ vào các nước này đông thêm để sẽ diễn biến hòa bình?

Đó là các câu hỏi đã được suy xét đối với Mỹ từ nhiều thập niên rồi. Thực tế, không dễ trả lời. Như trường hợp Hoa Kỳ đã giao thương và đầu tư tại Trung Quốc và Việt Nam, nhưng các bước tiến nhân quyền vẫn chưa thực sự ở các tốc độ như ý. Nhưng nếu cấm vận trở lại, cũng chưa hẳn có lợi, và cũng không có cớ nào đủ mạnh.

Một trường hợp “gân gà” của Mỹ là Miến Điện. Báo Washington Post hôm 13-4-2009 viết rằng Hoa Kỳ đang duyệt xét lại chính sách cấm vận Miến Điện. Báo này nhắc rằng Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton khi thăm Châu Á hồi tháng 2-2009 có nói như thế, vì “cấm vận không ảnh hưởng gì tới chính phủ quân phiệt Miến Điện. Nhưng chìa tay ra để lôi kéo họ làm việc cũng không được”.
Báo này nói, trong 12 năm qua, Mỹ đã cấm vận nghiêm ngặt Miến Điện, ngăn chận nhập cảng, đầu tư, mọi quan hệ tài chánh... trong khi Khối ASEAN linh động hơn, mời gọi Miến gia nhập ASEAN từ năm 1997 để lèo lái Miến cởi mở. Hai cách đều hỏng. Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia.

Chỉ được chút điểm sáng: Sean Turnell, chuyên gia Úc Châu về Miến Điện, nói gỡ cấm vận thực ra có lợi cho xã hội Miến hơn, ít nhất là chính phủ Miến đã chịu thả 2,100 tù nhân chính trị sau khi có áp lực ASEAN.

Thant Myint-U, tác giả cuốn sách về lịch sử Miến Điện nhan đề The River of Lost Footsteps, ông cũng là cháu của cựu Tổng Thư Ký LHQ U Thant, nói rằng cấm vận hiện nay chỉ làm hại người dân Miến Điện bình thường thôi, không làm hại ông tướng Miến Điện nào.

Còn một thực tế nữa, báo Washington Post nói rằng tình hình Mỹ cấm vận đã đẩy Miến Điện lệ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc hơn, và về lâu dài sẽ thiệt hại cho quyền lợi Hoa Kỳ và Tây Phương ở Châu Á.
Thực tế, điều đó cũng đã thấy rõ ở Việt Nam. Và bây giờ không thấy ai kêu gọi Mỹ cấm vận Việt Nam nữa.

Đó cũng là lý do Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Hai 13-4-2009 chỉ thị cho các gia đình Mỹ gốc Cuba được tự do viếng thăm, không giới hạn và gửi tiền về cho gia đình họ ở Cuba, Và “sẽ có thêm các bước nới lỏng các hạn chế của Mỹ đối với Cuba”, theo lời phát ngôn nhân Bạch Ốc Robert Gibbs.

Nếu chúng ta nhớ rằng, khi cựu Tổng Thống George Bush tái tranh cử Tổng thống năm 2004, viếng thăm Miami, nơi có đông dân gốc Cuba, tuyên bố rằng chế độ Fidel Castro sẽ sụp đổ trước khi ông Bush hết nhiệm kỳ. Nhưng TT Bush xuống rồi, anh em Castro vẫn còn đó, và chế độ độc tài này vẫn vững vàng. Thế nên, TT Obama phải đổi nứớc cờ. Tình hình này thực ra cũng vì suy nghĩ của dân Mỹ gốc Cuba đã đổi chiều. Không phải là họ ủng hộ chế độ Castro, hay họ lưng chừng xôi đậu. Mà vì phong trào dân chủ Cuba cần giao lưu mạnh với hải ngoại. Tất cả mọi sự cô lập, giai đoạn này đều sẽ bất lợi cho dân Cuba và chỉ làm lợi cho anh em Castro.

Hiện thời có 1.5 triệu dân Mỹ có thân nhân tại Cuba. Bản tin AP nói rằng Obama hy vọng sự cởi mở, gỡ cấm vận, gửi tiền về ào ạt và cho dân Mỹ gốc Cuba đổ bộ về Cuba sẽ “tạo thêm không gian mới cho dân tộc Cuba trong nỗ lực đòi tự do chính trị và một chính phủ dân chủ, một phần bằng cách làm cho họ bớt lệ thuộc vào chế độ Castro”.

Bản tin AP cũng nói là Obama cho phép gửi quà về Cuba, và cấp giấy phép cho các công ty muốn kinh doanh truyền thông tại Cuba.
Chuyện này không có gì bất ngờ. Obama đã nói từ tháng 5-2008 khi vận động tranh cử tại Miami, “Không có các đại sứ nào cho tự do xuất sắc hơn dân Mỹ gốc Cuba. Đã tới lúc để dân Mỹ gốc Cuba về thăm mẹ cha của họ, thăm anh chị em của họ. Đã tới lúc hãy để người Mỹ gốc Cuba gửi tiền về cho gia đình của họ bớt lệ thuộc vào chế độ Castro”.
Lúc đó, Obama đã chỉ trích TT Bush, khi Obama hứa sẽ rời bỏ chính sách phong tỏa Cuba. Obama năm ngoáí nói, “Họ đi tới Miami, họ nói giọng cứng rắn, họ lại trở về Washington, và không có gì thay đổi tại Cuba”.
Obama cũng hứa sẽ ngoạị giao trực tiếp với Cuba, “không điều kiện tiên quyết,” nhưng là với “sự sửa soạn cẩn trọng” và “một nghị trình minh bạch”.
Lúc đó, Obama nói, “Chưa bao giờ, trong trọn đời tôi tới giờ, dân Cuba biết tới tự do. Chưa bao giờ, trong hai thế hệ dân Cuab tới giờ, dân Cuba biết tới tự do. Tình trạng ngưng đọng bi thảm này chúng ta đã thấy nưả thế kỷ rồi -- về những cuộc bầu cử không có tự do chút nào ở Cuba; về các nhà bất đồng chính kiến bị giam trong ngục tối chỉ vì nói lên sự thật. Tôi không đứng với bất công, quý vị không đứng với bất công; và cùng nhau, chúng ta sẽ đứng lên bênh vực cho tự do tại Cuba”.

Cấm vận, phong tỏa, ngăn sông cấm chợ, thấy rõ là chỉ làm cho anh em Castro và Kim Jong-Il mạnh hơn, tàn bạo hơn, và làm người dân đói nghèo hơn. Nhưng nếu gỡ cấm vận, thế nào là sự “sửa soạn cẩn trọng” và “một nghị trình minh bạch” để sớm có dân chủ tự do cho người dân các nứớc bất hạnh này?

Đó không phải là câu hỏi riêng cho người Cuba và người Mỹ gốc Cuba, mà cả cho người Việt Nam và người Mỹ gốc Việt Nam.
Trần Khải

No comments: